Với bài thi diễn giảng về chủ đề “Bảo vệ môi trường”, Sư cô Huệ Tịnh đã lan tỏa mạnh mẽ tinh thần bảo vệ muôn loài, lòng biết ơn đối với đất mẹ và xuất sắc giành Giải nhi vòng Chung kết Hội thi diễn giảng tại chùa Vạn Phước (P.04, TP. Vũng Tàu) hôm 01/8/Giáp Thìn vừa qua.
Bảo vệ môi trường đang là một trong những vấn đề bức thiết nhất hiện nay. Tình trạng ô nhiễm càng lúc càng trở nên trầm trọng, trở thành mối lo ngại không riêng của một ai. Từ nhiều góc nhìn khác nhau, thực trạng về môi trường được soi xét vô cùng kỹ lưỡng nhằm tìm ra nguyên nhân và có phương pháp giải quyết thỏa đáng.
Qua lăng kính Phật giáo, “Môi trường” được nhìn nhận như thế nào? Đó chính là đề tài mà Sư cô Huệ Tịnh đã trình bày trong bài dự thi diễn giảng của mình và đạt Giải Nhất vòng loại Hội thi diễn giảng tại các Trường hạ Thị xã Phú Mỹ (BR-VT), Giải Nhì vòng Chung kết tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trong bài diễn giảng, Sư cô Huệ Tịnh đã nêu rõ thực trạng môi trường hiện nay và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Theo quan điểm Phật giáo, môi trường là các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo, có ảnh hưởng đến đời sống và sự tồn tại của con người. Sư cô nhấn mạnh mối quan hệ hỗ tương giữa con người và thiên nhiên theo trí tuệ “Duyên khởi” và chỉ ra những tư duy sai lầm như “vật dưỡng nhân” hay “con người là bá chủ.”
Phật giáo khuyến khích tu dưỡng tâm thức và sống hài hòa với thiên nhiên. Sư cô cũng nhấn mạnh vai trò của Tăng sĩ trong việc làm gương và hướng dẫn cộng đồng bảo vệ môi trường thông qua những hành động cụ thể như trồng cây, tái chế rác thải và sống tiết kiệm.
Một trong những thông điệp quan trọng mà Sư cô Huệ Tịnh muốn truyền tải là lòng biết ơn đối với đất mẹ. Là người con Phật, chúng ta cần hiểu rằng bảo vệ môi trường mình đang sống là biểu hiện của lòng biết ơn đất mẹ đang che chở và mang lại sự sống mỗi phút giây của chúng ta. Hiểu biết về lòng biết ơn và sự báo ơn là điều cao quý nhất. Vì vậy, chúng ta cần có những hành động ngay hôm nay để bảo vệ môi trường và lan tỏa tinh thần bảo vệ muôn loài.
Cùng chung lý tưởng và tinh thần bảo tồn tự nhiên, đại diện dự án Buddha Nature (dự án nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn tự nhiên, kêu gọi giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã) đã tham gia hội thi để lắng nghe phần trình bày và trao giải thưởng cho Sư cô Huệ Tịnh vì những đóng góp, nỗ lực của Sư cô trong việc lan tỏa tầm quan trọng, sự cấp thiết của việc bảo tồn thiên nhiên đến Tăng Ni và cộng đồng.
Chúng tôi xin trân trọng chia sẻ nội dung chi tiết bài diễn giảng của Sư cô Huệ Tịnh. Đây là phần trình bày đầy tinh thần trách nhiệm và sự tân tâm đối với môi trường. Mong rằng qua những chia sẻ này, quý độc giả sẽ hiểu rõ hơn về sự cần thiết của việc bảo tồn thiên nhiên và có những hành động thiết thực để thể hiện lòng tri ân đối với đất mẹ:
“Môi trường đang là một trong những vấn đề bức thiết nhất hiện nay. Tình trạng ô nhiễm càng lúc càng trở nên trầm trọng, trở thành mối lo ngại không riêng của một ai. Từ nhiều góc nhìn khác nhau, thực trạng về môi trường được soi xét vô cùng kỹ lưỡng. Nhằm tìm ra nguyên nhân và có phương pháp giải quyết thỏa đáng. Thế thì, qua lăng kính của Phật giáo “Môi trường” được nhìn nhận như thế nào. Đó chính là đề tài con xin phép trình bày hôm nay.
Vậy môi trường là gì? Có ảnh hưởng tới con người như thế nào?
Môi trường là các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo, quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên.
Cùng với sự phát triển không ngừng của nền văn minh vật chất, môi trường tự nhiên càng ngày càng ô nhiễm trầm trọng hơn. Đất, nước, không khí, biển cả… đều bị nhiễm độc. Diện tích rừng bị thu hẹp, ảnh hưởng đến sự sống của nhiều loài động thực vật. Rác thải ra môi trường đã phải tính bằng đơn vị triệu tấn chỉ trong một ngày, v.v…
Hậu quả là mất cân bằng hệ sinh thái, nhiệt độ toàn cầu tăng cao gây biến đổi khí hậu. Thiên tai, bão lũ, động đất, sóng thần, suy thoái kinh tế, cạn kiệt nguồn tài nguyên, chiến tranh, đói nghèo, bệnh dịch và cuối cùng sẽ đưa đến… “cái chết bất thường.”
