Văn hóa Tây Nguyên là sự hòa quyện của nhiều dân tộc anh em như Ê Đê, Mường, Jarai, Ba Na, S’Tiêng… Mỗi dân tộc có những phong tục tập quán, lễ hội riêng biệt, tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu.
Phật giáo là một trong những tôn giáo chính ở Tây Nguyên, tuy du nhập khá muộn, khoảng đầu thế kỷ XX nhưng đã nhanh chóng hòa nhập với văn hóa bản địa và trở thành một phần thân thuộc trong đời sống tâm linh người dân nơi đây. Hiện nay, sinh hoạt Phật giáo ở vùng này đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đa dạng số lượng chùa và tín đồ Phật giáo ngày càng tăng. Một trong những sinh hoạt nổi bật được chư Tôn đức để tâm thực hiện, nhằm chăm lo và nâng cao đời sống tinh thần Phật tử là tổ chức khóa tu.
Sáng ngày 15/7, Phân ban Phật tử Dân tộc TƯ kết hợp Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Phước khai mạc Khóa tu – Hội trại Phật tử dân tộc Tây Nguyên, miền Trung và Đông Nam Bộ, tại chùa Phật Quốc Vạn Thành (TX. Bình Long, tỉnh Bình Phước). Khóa tu được diễn ra từ 14 – 1/7/2024 (9 – 11/6/Giáp Thìn). Số lượng tham dự hơn 2.000 tu sinh và 300 phụng sự viên tình nguyện. Nội dung khóa tu bao gồm giao lưu văn nghệ, văn hóa vùng miền, tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản thân, thính pháp, thắp nến tri ân, sinh hoạt đội chúng, lễ Phật, tụng kinh, thiền hành, giao lưu trao đổi kinh nghiệm sống.
Chứng minh, tham dự có Hòa thượng Thích Khế Chơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử TƯ; Hòa thượng Thích Quảng Xả, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kon Tum; Thượng tọa Thích Quảng Tuấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử TƯ, Trưởng Phân ban Phật tử Dân tộc TƯ, Trưởng ban Tổ chức; Thượng tọa Thích Tỉnh Cường, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Thường trực Ban Trị sự tỉnh Bình Phước, chư Tôn đức Ban Hướng dẫn Phật tử TƯ, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Phước, Tăng Ni Phân ban Phật tử dân tộc TƯ và các tỉnh thành khu vực Tây Nguyên, miền Trung, Đông Nam Bộ, Trụ trì các tự viện trong tỉnh.
Về phía chính quyền có ông Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ; bà Nguyễn Lê Hà, đại diện Cục An ninh Nội địa – Bộ Công an; bà Lê Thị Xuân Trang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh, Sở Nội vụ tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh Bình Phước và lãnh đạo các cơ quan tỉnh, thành; cùng 3.000 tu sinh Phật tử dân tộc Tây Nguyên, miền Trung, Đông Nam Bộ.
Trong buổi lễ khai mạc Thượng tọa Thích Quảng Tuấn nêu bật ý nghĩa khóa tu lần này được tổ chức dành cho Phật tử đồng bào dân tộc. Sự kiện đặc biệt không chỉ lan tỏa những giá trị văn hóa, tâm linh tốt đẹp mà còn yểm trợ cho các vị thêm vững chãi trong tu học, kiên định niềm tin trong mọi hoàn cảnh. Khóa tu được Ban Tổ chức xây dựng chương trình phong phú, đặc sắc cho thấy sự hòa quyện giữa Phật giáo và tín ngưỡng bản địa, hoạt động Phật giáo gắn liền với đời sống đồng bào dân tộc.
Sự chăm lo còn nối dài đến việc học con chữ của con em Phật tử. Ni sư Thích Huệ Tuyến, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Kinh tế – Tài chính TƯ thay mặt Thượng tọa Thích Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Kinh tế – Tài chính TƯ trao 100 suất học bổng, trị giá 300 triệu đồng đến Thượng tọa Thích Quảng Tuấn, Trưởng ban Tổ chức đón nhận. Đây là hoạt động thường niên của Ban Kinh tế – Tài chính TƯ tặng đến Phân ban Phật tử Dân tộc TƯ, nhằm chăm lo cho các em Phật tử đồng bào dân tộc từ khi còn học phổ thông cho đến khi tốt nghiệp đại học. Vốn quen lối sống du canh du cư thay vì định canh định cư, nhưng bởi thấu hiểu “An cư thì mới lạc nghiệp” cho nên, ngôi nhà đại đoàn kết trị giá 80 triệu đồng được Ban Tổ chức trao đến gia đình Phật tử Điểu Heo – pháp danh Trung Hòa, là người đồng bào S’Tiêng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Đại diện chính quyền phát biểu, ông Nguyễn Ngọc Hiền đánh giá cao ý tưởng và thực hiện việc tổ chức Khóa tu – Hội trại, không chỉ đơn thuần là dịp để mọi người cùng nhau tu tập mà còn là cơ hội quý báu để các dân tộc giới thiệu và quảng bá những nét độc đáo trong văn hóa bản địa như trang phục truyền thống đặc thù, giai điệu dân ca đặc trưng ở các tỉnh thành. Bên cạnh đó củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, kết nối các dân tộc Tây Nguyên, miền Trung và Đông Nam Bộ.
Bước sang ngày thứ 4 khóa tu dần khép lại trong niềm hoan hỷ, an lạc còn hiện rõ trên nét mặt các trại sinh. Cảm niệm Ban Tổ chức đã tận tâm lo từng miếng ăn, giấc ngủ để các trại sinh yên tâm tu tập và có đủ sức khỏe tham gia trọn vẹn bốn ngày trại; Phật tử Ka’Tuyền – pháp danh Huệ Thử, dân tộc K’Ho đại diện gần 3.000 trại sinh đọc lời cảm tưởng và phát nguyện tâm niệm ghi nhớ lời Phật dạy, một lòng hướng thiện.
Được biết để khóa tu thành công trọn vẹn ngoài sự tận hiến sức người, Ban Tổ chức đã chi ra tổng kinh phí cho hội trại lần này là 2 tỷ đồng.
Ngọc Thúy (ĐSHĐ-131)