“Người về cõi Phật xa xăm,
Trần gian để lại trăm năm kiếp người
Bao nhiêu công đức cho đời,
Tâm hồn thanh thản khắp nơi phiêu bồng.”
Thế gian là cõi tạm, xác thân như áng mây lững lờ trôi, thoáng bay qua rồi tan biến. Đời người là thế, không ai ngoài công lệ đó. Cố Hòa thượng Ni thượng Hồng hạ Thọ tự Diệu Tịnh đã thuận thế vô thường, gót sen nhẹ bước theo gió đàn, mây tiễn; Tây phương Cực lạc đã đi về, mái chùa xưa bỗng chốc hóa thiên thu. Tuy Ngài trụ thế và giới lạp ít nhưng đây là một bậc Ni lưu tiền bối có công đức và đạo nghiệp ảnh hưởng lớn đối với Phật giáo miền Nam Việt Nam trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo những năm 1922 – 1941.
Bao nhiêu thế kỷ trôi qua là bấy nhiêu thời gian dài đằng đẵng, lời vàng tiếng ngọc của cố Hòa thượng Ni, chúng con không bao giờ được nghe nữa. Nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Ngài là tấm gương cao cả vĩ đại, là kim chỉ nam soi đường dẫn lối cho chúng con. Mặc dù không được sinh ra vào thời kỳ của Ngài, cũng như không có duyên được nghe lời giảng của Ngài nhưng khi chúng con may mắn được đọc tiểu sử cũng như các bài thơ, văn, những bài giảng và những hành hoạt của Ngài, chúng con cảm nhận được nhiều điều đáng kính.
Với chí xuất gia mạnh mẽ, dầu bị phụ thân ngăn cản nhưng Ngài vẫn tìm mọi cách để được xuất gia đầu Phật. Với tuổi đời mới 12, 13 (1922) Ngài đã ngày đêm chiêm nghiệm việc đời, suy nghĩ đến sự khổ đau, tình trạng bất bình đẳng của mọi loài. Sau nhiều lần đợi phụ thân vắng nhà, Ngài được mẹ hỗ trợ khăn gói lên Sài Gòn, vào chùa Tân Lâm cầu đạo. Lạ thay! Trên đời có những chuyện thật hy hữu: Thân phụ của Ngài thì theo đạo Thiên Chúa, anh trai cũng tu trong nhà dòng một thời gian, nhưng Ngài lại một lòng mến mộ Phật pháp.
“Long lanh từng giọt nắng, gót sen, lớp y vàng
Người đi trong ánh sáng, chánh đạo đường thênh thang.”
Những gì Hòa thượng Ni đã trải qua từ lúc bắt đầu xuất gia đến khi xả bỏ báo thân, thật là điều người thường như chúng ta khó tưởng tượng nổi! Phải là một bậc xuất trần ý chí mạnh mẽ, kiên cường và một lòng cầu đạo mới có thể vượt qua. Nếu hoàn cảnh khó khăn, gian truân nhưng có sức khỏe thì còn may ra trụ được lâu, nhưng Ngài cơ thể nhiều bệnh duyên hành hạ, nhưng Hòa thượng Ni vẫn cố gắng đến cùng. Ngài còn đi thuyết giảng giáo hóa khắp nơi, viết báo, và mở lớp dạy cho quý Phật tử… Chỉ vỏn vẹn 19 năm xuất gia trong hoàn cảnh điều kiện rất khó khăn, lại là thân nữ nhi mà cố Hòa thượng Ni làm được nhiều điều thật ý nghĩa và để lại tấm gương nghị lực, cống hiến hết lòng vì đạo pháp và dân tộc. Từ lúc xuất gia học đạo, hành đạo, Hòa thượng Ni đã phải dấn thân nhiều nơi để tìm chỗ ở tu học cũng như đi thuyết giảng đây đó, dẫu bệnh duyên nhiều khi tưởng chừng như không qua nổi, nhưng Ngài vẫn dõng mãnh:
“Bể khổ thuyền từ nguyện lướt xông,
Gắng sức đánh tan làm chướng thủy
Ra tay ngăn dẹp trận cuồng phong,
Quyết đưa Ni chúng qua bờ giác
Thề dắt nữ lưu khỏi bụi hồng
Tùng bá hà nài cơn tuyết đổ,
Vào sanh ra tử vẫn như không.
