(Dựa theo Tiểu sử của Sư bà Hải Triều Âm và lời kể của Sư phụ TN Giới Hương)
Vu Lan – nhớ Tứ Trọng Ân – âm thanh ấm cúng ấy đã trở về, báo hiệu mùa tri ân và báo ân của năm 2024 đang trở về cho tất cả người con Phật khắp năm châu.
Trong kinh, Đức Phật dạy có bốn ân lớn nhất đời người là:
1. Ân Cha Mẹ
2. Ân Sư trưởng
3. Ân Đất nước Xã hội
4. Ân Chúng Sanh
Vâng lời Phật dạy, các chùa thường tụng kinh Vu Lan Bồn, Báo Phụ Mẫu Trọng Ân vào trọn tháng 7 âm lịch và vào ngày Rằm tháng 7 làm lễ Cầu siêu cho cha mẹ, cửu huyền thất tổ quá vãng (ân thứ nhất) cũng như cúng thí cho 12 loại cô hồn (ân thứ tư). Đối với đất nước Việt Nam, Hoa Kỳ, Ấn Độ hay toàn cầu (ân thứ ba) chúng ta cũng bày tỏ lòng biết ân nơi mình sinh ra, nơi che chở, nuôi dưỡng và cho chúng ta lớn lên bình an. Vu Lan cũng là dịp để chúng ta lắng lòng và thành tâm cầu nguyện biết ân và tri ân các bậc thầy, Sư trưởng (ân thứ tư). Đó là lý do, các chùa trong mùa Vu Lan này hay cúng hiệp kỵ (nhiều Giác linh) hay húy kỵ bậc thầy của mình.
Chùa Hương Sen (California, Hoa Kỳ) năm nay kết hợp tổ chức Vu Lan và lễ Húy kỵ Đại Lão Ni Trưởng Hải Triều Âm lần thứ 11 vào ngày 11 tháng 8 năm 2024.
Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng
Nghĩa Ân sư muôn kiếp khó đáp đền.
Trong Quy Sơn Tổ sư đã dạy: “Thân ta có được nhờ ơn cha mẹ và chúng ta có được ngày hôm nay là nhờ ân thầy.” Không ai trong chúng ta có thể tự mình không học mà hiểu biết, nên ân thầy rất lớn.
Từ lúc bước vào chùa cạo tóc để chỏm, đến lúc đắp y cà sa, học kinh – luật – luận, giới phẩm, oai nghi tế hạnh, đều nhờ ở nơi thầy. Thầy là người thay Đức Từ Phụ Thế Tôn, mớm sữa chánh pháp cho chúng ta, công ơn ấy cao sâu như trời biển.
Thầy trải lòng từ ấp ủ con
Tình sâu như biển, nghĩa dường non
Lời khuyên thấm não mưa từng giọt
Ngọc kết châu tràng đậm nét son.
Sư bà Hải Triều Âm là bậc Đại Ni, Long-tượng trong hàng Ni giới Việt Nam.
Sư bà quy y với đức Pháp chủ Thích Mật Ứng với pháp danh là Hải Triều Âm. Năm 1949, Sư bà giác ngộ lý vô thường và biết rằng từ thiện chưa đủ để đưa đến giải thoát, nên xin xuất gia với Hòa thượng Thích Đức Nhuận và thọ giới với Hòa thượng Ni Tịnh Uyển, chùa Thanh Xuân, Hà Nội.
Năm 1952, Sư bà vâng lời Thầy bổn sư năm giới Thích Mật Ứng để di cư vào Nam. Nhập chúng chùa Dược Sư, Gia Định, Sài Gòn. Vừa lo tu học vừa chăm sóc mẹ già bị đột quỵ và nhận làm giáo thọ, chuyên giảng dạy cho Phật tử.
Với lòng từ bi vô hạn, Sư bà nguyện độ chúng sanh và bắt đầu nhận chúng đủ các căn cơ, già trẻ lớn bé cho đến trẻ mồ côi và người tàn tật. Sư bà đều đưa tay tế độ, mục đích giúp họ kết duyên với Phật pháp chẳng những cho đời này mà cho cả đời sau nữa. Tình thương của Sư bà thật vô cùng rộng lớn!
Sư bà là một trong những vị Trưởng lão Ni có số đệ tử Ni xuất gia nhiều nhất tại Việt Nam. Đệ tử xuất gia của Sư bà có hơn 1.000 vị ở Việt Nam và hải ngoại. Tại Hoa Kỳ có Ni sư Hiếu Đức, Ni sư Tâm Nhật, Ni sư Giới Hương…; ở Canada có Ni sư Bảo Quang, Ni sư Đức Nghiêm…; ở Pháp có Ni sư Hồng Phúc…, ở Việt Nam với hơn 900 vị. Còn Phật tử quy y có cả hàng ngàn vị, không thể đếm xuể.
Từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, Sư bà ân cần truyền dạy kinh, luật, luận liên tiếp với giọng nói từ tốn, hiền hòa và lời giảng thực tế, dễ hiểu để Ni chúng ứng dụng tinh cần tu tập. Mùa xuân học Tứ Niệm Xứ, mùa hè học Luật, mùa thu học Lăng Nghiêm và mùa đông học Tịnh độ. Sư bà khiêm cung, đơn giản, từ hòa nhưng nghiêm khắc sửa trị những thói hư tật xấu của tập khí đời thường, đưa Ni chúng vào khuôn khổ giới luật và nội quy của chốn thiền môn.
