Chánh Văn:
Âm:
“Vô tội phước vô tổn ích
Tịch diệt tánh trung mạc vấn mịch
Tỉ lai trần kính vị tằng ma
Kim nhật phân minh tu phẩu tích.”
Nghĩa:
“Không tội phước không thêm bớt
Tánh mình vắng lặng đừng hỏi kiếm
Bấy lâu gương bụi chửa từng lau
Này lúc rõ phân cần dứt khoát.”
Lời bình:
“Vô tội phước vô tổn ích.”
Đây là đứng trên thể tánh thanh tịnh mà bảo rằng: “Không tội phước không thêm bớt”, “không” ở đây chẳng phải là bác bỏ không có tội, không có phước, như vậy là tà kiến, là bác bỏ nhân quả. Mà “Không” ở đây là chỉ cho người đã sống với tâm thể thanh tịnh, nên không còn tạo tác, không còn chạy theo ngũ dục, lục trần… nên mới bảo rằng: “Không tội phước không thêm bớt.”
Tội, phước là do tâm tạo. “Nhất thiết duy tâm tạo”, nghĩa là tất cả các pháp đều do tâm tạo tác. Tâm nghĩ thiện, miệng nói lời lành, thân làm việc lành, đó là đang tạo phước báu. Ngược lại, tâm nghĩ đều bất chánh, miệng nói lời thị phi, thân đánh đập người, làm các việc ác… là đang gây tạo tội lỗi.
Còn khi tâm đã thanh tịnh, không còn một tạp niệm thì thiện, ác, tốt, xấu… không còn chỗ dấy khởi, bám víu thì làm gì có tội, phước hay thêm bớt gì nữa.
Chính vì lẽ đó nên Bàng Long Uẩn sau khi ngộ đạo đã đem hết tài sản đổ xuống sông Tương mà không một chút luyến tiếc. Bởi lẽ Bàng Long Uẩn đã liễu ngộ được thể tánh thanh tịnh nên rõ biết tất cả tài sản trên thế gian chỉ là giả tạm, tâm không còn dính mắc nơi của cải vật chất và cũng không tham đắm phước báu ở thế gian.
Milarepa hay còn gọi là Mật-lặc Nhật-ba sinh tại Tây Tạng, gần biên giới Nepal. Lúc lên bảy, cha mất, gia sản bị chiếm đoạt, gia đình ông bị đối xử tồi tệ. Nhằm trả thù nhà, Milarepa đi học huyền thuật, dùng phép hô phong hoán vũ giết hại nhiều người. Ăn năn về hành động đó, ông tìm gặp một vị đạo sư của Tông Ninh-mã là Rong-ton xin học nhưng vị này khuyên nên gặp Mã-nhĩ-ba. Ông trở thành môn đệ của Mã-nhĩ-ba lúc ba mươi tám tuổi, nhưng suốt sáu năm chỉ được xem là kẻ hầu và Mã-nhĩ-ba thử thách khắc nghiệt làm ông hầu như kiệt sức và gần muốn tự vận.
Với thời gian đó, ác nghiệp của ông đã được tiêu vong, Mã-nhĩ-ba bắt đầu dạy pháp cho ông bằng cách sống viễn ly cô tịch, truyền cho giáo pháp của Na-lạc-pa và đặc biệt chú trọng phép phát triển Nội nhiệt. Chỉ với một chiếc áo vải mỏng manh, ông sống năm này qua năm khác trong cái lạnh của Hy-mã-lạp-sơn, chỉ chuyên tâm thiền định trong các hang động. Sau chín năm độc ẩn, Ngài Milarepa bắt đầu thu nhận môn đệ, trong đó có vị y sĩ Đạt-bảo Cáp-giải là người quan trọng nhất. Ngài Milarepa để lại nhiều bài ca bất hủ cho đời sau và những bài ca này được ghi lại trong một tập dưới tên Mật-lặc Nhật-ba thập vạn ca (100.000 bài hát của Mật-lặc Nhật-ba). 1
Rõ ràng khi Milarepa vì muốn trả thù nên đã giết hại nhiều người, đây là do tâm sân hận, si mê chi phối, sai sử nên tạo tội. Còn khi Milarepa ăn ăn, hối cải, tìm thầy học đạo và trải qua những thử thách khắc nghiệt “với thời gian đó, ác nghiệp của ông đã được tiêu vong”, cho nên, khi được Ngài Mã-nhĩ-ba truyền cho giáo pháp và sau chín năm độc ẩn, Ngài Milarepa bắt đầu thu nhận môn đệ, tiếp tục con đường lợi tha, giáo hóa chúng sanh. Qua đây chúng ta thấy rằng khi còn khởi niệm là còn tạo tác cho nên, tội, phước theo đó mà sanh. Nhưng khi đốn ngộ bản tâm thanh tịnh, không còn tạo tác, dính mắc thì làm gì có tội, phước, thêm bớt gì nữa.
Và Đức Phật Ca Diếp có bài kệ rằng:
Âm:
“Nhất thiết chúng sanh tánh thanh tịnh
Tùng bổn vô sanh vô khả diệt
Tức thử thân tâm huyễn hóa sanh
Huyễn hóa chi trung vô tội phước”.
Nghĩa:
“Tất cả chúng sanh tánh thanh tịnh
Từ xưa không sanh không thể diệt
Tức thân tâm này huyễn hóa sanh
Ở trong huyễn hóa không tội phước.”
Tạo tội là do vọng tâm sai sử, làm phước là do thiện tâm tác ý. Rõ biết tất cả chỉ là huyễn hóa, không thật, trở về nguồn chân sống với bản tâm thanh tịnh không sanh, không diệt, thì trong đó không có tội, phước, thêm bớt gì nữa.
