Ngày qua, Xuân đến, Đông tàn đã tô bồi và tiếp nối thời gian vô tận, trời đất lắm đổi thay diện mạo, thì tình người cũng nhạy bén tinh vi trong mọi giao tế đời thường.
Từng đợt sóng ngầm của biển khơi đã lấp dầy cơn giận của Thủy cung, nên trần gian kiếp sống đọa đày bao phen chất ngất thương sầu!
Để ánh mắt sau cơn bão đi qua, xóm làng, vườn ruộng tiêu sơ, hao của mất người đã và đang thấm mặn nghĩa tình con Lạc cháu Hồng, tương đồng như trên nếu chư Ni trẻ, không biết giữ mình thì khác nào con thiêu thân bay vào lửa, Thầy Tổ ngồi buồn ngắm lá xanh rơi, đệ huynh, xót xa vương dòng lệ nóng.
Xưa kia đất nước quá điêu linh, nhiều biến cố xâm lăng, ách đô hộ một ngàn năm đã tôi luyện nét đặc thù cứu nước, thương dân ngày càng khởi sắc cho lứa tuổi đôi mươi, để từng phút giây tìm lại độc lập hòa bình cho đất Việt.
Bằng tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi, xa xưa chư Tổ đã âm vang lời dạy: “Người hoằng đạo, không phải đạo hoằng người”, quả thật các Ngài đã đẩy đà, khai mối đạo, vét nạo lòng lạch cho trăm sông dẫn nước về nguồn.
Thế nên, không cần biện luận hay đa ngôn, nhiều lý lẽ cho nhịp sống đầy xa hoa, náo nhiệt mãi lên ngôi, phải biết và thấy được điểm dừng để kịp lúc, đúng thời nâng cao giá trị tâm linh đạo đức, hộ trì cấm giới để thánh hóa niềm tin cho Phật tử tại gia.
Ngày mai hay trong hiện tại, chư Ni là cánh tay trái của Giáo hội nói chung và mỗi tỉnh nói riêng, đều ý thức chung bọc chung nguồn, để dốc sinh tồn của dân tộc và Ni đoàn không nhạt nhòa dấu bước, từ đây chiếc áo màu lam, tay trong tay nguyện mở rộng lối mòn cho ngàn sao kết nối đuốc từ bi.
Chư Ni hậu học quá đủ đầy duyên phước, so với người xưa ẩn dật núi rừng, trăm thứ uống ăn đơn sơ bình dị, nào là dã thú hiểm nguy… vẫn không sờn lòng nản chí từ lời nói đến việc làm đều nghiêm minh giới Luật, dù sở học không vương nét bút, không bằng cấp thấp cao, quý Ngài luôn là minh triết cho tuổi trẻ soi gương nhìn lại bằng cấp Tiến sĩ tuyệt đỉnh của mình vẫn là hòn sỏi nằm bên cạnh non cao.
“Đau khổ lắm thay hỡi các ông
Nói cho mà biết đặng ghi lòng
Non châu đã đến không tầm báu
Lủi thủi ra về rất uổng công.”
Quả thật, ngày nay chư Ni trẻ đầu tư quá nhiều thời gian để trau giồi kiến thức, phấn đấu đầy gian khổ để đạt mục tiêu danh vọng thường tình, nhưng lối mòn của người xưa tu thân chứng đạo chưa mấy ai đến đích. Phải chăng nhẹ phương án hành trì nên đành ngồi ngắm mây bay!
Mở rộng lối mòn là sứ mạng của lớp Ni trẻ kế thừa, giống như tre tàn măng mọc, gìn lòng buộc ý, hiểu sâu trạng thái “tinh thoáng” của tâm chợt đến, chợt đi; vì sinh ra tạo nguồn và chết đi để trở thành lối về của nó. Chư Ni qua lối mòn ngày nay đã thay hình đổi dạng đến mức báo động, canh tân, phát triển, nâng cấp hoành tráng, phố cao nhà rộng, học vấn uyên thâm, dẫu biết rằng: “Con hơn cha là nhà có phúc.”
Một biểu tượng mở cờ lời Tổ tiên chúc phúc, song le không nên chú trọng vào sở kiến, sở văn, nhẹ phần tu tập, vi tính, văn minh, internet, mở đà truyền thông, tin tức nhanh như tia chớp, chuyện thị phi phải trái cũng bi ai, nghịch cảnh trên Facebook, có không không có chẳng đủ lòng tin cho những ai biết quân bình cán cân công lý, và sự soi sáng của lương tâm, quả thật người xưa tuy gần mà dài xa cách quá!
Cốt lõi và quy trình của cuộc sống trong xã hội không gì bằng chân thật, thẳng ngay, ông bà thường dạy: “Cái nết đánh chết cái đẹp” đã khéo dạy chúng ta biết cách ứng xử để hài lòng nhau khi giao tế. Gia đình hòa thuận, con ngoan cháu thảo là phước lạc cho người đời, còn nếp sống Thiền môn quy củ lại càng cao hơn để làm ruộng phước điền cho chúng sanh gieo hạt và niềm tin Phật tử tại gia soi lối.
Từ những ý niệm trên, chư Ni trẻ cần Giới hạnh hơn là học vấn, cần đức độ phạm hạnh hơn là sở học, cần chí hiếu hơn là bội nghĩa vong ơn, cần khiêm cung nhã nhặn hơn là ngã mạn kiêu sa, cần tri túc hơn là hào nhoáng bên ngoài, đôi khi đánh mất và làm giảm giá trị của người Tu sĩ. Cần và cần nhiều những đức tính “Thiệu long Tam bảo”, khơi lại nét đẹp Thiền môn, truyền thống Á Đông, có như thế mới xứng danh Thích Nữ hậu học, từng lối mòn chân bước nở ngàn hoa.
Người xưa dù đã mỏi mòn
Dấu chân son sắt vẫn còn ngàn năm
Tình lam dù ở xa xăm
Chị em chung bước thành tâm kết đoàn
Hạnh tu quyết giữ vẹn toàn
Lối mòn ngày trước vuông tròn tứ ân
Đạo đời giới Luật cân phân
Quả lành trái ngọt tràn dâng hương từ.
TKN. Như Như (ĐSHĐ- Xuân Giáp Thìn)