1. Sơ lược lịch sử chùa Pháp Hoa
Chùa Pháp Hoa (tọa lạc tại số 220A đường Lê Văn Sĩ, quận 3, TP. Hồ Chí Minh) là một ngôi tự viện thuộc Phật giáo Bắc tông, được Hòa thượng Thích Tuệ Hải xây dựng năm 19671. Ra đời trong khoảng thời gian đất nước còn nhiều khó khăn, ngôi chùa thiếu sự trợ duyên lớn từ thập phương bá tánh nên các hạng mục xây dựng đều rất đơn sơ. Không gian kiến thiết buổi đầu chỉ hướng đến thờ Phật và làm nơi cư trú cho chư Tăng. Năm 1982, Hòa thượng tạo tự viên tịch, giao chùa lại cho Sa di Thích Tâm Thông. Gánh vác ngôi già lam trong lúc tuổi đời ngày một lớn, Sa di đã nỗ lực đảm nhiệm được 16 năm rồi viên tịch.
Năm 1999, Tông môn Tổ đình Vĩnh Nghiêm và quý Phật tử chùa Pháp Hoa thỉnh TT. Thích Thọ Lạc kế nhiệm. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử2, ngôi chùa từ khi thành lập đến lúc Thượng tọa về Trụ trì ngày một xuống cấp. Thượng tọa vận động Phật tử chung tay xây dựng ngôi bảo tự trên mô hình kiến trúc văn hóa Phật giáo miền Bắc. Năm 2004 – 2005, công trình đi vào hoàn thiện và lạc thành. Gần 25 năm kế thừa và phát huy truyền thống tu học của Tông phong trên mảnh đất Nam Bộ, đến nay Pháp Hoa tự đã trở thành một chốn tòng lâm trang nghiêm, thanh tịnh, thu hút mạnh sự quan tâm tu học của nhiều tầng lớp tín đồ. Riêng nói đến việc tiếp quản tự viện hiện tại đã được Hòa thượng giao lại cho TT. Thích Quảng Minh (từ năm 2020) làm Trụ trì đời thứ tư. Trên thực tế, Hòa thượng Thích Thọ Lạc hiện đang đảm nhiệm một số vai trò quan trọng trong Giáo hội và Trụ trì nhiều ngôi tự viện khác tại miền Bắc. Có thể nói, chùa Pháp Hoa dù chỉ tồn tại hơn nửa thế kỷ nhưng đã trải qua bốn đời Trụ trì và nhiều lần trùng tu để có được diện mạo như ngày nay. Chùa cũng thể hiện được sự giao thoa các nền văn hóa nghệ thuật, kiến trúc cổ xưa độc đáo, có giá trị đặc biệt và màu sắc đặc trưng mang đậm truyền thống Việt3 .
2. Kiến trúc và mô hình thờ tự
Chùa Pháp Hoa có kiến trúc giống một số ngôi chùa Bắc tông khác tại Việt Nam. Trong tổng diện tích rộng 620 m², ngôi chùa sừng sững tọa lạc bên kênh Nhiêu Lộc với tòa chính giữa được xây 3 tầng: tầng trệt đa năng thường dùng các sự kiện hội họp, tế lễ, trai đường; tầng hai phụng thờ chư vị Tổ sư khai sơn tạo tượng và chư vị chân linh; tầng ba là điện Phật được bài trí trang nghiêm; tòa chính giữa tôn thờ Đức Bổn Sư Thích Ca, hai tòa bên nhà thờ Bồ Tát Quan Âm và Địa Tạng. Các pho tượng được chạm trổ bằng gỗ mít, phủ sơn vàng, chiều cao chiều rộng cân đối với không gian thờ tự. Bên cạnh chánh điện còn có hai dãy nhà 3 tầng làm chỗ lưu trú của chư Tăng, phòng Tăng, phòng khách, Văn phòng Thường trực của Ban Văn hóa Trung ương và các sinh hoạt khác của chùa.
