Trên thế giới, mỗi quốc gia đều có một cái tết truyền thống hàng năm của riêng mình với phong cách riêng của mỗi nước. Tuy nhiên, vẫn có những ngày Tết dành riêng cho phụ nữ, những người luôn được tôn vinh và tôn trọng… Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, chúng tôi xin kể về những cái Tết riêng của phụ nữ các nước trên thế giới.
1/ Tết thiếu nữ, còn gọi là tết con gái
Vào đầu tháng 3 hàng năm, khi hoa đào của nước Nhật nở, báo hiệu xuân về, mọi người xem đó là Tết Hoa Đào. Vào ngày đó, các cô gái trẻ trang điểm thật đẹp, hơn hẳn ngày thường để đón mừng Tết của mình.
2/ Tết mẫu thân
Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 10 hàng năm là Tết Mẫu Thân của nước Nhật. Những người có mẹ đang còn khỏe mạnh thì chọn hoa hồng, những người đã mất mẹ thì chọn hoa màu trắng đến viếng mộ mẹ mình (giống lễ Vu Lan ở Việt Nam).
– Chủ nhật tuần thứ hai của tháng 5 là ngày Tết Mẫu Thân (Mother’s Day) của nước Mỹ và Canada. Vào ngày đó, mọi người trong nhà đều phải làm mọi việc để cho các bà mẹ được vui lòng nhất, đồng thời có quà quý mang đến chúc mừng mẹ để biểu thị lòng biết ơn và kính trọng của mình.
– Ngày 12/8 hàng năm là ngày Tết Mẫu Thân của Thái Lan. Hai tháng trước ngày đó, Ủy ban tuyển chọn các bà mẹ ưu tú đã bắt đầu công việc tuyển chọn của mình. Tất cả các bà mẹ có phẩm hạnh tốt, biết cách dạy con ngoan, có nghề nghiệp chính đáng, có cống hiến nhiều cho xã hội, có thân thể khỏe mạnh, đều có đủ điều kiện xin đăng ký dự thi. Vào đúng ngày 12/8, tất cả các cơ quan, trường học đều tổ chức những hoạt động sôi nổi để chúc mừng các bà mẹ và cũng để nhắc nhở mọi người không được quên công lao nuôi dạy của các bà mẹ. Tháng 9, chính là mùa hoa lài nở rộ ở Thái Lan nó cũng được xem là mùa của “Hoa Mẫu Thân”. Mùa hoa Tết của Tết Mẫu Thân.
3/ Tết mẹ
Ngày 29/5 hàng năm là ngày Tết Mẹ của nước Cộng hòa Trung Phi. Vào ngày đó, các bà mẹ đều ăn mặc sang trọng để bế con. Ở thủ đô Barixu tổ chức cuộc tuần hành mít tinh trọng thể. Những người lãnh đạo Nhà nước và các quan chức trong Chính phủ đều tham gia các cuộc mít tinh hội họp của các bà mẹ để chúc mừng.
4/ Tết bà mẹ
Từ ngày 23/8 đến 13/9 hàng năm là ngày Tết Bà Mẹ ở thành phố Han-bơ ở Đức. Vào những ngày này, các đoàn nghệ thuật của tổ chức phụ nữ lần lượt biểu diễn tại các nhà hát trong toàn thành phố các tiết mục phản ánh sự bình đẳng nam nữ.
5/ Tết nữ thị trưởng
Tết này diễn ra ở Tây Ban Nha vào tháng 2 hàng năm. Đây là thời điểm chị em phụ nữ tạm gác mọi công việc nội trợ rộn ràng hàng ngày lại để vui chơi thoải mái và nắm quyền điều hành thị trấn.
Cũng tương tự như thế, trong ngày Tết Papu của người Hy Lạp các chị em phụ nữ tha hồ vui chơi. Nam giới phải ở nhà đảm nhận việc nội trợ.
