Sáng ngày 04/3/2018, điện thoại của Ni sư Như Tâm bật sáng với tin nhắn của Ni trưởng Như Thủy: “Chị đã book vé 6 Mar về Boston rồi… Ráng thức thêm vài hôm, khi nào về, chị coi chùa cho em ngủ bù. Chị muốn về Phổ Hiền đêm đó. Em tìm Bác sĩ cho chị khám bệnh sớm được không? Body chị hình như bị nhiễm độc thức ăn nên bụng trướng và hai chân sưng vù. Do bận dạy và không có người quen nên Chị không đi khám bệnh ở Austin được. Chị cần siêu âm vùng bụng, đến chỗ đắc tiền cũng được. Cảm ơn em.”
Thứ ba, ngày 06 tháng 3 năm 2018
4 giờ chiều, chúng tôi đón Ni trưởng từ Texas về phi trường Boston, đến chùa Phổ Hiền là 6 giờ chiều. Sau khi lễ Phật, Ni trưởng ngồi xuống ghế và nói: “Em nhìn nè, chân của chị bị sưng, ấn tay vào bị thủng và bụng thì lớn ra.” Chúng tôi vội gọi y tá Nguyên Dung đến để xem bệnh trạng của Ni trưởng. Khám xong, Dung nói trong hối hả: “Không xong rồi, đưa Ni trưởng vào cấp cứu liền, thưa Sư phụ.” Ni sư Như Tâm nghe qua, bủn rủn tay chân, vội hỏi Ni trưởng: “Sao Sư huynh để đến nông nỗi này?” Ni trưởng nói: “Chị đau hôm trước Tết, nhưng bận chương trình giảng dạy, nên ráng qua rằm tháng Giêng kết thúc, mới nghĩ đến chuyện đi khám bệnh.”
7 giờ 30 tối, chúng tôi đưa Ni trưởng vào cấp cứu tại bệnh viện Umass Medical School, thành phố Worcester, tiểu bang Massachusetts. Khi thấy Ni trưởng với dáng vẻ mệt nhọc, nhân viên làm thủ tục nhập viện ưu tiên cho Ni trưởng vào gặp bác sĩ trước. Ở Mỹ, bệnh trạng chưa nặng hay cho dù là ca cấp cứu vẫn phải chờ từ 2 đến 3 giờ đồng hồ. Ni trưởng ngần ngại không muốn vào và nói: “Mình nên chờ thứ tự đi em. Kỳ quá! Còn nhiều người chờ, có cả mấy đứa con nít, người già.” Ni sư Như Tâm giải thích: “Nhân viên họ cho Sư huynh vào, chứ đâu phải mình xin. Có thể họ thấy Sư huynh bệnh nặng nên họ linh động. Em nghĩ mình nên làm theo sự hướng dẫn của họ.” Ni trưởng miễn cưỡng đi theo nhân viên phòng cấp cứu vào gặp bác sĩ trong thời gian nhanh nhất.
8 giờ tối, bác sĩ cho khám tổng quát: thử máu, thử nước tiểu, lấy chút mô (tissue) trong vùng bụng, đem đi xét nghiệm (biopsy).
8 giờ 30 tối, bác sĩ chuyên môn đến khám và truyền nước biển, nhờ trong nước biển có thuốc an thần nên Ni trưởng ngủ được một chút. Nhân đó, Ni sư Như Tâm nhắn tin cho Ni chúng chùa Huê Lâm (Boston).
12 giờ khuya, Ni trưởng tỉnh dậy và hỏi: “Mấy giờ rồi?” Ni sư Như Tâm trả lời: “12 giờ khuya thưa Sư huynh.” Ni trưởng dạy: “Bác sĩ nói chờ kết quả xét nghiệm, biết chừng nào có, mấy em về đi, sáng hãy vào.” Để Ni trưởng an tâm, chúng tôi xá Ni trưởng, ra phòng ngoài ngồi đợi, trong lòng lo lắng, mong chờ kết quả xét nghiệm…
Thứ tư, ngày 07 tháng 3 năm 2018
2 giờ sáng, Ni trưởng được chuyển qua phụ khoa của khoa ung thư, bệnh viện Umass Memorial, cũng trong thành phố Worcester.
