Này các con! Con nay đã lớn rồi sẽ bước chân đi khắp cả bầu trời… chim tung trời bay thẳng cánh trên khắp nơi thôn quê thành thị các miền, ở Dược Sư có Thầy luôn thương nhớ!
Dược Sư, ngày 04/7/2015.
Ôi! Khi đọc lời nhắn nhủ từ ái của Ni trưởng, ký ức thuở Ni chúng Trường Cao cấp Phật học Vạn Hạnh ùa về. Với mong muốn lưu giữ hành trạng của Ni trưởng từ lúc xuất gia cho đến lúc hoằng pháp và viên tịch, con xin được ghi lại với tất cả lòng kính ngưỡng dành cho một bậc Ni kỳ tài của Phật giáo Việt Nam giai đoạn thế kỷ XIX – XX.
1. Thiền môn nở đóa hoa vô ưu
Ngôi Tự Vĩnh Thành (xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đã mở rộng cửa thiền môn đón nhận bước chân người thiếu nữ Nguyễn Thị Đầy (1932 – 2022). Dù được sanh trong một gia đình trung lưu gia giáo tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre nhưng lại có nhân duyên sâu dày với Tam bảo, nên dù thân phụ là cụ ông Nguyễn Thành Phương ngăn cản, Ni trưởng vẫn giữ vững chí nguyện xuất gia.
Năm 1948 khi vừa tròn mười bảy tuổi, Hòa thượng Bổn Chơn Trụ trì chùa Vĩnh Thành đã thế phát cho người và ban pháp danh Giác Tăng, hiệu Nhựt Đức, thường gọi là Như Đức thuộc gia phong Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41. Sau khi thọ giới Sa-di-ni đã thọ giới Thức-xoa-ma-na vào năm 1952 tại chùa Huê Lâm (quận 11, Sài Gòn) đến năm 1959 Ni trưởng thọ đại giới Cụ Túc chính thức dự vào hàng Tăng chúng.
Với khí chất thông tuệ ham học hỏi và nhận thấy trên bước đường tu tập không thể chỉ tu mà thiếu học, vì vậy Ni trưởng đã gia công nâng cao trình độ Phật học. Năm 1945, học Phật học Sơ đẳng do Sư bà Bạch Vân thượng Như hạ Minh mở. Năm 1958 thi đậu Trung đẳng Phật học và học tại Ni trường Dược Sư. Năm 1968 theo học Dự bị khóa Đại học Vạn Hạnh.
Những năm tu học dưới mái chùa Dược Sư, Ni trưởng được sự tin tưởng của quý Sư bà đảm nhận nhiều công việc như thư ký, giấy tờ hành chánh. Đây chính là bước đệm của sự đóng góp to lớn cho Phật giáo Việt Nam về sau này.
2. Ni trưởng Như Đức với những đóng góp cho Phật giáo Việt Nam
Trong khoảng thời gian 1963 – 1968 mỗi tháng 2 lần Ni trưởng tham gia dạy lớp giáo lý và giảng Phật pháp cho Phật tử tại chùa Dược Sư.
Năm 1968 tham gia vào Ban lãnh đạo Ni trường Dược Sư với cương vị giáo thọ sư, thư ký. Trong cương vị mới Ni trưởng vừa là bậc Thầy từ hòa đức độ, uy nghiêm hết lòng với chúng vừa trông coi quy củ nhắc nhở sách tấn Ni chúng tu học. Bên cạnh đó Ni trưởng không quên sự tu tập tự thân, nâng cao đạo lực đã theo học khóa thiền hàng tháng (năm 1971) tại tu viện Chân Không (Vũng Tàu).
Nhận thấy tầm quan trọng của Giới Luật đối với hàng hậu học Ni chúng, vào năm 1975 ngoài việc sát cánh cùng Ban Giám đốc Ni trường Dược Sư, Ni trưởng mở lớp Luật Tứ phần Tỳ-kheo-ni giới bổn với hơn 60 vị theo học.
