Sau khi đã xuất gia, một ngày cuối xuân, khi ngồi trên bồ đoàn ngắm những cánh hoa xuân rơi rụng, vị vua thiền sư Trần Nhân Tông đã tức cảnh:
“Niên thiếu chưa từng rõ sắc, không
Xuân về hoa nở rộn trong lòng
Chúa xuân nay bị ta khám phá
Thiền tọa bồ đoàn ngắm cánh hồng”,
(Cuối Xuân)
“Niên thiếu hà tằng liễu sắc, không
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung
Như kim khám phá Đông Hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng”.
(Xuân Vãn)
Thời niên thiếu, khi chưa rõ lẽ sắc, không, mùa xuân đến muôn hoa đua nở nghe rộn rã trong lòng với biết bao tâm sự. Khi ấy xuân chỉ là xuân, là hoa là bướm, là làn gió mát mơn man, là cánh én bay lượn trời cao, là cỏ hoa đâm chồi nảy lộc… Mùa xuân là cảnh “hoa mơ, hoa mận nở”, là cảnh “Cỏ non xanh rợn chân trời, cành lê trắng điểm một vài bông hoa”…
Khi đã hiểu rõ lẽ sắc không rồi thì mùa xuân đến, tâm không còn xuyến xao, rung động nữa, và khi xuân đi cũng chẳng nao lòng. Trước cảnh cây đơm hoa kết trái hay héo tàn rơi rụng, tâm thái vẫn an nhiên, bình thản. Bởi xuân có đến, có đi dưới cái nhìn của nhân gian, nhưng xuân mãi vẫn là xuân, không tàn phai, không đi đến dưới cái nhìn giác ngộ. Khi tâm không còn vọng động nữa, không còn chạy đuổi nữa, tâm càng an định thì cái thấy lẽ sắc không càng rõ ràng, cái thấy sáng soi ấy là tuệ giác.
Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc. Bản chất của mùa xuân là sắc, mà cũng là không. Không ở đây không có nghĩa là không có gì cả, mà là không có tự tính riêng biệt. Điều này cũng có nghĩa là không có một mùa xuân riêng biệt, cũng như không có một mùa hạ, mùa thu, mùa đông riêng biệt. Chúng vốn có mặt trong thể cách không riêng biệt đó, sự có mặt đó gọi là diệu hữu. Sắc hay mùa xuân là diệu hữu, là biểu hiện của cái không không tự tính.
Nếu có một mùa xuân riêng biệt, có tính chất, tính cách nhất định thì làm gì có những biểu hiện đến, đi dưới cái nhìn của thế nhân, làm gì có cảnh hoa nở, hoa tàn, bởi vì mùa xuân cố hữu, bất biến. Chính vì mùa xuân, sắc vốn không có tự thể, không có tính chất riêng biệt (không tự tính) nên nó thường biểu hiện muôn sắc muôn màu, muôn hình muôn vẻ.
Thấy rõ bản chất của mùa xuân, diện mạo của mùa xuân, người giác ngộ không chạy theo sự biểu hiện vô thường của nó, bởi vì những biểu hiện đó chỉ là trò ảo thuật, chỉ là trò đánh lừa con mắt kẻ tục mê. Khi thấy rõ lẽ sắc không thì biết mùa xuân không có đến và đi, mùa xuân luôn có mặt nơi đất trời, vạn vật.
Phan Minh Đức (ĐSHĐ-005)