3 giờ sáng, chúng tôi nhận được kết quả: Ni trưởng bị ung thư buồng trứng, bệnh đã di căn, sơ gan cổ trướng và thiếu máu trầm trọng.
8 giờ sáng, bác sĩ Elizabeth B. Pelkofski vào thăm và cho Ni trưởng biết kết quả xét nghiệm qua thông dịch viên Tuấn: “Ni trưởng bị ung thư và mạng sống chỉ còn vài tuần đến vài tháng.” Chú Tuấn đã bật khóc và nói: “Con cũng đã từng nghe Ni trưởng giảng Kinh trên mạng internet.” Khi đó, bác sĩ hỏi: “Sư cảm thấy thế nào khi nghe tin mạng sống của mình chỉ còn vài tuần đến vài tháng?” Ni trưởng trả lời: “Mạng sống trong Phật giáo được tính bằng hơi thở và đây là món quà mà ai cũng một lần đón nhận. Giờ đến phiên tôi, tôi sẵn sàng nhận món quà này.” Nghỉ chút, Ni trưởng vừa nói vừa mỉm cười: “Chiếc xe này cũ rồi, không xài được, để thay xe mới.” Bác sĩ nghe Ni trưởng nói, bà nghĩ Ni trưởng bị hoảng loạn tinh thần nên nói lung tung. Bà trắc nghiệm tinh thần Ni trưởng:
– Ni trưởng có biết mình đang ở đâu không?
– Bệnh viện.
– Đây là thành phố nào?
– Worcester.
– Thuộc tiểu bang nào?
– Massachusetts, đất nước Hoa Kỳ.
– Đương kim Tổng thống Hoa Kỳ tên gì?
– Donal Trump, ông trước là Obama.
Bác sĩ tỏ vẻ khâm phục, không hỏi thêm câu nào trước thái độ an nhiên, bình tĩnh của Ni trưởng. Một lúc sau, bác sĩ nói tiếp: “Tôi thật ngạc nhiên vì Ni trưởng là một trong số rất ít bệnh nhân đặc biệt mà tôi được gặp. Bệnh viện chúng tôi hân hạnh được tiếp nhận một bệnh nhân như Ngài. Tôi được biết Ni trưởng là một tu sĩ Phật giáo và đã đọc nhiều Kinh sách Phật giáo, nhưng tư tưởng cao xa mênh mông. Bây giờ, Ni trưởng có thể tóm gọn trong một câu được không?” Chúng tôi đứng bên cạnh, thầm nghĩ: “Bác sĩ hỏi đúng người.” Ni trưởng trả lời: “Không hại mình, không hại người, sống có trách nhiệm với xã hội.” Bác sĩ vui vẻ và ngỏ lời cảm ơn.
9 giờ sáng, bác sĩ cho truyền thêm nước biển. Cả ngày hôm đó, Ni trưởng chỉ uống nước.
10 giờ sáng, có hai huynh đệ ở chùa Huê Lâm vào thăm, Ni trưởng hỏi: “Mấy em đi đâu đây? Mấy em đi thăm Cô nhưng đâu có gánh bệnh cho Cô được đâu, đi chi cho tốn xăng?” Ni trưởng dạy thêm: “Khi mình đi thăm bệnh, cần thấy căn bệnh không chỉ riêng của người đang bệnh mà rồi sẽ đến mình.”