Tấm gương “quên mình vì người” của Sư bà là những ấn tượng khó phai trong tàng thức của chúng con. Hình ảnh Sư bà thuyết Pháp, từng lời chậm rãi, chánh niệm, thân thiện, chỉ dạy đệ tử từ điều lớn đến điều nhỏ li ti trong cuộc sống. Lúc trực nhật nấu cơm trong bếp, Sư bà luôn nhắc nhở Ni chúng tiết kiệm từng hạt gạo, từng hạt muối của đàn na tín thí. Đến mùa bơ, đu đủ ở Đại Ninh, Lâm Đồng, Phật tử cúng dường rất nhiều trái cây cho chùa. Sư bà khuyên không nấu cơm, chế biến trái cây ăn cho hết, kẻo hư, phí của, phụ lòng thí chủ đã chăm sóc đem đến tận chùa để cúng dường cho Ni chúng thọ dụng.
Có một lần chùa được cúng dường vải lam, Sư bà chia hết cho đệ tử nhưng còn thiếu một phần cho Sư cô. Cuối cùng, Sư bà liền lấy phần vải mới của mình, cắt ra may áo cho Sư cô ấy. Tất cả các đệ tử đều trân quý và tôn kính Sư bà như một người Mẹ hiền! Bản thân rất cần kiệm, dù hơn 70 tuổi, Sư bà vẫn tự giặt áo và giăng mùng, Ngài không muốn làm phiền ai. Vào mùa đông giá buốt ở cao nguyên, mọi người đều co ro trùm đầu, quàng khăn, mặc 5-6 lớp áo, Sư bà đưa áo ấm, mền bông của mình cho các đệ tử dùng, còn Sư bà tìm những tấm vải vừa nặng vừa thô ráp làm chăn đắp cho mình.
Khi về chùa Liên Hoa, quận Bình Thạnh, Sài Gòn, nhiều đệ tử Ni theo Sư bà tu học rất đông (trong đó có Ni sư TN Giới Hương và NS. Thanh Đức – em họ của NS. Giới Hương), Sư bà ngăn đôi phòng tắm bằng tấm màn, để có chỗ nghỉ cho mình, còn phòng mình thì để cho học chúng ở. Chăm lo cho các đệ tử hiện tại đã khó khăn trăm bề; đã vậy còn lo tới mai sau, khi Sư bà về Phật thì đệ tử của mình sẽ ăn ở đâu, tu học ở đâu? Thế là Ngài bắt đầu xây dựng chùa cho đàn hậu lai. Cuối cùng đã lập được chín cảnh chùa: Ni Liên, Linh Quang, Liên Hoa, Viên Thông, Hương Sen, Dược Sư 1, Lăng Nghiêm, Bát Nhã và Dược Sư 2.
Nhận thấy đàn hậu lai bận rộn, ít có thời gian nghiên cứu chữ Hán, Sư bà đã biên dịch, biên soạn từng bộ kinh Hán văn sang tiếng Việt để cho hậu học sau này có kinh sách tiếng Việt dễ tụng, dễ học và dễ hiểu. Ngài có hơn 100 ấn bản và thường không ghi tên mình là tác giả mà lấy tên của các đệ tử đặt vào sách. Dù thân già lão, bịnh suy yếu, nhưng Ngài ít tỏ ra mỏi mệt, phiền muộn, gặp ai cũng nở nụ cười hiền hòa, dễ mến (dù không có chiếc răng nào vẫn hảo tướng sáng rỡ).
Qua bao thăng trầm trong cuộc sống, trí tuệ của Sư bà vẫn như vầng trăng sáng chiếu soi, phá tan màn đêm tăm tối của cuộc đời. Dù nói cách nào đi nữa cũng không đủ lời để tán dương đức hạnh của Ngài, bậc Thạc-ni đạo hạnh giữa cõi đời của thế kỷ XXI. Chính bản thân chúng con vô cùng hãnh diện, tự hào và diễm phúc được làm đệ tử và sư cháu của Sư bà và luôn tôn kính Ngài như một vị Thánh.
Trước ngày vãng sanh, Sư bà đã nhìn thấy Đức Phật A Di Đà, Văn Thù Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát, Quan Âm, Thế Chí cùng các thánh chúng đến đón rước về cõi Cực lạc Tây Phương. Noi gương tông chỉ tu tập Giới-Định-Tuệ, bái sám, tụng kinh, niệm Phật của Sư bà, Ni chúng chùa Hương Sen (California, Hoa Kỳ) phát nguyện tu tập theo Pháp môn niệm Phật, giữ tâm thanh tịnh, một lòng tinh tấn, cầu được vãng sanh Cực lạc quốc.
Nam mô An Dưỡng Quốc, Cực lạc Giới Di Đà Hải Hội,
Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang Như Lai.
Nam mô A Di Đà Phật.
TN. ViÊn An – Chùa Hương Sen (ĐSHĐ-132)