Trải qua hơn hai năm cả thế giới phải đối mặt với cơn đại dịch mang tính toàn cầu, điều này khiến chúng con quán tưởng đến sự vô thường, sống nay chết mai, không đoán trước được điều gì. Lần đi thọ giới đợt này, cảm tưởng như mình đi giữa muôn trùng người giống như đi giữa làn tên mũi đạn, vì không biết ai đang là F0, mình cũng có nguy cơ, mà nếu bị nhiễm thì không thể thọ giới được. Chúng con cảm tưởng rằng dầu có “chết” cũng phải thọ được giới Tỳ kheo.
Ngày hôm đó, từ giới trường Ni qua giới trường Tăng, các giới tử Tỳ-kheo-ni đều đồng loạt không mang giày dép, tất cả đều đi chân trần. Đến trước cổng giới trường Tăng, các giới tử xếp hàng, chân không, chờ chư Tăng để được cầu giới pháp.
Điều này làm chúng con hồi tưởng đến thời Đức Phật ngày xưa, bà Maha Pajapati Gotami cùng các vị phu nhân dòng tộc Thích Ca đã đi chân trần hàng trăm cây số để cầu thỉnh Đức Phật cho phép xuất gia. Chúng con vô cùng biết ơn Kiều Đàm Di Mẫu, Ngài A Nan. Nhờ đó mà cánh cửa giải thoát đã mở ra đối với hàng nữ nhân, và tiếp nối theo truyền thống đó, ngày nay, nữ giới cũng được phép xuất gia, thọ giới cụ túc.
Có một vị tiền bối nói với con rằng: Đối với một người con gái ngoài đời, có lẽ giây phút khó quên là giây phút xuất giá. Còn đối với một vị Ni tu sĩ, giây phút hạnh phúc có bốn lần: Là lúc xuất gia, lúc thọ giới Sa di, lúc thọ giới Thức xoa và lúc thọ giới Tỳ-kheo-ni.
Xuất gia, xuất giá cũng đồng đi,
Hai nẻo khác nhau mới lạ kỳ!
Lối đạo trở về nơi tịnh lạc,
Đường đời đưa đến chốn sầu bi.
Đối với chúng con, thời khắc quan trọng nhất là giây phút được đăng đàn lãnh thọ giới pháp Tỳ-kheo-ni với nhiều ý nghĩa quan trọng.
Trong giây phút thiêng liêng, xúc động và hoan hỷ ấy, giới tử chúng con nhất tâm hướng về Tam Bảo, đọc to rõ theo lời xướng của vị Giới Sư. “Chúng con pháp danh là… ”, “Mô Phật, con giữ được”. Qua mỗi lần đồng thanh hòa xướng, giới tử chúng con cảm nhận một sự rung động sâu thẳm từ trong chính mình. Dường như mình sống những năm qua chỉ để chờ đợi giây phút này. Chúng con cảm tưởng được quay về với chính mình, đã hoàn thành được một nhiệm vụ thiêng liêng.
Mặc dù dịch bệnh chưa hoàn toàn ổn định, nhưng với sự gia hộ của mười phương chư Phật, sự đồng lòng nhất tâm của tất cả mọi người, sự chu đáo của Ban Tổ chức, làm cho Giới trường trang nghiêm; các vị Giới Sư thanh tịnh, từ bi, lân mẫn, không quản tuổi cao sức yếu; Giới tử khát ngưỡng cần cầu giới pháp lên cao độ sau nhiều năm chờ đợi. Quả là trong khó khăn, thử thách, con người càng trở nên mạnh mẽ, vượt khó, vươn lên như cá chép hóa rồng.
Giây phút chúng con lãnh thọ giới pháp Tỳ-kheo-ni đánh dấu một cột mốc quan trọng: Chúng con được chính thức dự vào hàng ngũ Tăng đoàn, được đắp lên mình chiếc y Tỳ kheo, mang trọng trách nối truyền mạng mạch Như Lai – một trách nhiệm cao quý thiêng liêng.
Chúng con cảm thấy con người mình đã khác hơn, dường như là một con người mới mẻ, trách nhiệm hơn, năng lượng hơn, niềm hoan hỷ dâng trào.
Giới đàn đã thành tựu viên mãn trong niềm hân hoan của các giới tử, sự mãn nguyện của Ban Tổ chức Giới đàn vì đã hoàn thành một sứ mạng nâng đỡ hàng hậu học được tiến thêm bước trong cuộc đời tu học; Giới Sư hoan hỷ khi đã hoàn thành được một trọng trách để Phật giáo có thêm những người xứng đáng kế thừa gia tài pháp bảo của Đức Thế Tôn.
Trong niềm hoan hỷ ấy, chúng con cũng tự nhủ với bản thân rằng: Đây là một cột mốc đánh dấu một chặng đường dài phía trước. Mình không nên chỉ dừng lại ở đây mà còn phải trau giồi, học hỏi, tu tập, rèn luyện nhiều hơn để xứng đáng với những gì mình đã được trao truyền, không phụ lòng chư vị tiền bối dẫn dắt, làm nơi nương tựa vững chắc cho đàn em, làm lợi ích cho nhiều người còn đang lặn hụp trong cảnh khổ.
Một lần nữa, chúng con xin tri ân Đức Phật, chư vị Tổ sư, thầy Tổ, Sư phụ, chư Tôn đức Tăng Ni, cha mẹ, đàn na tín thí,… đã tạo mọi điều kiện duyên lành cho chúng con được tiến thêm một nấc thang trên đường tu học Phật. Nguyện đem các công đức đã làm được hồi hướng đến tất cả chúng sanh đều được an vui, hạnh phúc.
Tường Vân (ĐSHĐ-104)