Đó là một vùng quê nghèo, xung quanh được bao bọc bởi cánh đồng bạt ngàn cùng sông nước bao la – không đâu xa chính là một xã nhỏ thuộc tỉnh Vĩnh Long. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ, ấm áp tọa lạc nơi đồng ruộng, gồm 3 người (2 vợ chồng và 1 đứa con gái 7 tuổi) có cuộc sống giản dị với nghề nông. Hai vợ chồng được làng xóm gọi với cái tên gần gũi là chú Năm và thím Năm. Mỗi ngày, hai vợ chồng ra đồng làm lụng, buổi trưa người vợ về sớm nấu cơm để cả nhà cùng quây quần sum họp, ăn uống sau nửa ngày mệt mỏi. Họ có đứa con 7 tuổi, cô bé tên Như Ý đang học lớp 1 tại trường tiểu học ngay xã huyện, trường cách nhà cũng khoảng 2 cây số.
Hôm đó là một ngày tiết tháng 4 nắng nóng. Như thường lệ, nấu cơm xong, thím Năm vác bình nước trà ra đồng cho chú Năm uống rồi cả hai cùng về ăn trưa. Như Ý đi học về sẽ dọn chén, đũa đợi ba má về rồi cùng ăn. Thế nhưng, cuộc đời thật trêu ngươi, do củi nấu cơm rớt xuống đất gặp không khí nóng nên cứ ngùn ngụt rồi bốc cháy thành lửa lớn. Ngôi nhà ấy bỗng chốc bị lửa thiêu rụi tan tành, cũng may mắn là những thành viên trong gia đình đó không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng Như Ý do ngồi trong nhà đợi, thấy lửa cháy em vội chạy ra lu lấy nước dập lửa, với sức người nhỏ bé lấy chẳng được bao nhiêu nước, ngược lại lửa mạnh táp vào tay làm 2 bàn tay em bỏng nặng.
Bốn tháng sau, ngôi nhà đã được xây lại, hai tay em cũng lành, em trở lại trường học như bao bạn bè đồng lứa. Thế nhưng, Như Ý rất tự ti và buồn khi các bạn trong lớp xì xầm về em, những đứa bạn ấy không những tránh xa, còn xem em như một “dị nhân”. Sau ngày đầu tiên đến trường đó, Như Ý không còn thiết tha đến lớp nữa, mà em trốn tránh trong phòng của mình, lặng lẽ khóc. Thấy thế, chú Năm hỏi:
– Sao hôm nay con không đi học vậy Ý?
Mếu máo, nghẹn ngào, cùng sợ cha mắng, em rụt rè đáp:
– Dạ con hông muốn đi học đâu cha ơi, con muốn ở nhà.
Anh Năm trừng mắt, lớn giọng:
– Có chuyện gì mà con không đi học, nói cha nghe.
Như Ý với sự sợ hãi, mếu máo:
– Con hông muốn đi học cha ơi, con hông đi học đâu, cha đừng bắt con đi học.
Anh Năm nghe thế bực quá xuống bếp lấy cây roi quất vào mông cô bé hai roi:
– Không đi học thì ở nhà làm gì? Tuổi này là tuổi đi học, con lười học thì lớn lên làm gì hả?
Chắc có lẽ là người nông thôn, không biết tâm lý để dạy con để cùng tháo gỡ khúc mắc. Lúc này Như Ý vừa khóc lớn vừa nói:
– Từ nay con hông đi học đâu… cha đừng đánh con nữa, các bạn chê cười con, các bạn hông chơi với con do vết bỏng trên tay con thấy ghê, con buồn lắm, con hông đi học đâu cha đừng đánh con…
Giọng nói hòa cùng tiếng khóc, nghẹn ngào, tủi thân của cô bé làm anh Năm quặn thắt cõi lòng. Là người cha thương con vô cùng, nhưng anh không thể làm gì được cho con lúc này, anh thấy rất đau lòng. Một dòng nước mắt của người đàn ông – một người cha chảy dài trên gò má nâu sạm, lộ rõ vết hằn trên trán nhọc nhằn của người nông dân. Chú quay người đi ra sau hè, tay chống lên cây dừa, thở dài một cách bất lực.
