Lá bạc hà là một loại rau ăn sống thường ăn kèm với các loại rau khác rất quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày. Nó còn là một loại thảo dược chứa nhiều dưỡng chất và khoáng chất tốt cho sức khỏe. Theo Y học cổ truyền bạc hà có tác dụng trừ làm xuất mồ hôi, trị cảm mạo, phong nhiệt, giảm đau, trị ho, kích thích tiêu hóa, giải độc, thúc ban sởi mọc… Bạc hà được điều chế thành các loại tinh dầu bạc hà hoặc trà bạc hà rất tiện cho người sử dụng và mang theo bên mình. Sau đây là một số công dụng của cây bạc hà:
1. Bạc hà giúp làm sạch xoang mũi
Chất Methanol có trong bạc hà hoạt động như một loại thuốc thông mũi, nó giúp làm lỏng chất nhầy tích tụ trong phổi và làm co các màng bị sưng trong mũi để bạn thở dễ dàng hơn, chúng ta chỉ cần nhỏ vài giọt tinh dầu bạc hà vào nước đang sôi để xông mũi hoặc xông trực tiếp bằng lá bạc hà tươi sẽ giúp xoang mũi được thông thoáng và được làm sạch. Thường xuyên dùng lá bạc hà có thể làm dịu tình trạng khó thở ở ngực.
2. Giảm các triệu chứng của cảm cúm, cảm lạnh
– Dùng tinh dầu bạc hà hít trực tiếp.
– Dùng bạc hà cùng các loại lá khác để làm nước xông: Đun nước xông hơi với các thành phần gồm: 20g bạc hà; lá bưởi, sả, lá tre, lá chanh, cúc tần, hương nhu mỗi thứ 30g.
Uống nước bạc hà: lấy 5 – 10 lá; nước: 470ml; mật ong, đường và chanh: rửa sạch lá bạc hà, cắt nhỏ để có mùi thơm. Cho lá bạc hà vào bình thủy tinh, đổ nước đã đun sôi vào và hãm từ 5 – 10 phút. Sau đó, cho đường, mật ong và chanh vào khuấy đều (Mỗi ngày uống 1 – 2 cốc trà bạc hà nóng giúp giảm ho và làm dịu vòm họng).
3. Chống cảm giác buồn nôn do say tàu xe
Hãy uống một ly trà bạc hà nóng để tránh buồn nôn hoặc nhỏ 3 – 4 giọt tinh dầu bạc hà vào khăn tay để hít. Mùi bạc hà sẽ giúp chống say xe tàu xe hiệu quả.
4. Xua đuổi côn trùng
Trồng bạc hà vào những chậu nhỏ, để trên bàn trong nhà như một loại cây trang trí hoặc phun tinh dầu bạc hà pha loãng với nước hoặc nhỏ vài giọt tinh dầu vào máy xông hơi sẽ giúp xua đuổi côn trùng hiệu quả.
5. Trị hôi miệng
Bạc hà có đặc tính kháng khuẩn, diệt nấm và có mùi thơm dễ chịu. Lấy vài nhánh lá bạc hà nhai sống hoặc uống một ly trà bạc hà sau khi ăn, hoặc khi cảm thấy hơi thở bắt đầu có mùi sẽ giúp khử mùi hiệu quả. Ngoài ra, sử dụng nước súc miệng có chứa tinh dầu bạc hà có thể giúp bạn tiêu diệt vi khuẩn trong miệng và giúp nướu và răng khỏe mạnh.
6. Giảm căng thẳng
Chất apoptogenic trong bạc hà giúp điều chỉnh nồng độ cortisol trong máu. Hít tinh dầu bạc hà có thể giải phóng ngay lập tức serotonin trong máu, giúp tăng lưu lượng máu và đem đến cho bạn cảm giác mát lạnh và làm dịu cơn đau, có tác dụng giảm bớt các triệu chứng căng thẳng và trầm cảm. Do đó, uống một ly trà bạc hà vào ban đêm sẽ làm bạn dễ ngủ và giảm stress.