6/ Tết vui hết mình
Vùng Lai-zích của Đức có tết Vui Hết Mình của phụ nữ. Vào những ngày này, phụ nữ được có quyền cao nhất, tất cả đàn ông phải tỏ ra đặc biệt kính trọng phụ nữ. Đặc biệt phụ nữ của Thành phố Pô-inh còn có nghi thức là các cô thợ giặt quần áo trong toàn thành phố sẽ mặc áo choàng chững chạc đi đòi “chiếm lĩnh” tòa nhà của chính quyền thành phố. Thị trưởng thành phố hôm đó, đích thân trịnh trọng mang tặng cho họ chiếc chìa khóa tượng trưng cho quyền lực thành phố này.
7/ Tết bách nữ
Chủ nhật tuần thứ ba trong tháng 5 hàng năm là Tết Bách Nữ của trấn Mâng-ô-chan ở Tây Ban Nha. Vào ngày đó, các cô thiếu nữ đã đính hôn mặc những bộ quần áo trắng tinh, tay cầm những nhành hoa tươi đẹp cắm trên đồi, gò ở ngoại ô thị trấn để cầu khẩn cho mình được sống hạnh phúc trong tương lai.
8/ Tết chọn vua bổ củi
Ở Pháp có Tết chọn Vua Bổ Củi. Vào ngày tết này, trên quảng trường chất đầy những khúc gỗ dài ngắn, to nhỏ khác nhau, các phụ nữ tham gia hoạt động thi này cầm một cái búa để bổ củi. Các chàng trai bên cạnh đến bao vây quanh các cô gái mà mình ưa thích đưa củi để các cô bổ được nhanh, nhiều hơn. Qua nhiều vòng thi đấu, lựa chọn được người giành thắng lợi cuối cùng được chọn là “Bà hoàng bổ củi.”
9/ Tết nghinh đón ánh sáng
Ngày 13/12 hàng năm là ngày Tết Nghênh Đón Ánh Sáng ở Thụy Điển, còn gọi là “Ngày Lucia”. Tục truyền Lucia vốn là phụ thân của một vị quan thời đế quốc La Mã vào khoảng thế kỷ thứ II sau Công nguyên. Bà là tín đồ đạo Cơ Đốc nhưng lại bị nhà cầm quyền La Mã xem là kẻ thù của đạo đó nên bị chọc thủng đôi mắt. Trong tăm tối mù lòa bà vẫn cố công theo đuổi, tìm lại bằng được ánh sáng chứ không chịu khuất phục. Cuối cùng đến một ngày kia rồi bà cũng nhìn thấy lại được ánh sáng. Từ đó về sau, cứ đến ngày ấy là các bà của các gia đình ở Thụy Điển đều muốn thắp nến lên dọn cơm lên cho cả nhà ăn vào lúc trời còn tờ mờ sáng.
Vào ngày đó, thủ đô Stốc-khôm còn tổ chức thi chọn “Tiểu thư Lucia”. Lễ hội truyền thống kết thúc, cả nước đều tạm ngưng làm việc để chúc mừng. “Tiểu thư Lucia” thì vận mũ áo chỉnh tề, trên mũ có thắp nến, cưỡi trên mình ngựa, đi vây quanh là đội danh dự của Nữ nhi đồng, quần áo toàn màu trắng toát, rầm rộ và trang trọng diễu hành qua các đường phố.
10/ Tết phụ nữ
Tết phụ nữ của Nepal vào tháng 4 hàng năm, kéo dài liên tục trong 3 ngày liền. Đến ngày đó, thủ đô Kathmandu rợp trời khăn áo phụ nữ đi trẫy hội. Sau khi ăn bữa cơm thịnh soạn của gia đình do người chồng tự sắm sửa và bày ra, mọi người đều hát bài ca ngợi thần thánh. Một số phụ nữ ngày thường hay bị chồng mắng chửi thì đến các đền miếu “tuyệt thực” cho mãi đến khi người chồng đến thề trước đền và thần thánh rằng sẽ không bao giờ còn như thế nữa, họ mới chịu thôi “tuyệt thực” để trở về với chồng.
Tuyết Nhi (sưu tầm và biên soạn)- ĐSHĐ-102