Gia đình chú Năm có truyền thống gắn với Phật giáo từ thời cha của chú đến giờ. Chú nghĩ, chỉ có Đức Phật gia hộ cho con mình bình an, vững tâm hơn để tiếp tục đến trường, không còn mặc cảm hay tự đi để đi học cùng bè bạn. Chú nhớ ngay dưới Bạc Liêu có Sư cô Diệu Lý như vị Bồ tát sống được nhiều người thường kể rằng Sư cô thường xây cầu, đắp đường, xây nhà tình thương, yêu thương trẻ nhỏ, giúp đỡ người già, và có tâm lý dạy trẻ. Nghĩ đến đây, tia hy vọng rực sáng trong đôi mắt lo lắng của một người cha. Chiều hôm đó, chú Năm nói với Như Ý:
– Cha nói con nghe nè, cha đưa con vào chùa chơi nha. Ở đó có Ông Phật dễ thương lắm, thường hay chơi với trẻ nhỏ. Ông Phật trí tuệ tuyệt vời, từ bi yêu thương mọi người, yêu thương con nữa.
Thường được cha dắt đi chùa công quả, lạy Phật từ nhỏ, Như Ý gật đầu:
– Dạ con vào chùa chơi với Ông Phật. – Đó là ngày 1 tháng 4 năm Bính Tuất (2006).
Vừa vào chùa khoảng 1 tuần thì gặp ngày Phật Đản (Phật lịch 2550). Đó là một ngày đặc biệt của Như Ý. Trong lúc tiến hành nghi lễ tắm Phật trên chánh điện thì Như Ý lon ton chạy vào giữa buổi lễ, chắp tay lạy tượng Đức Phật Đản sanh rồi cười thích thú. Biết em mới vào chùa, Sư cô Diệu Lý hỏi:
– Hôm nay ngày tốt, con có muốn theo Ông Phật này không nè?
Ánh mắt sáng ngời, hồn nhiên – Như Ý đáp:
– Dạ có, con muốn theo Ông Phật này ạ.
Với sự chứng kiến, đồng ý của chú Năm và thím Năm, Sư cô Diệu Lý đã xuống tóc cho Như Ý, đặt cho bé pháp danh Tiểu Tịnh. Ngày hôm đó là mùng 8 tháng 4 năm Bính Tuất (2006).
Thế là 8 năm trôi qua, Tiểu Tịnh giờ đây đã ra dáng thiếu nữ, được Sư phụ và mọi người quý mến, yêu thương, bởi em rất ngoan, hiền, chăm học. Nhưng cái nhìn thấy đôi khi chỉ là một phần vật chất bên ngoài, hay một khía cạnh nhỏ của sự nhận biết. Hôm ấy Sư phụ của Tiểu đi cúng ở tỉnh bên, nên cô Ba vào phụ giữ chùa và nấu nướng để cúng trai đường – cô là Phật tử thường vào chùa công quả. Trùng hợp là hôm nay Tiểu Tịnh được nghỉ học do Trường tổ chức họp phụ huynh. Vì thế, em ở chùa phụ cô Ba nấu bếp. Cô Ba nổi tiếng rất khó chịu, vừa bắt chảo lên bếp, đổ dầu vào chảo cô Ba liền vọng đến Tiểu Tịnh:
– Tiểu Tịnh lấy cho cô Ba cây “tiểu liễu” đi, nhanh nhanh lên.
Cô Tiểu Tịnh xuất thân từ nông thôn, có nhiều từ ngữ địa phương Tiểu không hiểu do khác biệt vùng miền. Vì thế, kêu cây “tiểu liễu” nên Tiểu Tịnh không biết là cây gì, em liền hỏi:
– Dạ cây tiểu liễu là gì vậy cô Ba?
– Chèn ơi, người ta xào rau bằng cây gì cô?
Bối rối một lát, cô Tiểu hiểu ra và chạy ngay đến cửa tủ để muỗng, đũa, vá bới cơm, sạn. Cô Tiểu lấy cây sạn đưa cho cô Ba. Vì ở quê cô, người ta gọi đó là “cây sạn”. Và thường ngày, Sư phụ cũng gọi là cây sạn.
