Thời gian qua, Ni giới Việt Nam đã đóng góp lớn trong các hoạt động vì lợi ích cộng đồng – xã hội. Sâu xa hơn nữa, với tinh thần “Hộ quốc an dân” và triết lý nhập thế tích cực, Ni giới hướng con người thực hành các nguyên tắc đạo đức căn bản của Phật giáo nhằm xây dựng xã hội đạo đức, văn minh. Gần đây, nhiều tự viện Ni đã tổ chức khóa tu, trại hè, các hoạt động Phật sự… dành cho Phật tử, qua đó giáo dục thế hệ trẻ hiểu được đạo lý, nhân quả, xây dựng nếp sống lành mạnh, văn minh cũng như ý thức trách nhiệm, chia sẻ với cộng đồng xã hội. Cho nên, đẩy mạnh sự nghiệp hoằng dương giáo pháp của Đức Phật vào mọi mặt đời sống xã hội, đồng thời tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong cách thức hướng dẫn Phật tử, giới thiệu các pháp môn thực hành của Phật giáo phù hợp với mọi tầng lớp trong xã hội chính là trách nhiệm của Ni giới, góp phần vun bồi nền đạo đức xã hội, kết nối đạo đức Phật giáo vào đời sống con người. Thiết nghĩ, đây chính là mục tiêu, nhiệm vụ trọng yếu của ngành Hướng dẫn Phật tử thuộc Phân ban Ni giới Trung ương hiện nay.
Hiện nay, nhu cầu tu tập của các tầng lớp trong xã hội rất lớn. Thực tế này, một phần do áp lực xã hội, công việc, một phần do áp lực từ cuộc sống gia đình, khiến nhiều người bị căng thẳng, dẫn đến stress, trầm cảm. Ngày càng thấy gia tăng tần suất xuất hiện cụm từ “chữa lành” trên các phương tiện báo chí, mạng xã hội, chứng tỏ con người rất cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần. Thực tế, nhiều người chỉ quan tâm đến đời sống vật chất mà không biết cách tạo ra hạnh phúc cho bản thân. Vì thế, họ muốn đến chùa tu tập nhằm tìm kiếm an lạc, giải thoát. Cho nên, việc đổi mới phương pháp hướng dẫn Phật tử nhằm phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi đối tượng là rất cần thiết. Dựa trên giáo lý khế lý, khế cơ mà chúng ta chọn lựa những phương pháp hướng dẫn Phật tử phù hợp, như vậy mới hy vọng đem lại hiệu quả cao, từ đó giúp lan tỏa giáo pháp, tăng trưởng niềm tin cho tín đồ Phật tử và xã hội.
Trên cơ sở này, tác giả đề xuất một số phương án nhằm phát triển công tác hướng dẫn Phật tử của Phân ban Ni giới Trung ương như sau:
Thứ nhất, từ trước đến nay, chư Ni làm rất nhiều chương trình, hoạt động hướng dẫn Phật tử nhưng chưa xây dựng “bộ nhận diện thương hiệu” riêng. Bởi vậy, vấn đề cấp thiết là phải làm sao để chương trình, hoạt động mang dấu ấn riêng của chư Ni.
Tiểu ban Hướng dẫn Phật tử trực thuộc Phân ban Ni giới Trung ương đã tổ chức khóa tu Trở về nhà dành cho người bận rộn nhân dịp ra mắt tiểu ban. Khóa tu Trở về nhà dành cho tuổi trẻ có chủ đề “Xây dựng cộng đồng lành mạnh”. Mỗi khóa tu Trở về nhà sẽ tùy chọn một chủ đề riêng. Về sau, chỉ cần nhìn thấy tên khóa tu thì xã hội sẽ biết ngay đây là hoạt động hướng dẫn Phật tử do Phân ban Ni giới Trung ương thực hiện. Cho nên, đây chính là cách xây dựng”bộ nhận diện thương hiệu”, tương tự như cách thiết kế, xây dựng logo cho một doanh nghiệp. Trở về nhà chính là tên của chuỗi chương trình mang thông điệp hỗ trợ nhân sinh của chư Ni. Qua đó tạo hiệu ứng tốt cho xã hội cũng như thấy được việc làm thiết thực của Ni giới.
Thứ hai, triển khai tổ chức các khóa tu cho tuổi trẻ. Các khóa tu này giới hạn 300 em, sẽ dễ quản lý, tổ chức theo kiểu dây chuyền. Trong 2 ngày tu học sẽ có 3-4 tiếng dành cho các trẻ tại địa phương. Sau khi chư Ni hướng dẫn 300 sinh viên, các tu sinh sẽ ứng dụng những kiến thức vừa học dạy lại cho trẻ em. Mô hình này đã được chùa Long Phước (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện xuyên suốt 13 năm qua, rất có hiệu quả. Vì vậy, trong công tác hướng dẫn Phật tử thời gian tới, cần chú trọng mở rộng khóa tu mùa hè cho thanh thiếu niên, qua đó giúp các em có nhận thức, có niềm tin, có kỹ năng, có định hướng, ổn định về tâm lý, thấy được giá trị của cuộc sống, đem lại cho các bậc phụ huynh niềm tin vững chắc vào giá trị cao quý của giáo lý Phật giáo. Trong thời gian tới, Tiểu ban Hướng dẫn Phật tử dự kiến sẽ triển khai thí điểm mô hình này ở một số thành phố lớn, mỗi đợt chỉ nhận từ 200-300 em nhằm tạo hiệu quả tốt nhất trong mỗi đợt.
