Năm 1941, sau khi chu du cầu học khắp nơi, chí nguyện du phương tham học đã mãn, với lòng vị tha nung nấu, Sư trưởng thương Như hạ Thanh tự thấy cần phải ra gánh vác Phật sự, dìu dắt Ni chúng. Cuối năm đó, Sư trưởng thu xếp về Nam, trên đường về, Người dừng lại chùa Thập Tháp (Bình Định) cầu học kinh Lăng Già Tâm Ấn với quốc sư Phước Huệ – là vị cao Tăng nổi tiếng, bác thông Kinh – Luật bậc nhất thời bấy giờ.
Với tinh thần hiếu học và tâm nguyện tự lợi lợi tha, Sư trưởng không ngại gian lao vất vả đường sá xa xôi, du phương tham học nhiều nơi trải qua suốt gần 10 năm. Có thể nói, đức tính hiếu học là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, tuy nhiên, để vượt qua nhiều chặng dài từ Nam chí Bắc với phương tiện giao thông và điều kiện kinh tế khó khăn vào thời bấy giờ quả là một việc không phải dễ dàng đối với hàng nữ nhi. Nếu không có lòng hiếu học, thiếu ý chí cương quyết dũng mãnh, hiếm ai có thể thực hiện được tâm nguyện của mình như Sư trưởng.
Trong đề cương Tôn chỉ Giáo Dục Ni Tài trình bày tại Phật học Ni viện Từ Nghiêm (Sài Gòn, ngày 04/4/1970) qua lời tâm huyết gởi đến chư học Ni Phật học Ni viện Từ Nghiêm, Sư trưởng đã nêu lên nguyện vọng và tâm huyết của mình:
“Người xuất gia phải đặt nhiệm vụ của mình trong công phu chơn tu thật học.
Điều khẩn yếu hơn trong trách nhiệm của Tỳ- kheo-ni, cần nhất là Giới hạnh.
Đã gọi Phật học Ni viện, tự nhiên cần phải lấy Phật học làm trọng yếu.”
Nối tiếp ý nguyện tiền nhân nói chung, Sư trưởng Như Thanh nói riêng, nhiều thế hệ Tăng Ni, hôm nay có nhiều vị đã trở lại cống hiến phục vụ tại các trường Phật học và các công tác của Giáo hội sau khi đã hoàn thành con đường tham học của mình tại các trường Trung cấp Phật học cũng như Học viện Phật giáo, xem đây là một niềm vinh dự như lời tâm sự của Ni sư Nguyên Thảo Trụ trì chùa Phổ Tịnh Cái Bè – Tiền Giang, một giáo thọ trẻ tuổi của trường Trung cấp Phật học Tiền Giang: Được sự tin tưởng của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang, BGH trường Trung cấp Phật học tỉnh giao trách nhiệm giáo dục, với tài hèn, sức mọn của mình, Sư cô nguyện dốc hết thân tâm góp viên gạch nhỏ xây dựng nền giáo dục Phật giáo tỉnh Tiền Giang nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung ngày một lớn mạnh hơn. Đây là điều hạnh phúc rất lớn đối với bản thân Sư cô. Vì vai trò của người lái đò trong Phật giáo không chỉ truyền trao kiến thức mà còn nuôi dưỡng Bồ đề tâm cho Tăng Ni sinh. Mặc dù vai trò của Sư cô chỉ là hạt cát trong biển sa mạc tri thức của Tăng Ni sinh, nhưng khi thấy các vị đạt được những thành quả trong sự tu học, trong tâm Sư cô dâng trào niềm hạnh phúc như chính mình đã gặt hái.
Đúng vậy, có gì vui sướng, hạnh phúc hơn khi nhìn từng thế hệ học sinh trên chuyến đò mình đưa đã gặt hái được quả ngọt trên bến bờ tri thức. Nhưng dòng sông học vấn không phải lúc nào cũng xuôi dòng êm đềm, trong thời đại 4.0, luôn xuất hiện nhiều thông tin độc hại vô bổ xen lẫn thông tin hữu ích như những tảng đá ngầm luôn chực chờ lật úp con thuyền nếu người đưa đò không đủ bản lĩnh vững tay chèo, đó là một thách thức của những người kỹ sư tâm hồn.
“Trước sự phát triển nhanh chóng của Internet và mạng xã hội, học sinh, sinh viên đang đứng trước thách thức trong việc tiếp nhận thông tin, phân loại các thông tin. Nếu các em không tỉnh táo, sáng suốt thì có thể bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực bởi những thông tin xấu, độc đó. Vì vậy, giữa sự nhũng nhiễu của thông tin từ mạng xã hội, chúng ta cần tự trang bị cho mình vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết. Trước hết, chúng ta cần có kỹ năng chọn lọc thông tin để nhận diện các thông tin xấu, độc. Mặt khác, chúng ta cần có kỹ năng công nghệ – thông tin nhất định để chặn các nick ảo, lọc, xóa, báo xấu… các thông tin độc hại. Độc trên mạng xã hội để không cho các thông tin đó lan truyền dễ dàng. Từ đó, học sinh, sinh viên mới có thể giữ vững lập trường, quan điểm, tiếp nhận những thông tin chính xác, đầy đủ và chính thống…”
Lời nhắn nhủ của cô Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giảng viên Trường Đại học Hải Dương, đã phần nào như kim chỉ nam giúp ta trên hành trình vượt sóng đi đến lâu đài vinh quang.
Xin mượn lời sách tấn đến các Tăng Ni sinh của HT. Thích Minh Thành, Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó Trưởng ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Trưởng Phân ban Thanh tra Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương GHPGVN trong chuyến công tác thăm và làm việc các trường Trung cấp Phật học miền Tây: Vì sự nghiệp trồng người, kết hợp với Bổn sư và xã hội, dìu dắt các em trên lộ trình tu học, trên tỉnh thần từ bi, trong thời đại tiên tiến, đầy rẫy sự cám dỗ về vật chất. Muốn được vậy cả thầy và trò đều cùng nhau hoàn thiện, luôn tĩnh thức. Tăng Ni sinh trẻ phải cố gắng trở thành những con người biết phụng sự cho người khác theo tinh thần Phật dạy.
Lời sách tấn đó phải chăng là giấc mơ trồng người, giấc mơ mang tên Hoa Đàm mà Sư trưởng Như Thanh cũng như bao chư Ni tiền bối kỳ vọng thế hệ hậu học chúng ta.
Chí Cường