Đông qua xuân đến, khi người người từ mọi miền đất nước trở về gia đình quây quần bên nhau, để dọn dẹp nhà cửa, chợ hoa sắm sửa cho ba ngày Tết đến, thì những người tu sĩ như chúng tôi lại tất bật với biết bao việc phải làm, nhằm mang xuân cho tất cả. Dẫu biết rằng những người con Phật đã có sẵn mùa xuân bất tận. Khi bộc lộ ra ngoài ấy là để chúng ta tùy thuận với thế nhân, chấp nhận mùa xuân một chiều với những lời chúc có cánh, bỏ qua những quy luật đời người qua một bên, những yếu tố làm nên cuộc sống và làm nên mùa xuân. Có người hỏi tôi rằng:
“Nhà tu trẻ cậu có buồn không?
Khi ngoài trời gió đông đã tắt
Hoa đua nở lòng người rạo rực
Về gia đình, nô nức du xuân”…
Tôi nhớ nhà lắm chứ, tôi nhớ mẹ lắm chứ…! Nhưng tôi đành cất giấu nỗi nhớ của mình và chuyển hóa nỗi nhớ ấy bằng sự tu tập. Điều này sẽ giúp cho tôi và những người khác an lạc. Tôi nghĩ rằng ở nơi xa, cha mẹ tôi cũng an lòng khi cảm nhận thấy điều đó. Tôi đã nói với họ:
“Nhà tu trẻ mới trả lời rằng
Xuân là khi tinh thần an lạc
Đã chọn sống cuộc đời mộc mạc
Hạ thu đông chẳng khác gì xuân.”
Hiểu thấu lòng tôi, hôm ấy tôi được Sư phụ cho phép về nhà thăm gia đình tại Đồng Nai, mảnh đất dung chứa một nửa tuổi thơ của tôi. Vừa về đến nhà, tôi thấy mẹ vẫn đang cặm cụi làm việc. Tôi chào mẹ, tôi cười vui lắm nhưng mắt lại rơm rớm. Ở bên mẹ, ngoài kia chắc chắn chẳng có nhiều nơi nào cũng cho tôi cảm giác yên bình như thế. Mẹ vẫn vậy, bao năm vẫn tảo tần sớm hôm để nuôi hai anh em tôi khôn lớn. Có lẽ mẹ đã từng rơi nhiều nước mắt vì anh em tôi, tôi biết điều đó:
“Tại sao tôi lại làm mẹ khóc?
Tại vì tôi đã phạm sai lầm
Khi tôi nhìn đôi mi mẹ ướt
Trong lòng tôi ân hận biết bao”…
Giờ đây, tôi đã dần trưởng thành hơn, tôi tin rằng với con đường mình đã chọn, mẹ sẽ an lòng khi dõi theo bước chân tôi.
… “Con bây giờ đã biết con sai
Con sẽ không làm mẹ buồn nữa
Những lời này con xin trọng hứa
Con sẽ làm một đứa con ngoan.”
Mẹ tôi là một người nông dân, một người Phật tử thuần thành. Mẹ thức khuya dậy sớm, mẹ đã bỏ nhiều thời gian, làm bằng sức của nhiều người gộp lại để vun vén cho gia đình. Con đường mà tôi đi cũng có một phần bóng mẹ che chở, mẹ đã hỗ trợ cả tinh thần và vật chất để giúp tôi có sức mạnh và cơ hội phụng sự tốt hơn.
“Nhớ sớm năm xưa ướt đẫm sương
Hai vai mẹ gánh cả tình thương
Rau dưa khó nhọc đem đi bán
Lấy vốn cho con được đến trường
Cực nhọc xem thường không quản ngại
Ung dung tự tại phải kiên cường
Nay con nhớ những ngày xưa ấy
Cũng nguyện đi nguyên cả chặng đường.”
Nhìn mẹ cười tươi khi chăm sóc và thu hoạch, tôi rất cảm động. Tôi cũng thầm nhủ rằng mình cũng phải cố gắng, nỗ lực và tinh tấn để mẹ an lòng.
Bình an mẹ nhé!
Thích Bửu Đắc (DSHD-113)