Một lát sau, cô Ba lại nói:
– Cô Tiểu ơi lấy giùm cô Ba “di tăm” đi.
Lần đầu nghe từ “di tăm” cô Tiểu ngẩn người.
– Di tăm là gì vậy cô Ba?
Cô Ba quát lên:
– Là nước tương đó chời, nước tương mà cũng hỏng biết nữa.
Sau đó thì cô Ba cũng nấu cơm xong, Tiểu Tịnh nhanh nhẹn dọn cúng trai đường. Chuyện sẽ không có gì cho đến khi Sư phụ cô Tiểu về. Cô Ba lại gần thưa với Sư cô:
– Dạ khi Sư đi công việc, ở nhà cô Tiểu hông có nghe lời, chậm chạp không muốn phụ giúp con gì hết. Con đứng nấu ăn nhờ cô Tiểu lấy có chút xíu đồ giùm mà cô cũng không muốn giúp, tỏ vẻ khó chịu. Mới bây lớn mà có tính đó rồi.
Sư cô trầm ngâm một lát rồi nói:
– Tiểu Tịnh còn nhỏ, còn khờ lắm, thường ngày công phu xong là ra quét sân, thường thì Tiểu Tịnh rửa chén với dọn trai đường, do Tiểu đi học nên Sư hông có cho gần bếp. Thôi để Sư chỉ dạy lại cô Tiểu.
Những lời nói không đúng của cô Ba thưa với Sư phụ đã được Tiểu Tịnh đứng dưới bếp nghe hết. Không những thế, cô Ba thấy một số người Phật tử khác đi chùa cũng lại gần để kể chuyện cô Tiểu. Cô Tiểu rất buồn suốt ngày hôm đó, vì không ai hiểu cho cô. Sư phụ thì cứ im lặng không nói gì về cô hết, cô nghĩ: “Sư phụ đã hiểu lầm mình, hay Sư phụ hết thương mình rồi?”
Những dòng suy nghĩ cứ tiếp diễn. Đối với một cô Tiểu mới lớn, ở cái độ tuổi còn chưa có suy nghĩ chín chắn, vững vàng. Thế nhưng hôm đó em suy nghĩ rất nhiều.
– “Là con một trong gia đình, được cha mẹ yêu thương không phải làm bất cứ việc gì. Thế nhưng khi vào chùa thì người ngoài có cái nhìn khác, có vài Phật tử thấy mình tụng kinh mà ngủ gật cũng đi méc Sư phụ. Rồi những việc nhỏ như không hiểu ngôn ngữ vùng miền cũng méc Sư phụ cho lớn chuyện. Cái tuổi đang lớn phải ăn, phải ngủ nên công phu ngủ gật là chuyện khó tránh mà cũng bị méc,… Chỉ có Sư phụ là thương mình. Nhưng thật mệt mỏi với xung quanh. Tại sao mình phải chịu đựng những con người như thế, thế giới ngoài kia còn tươi đẹp biết bao, phía trước rực rỡ biết bao. Còn cha mẹ yêu thương mình nữa…”
Những dòng suy nghĩ đó đã đánh dấu bước ngoặt cuộc đời cô Tiểu. Hôm đó, cô quyết định không xuất gia nữa, mà về nhà đời, nơi có cha mẹ thương yêu mình. Cô bỏ đi mà không dám thưa Sư phụ, vì cô biết Sư phụ rất yêu thương cô, sẽ khuyên dạy cô ở lại.