Chúng tôi thưa với Ni trưởng: “Sao Ni trưởng để bệnh trở nặng mới đi khám, để rồi bác sĩ trở tay không kịp?” Ni trưởng nói: “Cô bận chương trình giảng dạy liên tục, hứa với các chùa rồi, không nỡ từ chối. Hơn nữa, dịp Tết là lễ lớn của chùa, không bỏ được. Mấy em làm chùa độ chúng, Cô không làm chùa thì phải giảng dạy cho người ta biết tin kính Tam Bảo, tin sâu nhân quả để đền ơn Phật.” Nghỉ một chút Ni trưởng nói tiếp: “Chết mà do thân bệnh là có phước hơn chết kiểu khác, nên mình phải thấy rõ những gì đang xảy ra.”
Vẫn vậy, Ni trưởng luôn xưng bằng “Cô” với chúng tôi như những đứa em thân thương ngày nào mặc dù chúng tôi chỉ đáng tuổi đệ tử hay học trò của Người. Lúc nào Ni trưởng cũng nghĩ đến Tam Bảo, mong mọi người hiểu thêm và thực hành lời Phật, Người đã quên cả thân bệnh của mình, còn hơi thở là còn phụng sự…
Cả ngày hôm đó, Ni trưởng không ăn gì thêm, có lẽ được truyền nước biển nên Ni trưởng không thấy đói chăng?
4 giờ chiều, bác sĩ cho biết, sau khi hội chẩn với các bác sĩ chuyên môn về ung thư, họ đưa ra hai phương án điều trị: phẫu thuật và xạ trị. Nhưng họ nói rõ là cả hai cách đó e cũng không giúp được cho trường hợp của Ni trưởng lúc này. Ni trưởng đưa ra quyết định: “Không điều trị gì hết” và từ chối luôn cả thuốc giảm đau.
Cả đêm đó, không biết nhiều vị linh cảm thế nào, đều gọi bằng viber hỏi thăm Ni trưởng. Tuy mệt, nhưng để huynh đệ yên tâm, Ni trưởng đã gượng nói chuyện như không có gì xảy ra, cho nên mọi người nghĩ rằng Ni trưởng vẫn khỏe.
Thứ năm, ngày 08 tháng 3 năm 2018
8 giờ sáng, bác sĩ ký thủ tục xuất viện vì Ni trưởng không tiếp nhận điều trị. Bác sĩ cho thuốc giảm đau, Ni trưởng không nhận và nói: “Đỡ tốn tiền thuế của người dân.”
9 giờ sáng, y tá vào đo huyết áp và cho Ni trưởng uống thuốc. Nét mặt Ni trưởng vẫn an nhiên bình lặng như đang sẵn sàng chờ đợi mọi việc sắp xảy ra với mình.
11 giờ sáng, thủ tục xuất viện hoàn tất, chúng tôi thỉnh Ni trưởng về chùa Phổ Hiền. Buổi chiều đó, Ni trưởng dùng được chút hủ tiếu và khoai lang.
Cả đêm Ni trưởng ngủ rất ít, mệt và khó thở vì nước đã tràn đầy màng bụng, nhưng Người chỉ dùng tay xoa nhẹ trên vùng bụng và ngực.
Thứ sáu, ngày 09 tháng 3 năm 2018
8 giờ sáng, Ni trưởng dùng được một chén cháo.
1 giờ trưa, Người dùng một chén cơm. Đến chiều, Ni trưởng nói đau ở vùng bụng, nhưng Người gồng mình chịu, không uống thuốc.
5 giờ chiều, y tá Dung đến thăm, Ni trưởng tâm sự:
– Cô đau lắm, cơn đau gần như ngày càng tăng. Vậy mà cả ngày Cô phải viết đến 16 email gởi đến các chùa. Đó là những nơi Cô đã hứa đến giảng dạy. Cô xin lỗi họ và xin nghỉ dưỡng bệnh một thời gian. Có chùa hoan hỷ, có nơi phiền trách, họ nói: “Đã gởi thông báo đi khắp nơi, Sư làm vậy là chết con…”
– Sao Ni trưởng không cho họ biết mình bệnh?
