Giáo lý đạo Phật chỉ rõ, phước và huệ giống như đôi cánh của con chim. Có trí tuệ mà thiếu phước sẽ rất khó tu, có phước báu mà thiếu trí tuệ dễ sanh ác kiến. Vì vậy, để có được những bước tiến vững chắc trên đường hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh – Tăng Ni, Phật tử luôn thực hành phước huệ song tu mới đồng đăng bỉ ngạn.
1. Từ thiện xã hội: Bức thông điệp ban vui cứu khổ
Để đưa Chánh pháp đến với mọi người, công tác từ thiện luôn được chư Tôn đức Tăng Ni quan tâm, Phật tử khắp nơi góp sức. Theo Từ điển Hán Việt, từ thiện là sự kết hợp giữa từ tâm và thiện lành. Như vậy, từ thiện là một việc làm tốt, xuất phát từ lòng yêu thương nhằm trợ giúp người không may, gặp khó khăn trong cuộc sống.
1.1. Từ thiện xã hội thể hiện lòng từ bi
Làm công tác từ thiện là đem thông điệp Từ Bi của đạo Phật truyền bá vào nhân gian, để nhân loại có cơ hội gần gũi Chánh pháp. Công tác này tuy dễ mà khó. Khó vì nó là một hoạt động đạo đức, không vụ lợi. Nó đòi hỏi người thực hiện phải có tâm bình đẳng, không phân biệt đối xử, dứt bỏ ý niệm thân sơ, yêu ghét, vì lợi ích chúng sanh, không nghĩ đến lợi ích cá nhân, nhất là phải có đức tánh hy sinh và lòng kiên nhẫn. Như vậy mới có thể vượt qua mọi trở ngại, thử thách, đem lại lợi lạc cho chúng sanh.
Đạo Phật được gọi là đạo Từ bi, vì tình thương trong đạo Phật rất bao la, sâu rộng: “Từ năng dữ nhứt thiết chúng sanh chi lạc. Bi năng bạt nhứt thiết chúng sanh chi khổ‛” (“Từ‛” có thể đem đến cho tất cả chúng sanh an vui; “Bi” có khả năng cứu tất cả chúng sanh thoát khổ). Từ bi không chỉ là một quan niệm, mà chính là sự sống, nó có sức mạnh chuyển hóa đời sống con người. Sống là yêu thương, là nhường cơm sẻ áo. Khi cây Từ bi được vun trồng thì đóa hoa tình thương bừng nở; chỉ có tình thương thật sự mới đem lại sự thanh bình, an vui, hạnh phúc cho cuộc đời. Cho nên, ở đâu có Từ bi, ở đó được cứu khổ. Từ bi là hạnh nguyện không cùng tận, hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm. Ngài là người tiên phong ươm mầm hạnh phúc, xóa khổ tạo vui, giúp cho chúng sanh hồi đầu phản tỉnh. Cho nên mỗi khi hướng về Ngài, chúng sanh sẽ biết yêu thương, chăm sóc, bảo vệ sự sống và hạnh phúc của muôn loài.
Cuộc đời triền miên đau khổ là do lòng ích kỷ; dưới sự chi phối của vô minh, chúng sanh đấu tranh hận thù. Chỉ có lòng khoan dung, độ lượng mới xoa dịu nỗi đau cho chúng sanh. Từ bi là chất liệu để hình thành nên những con người biết hiến tặng nhau niềm vui, để cùng nhau hóa giải khổ đau, mang lại niềm an lạc trong Chánh pháp. Trên tinh thần Từ bi, con người sẽ đem lại niềm hạnh phúc chân thật ngay nơi thế gian loạn động này. Nó mãi mãi là bức thông điệp về đạo đức cho nhân loại muốn tồn tại và phát triển.
Nếu sống với nhau mà không có tình thương, không có sự hiểu biết và tâm hỷ xả, thì dù có tổ chức tinh xảo đến đâu, cũng chỉ là môi trường để con người cấu xé lẫn nhau, dẫn đến những thảm họa chiến tranh không thể đo lường. Cho nên, chỉ có suối nguồn Từ bi mới dập tắt những khổ đau, đưa nhân loại xích lại gần nhau trong yêu thương và hiểu biết.