Khi Sư bà Như Minh tịch vào năm 1976, Ni trưởng được gọi về vâng giữ chức Trụ trì chùa Bạch Vân. Với trách nhiệm này, Ni trưởng đã hết lòng cùng với Ni trưởng Như Tâm (Phó Trụ trì) chăm lo phát triển và trùng tu ngôi Đại hùng bảo điện chùa Bạch Vân. Chùa Bạch Vân trở thành trụ sở của Ni giới tỉnh Bến Tre.
Vào khoảng những năm 1984 – 1996 vì sự cần thiết duy trì mạng mạch Phật pháp trong tình hình mới của đất nước và được sự cho phép của Nhà nước, Hòa thượng Minh Châu mở trường Cao cấp Phật học (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh). Ni trưởng được mời làm quản chúng nội xá Ni khóa I, Người đã hết lòng chăm lo đời sống Ni chúng làm tròn trách nhiệm được giao. Vì vậy, đến khóa III-IV-V chư Tôn đức Tăng đã mời Ni trưởng tham gia công tác giảng dạy môn Luật học Ni giới cho chư Ni, Người đã biên soạn Tỳ-kheo-ni giới bổn yếu lược1.
Không chỉ để tâm đến Ni chúng Phật Học viện mà Ni trưởng còn để tâm hơn đến lớp đàn em nhỏ. Năm 1992, Hòa thượng Từ Thông mở trường Cao Trung Phật học Thành phố Hồ Chí Minh tại chùa Vĩnh Nghiêm quận 3 (nay dời về Thủ Đức), Ni trưởng đã dạy môn Luật học Ni giới xuyên suốt từ khóa I đến khóa V (1992 – 2010).
Năm 2000 trải qua nhiều chuyển biến nội – ngoại tại, Ni trưởng vẫn luôn âm thầm gắn bó duy trì sinh hoạt Ni trường Dược Sư được tiếp nối và phát triển rực rỡ. Khi đó, dù 67 tuổi Người vẫn duy trì công tác tuần liêu theo dõi sát sinh hoạt tu học và nghiêm khắc nhắc nhở Ni chúng. Sự bền bỉ sắt son cùng với phong thái chân phương giản dị của Người được Ni trưởng Như Hòa tin tưởng giao phó trọng trách Trụ trì Ni trường Dược Sư. Dưới sự dẫn dắt của Người, lớp giáo lý cho Phật tử được Ni sư Như Nguyên, Như Thành, Như Nguyện và các Sư cô duy trì thành các thời thuyết pháp vào mỗi Chủ nhật hàng tháng. Đặc biệt đã thành lập Ban Nghi lễ chuyên trách phần nghi lễ khi các tự viện có nhu cầu.
Năm 2009, Phân ban Ni giới Trung ương thành lập, Ni trưởng được cử làm Phó Trưởng ban kiêm chuyên trách giới luật. Trong cương vị mới, bên cạnh việc giảng dạy Người thường xuyên dự các phiên họp Ni giới và năm 2010 tham dự Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới (diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh). Đến năm 2017 – 2019 được Giáo hội giao phó trở thành Cố vấn Phân ban Ni giới Trung ương kiêm Giám luật.
Không chỉ vậy, dù đảm nhận nhiều cương vị nhưng Người không từ lao nhọc khi được cung thỉnh vào bậc Tam sư các Đại Giới đàn Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Long An, Bạc Liêu… đã luôn luôn hoan hỷ với Phật sự quan trọng này.