Nhìn từ bên ngoài, toàn bộ tường thành phủ sơn vàng óng, các cột trụ đỏ sậm. Màu sắc có nét đặc trưng rất riêng, phù hợp mỗi không gian sử dụng. Hoa văn điêu khắc đa dạng, song hành cùng bộ mái ngói màu nâu là hệ thống đầu đao cong vút, sắc nét. Đặc biệt, mỗi cửa sổ đều chạm trổ một Thánh tượng chính giữa, xung quanh là phong cảnh thiên nhiên hoa, mây, trúc, rồng, tháp… được khắc họa tỉ mỉ. Hoa văn cửa võng được họa tiết hình bông sen tinh xảo, màu sắc đồng sậm pha chút nhang khói cũ kỹ mang tính cổ xưa. Các đối liễn, bao lam từ chính điện xuống tầng trệt đều được viết bằng chữ Hán, mỗi câu chữ ở từng vị trí có kích thước, ý nghĩa khác nhau. Toàn thể cảnh chùa được thiết trí một cách hệ thống và liên hoàn, kiến trúc cân đối với ba tòa chính uy nghi lộng lẫy, pha một chút ấm cúng trầm mặc4.
Nằm ở vị trí trung tâm thành phố với bốn mặt tiền, Pháp Hoa đứng ở không gian nào cũng có thể đón bình minh thức dậy, hoàng hôn ẩn mình. Đặc biệt, mặt tiền ngôi chùa là dòng kênh lớn uốn khúc. Trên thế giới từng có nhiều dòng sông, kênh rạch nằm trong thành phố như sông Hoàng Phố dòng sông được ví như dải lụa mềm thơ mộng, độc đáo của Thượng Hải hay Amsterdam, Hà Lan có 4 kênh lớn đã tạo ra một mê cung thực sự cho du khách, tất cả đều được thế giới ca ngợi. Nhưng phải nói thật rằng kênh Nhiêu Lộc là con kênh có độ uốn khúc, bay lượn mềm mại không kém phần hấp dẫn, thuở xưa nổi tiếng dơ đục khiến người dân cư trú nơi đây cảm thấy ngán ngẩm. Tuy nhiên, đến nay diện mạo của chúng đã thay đổi khá nhiều, dòng nước của kênh mỗi ngày lên xuống gợn sóng êm đềm, được bao bọc bởi những bức tường, những hàng hoa giấy rực rỡ khi nắng về. Thiên nhiên và sự lãng mạn hòa quyện dọc theo hình ảnh ngôi chùa phản chiếu xuống mặt nước vẻ đẹp hiếm có. Nhờ đó, giá trị về hình thức được nâng tầm, tâm thức con người cũng khác đi. Với công đức của chư vị Trụ trì, ngôi chùa Pháp Hoa đã làm nên nhiều dấu ấn, được nhiều người biết đến và chắc chắn có một vị trí đẹp trong lòng mọi người. Thông qua những nghiên cứu khoa học, Pháp Hoa cũng đã được liệt vào 500 danh lam của Việt Nam5.
3. Lễ hội tâm linh
Giữa lòng hòn ngọc Viễn Đông, Pháp Hoa bảo tự được xem là một ngôi già lam có vị trí đắc địa tại quận 3, đảm bảo cân đối được điều kiện giao thông, tiết khí thuận lợi. Nhờ đó, chùa Pháp Hoa gói trọn nhiều giá trị đặc trưng của Phật giáo Bắc tông tại miền Nam, bao gồm các phương diện văn hóa, giáo dục, kiến trúc thẩm mỹ. Hàng năm, bổn tự tổ chức nhiều lễ hội lớn: lễ hội hoa đăng mùa Phật đản, lễ Vu lan và Tết cổ truyền. Đặc biệt, ngôi chùa được mệnh danh chùa lồng đèn và lễ hội hoa đăng Phật Đản lớn nhất Việt Nam. Các lễ lớn quy tụ số lượng khách thập phương khá đông, ước chừng vài chục nghìn người với các tầng lớp nam nữ, già trẻ, bần nông tri thức, … Dựa trên nền tảng tâm thức được xây dựng từ nền văn hóa dân tộc, phần lớn người dân Việt đều mang trong mình những yếu tố tín ngưỡng tôn giáo và tín ngưỡng tâm linh riêng. Trong đó, có người yêu mến đạo Phật, có người xuất phát với niềm tin chư vị Thần Thánh, có người chỉ thờ cúng Tổ tiên ông bà… Mục đích cuối cùng đều hướng đến thiện lành. Dầu vậy, dưới ngôi bảo tự chứa đầy chất liệu tu học do Pháp Hoa mang lại, nơi đây vốn không phân biệt giai cấp, thế hệ, sắc tộc màu da… Chư tín đồ khắp nơi đổ về chỉ khao khát nguyện cầu sức khỏe, bình yên và công việc thuận lợi như ý.