1.2. Từ thiện xã hội với tinh thần tùy duyên bất biến, vô ngã – vị tha
Chúng ta là những sứ giả của Như Lai, tu tập theo hạnh nguyện từ bi của Phật, Bồ-tát, thể nhập vào đời theo dòng chảy độ sanh, dù ở bất cứ lãnh vực nào của xã hội, cũng thể nhập một cách”tùy duyên”, bằng cách uyển chuyển tư tưởng mình theo các đối tượng cần hóa độ mà hóa độ. Trên tinh thần vô ngã – vị tha, chúng ta sẽ đồng cảm, đồng hành, đồng sự với tất cả các đối tượng xung quanh, dù đó là trí thức hay người lao động. Nếu trong đời sống thường nói:”Hòa nhập chứ không hòa tan” thì trong đạo Phật cũng ứng dụng phương châm “tùy duyên”,”bất biến” hoặc ngược lại.
Người đã giác ngộ thì luôn quán chiếu rằng: Tài sản cũng như thân mạng, đều là giả tạm, vô thường, thế thì có cái gì là”Ta” hay “của Ta” đâu mà tham lam, tiếc nuối, tự cao tự đại… Do vậy mà mang theo tinh thần vô ngã – vị tha đi vào cuộc đời để tùy duyên hóa độ, hướng mọi người về con đường chân – thiện – mỹ.
1.3. Từ thiện xã hội nâng tầm giác ngộ
Không chỉ san sẻ cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, thuốc men… mà người làm công tác từ thiện còn mở rộng được tâm hạnh Từ bi hỷ xả. Cứu giúp chúng sanh bằng phương tiện vật chất chỉ là một phương diện để xoa dịu nỗi đau của nhân loại, của xã hội, cộng đồng. Trong khi nỗi khổ của chúng sanh đầy cả hư không, nước mắt của chúng sanh đầy cả bốn biển, chút ít vật chất không thể nào xóa hết nỗi khổ đau vốn đè nặng chúng sanh trong vô lượng kiếp. Ngoài việc chia sẻ vật chất, Ban Từ thiện xã hội cần phải chú trọng về tâm linh, làm sao cho chúng sanh thâm nhập giáo lý nhiệm màu của đạo Phật để được giác ngộ giải thoát.
Từ thiện là một pháp trong tám vạn bốn ngàn pháp tu để đưa “chúng sanh” đến gần Chánh pháp. Chúng ta thường nghe câu: “Có thực mới vực được đạo”. Trong việc hoằng pháp, phương thức hữu hiệu là trước dùng phương tiện vật chất để ổn định đời sống, rồi sau đó hướng dẫn về mặt tâm linh, để những người hữu duyên đến gần với Đạo. Phật dùng hai chữ “chúng sanh” là chỉ cho mọi sinh vật. Cho nên làm “từ thiện đúng nghĩa” là nhổ tận gốc rễ cái khổ cho chúng sanh, chứ không chỉ xoa dịu cái “quả khổ” trong hiện tại, mà để mặc cho cái”nhân gây ra khổ” còn mãi về sau. Người có lòng Từ bi là vừa xoa dịu vết thương, đau khổ trong hiện tại, vừa chữa cho khỏi nguyên nhân gây ra đau khổ. Như người làm vườn không chỉ phát sạch cỏ trên mặt đất, mà còn đào sâu xuống dưới, nhổ sạch gốc rễ của cỏ nữa.
Trong kinh thường dạy: Khổ do nghiệp, nghiệp do hoặc, hoặc tức là vô minh – phiền não. Mà vô minh – phiền não đều ở trong tâm của mỗi người. Tâm là gốc của muôn pháp, một niệm phóng đi sẽ tác thành nghiệp báo. Cho nên, những tư tưởng bất thiện, những hành vi bất chánh, những ngôn từ vô bổ, đều là những chướng ngại trong tâm thức. Tâm chúng sanh đầy rẫy phiền não, tật xấu, dung chứa vô số hạt giống chua cay, đắng độc. Dĩ nhiên, những mầm mống ấy sẽ trổ ra những quả khổ đau. Bởi thế, đạo Phật rất chú trọng vấn đề tu tâm dưỡng tánh. Muốn cho sự nghiệp lợi tha này được vẹn toàn, người làm công tác từ thiện có bổn phận vừa cứu giúp vật chất vừa đem giáo pháp tu hành chỉ dạy để chúng sanh biết quy hướng về Tam bảo, bỏ ác làm lành, ăn chay, giữ giới.
Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay chịu biết bao nhiêu là cảnh khổ, từ vật chất đến tinh thần, nhất là đối với luật vô thường: sanh, già, bệnh, chết, không ai thoát khỏi được. Đã không thoát được mà còn vô tình gây thêm nhiều nghiệp khổ, lắm khi cứ quên mất cái tuổi già mỗi ngày một chồng chất, quên mất cái chết sắp đến gần…
Như thế, cứu giúp chúng sanh về phương diện không gian bao gồm cả muôn loài, về phương diện thời gian bao gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Nếu chỉ “cho vui và diệt khổ” trong hiện tại, mà không nghĩ đến “cho vui diệt khổ” trong tương lai thì chưa được gọi là hoằng pháp. Bởi thế cần phải gây nhân vui và diệt nhân khổ. Giáo lý Phật pháp nhiệm màu có khả năng hóa giải tâm thức của con người từ mê mờ đến giác ngộ, xóa tan ngăn cách giữa con người với con người bằng tình yêu thương rộng mở.
2. Đóng góp của Ni giới trong công tác từ thiện xã hội
Từ ngày Phân ban Ni giới Trung ương và các tỉnh thành được thành lập, Quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô có nhiều cơ hội chung tay góp sức với Giáo hội trong các Phật sự. Khi đảm trách công tác từ thiện, với đức tánh hy sinh, chịu thương chịu khó, quý Ni trưởng, Ni sư đã vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm kịp thời đáp ứng nhiều nhu cầu cấp bách như:
Xây cầu, đắp đường giao thông nông thôn, đào giếng nước sạch, hiến máu nhân đạo, đóng góp các quỹ từ thiện vì người nghèo, học sinh hiếu học, giúp phụ nữ nghèo vượt khó, tặng xe đạp cho học sinh, xe lăn cho bệnh nhân nghèo, tặng xuồng ghe, hỗ trợ áo quan, hỗ trợ mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể, bệnh tim nhi, phát quà Tết, quà Trung thu cho các cháu thiếu nhi, nồi cháo tình thương, bữa ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, trung tâm y tế… Bên cạnh các hoạt động từ thiện như nuôi dạy trẻ mồ côi, chăm sóc, nuôi dưỡng người già neo đơn, quý Ni trưởng, Ni sư luôn có mặt đúng lúc và kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, tích cực ủng hộ phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng người có công với đất nước, ủng hộ các chiến sĩ biển đảo bám biển Hoàng Sa, Trường Sa… Đặc biệt, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 năm 2020 và đầu năm 2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tập trung nhiều nguồn lực ủng hộ; Ni giới cũng góp phần không nhỏ trong công tác này. Từ khi Phân ban Ni giới hoạt động, Quý Ni trưởng Phân ban Ni giới Trung ương không ngại khó khăn, không từ lao nhọc, dù tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng vẫn luôn làm việc không mệt mỏi, chung tay góp sức xây dựng ngôi nhà Phật pháp được trường tồn. Các Ngài luôn là bóng cây đại thọ cho hàng hậu học chúng con hướng về và noi theo. Chúng con là Ni giới thuộc tỉnh Gia Lai – một trong những tỉnh miền núi ở phía bắc Tây Nguyên. Sau ngày thống nhất đất nước (năm 1975), Đảng và Nhà nước đã chuyển một số lượng lớn đồng bào người Kinh từ miền Bắc và miền Trung lên xây dựng kinh tế, quốc phòng, điều động cán bộ bổ sung cho Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, làm cho số lượng người Kinh ở Gia Lai tăng lên nhanh chóng. Số lượng người dân tộc sinh sống ở Gia Lai chiếm 48%, phần nhiều họ làm ruộng rẫy, trồng trọt và làm thuê, nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhất là những vùng miền núi xa xôi. Kinh tế ở Gia Lai phát triển tương đối chậm, công tác từ thiện phần nhiều nhờ vào sự hỗ trợ của các đoàn từ thiện. Ni giới chúng con cũng rất quan tâm đến hoạt động này, nhưng tiềm lực kinh tế làm trở ngại rất lớn cho Phật sự cũng như