Thứ ba, tăng cường tổ chức khóa tu dành cho thành phần trí thức. Khóa tu giới hạn 100-150 người. Mô hình này tổ chức cho thành phần trí thức vốn bận rộn và áp lực vì công việc, nên họ cần có sự tĩnh tại, nhất là trong không gian thiên nhiên. Vì thế, khi tổ chức, nên chọn nơi có không gian xanh, giúp họ hòa nhập với thiên nhiên nhằm giải tỏa áp lực trong cuộc sống bận rộn. Khóa tu này, ngoài chủ đề chính, còn có thêm 5 workshop với 5 chủ đề khác nhau đi sát cuộc sống, giúp cho tu sinh thấy mình đang vướng mắc trong hoàn cảnh nào thì đăng ký theo chủ đề đó. Mỗi chủ đề mời một Ni sư thuyết giảng, hướng dẫn, chia sẻ.
Thứ tư, mở phòng tham vấn tâm lý phục vụ cộng đồng. Chùa Long Phước (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) đã thực hiện gần 20 năm qua. Vấn đề quan trọng là chúng ta truyền cảm hứng, truyền tải lời dạy của Đức Phật đến những người đang vướng mắc tâm lý qua phương pháp tĩnh tâm, trà| đàm… nhằm giúp họ tháo gỡ những vướng mắc trong lòng
Thứ năm, mở “siêu thị 0 đồng” tên gọi là”Phiên chợ từ tâm”. Chăm lo đời sống cho những hộ gia đình khó khăn đang là điều trăn trở không chỉ của chính quyền sở tại các khu vực, mà còn nhận được sự quan tâm của các tổ chức xã hội, tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo. Mặc dù đã có chính sách hỗ trợ, nhưng cuộc sống hiện tại của nhiều hộ nghèo vẫn bộn bề gian khó. Việc chăm lo đời sống vật chất – tinh thần và sức khỏe cho hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn không chỉ nhằm giúp họ vượt khó mà còn hướng họ bén duyên Phật pháp. Tạo ra một lễ hội tình người‛ với chuỗi hoạt động như: tham vấn tâm lý do chư Ni phụ trách, tư vấn pháp luật, khám bệnh trao thuốc, phòng nha khoa, phiên chợ ẩm thực, siêu thị nhu yếu phẩm, trao phiếu đi chợ bằng những trái tim yêu thương thay cho đồng tiền,… để người nhận không bị mặc cảm. Họ tự tin bước vào phiên chợ để chọn những món hàng mà mình cần.
Thứ sáu, tổ chức khóa tu mùa hè “Tưới tẩm mầm sen” cho thiếu niên, học sinh cấp I. Hình thức chủ yếu là luyện tâm trí trẻ bằng hình ảnh thực tế sinh động, bằng những câu chuyện cổ tích, đồng thời dạy các em kỹ năng, lối sống lành mạnh, đưa các em đi đến những trại nuôi dưỡng trẻ mồ côi để thấy hoàn cảnh bất hạnh của các bạn, hoặc đưa các em đến chỗ nuôi trẻ não úng thủy, cho các em thấy những em bé bệnh tật…, như vậy để các em hiểu mình đã may mắn, hạnh phúc như thế nào.
Thứ bảy, tổ chức trại hè gia đình dành cho khoảng 20 gia đình một lần. Hình thức là mỗi gia đình sinh hoạt với lịch trình do ban tổ chức đưa ra, rồi cho các gia đình tương tác, cho họ sống với thiên nhiên, chăm sóc cây cỏ, có những tình huống cần xử lý và hướng dẫn họ thực hiện. Như vậy, trước nhất họ phải dạy con cái lòng yêu thiên nhiên, yêu hoa lá, cây cỏ bằng cách cho trẻ tự chăm sóc một loại hoa nào đó trong quá trình tu tập, đó sẽ là cơ sở để lan tỏa sự thương yêu sau này. Mỗi ngày phải hướng cho trẻ biết nói chuyện với các loại hoa, cỏ cây thì dần dần, trẻ sẽ yêu mến thiên nhiên, rồi tiếp đó là biết yêu quý con người. Bên cạnh đó, ban tổ chức sẽ đặt ra cho họ những tình huống phát sinh trong gia đình, chẳng hạn, cách sống thế nào để cha mẹ và con cái sẽ là bạn của nhau, hoặc dạy trẻ con biết lạy Phật trước khi ra khỏi nhà, biết tiết kiệm, biết xếp đồ đạc ngăn nắp,…
Thứ tám, tiếp cận và hướng dẫn phụ nữ dân tộc thiểu số. Chọn khoảng 100 người đang nuôi dạy con nhỏ nghe, nói được tiếng Kinh, hỗ trợ họ hiểu văn hóa của người Kinh, hướng dẫn cách ăn ở, vệ sinh sạch sẽ, cho con đến trường học chữ, bảo vệ môi trường, biết thờ Phật, niệm Phật.
Kết luận
Nhằm triển khai tốt, hiệu quả cao các hoạt động trọng tâm của Tiểu ban Hướng dẫn Phật tử thuộc Phân ban Ni giới Trung ương, chúng tôi đề xuất một số giải pháp đã trình bày ở trên. Cần nỗ lực xây dựng và thực hiện các đề xuất này nhằm tạo ra bước đột phá trong hoạt động của Tiểu ban Hướng dẫn Phật tử, qua đó giúp Ni giới xây dựng hình ảnh tốt đẹp, trang nghiêm trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thích nữ Huệ Dâng