Sau khi về nhà cô đã vẽ ra cho mình một tương lai hạnh phúc, một gia đình êm ấm. Cứ thế, cô có một cuộc sống bình thường như bao người khác. Năm 18 tuổi cô lấy chồng, không biết nhân duyên thế nào mà nhà chồng cũng ở tỉnh Bạc Liêu, cách chùa cô chỉ 3 cây số. Lấy chồng được 5 năm thì cô có đứa con gái đầu lòng. Sự nghiệp buôn bán thì cũng ổn định, nhưng do cả tin nên bị bạn bè lừa đảo, họ kêu cô tham gia hùn vốn kinh doanh để có nhiều tiền hơn lo cho gia đình. Nhưng những người bạn hay đồng nghiệp đó đã ôm tiền dành dụm của cô đi mất. Để lại cho cô sự thất vọng và khoản nợ khá lớn. Nhưng nghĩ về con cái, cô cố gắng tăng thêm giờ làm, mong muốn trả nợ và lo cho gia đình. Khi con cô vào năm đầu đại học cũng là lúc mẹ cô bệnh nặng qua đời. Nỗi đau còn đó chưa nhòa thì trong một chuyến đi thực tế tự túc với nhóm bạn để chuẩn bị làm khóa luận tốt nghiệp đại học, con cô đã bị tai nạn xe qua đời. Chứng kiến kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, lòng cô đau khổ vô cùng, đứa con mình sinh ra giờ đây đã qua đời – năm đó, cô 40 tuổi. Chồng cô vì buồn mà bỏ bê công việc lao vào nghiện rượu.
Thấm thoắt đã 5 năm, sau đó chồng cô cũng qua đời sau cơn bệnh tim. Cô bị sốc về tinh thần khi phải chứng kiến lần lượt từng người thân yêu của mình qua đời. Đến người chồng tưởng đâu sẽ cùng mình là niềm an ủi, rồi cùng nhau già đi, vậy mà… chồng cũng ra đi trước cô. Đứng ở ngưỡng tuổi 45, cô mất tất cả, cuộc đời phía trước với cô tối sầm lại. Những tưởng điều cô vẽ tuyệt hảo trước kia sẽ như ý mình, nào ngờ đâu đã biến mất theo lý vô thường mà con người không bao giờ can thiệp được. Cô đau khổ vô cùng, dáng vẻ thất thểu, cô bất cần cuộc đời, cô bước đi trong vô vọng. Những bước chân nặng trĩu vô định hình không biết về đâu, không biết cô đã bước đi đến đâu. Cô, giờ đây như lục bình trôi trên dòng nước bất tận. Mặc cho thế gian xung quanh, mặc cho xe cộ tấp nập giữa dòng đời. Cô cứ đi… cứ đi…
Lạ thay, bước chân ấy đã đưa cô đến ngôi chùa khi xưa cô tu học, cái tuổi tươi đẹp, hồn nhiên, không lo nghĩ. Cô nhìn lên, thấy mình đã đi đến vườn Lâm Tỳ Ni của chùa – nơi Đức Phật Đản sinh với nụ cười từ bi cùng bảy đóa sen. Hình tượng mà cô rất yêu thích, quý kính từ khi còn nhỏ. Giờ đây Sư phụ cô đã già, chống gậy bước về phía cô. Vẫn vẻ mặt yêu thương đầy nhân từ ấy. Cô chạy đến quỳ xuống, ôm Sư phụ và khóc như một đứa trẻ. Phải chi, ngày ấy cô không về nhà, không ham mê những cái gọi là đẹp đẽ, rực rỡ ngoài kia. Trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, ở cái tuổi hơn nửa đời người ấy, cô cảm thấy tất cả chỉ là tạm bợ, là giả dối hão huyền. Vậy thì làm gì hạnh phúc??? Từng tiếng nấc nghẹn ngào, muộn màng trong sự đau khổ tột cùng không thốt nên lời nữa, cô chỉ biết ôm Sư phụ khóc như một đứa trẻ. Lúc này, Sư phụ xoa đầu cô, với giọng nói của bậc Ni lưu đức hạnh, từ tốn:
– Con về rồi hả Tiểu Tịnh? Con về tu với Sư phụ nha con. Sư phụ đợi con lâu lắm rồi…
Bỗng nhiên, một hồi khai chuông Đại Hồng Chung trên chánh điện vang lên điểm 8 giờ, cùng tiếng Sư phụ gọi:
– Tiểu Tịnh! Giờ này chưa thức nữa con, bộ con bị bệnh hay sốt mà trán nóng hổi vầy nè? Thức dậy rửa mặt, đánh răng rồi ăn sáng, uống thuốc vào nhanh lên rồi lên chùa tắm Phật để Ngài gia hộ cho con học giỏi, sáng suốt, khỏe mạnh nè.