– Cô có nói nhưng chỉ nói bệnh sơ sơ cần dưỡng, nói nhiều sợ sanh phiền. Thôi con, để Cô học hạnh lắng nghe của Bồ tát Quan Âm.
Dung cảm động muốn khóc. Vậy đó, trong cơn thập tử nhất sinh, Ni trưởng vừa nhẫn chịu cái đau của thân, vừa lắng nghe những lời phiền trách bằng trái tim Bồ tát.
7 giờ tối, Ni trưởng không chịu nổi cơn đau, chúng tôi phải đưa Người trở lại cấp cứu tại bệnh viện Umass Memorial.
8 giờ tối, y bác sĩ làm xét nghiệm lại và cho uống thuốc giảm đau. Nhờ vậy, cơn đau giảm lại. Ni trưởng nói: “Cơn đau như những con dao đâm vào thân thể mình.” Vì Ni trưởng đang ở phòng cấp cứu, huynh đệ Huê Lâm và Phổ Hiền phải ngồi ở phòng chờ, chỉ có Ni sư Như Tâm chăm sóc Ni trưởng lúc này.
9 giờ tối, y tá Dung lại vào thăm. Ni trưởng tâm sự: “Cô xài tiền của chính phủ nhiều quá, Cô chưa làm gì để đóng góp cho đất nước Hoa Kỳ, con hỏi bác sĩ coi bao nhiêu Cô trả?” Dung nghẹn ngào: “Mình trả không nổi đâu thưa Ni trưởng. Ni trưởng yên tâm, họ miễn phí cho mình 100%. Hơn nữa, những bài pháp Ni trưởng giảng cho chúng con, cho Phật tử người Việt tại đây, giúp chúng con tin vào nhân quả, làm người con hiếu, người công dân tốt cho gia đình và xã hội. Đó là phần đóng góp lớn lao cho đất nước Hoa Kỳ rồi. Công đức của Ni trưởng lớn lắm! Ni trưởng xứng đáng được thọ nhận mà.”
10 giờ đêm, nằm nhắm mắt, Ni trưởng hỏi Dung:
– Quý cô còn ở ngoài không con?
– Dạ còn.
– Con ra nói quý cô về đi, khuya rồi, trời tuyết, lái xe nguy hiểm.
– Quý cô nóng ruột, không ai chịu về đâu Ni trưởng.
Cả đêm ngồi ở phòng ngoài, chúng tôi không ai nói với nhau câu nào, chỉ thầm niệm Phật cầu nguyện…
Thứ 7, ngày 10 tháng 3 năm 2018
4 giờ sáng, Ni trưởng được chuyển lên lầu 5, phòng 508. Tầng lầu này dành cho những bệnh nhân nghỉ dưỡng, chờ về lo hậu sự.
8 giờ sáng, Ni trưởng dùng chút sữa. Sau đó, quý Ni sư ở Cali đến thăm. Chư vị nhân dịp đến Boston dự lễ giỗ Sư trưởng Huê Lâm.
10 giờ sáng, Ni trưởng lại chuyển sang phòng 514. Phòng này rộng rãi, Ni trưởng nằm riêng một mình. Ni trưởng nói: “Chắc nhờ họ thấy người tu ra vào thăm nên họ ưu tiên.” Nhân đó, Ni sư Như Tâm liền nói: “Vậy Ni trưởng phải cho chúng con vào thăm thường xuyên.” Ni trưởng không nói gì.