công tác từ thiện. Trong khi đó, Cần Thơ là một thành phố xinh đẹp, sông nước hiền hòa, gạo trắng nước trong, là nơi sinh ra nhiều bậc Ni lưu tài đức. Hoạt động của Phân ban Ni giới thành phố Cần Thơ rất nổi trội, nhất là về công tác từ thiện. Như chúng con được biết, Quý Ni trưởng, Ni sư đã đi đến nhiều nơi trên mọi miền đất nước để cứu giúp những hoàn cảnh bệnh tật, khó khăn, sống trong cảnh màn trời chiếu đất vì thiên tai bão lụt. Gần đây nhất, vào các năm 2020, 2021, 2022, 2023, đoàn từ thiện Ban Trị sự Phật giáo, Phân ban Ni giới thành phố Cần Thơ do Ni trưởng Thích nữ Diệu Ngộ, Ni trưởng Thích nữ Như Minh, Ni sư Thích nữ Chơn Như, Sư cô Thích nữ Từ Tâm phụ trách đã thực hiện rất nhiều đợt cứu trợ tại các tỉnh miền núi, miền Trung khi người dân nơi đây gặp thiên tai bão lụt. Mỗi đợt hỗ trợ 1 ngàn đến 2 ngàn phần quà, mỗi phần trị giá khoảng 700.000 – 800.000 đồng. Riêng năm 2020, đoàn đến các tỉnh miền Trung cứu trợ lũ lụt nhiều đợt, số tiền lên đến 6 tỷ đồng. Ở thành phố Cần Thơ, quý Ni trưởng, Ni sư luôn tích cực vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm ủng hộ công tác từ thiện hằng năm, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vùng sâu, vùng xa như: xây nhà tình thương, xây cầu nông thôn giao thông, phát học bổng, phát xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học… Mỗi năm, số tiền lên đến vài trăm triệu đồng.
Y phương minh là phương tiện thực tiễn giúp người hoằng pháp tiếp cận, hiểu thấu được nỗi đau của chúng sinh. Chư Phật là những nhà lương y, biết cả thân bệnh và tâm bệnh của chúng sanh. Thế gian đầy rẫy bệnh tật, đau khổ. Sư cô Thích nữ Từ Tâm chùa Phước An, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ là vị Ni đầy lòng nhân hậu. Tại chùa, Sư cô mở một Tuệ Tĩnh đường, tự tay xem mạch bốc thuốc miễn phí, mỗi ngày có trên 500 người đến điều trị, đã từng cứu giúp bao người thoát khỏi căn bệnh nan y quái ác.
Trong một bài viết, Ni trưởng Thích nữ Huệ Từ, nguyên Phó Phân ban Ni giới Trung ương, nguyên Trưởng ban Từ thiện xã hội Phân ban Ni giới Trung ương đã nhận định: “Chư Ni ở các chùa không ngừng trưởng thành về năng lực xã hội, có khả năng huy động tốt các nguồn lực xã hội để hỗ trợ kinh phí sinh hoạt tại những cơ sở xã hội, là một điều kiện tốt để trải nghiệm nỗi khổ đau của chúng sinh và thực h|nh lòng từ bi của người con Phật, trong lúc đạo đức xã hội đang xuống dốc, đem đạo vào đời một cách uyển chuyển và thiết thực, chung tay góp phần xoa dịu nỗi đau của xã hội. Mặt khác, đây là một bước chuyển mạnh mẽ để giúp cho Ni giới tăng cường cơ hội học tập và dấn thân, thực hành và tỏa sáng hạnh từ bi, nêu cao truyền thống phụng sự đạo pháp và dân tộc.”
Kết luận
Với việc tham gia công tác từ thiện xã hội tích cực, nhiệt tâm, Quý Ni trưởng, Ni sư Phân ban Ni giới Trung ương và các tỉnh thành đã góp phần “ích đạo lợi đời”, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc” làm tăng thêm bản chất tốt đẹp vốn có của người con Phật. Đây cũng được xem là nền tảng hoằng pháp trọng tâm của Giáo hội.
Chúng con cầu mong ngôi nhà Phật pháp ngày càng lớn mạnh, bánh xe pháp mỗi lúc một tiến xa. Chư vị sứ giả Như Lai luôn là những thiên thần chắp đôi cánh thần kỳ đem đạo vào đời, thực hiện các lợi ích thiết thực truyền khắp năm châu bốn biển.
Kính dâng lễ tưởng niệm đức Tổ Kiều Đàm Di Mẫu tại thành phố Cần Thơ với lòng thiết tha thành kính. Cầu nguyện thế giới hòa bình, nhân sanh an lạc, đạo pháp trường lưu, chư vị Trưởng lão Ni đạo thọ miên trường, mãi là bóng bồ-đề rộng lớn che mát cho hàng hậu học chúng con trên bước đường giải thoát.
NS. Thích nữ Phục Liên