Tiểu Tịnh như hoàn hồn trở lại, cô Tiểu vui sướng vì hạnh phúc khi biết mình vừa trải qua một giấc mơ như hồi chuông cảnh tỉnh do suy nghĩ quá nhiều và khóc hôm qua nên mệt quá ngủ quên. Cô Tiểu hạnh phúc nhào tới ôm Sư phụ, cô tâm sự:
– Dạ phụ ơi, hôm qua con có nghe cô Ba méc con là hông có nghe lời cô Ba. Nhưng Sư phụ ơi, cô Ba dùng nhiều từ ngữ con thấy lạ nên hông có hiểu, chứ con hông có lỳ đâu. Sư phụ có còn thương con nhiều hông Sư phụ. Con thấy buồn vì người ta nghĩ con xấu tính, hay méc Sư phụ nữa ạ.
Sư phụ mỉm cười, với ánh mắt hiền từ, nhẹ nhàng xoa đầu Tiểu Tịnh và dịu giọng, từ tốn:
– Sư phụ thương con nhiều lắm chứ!!! Nhưng con à, Sư phụ muốn con biết rằng là một cô Tiểu nhỏ con phải rèn luyện cho mình đức tính nhẫn nhịn biết không con. Cũng như muốn xây dựng một ngôi nhà, ngôi chùa vững chắc thì cái nền móng rất quan trọng, cái nền móng chất lượng, vững thì mới nâng đỡ được ngôi nhà. Có thế mới xây được ngôi nhà thật vững để chống lại các yếu tố nắng, gió, mưa,… biết không con. Còn là một cô Tiểu nhỏ, cũng chính là lúc con xây dựng cho mình một cái “tâm” và tinh thần vững chãi biết không con. Như thế thì con phải biết nghe lời, biết nhẫn nhịn, tập cho mình thói quen buông xả trước những lời nói không đúng về con. Có như thế thì “cái nền” của con mới vững. Sau này lớn lên, con còn phải mang sứ mệnh duy trì mạng mạch Phật pháp cho đạo và làm một công dân tốt cho đời. Lúc đó tâm con có thể vững chãi, để bình thản đối mặt với mọi sóng gió, xứng đáng là một trưởng tử Như Lai nha con. Với lại Sư phụ thường dạy con tu là sửa nè. Sư phụ biết con rất tôn kính hình tượng Đức Phật Đản sanh và hình tượng bảy đóa sen. Sư phụ muốn con luôn nhớ ý nghĩa hình ảnh Đức Phật đi bảy bước trên bảy đóa sen lúc Ngài vừa được sinh ra, để từ đó con áp dụng vào việc tu học của mình nha con. Mỗi ngày con phải nhẩm và thực hành 7 điều Sư phụ dạy con nha hông.
Nói rồi, Sư phụ xoa đầu Tiểu Tịnh và tiếp:
– Thứ nhất, mỗi ngày phải trau giồi trí tuệ bằng cách đọc các câu truyện cổ Phật giáo, trên lớp học phải chăm chú nghe thầy cô giảng bài. Thứ hai, phải luôn đặt chữ nhẫn lên hàng đầu bằng cách tập yêu thương người đã nói những điều không tốt về con, tập buông xả những lời nói, hành động không tốt của người đối với con. Thứ ba, ngoài giờ học trên lớp phải biết siêng năng công quả, làm những việc thiện lành, cứ thấy việc gì đem lại phước báu cho mình, an lạc cho người thì con nên làm. Thứ tư, khi làm việc gì cũng nghĩ xem có hại cho ai không, nếu việc đó có hại thì không nên làm, bỏ qua tâm ích kỷ, trau giồi sự độ lượng. Thứ năm, nhìn mọi việc xung quanh bằng tâm hoan hỷ, yêu thương, tha thứ, buông xả để nội tâm con trở nên cao thượng hơn mỗi ngày, nhờ thế các yếu tố bên ngoài khó làm con buồn chán, đau khổ. Thứ sáu, phải tập cho mình có cái