Nguyên nhân nào tạo nên những vấn đề này? Đây không phải câu hỏi cho những nhà lãnh đạo, đây là câu hỏi cho chúng ta! Những người đang thở, sống và ngày đêm thải rác ra trái đất. Thật dễ dàng để đỗ lỗi cho những công ty, xí nghiệp, những nhà chính trị hạt nhân… mà quên mất rằng, chính nhận thức sai lầm, những khát khao hưởng thụ của bản thân mỗi người, cùng ý thức trách nhiệm một cách yếu kém, mới là nhân tố gây ra ô nhiễm.
Chúng ta luôn có những lí do đúng để bào chữa cho sai trái của mình, nhưng trước tiếng gầm thét của thiên nhiên, con người đã lo sợ, tìm nhiều biện pháp để cải thiện tình trạng ô nhiễm.
Nhiều cuộc hội thảo được diễn ra, các phương pháp, dự án cải thiện môi trường được hình thành, Phát động phong trào giảm tiêu thụ, trồng cây xanh, tái chế rác thải, tiết kiệm điện, dùng các vật dụng thân thiện môi trường, nghiêm khắc xử trị việc chặt phá rừng, v.v… Tuy vậy, cái cốt yếu chính là đánh mạnh vào ý thức của từng cá nhân, chứ không phải chỉ là sự nỗ lực của một nhóm người nào đó. Kết quả có được dựa trên hành động cụ thể, không chỉ nằm trên những chỉ tiêu hay slogan độc đáo.
Nếu thế gian thay đổi từ hành vi, thì tôn giáo chuyển hóa ngay nơi tư tưởng! Sự kết hợp uyển chuyển này, sẽ tác động tích cực đến từng cá nhân. Dưới ánh sáng Phật giáo, quan hệ hỗ tương giữa con người và thiên nhiên được làm rõ qua trí tuệ “Duyên khởi”. Do cái này có nên cái kia có, đây chính là quan hệ cộng sinh cộng tồn. Theo đó, những tư duy sai lầm như “vật dưỡng nhân”, “con người là bá chủ”, có quyền hành đối với tự nhiên v.v… không còn là tấm khiên để biện hộ cho những hành động sai lầm của con người!
Với cái nhìn như thật vào bản chất của vạn pháp, Phật giáo đã chỉ rõ, nguyên nhân sâu xa của mọi hành vi tiêu cực, đều bắt nguồn từ ngay chính nơi tâm thức của mỗi người. Nói cách khác, chính tam độc: Tham – Sân – Si đã sai sử, dẫn dắt con người đi vào lầm lạc mà không tự hay biết. Khi lòng tham lên ngôi thì không đoái hoài hậu quả. Con người đang “hồn nhiên” tự đào hố chôn mình, đang “hơ thân trên hố than hừng” mà nghĩ là bình an, phúc lạc!
Phật giáo lấy việc tu dưỡng tâm thức làm nền tảng, chủ trương một đời sống “Thiểu dục tri túc” và hài hòa với thiên nhiên. Nhiều Khóa tu Xanh được tổ chức, những bài giảng về lòng biết ơn đất mẹ, các buổi thực tập chánh niệm có mặt cùng thiên nhiên, phong trào trồng cây gây rừng, nhặt rác bãi biển, sáng tạo các sản phẩm tái chế,… cũng được các chùa tích cực phát động,…
Tăng sĩ là người trực tiếp hướng dẫn, là tấm gương đầu trong việc xác quyết niềm tin và thực tế hóa lời Đức Phật dạy. Là thế hệ Tăng Ni trẻ, cá nhân chúng con nghĩ rằng, bản thân phải có trách nhiệm kế thừa và nhiệt huyết hành động. Bên trong chúng con nỗ lực tu tập, để nhận diện và chuyển hóa những rác bẩn phiền não. Bên ngoài từ những việc nhỏ, như tái chế, tái sử dụng, phân loại rác thải, sử dụng đồ vật cẩn trọng, sống ngăn nắp, tri túc,… lại ra sức học tập, tin hiểu giáo lý như thật của Đức Thế Tôn, để tự thân có an lạc và đem an lạc ấy đến với mọi người cùng môi trường xung quanh.
Nương theo cuộc đời gắn liền với thiên nhiên của Đức Thế Tôn mà học hỏi và thực hành.
Bởi:
“Mình là con của Phật,
Nhiều ít phải giống Người,
Nơi nào mình có mặt,
Có Niết-bàn, an vui.”
Tóm lại, ô nhiễm môi trường vẫn luôn là vấn đề bức thiết và ngày càng trở nên quan trọng, có ảnh hưởng đến sự tồn vong của nhân loại. Giữa con người và thiên nhiên lại có mối quan hệ duyên sinh mật thiết, không thể tách rời. Thế nên, muốn bảo vệ đời sống của mình, bắt buộc phải bảo vệ được sự trong sạch của môi sinh. Để làm được điều này mỗi cá nhân đều phải có thái độ nghiêm túc và những hành động thiết thực, bắt đầu từ việc nhìn nhận lại nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và thay đổi hành vi của mình ngay từ trong tư tưởng.
Thiết nghĩ, nhân loại có thể tồn tại được hay không, thế hệ con cháu về sau có được sống trong những điều kiện thuận lợi về mọi mặt hay không đều được định đoạt ngay trong chính giây phút này. Hay nói cách khác, tương lai con người nằm ngay trong lòng bàn tay của chính con người!”
Vân Hiền – Phương Hà (ĐSHĐ-132)