“Tịch diệt tánh trung mạc vấn mịch.”
Trong tự tánh vắng lặng, thanh tịnh chớ thưa hỏi thêm điều gì nữa. Còn thưa hỏi là vẫn chưa thấu suốt nguồn tâm, là còn đứng ở ngoài cửa.
Mỗi người đã sẵn có bản tánh thanh tịnh, biết nghe, biết thấy, biết ngửi… cứ như thế mà bảo nhậm, chớ khởi tâm động niệm thưa hỏi thêm gì nữa. Việc này giống như chàng Diễn Nhã Đạt Đa ôm đầu mà chạy đi tìm đầu.
Trong Kinh Lăng Nghiêm có kể câu chuyện về chàng Diễn Nhã Đạt Đa hàng ngày dùng gương soi mặt. Mỗi lần soi như vậy, chàng thấy đầu mặt của mình trong gương rất đẹp và chàng cho đó là đầu mặt thực của mình. Bỗng khi để gương xuống, không còn thấy đầu mặt đâu nữa, chàng liền hoảng hốt chạy la “Tôi mất đầu rồi.”
Chàng Diễn Nhã Đạt Đa cũng giống như những chúng sanh điên đảo, mê lầm, ôm đầu lại chạy đi tìm đầu. Cái chân thật sẵn có nơi mình thì không nhận lấy mà lại cho cái bóng, cái hư giả là mình, nên cứ hoảng hốt, chạy la, tìm kiếm cái không thật cho là đầu của mình. Chúng ta cũng vậy, ngay trong tự tánh vắng lặng mà không bảo nhậm, lại hướng ra bên ngoài thưa hỏi, tìm kiếm thêm gì nữa. Sao không phản quan lại chính mình để dứt bặt mọi suy tư, vọng tưởng đi.
Thiền sư Vô Nghiệp khi đáp những câu hỏi của người, Sư thường nói câu:
– Chớ vọng tưởng!
Thiền sư Vô Nghiệp muốn dứt trừ tâm phan duyên, suy tư, nghĩ tưởng của người học, nên đã bảo rằng: “Chớ vọng tưởng!”. Chỉ cần dứt bặt vọng tưởng, sống với cái thấy, biết hiện tiền thì ngay đó chính là Đạo. Đạo chân thật, ngay trong cuộc sống, đâu cần khởi tâm thưa hỏi, tìm kiếm làm gì nữa.
“Tỉ lai trần kính vị tằng ma.”
Gương tâm của mỗi người bị những bụi trần sắc, thanh, hương, vị… phủ đầy. Nhưng chúng sanh lại vô minh, không chịu lau chùi bụi bặm mà còn tô đắp thêm bụi trần, làm cho bề mặt của gương càng lấm lem bụi trần.
Thế nên vua Trần Thái Tông có bài kệ rằng:
Âm:
“Tỷ trước chư hương thiệt tham vị
Nhãn manh chúng sắc nhĩ văn thanh
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhựt viễn gia hương vạn lý trình.”
Nghĩa:
“Mũi đắm các hương lưỡi tham vị
Mắt mờ chúng sắc tiếng mê tai
Lang thang làm khách phong trần mãi
Ngày cách quê hương muôn dặm trình.”
Chúng sanh do si mê nên cứ mãi chạy theo trần cảnh. Mũi thì đắm mến theo các hương thơm ngào ngạt, lưỡi thì ham thích món ngon vật lạ, mắt thì mê mờ chạy theo sắc đẹp, còn tai thì thích nghe âm thanh êm dịu, ngọt ngào… cứ thế mà bụi bặm phủ đầy, che mờ bản tâm chân thật, cho nên, cứ mãi làm khách phong trần trong nẻo luân hồi, càng đi càng xa cách quê hương Hà Hữu của mình.
“Kim nhật phân minh tu phẫu tích”.
Ngay lúc này đây cần phải biết một cách rõ ràng, dứt khoát rằng gương là gương, bụi là bụi. Tánh của gương là luôn sáng, không phải nhờ lau mới sáng, còn bụi bặm là ở bên ngoài mà đến. Gương là dụ cho tánh giác sẵn có nơi mỗi người. Còn bụi là những thứ bụi trần (sắc, thanh, hương…) làm che mờ, phủ lấp bề mặt gương. Tuy gương bị bụi bặm bám vào nhưng tánh của gương là luôn sáng, còn bụi bặm là ở bên ngoài chẳng can hệ đến tánh sáng của gương. Ngay lúc này đây cần phải rõ biết như vậy.
Lục Tổ Huệ Năng có bài kệ rằng:
Âm:
“Bồ đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai.”
Nghĩa:
“Bồ đề vốn không cây
Gương sáng cũng chẳng đài
Xưa nay không một vật
Chỗ nào dính bụi bặm.”
Tánh giác (Bồ đề) không có hình tướng nên chẳng phải là cây. Còn tự thể của gương là luôn sáng soi, không phải do có cái đài mới sáng. Trong bản tâm thanh tịnh không có một vật nào cả thì bụi bặm làm sao mà bám vào hay phủ lấp được. Cần phải rõ biết tánh của gương là luôn sáng, còn bụi là ở bên ngoài mà đến không can hệ gì đến tánh sáng của gương cả.
Hải Trung (ĐSHĐ-131)
Thiền sinh Hải Thảo diễn đọc
* Mật-lặc Nhật-ba(Milarepa)-vi.m.wikipedia.org