(Tự Thệ – Diệu Tịnh)
Đọc tiểu sử của Hòa thượng Ni quả thật chúng con càng thấm thía: sống bao lâu không quan trọng mà quan trọng là cách mình sống. Qua cuộc đời của Ngài chúng con thấy được sự khác biệt rõ rệt giữa người tu và người không biết tu. Người tu là người sống phải có cống hiến, có ước mơ, có hoài bão, có nhân cách khác với việc người ta tồn tại cho qua ngày đoạn tháng. Có thể có những người bị gánh nặng mưu sinh cơm, áo, gạo tiền họ không nghĩ được nhiều thứ, họ chỉ cần kiếm tiền để no bụng. Nhưng đối với người xuất gia thì khác, phải làm sao sửa đổi cái tâm tà thành tâm chánh, tâm hơn thua thành tâm nhẫn nhục và quan trọng là đem công phu tu tập ấy chia sẻ cho mọi người để họ theo đó thực hành trong đời sống, hầu làm cho mọi người được an vui, hạnh phúc. Với tinh thần từ bi, đầy nhiệt huyết và kiên cường Ngài vượt qua mọi gian khó, bảo ban, dắt dìu hàng đệ tử Ni đi vào con đường chánh pháp. Ngài là Bồ tát hiện thân ở cõi đời ô trược, không nề cực khổ để cứu độ chúng sanh.
Vào thời của Hòa thượng Ni, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” rất nặng, nên việc hàng Ni lưu đứng lớp dạy hay đi giảng gặp nhiều khó khăn trở ngại, bị chê, bị công kích nhưng Ngài không nản chí mà vẫn chia sẻ Phật pháp với những người chưa biết, đặc biệt là lớp Ni trẻ và chị em phụ nữ. Ngài luôn mạnh mẽ, gan dạ chứ chẳng phải kiểu ngạo mạn xem thường người khác. Việc Hòa thượng Ni kiên trì mở lớp học là mong muốn những ai có tâm học đạo đều có cơ hội tiếp xúc với sự nhiệm mầu trong giáo lý Phật Đà vì thời ấy, sách vở khan hiếm mà thầy dạy cũng vô cùng ít.
Với tinh thần vì đạo, hơn hai mươi năm trên lộ trình hoằng truyền đạo pháp, bước chân mạnh mẽ của Ngài đã đi khắp từ thành thị đến thôn quê để thắp lên ngọn lửa từ bi, trí tuệ. Nơi nào được đón bước chân Ngài nơi đó được thấm nhuần hương vị đạo pháp thiêng liêng. Hương vị ấy vô cùng huyền diệu như dòng sữa ngọt thấm sâu vào lòng dân tộc. Và hương vị ấy không làm bằng chất liệu tầm thường của thế gian mà được đúc kết bằng lửa từ bi, hương trí tuệ, hạt giống công đức và tình thương bao la bất diệt:
“Hết lòng cao đắp nền Ni phái
Quyết chí tô bồi nguyện lợi tha.”
Hòa thượng Ni không chỉ chú trọng việc hoằng pháp độ sanh mà Ngài còn là bậc anh hùng cứu nước của dân tộc. Theo tinh thần nhập thế, Ngài đã hai vai gánh vác đạo đời. Ngài đã thanh thản ung dung bước trên chặn đường gian nan khổ ải như người lính dạn dày không hề khuất phục trước khó khăn chồng chất:
“Mặc dù hoàn cảnh trôi vô hạn
Trối kệ thế tình ở bất công
Quân tử cố cùng đừng hối hận,
Bền gan thử kiệt với non sông.”
(Tự Hoài – Diệu Tịnh)
Hành trạng của Ngài cứ như dòng nước mát, nhẹ nhàng, êm ả in sâu vào lòng dân tộc, vào tim của các hàng đệ tử. Cả cuộc đời Ngài là cả cuộc chiến đấu dài không mỏi mệt, đặc biệt là cho hàng nữ giới. Với tinh thần nhập thế tùy duyên, Ngài đã đề ra tư tưởng mở lớp Phật học để giáo dục phụ nữ trong lúc ở xã hội bấy giờ thân phận người phụ nữ luôn bị xem thường. Ngài đã mở cho Ni giới một giá trị, một trang sử mới. Với ngọn đèn trí tuệ Ngài đã hướng dẫn cho hàng hậu bối tiến thân. Bằng tình thương bao la, cùng bàn tay dịu dàng, Ngài đã nâng đỡ hai chúng đệ tử xuất gia và tại gia đi theo chánh pháp của Như Lai.
Về sự nghiệp Văn hóa, Ngài đã đóng góp cho nền văn hóa nước nhà và làm lợi lạc cho số đông.
Hòa thượng Ni ra đi khi tuổi đời chỉ mới 33, nhưng những gì Ngài đã tạo dựng không hề mai một với thời gian mà trái lại còn đơm hoa kết trái khắp mọi nơi, hương bi trí đang lan rộng, lan xa….
TKN. Mỹ Đức – chùa Diệu Nghiêm (ĐSHĐ-114)