Riêng nói về vấn đề lễ hội, hàng năm lễ Phật đản được xem là lễ hội lớn nhất của Phật giáo nói chung, của chùa Pháp Hoa nói riêng. Đại lễ được tổ chức một tuần với nhiều hoạt động ý nghĩa như mở các khóa tu, triển lãm hình ảnh liên quan đến Phật giáo, công tác từ thiện, nghi thức tưởng niệm anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì dân vì nước tại các Đài Tưởng niệm… và các công tác trang trí cờ hoa, lễ đài kính mừng Phật đản. Bên cạnh đó, lễ hội hoa đăng cũng được xem là lễ hội lớn nhất của chùa Pháp Hoa Q.3, vì có số lượng người tham dự đông nhất.
Theo thông lệ, lễ hội hoa đăng được tổ chức vào ngày 12/4 âm lịch với vài chục nghìn hoa đăng, được chùa chuẩn bị từ trước và trao đến các Phật tử và khách thập phương. Mỗi người tham dự sẽ nhận một đèn và có ghi lên đó những ước nguyện, những mong muốn tốt đẹp nhất, may mắn và bình an nhất cho bản thân, cho những người thương yêu trong gia đình. Đúng 18 giờ, nghi thức tâm linh theo truyền thống Phật giáo được cử hành trước sự gia trì của chư Tăng và mật hộ của chư Phật, Bồ tát. Hàng loạt hoa đăng lần lượt thả xuống dòng kênh, khung cảnh tươi sáng, lung linh với vài chục ngàn ánh đèn, mang theo lời cầu nguyện của hàng chục nghìn người hiện diện. Thông điệp nhanh chóng được truyền tải trên không gian mạng và cũng nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng Phật tử, các giới. Một lễ hội vô cùng ý nghĩa, tôn vinh giá trị tinh thần, giá trị tâm linh của người Việt trong những ngày Đại lễ.
Đối với Tết Nguyên đán, khá đông tín đồ dành nhiều quan tâm đến cội nguồn tâm linh. Trong đó bao hàm cả sự quan tâm đến gia tiên cửu huyền và cả sự bình an cho gia đạo hiện tiền. Bên cạnh truyền thống tảo mộ ông bà tổ tiên, chưng bày hoa trái ngày Xuân và văn hóa cổ truyền gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết thì lễ cúng vọng Tổ tiên, cầu an đầu năm tại chùa cũng đã tạo nên sợi dây kết nối, giao tiếp ứng xử của gia đình, của con cháu với thế hệ đi trước. Đây cũng là cách truyền lửa cho con cháu biết tìm đến Tam bảo để gieo trồng phước đức, nhớ ân Tổ tiên mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Đêm 30 tết dòng người đổ về chùa mỗi lúc một đông, không khí chờ đợi thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới lại càng lộ rõ sự linh thiêng, hân hoan hơn bao giờ hết. Chuông điểm 12 tiếng, 9 hồi chuông trống Bát Nhã thỉnh chư Phật, chư Bồ tát, Thiện Thần, Hộ Pháp cũng chính là thời điểm quý Sư Thầy bắt đầu hành trình tu học mới, gắn với nhiều khóa lễ cầu an và lời chúc nguyện tốt đẹp đầu năm. Lộc Phật cho quý đạo hữu cũng được tận tay Sư Thầy trao tặng, tượng trưng cho sự may mắn, bình an và đầy hanh thông, thuận lợi.
Ngoài nhu cầu thờ vọng, nhiều người đến chùa với hình thái tín ngưỡng khác nhau: có người đến chùa vì yêu mến đạo Phật, có người đến chùa chỉ thắp một cây nhang cho người thân quá vãng, cũng có người đến chùa như tìm kiếm một tâm điểm du lịch tâm linh trong lòng thành phố – nơi có một vị trí thoáng đãng để ngắm một dòng kênh đang xuôi chảy êm đềm. Bản thân người viết cũng thường viếng chùa vào những dịp tết mỗi năm, được cảm nhận mùi nhang bài, nến thơm quen thuộc, hòa quyện trong những khoảnh khắc nhẹ nhàng, sâu lắng, ấm áp làm cho người lễ Phật quên hết sự mệt nhọc của ngày giáp tết. Cửa Phật ngày xuân, ngoài hoa Mai, Đào, Cúc còn biết bao nhiêu kỳ hoa dị thảo khiến khách lễ Phật bị hút hồn, níu chân trước vẻ đẹp rực rỡ đến nao lòng. Dòng người bước đi chậm rãi qua các tầng lầu, viếng lễ Phật Tổ, chư vị chân linh và lưu lại một vài tấm hình kỷ niệm.