7. Chữa các chứng về tiêu hóa và hỗ trợ giảm cân
Các hoạt chất trong bạc hà giúp làm tăng dịch tiết ra ở túi mật và giúp mật lưu thông tốt hơn. Điều này sẽ giúp tăng cường và đẩy nhanh tốc độ tiêu hóa. Khi bị đầy hơi, khó tiêu, có thể dùng 10g lá bạc hà đem rửa sạch, vò nát, hãm với 500ml nước sôi. Dùng nước này uống nhiều lần trong ngày, cảm giác đầy hơi, khó tiêu sẽ dần biến mất. Hoặc khi bị tiêu chảy: lấy vài lá bạc hà tươi bỏ vào ly nước nóng, ngâm trong 5 phút. Dùng nước này uống liên tục đến khi triệu chứng tiêu chảy không còn, đồng thời do bạc hà chứa nhiều hàm lượng chất xơ phong phú, hỗ trợ giúp duy trì lượng cholesterol ở mức ổn định, hạn chế nguy cơ tăng cân và béo phì.
8. Giảm các triệu chứng dị ứng
Lá bạc hà có chứa chất chống oxy hóa được gọi là axit rosmarinic, giúp giảm các triệu chứng dị ứng theo mùa và có tính chống viêm. Vì vậy, nên nấu một ít lá bạc hà tắm mỗi ngày để tránh dị ứng theo mùa.
9. Trị mụn làm mờ sẹo
Trong lá bạc hà có chứa một lượng lớn axit salicylic có đặc tính chống viêm và chống vi khuẩn, giúp điều trị mụn trứng cá và mụn bọc trên da, bằng cách giã lá bạc hà đắp lên mụn và sẹo.
Các bài thuốc từ lá bạc hà giúp trị các bệnh thường gặp
– Bị chảy máu cam cầm không được: Lấy bạc hà tươi giã lấy nước cốt tẩm bông nhét vào mũi.
– Bị sốt cao, không ra mồ hôi, sợ nóng, bứt rứt, đêm nằm không yên, miệng khát: Bạc hà 20g, thạch cao sống 40g, tán bột rồi uống mỗi lần 2 – 4g, cùng với nước nóng 3 lần một ngày.
– Bị ban sởi giai đoạn đầu chưa phát, phong ngứa, mề đay: Bạc hà 4g, Ngưu bàng tử 12g, Thuyền thoái 4g, Cam thảo 4g, Sắc uống sẽ làm sởi mọc ra.
– Trị mắt đỏ, đau đầu, họng sưng đau do phong nhiệt: Bạc hà 4g, Phòng phong 8g, Cát cánh 8g, Cương tằm 12g, Kinh giới 12g, Cam thảo 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
– Chữa đau tai: Lấy lá bạc hà giã nát lấy nước cốt nhỏ vào tai đau 3 – 5 giọt.
Bạc hà có nhiều công dụng đối với sức khỏe nhưng khi dùng cũng cần đúng liều lượng, không nên lạm dụng bạc hà: Lượng tinh dầu tối đa được phép dùng một ngày là 0,4 ml. Sử dụng quá liều sẽ dẫn đến tác dụng phụ, làm tăng nguy cơ co giật. Bạc hà có thể tương tác với một số loại thuốc như: Thuốc kháng acid (như Pepcid, Zantac), thuốc chống thải ghép Cyclosporine, thuốc hạ đường huyết, Lansoprazole Omeprazole hay Carisoprodol… Vì vậy, người bệnh không nên sử dụng bạc hà khi đang uống thuốc. Không bôi trực tiếp tinh dầu bạc hà nguyên chất lên da hoặc để dính vào mắt và các vết thương hở. Không hít hà tinh dầu bạc hà quá 3 – 4 lần trong ngày vì có thể làm khô niêm mạc đường thở, sung huyết da… Không nên dùng bạc hà cho trẻ con dù bằng cách xông hơi hay uống.
Huệ Quang
Diễn đọc: SC Quảng Hiếu