Trong lúc có huynh đệ tới thăm, Ni trưởng kể câu chuyện con lừa và tượng Phật: “Có một nhà nông nuôi một con lừa, khi ông dẫn nó đi đến đâu, nhà nào cũng lập bàn huơng án để lễ lạy nó, ngay cả vua quan cũng lạy. Từ đó, nó mãn nguyện, không chịu làm gì hết, nhưng nó quên là trên lưng nó đang chở tượng Phật và người ta lạy tượng Phật chứ không phải lạy nó. Cũng vậy, người tu mình được cung kính là nhờ mang trên thân chiếc áo cà sa. Mấy hôm nay, Cô mặc áo bệnh viện, đâu ai biết Cô là người tu, nhưng nhờ những chiếc áo này (vừa nói Ni trưởng vừa chỉ chư Ni xung quanh), người ta mới biết mình là người tu. Các em phải thấy rằng, chiếc áo này rất có giá trị, nên tu tập cho đàng hoàng. Người ta cung kính, lễ lạy mình, vì mình còn mang chiếc áo này, đừng tưởng người ta lạy mình rồi sanh tâm ngã mạn. Khi tâm ngã mạn sanh thì trí huệ vắng bóng.”
Chúng tôi im lặng để lắng nghe từng lời dạy ân cần của Người. Ni sư Như Chánh nói lời an ủi: “Ni trưởng ráng nằm dưỡng, uống thuốc từ từ hết bệnh.” Ni trưởng nghiêm mặt dạy: “Mình đi thăm bệnh phải thấy rõ bệnh tình của người bệnh và phải chấp nhận nó, Cô không cần lời an ủi của mấy đứa.” Ni sư Như Chánh im lặng, chiêm nghiệm lời dạy của Ni trưởng.
11 giờ sáng, Ni trưởng dùng được một chén canh bồ ngót.
4 giờ chiều, Ni trưởng dùng thêm chút bánh ướt.
Buổi tối, Ni trưởng ở trong bệnh viện một mình, còn chúng tôi về chùa để chuẩn bị cho ngày Chủ nhật hôm sau, Lễ Húy kỵ Sư trưởng Huê Lâm – Ân Sư của chúng tôi.
Chủ nhật, ngày 11 tháng 3 năm 2018
8 giờ sáng, Ni trưởng dùng chút bánh mì và sữa.
12 giờ trưa, Ni trưởng dùng mì Quảng.
2 giờ chiều, y tá vào cho Ni trưởng uống thuốc. Ni trưởng nói: “Ở đây, y tá, bác sĩ,… ai vào cũng với nụ cười trên môi. Họ luôn cho bệnh nhân sự tươi mát, bình an và pháp vô úy.” Thường ngày, Ni trưởng cũng dạy chúng tôi: “Mấy đứa ở Mỹ, phải luôn để tâm học hỏi, như khi đi đến tiểu bang nào cũng phải tìm hiểu về địa lý, văn hóa, truyền thống,… nơi mình đến. Đó cũng là cách để tâm quan sát những gì xảy ra chung quanh mình trong giây phút hiện tại. Có vậy, mình mới nói được những bài pháp thích hợp với hoàn cảnh và con người ở đó.”
4 giờ chiều, vài huynh đệ đến thăm Ni trưởng. Thấy có vị khóc, Ni trưởng nhắc nhở: “Yếu đuối, quyến luyến đâu phải là khí thái của người tu.” Rồi Người dạy tiếp: “Tụi con biết không? Sở dĩ Cô không cho tụi con vào thăm, vì mỗi lần có ai vào, Cô phải tiếp chuyện, đôi khi bị cơn đau mà vẫn phải gắng gượng. Trong lúc này, cần phải giữ định lực để vượt qua cơn đau, cần lắng lòng để nhiếp tâm quán chiếu, Cô cần không gian yên tĩnh để đối đầu với sanh tử.”
Chúng tôi im lặng không dám hỏi gì thêm, để rồi một lúc sau đứng dậy từ giã Người ra về. Lúc này, thời tiết vùng Đông Bắc Hoa Kỳ rất lạnh. Nhưng cái lạnh của thời tiết không làm chúng tôi tê tái bằng chính bệnh tình của Ni trưởng. Liên tưởng đến việc sắp mất đi bậc Thầy khả kính, khiến chúng tôi cảm thấy lạnh buốt cả tâm can…
Ni chúng chùa Phổ Hiền, chùa Huê Lâm (Hoa Kỳ) & Phật tử Nguyên Dung