Dừng chân ghé lại Pháp Hoa, quan khách hẳn sẽ cảm nhận rõ thiên nhiên, con người tại ngôi già lam đầy hữu tình này, nhất là được gặp gỡ một bậc Thầy kế tự rất đỗi gần gũi, hết lòng với Tam bảo, với quần chúng tín đồ. Tất cả những đặc trưng ở Pháp Hoa không phải ngôi chùa nào cũng có.
Ngang qua một vài nét về ngôi già lam, có thể nói chùa Pháp Hoa tuy không lưu dấu sự xuất hiện, hộ trì của chư Công hầu, Khanh tước, danh nhân văn hóa lớn như Trương Hán Siêu… xếp gương, đề bút, sông núi hóa thành thi ca như ở Kinh Đô Hoa Lư, Ninh Bình. Dầu vậy vẫn có các tao nhân, mặc khách, các nhà học giả tìm đến nghiên cứu lịch sử, kiến trúc và cách thờ tự đặc biệt của chùa. Những người yêu mến đạo Phật đến chùa cũng không chỉ gói gọn trong khuôn khổ tín ngưỡng tâm linh mà còn hướng đến mục đích thưởng lãm, du lịch. Nhờ đó, giá trị của ngôi bảo tự được phát huy trên nhiều phương diện, khơi dậy các sắc thái văn hóa vốn có của Phật giáo xưa và nay. Hơn thế, Pháp Hoa tự đã khẳng định được sức sống của Tông phong Vĩnh Nghiêm trên đất Nam Bộ. Nói đúng là ngôi chùa đã góp phần làm lớn mạnh uy tín, truyền thống tu học của Vĩnh Nghiêm trên non nước phương Nam.
Ths. TN. Minh Từ (ĐSHĐ-128)
- Võ Văn Tường, (2017), “Tượng Phật Việt Nam”, NXB. Thanh Hóa, tr. 254.
Tài liệu tham khảo - HT. Thích Như Niệm, “Phật giáo với nhân dân Gia Định, Sài Gòn và TP. Hồ Chí Minh”, trong Hội thảo khoa học “300 năm Phật giáo – Gia Định – Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh”, (2002), NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 220.
- TS. KTS. Phạm Anh Dũng (Chủ biên), Ths. Nguyễn Thị Lan, “Kiến trúc đình chùa Nam bộ”, NXB. Xây dựng, tr. 43.
- Nguyễn Thị Thu Tâm, (2023), “Nghệ thuật trang trí bao lam trong một số chùa Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh”, NXB. Mỹ Thuật, tr. 119.
- Võ Văn Tường, (2008), “500 Danh lam Việt Nam”, NXB. Thông Tấn, tr. 356.
Tài liệu tham khảo
1. Võ Văn Tường, (2017), “Tượng Phật Việt Nam”, NXB. Thanh Hóa, tr. 254.
2. HT. Thích Như Niệm, “Phật giáo với nhân dân Gia Định, Sài Gòn và TP. Hồ Chí Minh”, trong Hội thảo khoa học “300 năm Phật giáo – Gia Định – Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh”, (2002), NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 220.
3. TS. KTS. Phạm Anh Dũng (Chủ biên), Ths. Nguyễn Thị Lan, “Kiến trúc đình chùa Nam bộ”, NXB. Xây dựng, tr. 43.
4. Nguyễn Thị Thu Tâm, (2023), “Nghệ thuật trang trí bao lam trong một số chùa Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh”, NXB. Mỹ Thuật, tr. 119.
5. Võ Văn Tường, (2008), “500 Danh lam Việt Nam”, NXB. Thông Tấn, tr. 356.
6. Phần lớn bài viết được thực hiện qua cuộc phỏng vấn Thượng tọa Thích Quảng Minh – đương kim Trụ trì chùa Pháp Hoa, lúc 9:00 ngày 05 tháng 3 năm 2024.