Đôi dòng nông cạn nầy chị gởi đến chư Ni trẻ, những vị đang khoác màu áo cà sa, chí cầu giải thoát sanh tử trần lao.
“Cho dù vật đổi sao dời
Cà sa giới luật vạn lời kinh vang”.
Các em thương! Cho chị dùng danh xưng nầy, để nghe lòng đầy thổn thức, suy tư về đàn em bé nhỏ thân yêu, cần có sự săn sóc của bậc thầy khai thông trí tuệ và đàn chị bảo bọc chở che. Đức Phật, bậc Thầy tôn quý của chúng ta, ngài đã hoàn thiện mọi đức tính và phẩm hạnh tuyệt vời, một con người đã vượt lên bao ái dục, hệ lụy đời thường để trở thành biểu tượng giải thoát, vạch ra con đường sáng cho nhân loại tiến tu đạo nghiệp. Phận làm con “không giống lông cũng giống cánh” thế nên, từng phút giây em phải biết giữ gìn phạm hạnh, quyết không cô phụ chí nguyện và hoài bảo xuất gia.
“Đẳng Quan Âm chi từ tâm
Hạnh Phổ Hiền chi nguyện hải”.
Hơn bao giờ hết, chúng ta quyết không để xã hội hoá, như xưa kia Đức Phật chẳng những không bị xã hội lôi cuốn mà Ngài còn hướng xã hội theo lời dạy của ngài, thật là cao quý! Đạo Phật luôn nhịp nhàng cùng hai cột trụ lớn là Từ – Bi để tư tưởng nhập thế ngày càng thấm mặn nghĩa tình, nhưng nếu không trang bị Giới – Định – Huệ thì em sẽ không đủ ứng xử khôn ngoan mà “nhập thế”, rốt lại chỉ là cánh chim non chưa bị cung tên đã là đà trên mặt đất!
Nầy em, sự tổn thương và hao mòn ý chí đôi lúc biến em thành “cùng tử đi hoang”, và “thế gian cơ hiềm giới” là chướng ngại vô vàn cho em tìm về bảo sở. Xưa và nay cũng thế mà thôi, khuyên chư Ni dốc chí soi lòng, mỗi người là bao xi măng, là viên gạch tốt dựng xây kiên cố tòa nhà Như Lai, đừng vì phù phiếm, hư danh mà che lấp đi những gì cần phải sửa sai, chỉnh đốn. Nhớ nghe em! Mục đích cao cả nhất của chư Ni là “tu tập giải thoát”, đừng vì xã hội văn minh hay công nghệ phát triển mà lãng xao giới luật, đừng vì chút bã lợi danh mà quấn theo những áng mây mù. Hiện tại, một số chư Ni trẻ có lối sống đời thường phàm tục, lệch hướng, gây phản cảm và làm mất niềm tin đối với tín đồ Phật tử, phương hại không nhỏ đến uy tín của Giáo hội. Chị vẫn biết tuổi trẻ như em có nhiều nông nỗi, nay đã xuất gia, phải luôn giữ khí chất ban đầu, mỗi ngày trai đường tay nâng chén cơm em luôn tỉnh thức:
“Bất canh nhi thực, bất chức nhi y
Huyết nhục hình xu, toàn mông tín thí”.
Em thương mến!
Đừng vì chút sắc tài mà tự đánh mất đời mình, danh lợi sẽ làm tiêu nha bại chủng, là dòng sông ái dục làm bùng phát ngọn lửa tham-sân-si, nó sẽ cuốn phăng em vào ba nẻo sáu đường, thật là ghê gớm! Phân ban Ni giới Trung ương đến các tỉnh thành rất cần chư Ni trẻ có kiến thức Phật học và thế học để hoằng truyền chánh pháp. Song, một khi chưa trải qua thực nghiệm, cần lao tu niệm, hành trì diệu lý thì với nội lực thiếu năng lượng của tự tâm thanh tịnh, em sẽ không bao giờ đạt đến đỉnh cao của chân thiện mỹ.
Sở học cao là giúp em chiếu phá vô minh, hiểu thấu lý mầu của Kinh- Luật – Luận, nhưng nếu chưa thông các pháp thì sẽ lệch lạc sai lầm, dẫn đến xa rời nguồn cội. Với chị, rất cảm phục những du học ni nghèo sống nơi xứ người xa lạ, vật lộn trong mọi hoàn cảnh khó khăn, nước mắt chan cơm, vạn phần cay đắng vẫn cố gắng vươn lên cho mảnh bằng đạt được nở hoa ngàn cánh, rực lối về quê mẹ, ấy là khi em đã đáp ơn nghĩa sanh thành và công đức ân sư. Mảnh bằng được kết tinh từ nước mắt buổi chia xa, từng phút giây gợi nhớ quê hương, em đã thành công và chị vẫy tay chào, tin chắc em là hòn ngọc quý cho Giáo hội, cho Phân ban Ni giới Việt Nam ngát hương hoá đạo.
Nhưng cũng chính chị, rất vô tình, không chút thiện cảm với những Ni sinh trẻ, vì muốn thoả mộng hải hồ, với mọi mánh khoé, học không giỏi, mà muốn có bằng cấp cao, tìm chỗ đứng tốt để nâng cái “tôi” trổ nóc, ngạo mạn cùng thầy tổ, đệ huynh, chứ nào phải “ưu thời mẫn thế” và tận tâm phục vụ quần sanh, thật là uổng phí một kiếp người, đôi lúc mất tính cách “kế thừa”, thiệu long tam bảo. Cuộc sống ngày nay quá nhiều khê, thương hải biến vi tang điền là chớp mắt, không ai biết được chữ ngờ.
“Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”.
Chị nào dám dạy em, chỉ xin một chút lòng tự trọng, một sự cân nhắc cho em cẩn thận, chớ mạo hiểm vong thân, đường dài mờ mịt “di xú vạn niên” là ân hận suốt đời em ạ! Từng bàn tay nối lại, chị mong em học để tu, dứt điểm đường sanh tử cho mình là thượng sách, học cao hay hạng thấp em đừng câu nệ, chỉ mong em thấu rõ hồng trần khổ đau đa dạng, từ đó phát tâm dõng mảnh phụng sự Giáo hội, phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật. Một ý chí sắt thép rạng ngời đẩy trôi bao tạp niệm cho em định hướng con đường tương lai, nỗi nhớ niềm thương là bó đuốc soi đường về mái chùa xưa nơi đó có vị sư già bao dung và đệ huynh sớm chiều trông đợi.
TKN. Như Như (ĐSHĐ-006)