Hoạt động không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục từ Ni trường Dược Sư cho đến Phật Học viện Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao Trung Phật học Thành phố Hồ Chí Minh của Ni trưởng đã đơm bông kết trái khi nhiều thế hệ Ni trẻ dưới sự dìu dắt của Người nay đã đủ sức đảm đương nhiều trọng trách Phật sự và tiếp nối sự nghiệp đào tạo Tăng Ni tài đức của Ni trưởng, giữ gìn giềng mối đạo pháp. Có thể kể đến như: Ni sư Huệ Chơn giáo thọ sư môn Hán văn Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Cao-Trung Phật học Thành phố Hồ Chí Minh; Sư cô Như Trang giáo thọ sư Hán văn, Sư cô Trung An giáo thọ sư Việt văn, Sư cô Thắng Tâm giáo thọ sư Việt văn, Ni sư Như Bích giám thị tại Trường Cao-Trung Phật học Thành phố Hồ Chí Minh; Sư cô Hòa Nhã Ủy viên Ban Văn hóa tỉnh Đồng Nai kiêm giáo thọ sư Giáo lý căn bản lớp Sơ cấp Biên Hòa Đồng Nai; Sư cô Quảng Tường đảm nhiệm lớp Trung cấp Phật học Tiền Giang kiêm giáo thọ sư Lịch sử Phật giáo Thế giới và Lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Năm 2018 Đại Giới đàn Trí Tịnh tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Dược Sư trở thành Giới đàn truyền giới Thức-xoa-ma-na, Ni trưởng được cung thỉnh làm Hòa thượng đàn đầu, dù tuổi cao những ngày Giới đàn diễn ra Người đều quán sát các hoạt động trong giới trường, kịp thời sách tấn giới tử.
Từ thiện xã hội cũng được Ni trưởng quan tâm thông qua các chương trình thiết thực giúp đỡ cho người có bệnh tật hiểm nghèo, người có đời sống khó khăn, học sinh nghèo hiếu học như: nấu cơm từ thiện hàng tháng, phát nhu yếu phẩm cho trại tâm thần ở Bình Dương, xây cầu cho tỉnh Trà Vinh, ủng hộ tiền mua sách vở cho học sinh nghèo ở Bodhgaya Katorawa (Ấn Độ), các chuyến cứu trợ mổ mắt lấy lại ánh sáng cho người bị mù và người mờ mắt…
3. Đóa hoa Ưu Đàm – hương thơm còn mãi
Vạn pháp đều nằm trong vòng sanh – trụ – dị – diệt, đã làm thân người không thể tránh khỏi sanh – lão – bệnh – tử, thân tứ đại của Ni trưởng cũng vậy, vào cuối năm 2021 Người nhuốm bệnh. Vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 6 tháng 1 năm 2022 (nhằm mùng 4 tháng Chạp năm Tân Sửu) Ni trưởng thuận theo định luật vô thường viên tịch, để lại niềm kính thương vô hạn. Lễ truy niệm được cử hành vào lúc 5 giờ ngày 11/01/2022 sau đó cung tiễn kim quan Ni trưởng trà tỳ tại Đài hỏa táng Phúc An Viên (quận Thủ Đức). Sau lễ trà tỳ có thu được một số phần xương còn lại với nhiều kích cỡ khác nhau có màu xương trắng đục, nâu, nâu đen được xem như một dạng của xá lợi, Kinh Kim Quang Minh Đức Phật dạy: “Xá lợi là kết quả của quá trình huân tu Giới – Định – Tuệ rất khó đạt được, cho nên, nó là ruộng phước tối thượng trên đời2.” Theo một số ý kiến cho rằng do sự tinh cần tu tập, năng lượng tâm từ và trong những năm tháng cuối đời khi cảm thấy hạnh nguyện hóa duyên đã mãn tâm thế tự tại trước cảnh vô thường Ni trưởng xả bỏ hoàn toàn tịnh tài tịnh vật không lưu luyến, chính vậy đã lưu xuất xá lợi.