tâm vững chãi, nghị lực từ tinh thần thì sau này mới cho người khác nương tựa được biết không con. Cuối cùng, Sư phụ mong con luôn nói những lời ái ngữ, từ hòa để mang lại niềm vui cũng như sự hòa hợp cho mọi người. Luôn nhớ giữ gìn “thân – khẩu – ý”. Tập nhìn sâu, thấu hiểu cho người khác. Đó là 7 điều con phải hiểu từ hình tượng Đức Phật Đản sinh đi trên bảy đóa sen cũng như ý nghĩa của nó mà con cần phải biết với góc nhìn và vai trò của một cô Tiểu hay một tu sĩ trẻ. Con có nhận ra ngày xuất gia của con trùng với ngày Đức Phật Đản sinh không con, hôm nay cũng là sinh nhật trong đạo của con nè. Vì thế, con phải cho mình được sinh ra một lần nữa, sinh ra ở đây là biết bỏ đi những cái chưa tốt của hôm qua, thay đổi từ hôm nay để mỗi ngày mỗi tốt hơn đó con. Khi con thực hành 7 điều trên, con sẽ thấy xung quanh con thay đổi, nhớ không con? Rồi bây giờ Tiểu Tịnh đi rửa mặt, ăn, uống thuốc rồi lên tắm Phật, lạy Phật nghe con.
Được Sư phụ dạy dỗ từng câu chữ với giọng nói ấm áp, từ tốn, ánh mắt hiền hòa, sâu lắng, Tiểu Tịnh như hiểu ra nhiều điều hơn, cảm thấy mình đã gỡ bỏ những khúc mắc, những suy nghĩ tiêu cực. Em thấy mình trở thành một con người mới. Hạnh phúc hơn bao giờ hết. Chắc có lẽ một phần lớn chính là em vẫn là Tiểu Tịnh – là chính mình, được Sư phụ yêu thương, vô lo vô nghĩ trong ánh đạo vàng của Đức Phật từ bi. Hôm ấy, em được Sư phụ cùng các cô Phật tử tặng bánh kem với dòng chữ “Mừng ngày xuất gia của Tiểu Tịnh 8/4 âl”, ngày đó có cả cha và mẹ em tham dự. Chắc có lẽ, đây là ngày mà suốt đời Tiểu Tịnh không thể nào quên.
Đó là câu chuyện của nhiều năm trước, giờ đây, Tiểu Tịnh đã 25 tuổi, là sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chuyên ngành Triết học. Nhân kỷ niệm ngày lễ Phật Đản – hình tượng gắn với cuộc đời và thay đổi cuộc đời mình. Cô đã trải lòng kể lại câu chuyện như một lời tâm sự hay cũng có thể là một hồi chuông tỉnh thức cho chính mình.
Dưới tán cây phượng rợp lá xanh rì, những bông hoa phượng bắt đầu nở đỏ rực, tiếng ve cũng râm ran ầm ĩ báo hiệu mùa hè. Trời sắp đổ cơn mưa, Tiểu Tịnh thầm nghĩ: “chắc có lẽ Ông Trời định tắm Phật trước rồi đây”, cô phì cười. Ngước nhìn lên bầu trời, hít thở sâu không khí mát mẻ của thiên nhiên, của cây cối xung quanh rồi thở nhẹ. Tiểu Tịnh mỉm cười trong sâu thẳm tâm hồn bình yên của mình. Giờ đây, Tiểu Tịnh biết rằng mình không còn là một cô Tiểu nhỏ ngày nào nữa, cô đã lớn, đã đến lúc phải thật cố gắng nhiều hơn nữa để thực hiện mong muốn của Sư phụ. Đó là duy trì mạng mạch Phật pháp chính là sứ mệnh của người con Phật. Cô luôn nhớ 7 đức tính Sư phụ dạy ngày nào, và lấy đó làm kim chỉ nam trên bước đường tu học của mình. Nhưng giờ đây, việc trước tiên là bắt xe về chùa để chuẩn bị giúp Sư phụ làm lễ Phật Đản…
Huệ Giác (ĐSHĐ-016)
Diễn đọc: SC Đức Tạng