Được tin Ân sư viên tịch, Ni sinh khóa III Trường Cao cấp Phật học được Ni trưởng chỉ dạy môn Luật học Ni giới ngày ấy nay đều trưởng thành tham gia sâu rộng vào công tác Phật sự ở nhiều lãnh vực như: Ni sư Như Nguyệt (Phước Viên), Ni sư Như Nguyệt (Huê Lâm), Ni sư Như Ngọc, Ni sư Viên Liên, Ni sư Hạnh Minh… đã vân tập về Dược Sư. Trong không khí trang nghiêm vô cùng xúc động, đại diện cho chư Ni khóa III đã có đôi dòng tác bạch trong lần về đảnh lễ lần cuối nhục thân Ân sư lần cuối: “Nam mô A Di Đà Phật! Quý chị thân kính! Vào lúc 8 giờ ngày 10/01/2022 phái đoàn đại diện Cựu Ni sinh khóa III đã đến chùa Dược Sư thành kính dâng hương tưởng niệm Ni trưởng thượng Như hạ Đức – bậc Trưởng lão Ni khả kính, giáo thọ môn Luật học cho Ni giới… huynh đệ mang theo hình ảnh lớp Ni từng thọ ơn giáo dưỡng của Ni trưởng quỳ trước Giác linh đài ngậm ngùi đảnh lễ nhục thân Ân sư lần cuối. Vậy là từ nay chúng ta lại mất đi một bóng Bồ đề giới đức chở che. Nhưng luật vô thường là thế, biết làm sao hơn! Dù vậy, chúng ta vẫn tin rằng năng lượng nghiêm từ, lời giáo giới của Ni trưởng dành cho chúng ta vẫn còn mãi với không gian và thời gian vô tận! Cảm ơn bạn Giới Hiền đã gởi lời dặn dò, nhắc nhở của Ni trưởng trong Lưu bút lớp Ni để chúng ta có dịp tuyên đọc, truyền trao cho đàn em tiếp nối. Cảm ơn chị Như Minh đã kịp thời gởi hình ảnh chia sẻ. Thật hạnh phúc và hoan hỉ khi huynh đệ gặp nhau “vẫn như lần đầu gặp gỡ” để thấy rằng chúng ta “dẫu xa nhau lòng vẫn nhớ nhau hoài. Xin tri ân tình pháp lữ Nhà Ni khóa III, tuy không đậm đà, vồn vã nhưng mãi thấm đượm và mỗi khi nhớ về, chúng ta luôn có được niềm vui!”
Lời căn dặn trong thủ bút “nhân ngày mãn khóa lớp Cao cấp Phật học Vạn Hạnh, chúc các em Ni sinh luôn luôn trau giồi Giới – Định – Tuệ” của Ni trưởng cho Ni sinh khóa III – được học trò của Người, nay đã là Giáo thọ sư, Quản viện Ni tuyên đọc như một lời nhắn gởi cho Ni chúng hàng hậu học. Chúng con mới nhận ra rằng những lời nhắc nhở “đi nhẹ nhàng không gây tiếng động” hay “để đồ đạc ngay ngắn theo đúng hàng chữ được in ấn trên nó” hay “Ni chúng cần nghiêm trì, tuân giữ giới luật, trau giồi Định lực qua thiền quán để phát sinh trí tuệ, vì đây là nét đẹp của người Ni có công năng tu tập”… đã chứa đựng hình ảnh từ nghiêm , lời dạy của Sư bà. Thì ra Sư bà vẫn còn đây, Người hiện diện trong từng lời chỉ dạy của chư vị giáo thọ Ni, Ban quản viện dành cho Ni chúng các khoá sau. Mạng mạch Phật pháp nhân đây mà được truyền trao tiếp nối đến muôn đời.
K.3 CCPH (ĐSHĐ-101)
- Theo lời Ni sư Như Trí, tân Trụ trì chùa Dược Sư, hiện tại Bổn tự đang lưu giữ quyển Tỳ-kheo-ni giới bổn yếu lược.
- Kinh Kim Quang Minh, Thích Nguyên Chơn dịch, 2009, phẩm xả thân, NXB. Hồng Đức, tr. 389.