Đại lễ tưởng niệm Sơ Tổ Kiều Đàm Di Đại Ái Đạo (Gautami – Gotami) và chư tôn Trưởng lão Ni tiền bối hữu công do Phân ban Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trong hai ngày mùng 6 & 7 tháng 9 năm Nhâm Dần (1 & 2/10/2022) tại Hội trường Học viện Phật giáo và chùa Thanh Tâm (Phật Cô Đơn), xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Ngày tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo là dịp để chư Ni khắp ba miền đất nước cùng trở về tưởng nhớ ân đức của vị Tổ sư Ni đầu tiên của Ni giới. Tưởng niệm Tổ sư, chúng ta không quên ghi lại công ơn đức độ của chư vị Trưởng lão Ni tiền bối, những người đã đặt nền móng cho ngôi nhà Ni giới Việt Nam, là cội tùng vững chắc để hàng Ni lưu hậu học nương về qua mỗi chặng đường tu tập hoằng hóa lợi sanh. Trang sử vàng Phật giáo còn in đậm dấu chân xưa. Hành trình tu tập dấn thân của các bậc Ni lưu đã làm rạng danh con nhà Thích Tử một thời vang bóng.
Nói đến chư vị trưởng lão Ni tiền bối có ân đức sâu xa với chư Ni thành phố, chúng ta không thể không nghĩ đến chư vị Ni trưởng là Ni trưởng Diệu Tịnh (1910-1942) Ni trưởng Diệu Tấn (1910-1947), và Sư trưởng Như Thanh (1911-1999)…
Ni trưởng Diệu Tịnh người Tiền Giang, là vị Giáo thọ Ni đầu tiên của đất Gia Định vào năm 24 tuổi. Cuối năm 1934, Ni trưởng mời Ni trưởng Diệu Tấn, Ni trưởng Diệu Tánh (Sư trưởng Như Thanh) và Ni sư phó Diệu Thuận cùng xây dựng chùa Từ Hóa (nay là chùa Hải Ấn) là ngôi chùa Ni đầu tiên thuộc vùng Sài Gòn- Gia Định. Ngoài dịch kinh, viết báo, làm giáo thọ… Ni trưởng còn được mời đi giảng pháp khắp các tỉnh thành và sang tận Campuchia. Lao tâm lao lực nhiều, lại một mình lo cho các chùa Ni mà Người nhận lãnh nên không bao lâu Ni trưởng thọ bệnh rồi viên tịch vào năm 1942 (thọ 33 tuổi).
Ni trưởng Diệu Tấn (1910-1947) Xuất gia năm 1927 với Hòa thượng Như Hiển – Chí Thiền tại chùa Phi Lai – Châu Đốc. Năm 1935, Ni trưởng ra Huế cầu học đạo với chư Sư danh tiếng đất thần kinh. Năm 1939, Người trở về Sài Gòn nhận chùa Kim Sơn ở Phú Nhuận. Từ một am tranh vắng vẻ, Ni trưởng đã tu tạo xây dựng khang trang, bắt đầu mở trường thâu nhận Ni chúng và mời giáo thọ về giảng dạy. Đây là ngôi trường Ni đầu tiên trên đất Sài Gòn – Gia Định rất nổi tiếng lúc bấy giờ. Do bệnh duyên và thời cuộc, Ni trưởng đã sớm thâu thần nhập diệt khi tuổi đời mới ba mươi bảy. Sau này, hàng môn đồ học chúng của Người, có nhiều vị tiếp nối hạnh nguyện hoằng pháp độ Ni vẫn đang hành đạo tại thành phố và các tỉnh thành.
Nếu Ni trưởng Diệu Tịnh, Diệu Tấn là người kiến tạo những viên gạch đầu tiên cho những ngôi chùa Ni trên đất Sài Gòn thì Sư trưởng Như Thanh (1911-1999) là một vị Ni trẻ lúc bấy giờ rất nhiệt huyết trong công cuộc vận động xây dựng nên những tòa nhà rộng lớn để chư Ni và hàng hậu học sau này có đủ tiềm lực vươn mình ra biển cả. Năm 1945 Sư trưởng nhận chùa Huê Lâm và xây dựng nên một chốn Già Lam trang nghiêm thanh tịnh. Năm 1947 (37 tuổi), Sư trưởng mở Phật học Ni viện tại chùa Huê Lâm, chúng Ni về theo học rất đông.
Năm 1956, Giáo Hội Tăng Già Nam Việt thành lập. Sư trưởng bày tỏ nguyện vọng xin được thống nhất Ni bộ và được chư Tôn đức chấp thuận. Thế là Người đi vận động quý Ni trưởng quý Ni sư từ miền Trung xuống tận miền Tây Nam bộ. Rồi ngày trọng đại đáng ghi nhớ ấy cũng đến. Đó là ngày 6 & 7 tháng 10 năm 1956, chư Ni các tỉnh thành về vân tập tại chùa Huê Lâm, Ni bộ Bắc tông chính thức được thành lập và Sư trưởng được đề cử chức vụ Trưởng ban Quản trị Ni bộ Nam Việt, lãnh đạo Ni chúng.
Sài Gòn, nơi hội tụ nhiều vì sao sáng quanh ngôi sao Bắc Đẩu là Sư trưởng TN. Như Thanh đã kiến tạo cho mảnh đất lành chim đậu này không ngừng nở rộ những tài năng đức độ lan tỏa cho đến tận ngày sau. Chúng ta có thể điểm qua một vài vị như Ni trưởng Huỳnh Liên, Ni trưởng Bạch Liên… Ni trưởng Giác Nhẫn (1919 – 2003), Ni trưởng Huyền Huệ- chùa Hải Ấn, Ni trưởng Trí Hải (1938 – 2003) v.v… Quý Ni trưởng là tấm gương sáng về đạo hạnh chuyên tu, nghiêm minh giới luật mà đạo nghiệp một đời dấn thân vì lợi lạc chúng sanh chính là nguồn năng lượng vô giá để hàng Ni lưu hậu học chúng ta phải kính cẩn nương về học hỏi.
Sau ngày đất nước thống nhất, Ni bộ Bắc tông không còn hoạt động nhưng uy tín đức độ của quý Ni trưởng vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng trong đoàn thể chư Ni và Phật tử. Năm 1981, GHPGVN thành lập. Đến năm 2009 theo nguyện vọng của chư Tôn đức và chư Ni, Phân ban Đặc Trách Ni giới Trung ương và các tỉnh thành được thành lập. Quý Ni trưởng thành phố đảm nhận các trọng trách quan trọng trong Phân ban Ni giới Trung ương và thành phố như Ni trưởng TN. Tịnh Nguyện (chùa Phước Hòa Q.10) Ni trưởng Từ Nhẫn (chùa Phước Viên- Bình Thạnh) Ni trưởng Như Hải, Ni trưởng Như Xuân (chùa Từ Nghiêm) Ni trưởng Như Châu, Ni trưởng Như Huệ (chùa Huê Lâm)…. Quý vị không chỉ chuyên việc học đạo tu tập mà còn lập nguyện dấn thân hoằng pháp lợi sanh, kiến tạo Già Lam, nuôi chúng độ Ni, đóng góp nhiều công sức trí tuệ và cùng dẫn dắt con thuyền Ni giới ngày càng vững mạnh vươn xa.
Thành phố Hồ Chí Minh, điểm hội tụ của nhiều dòng sông tri thức, là nơi chư Ni trẻ luôn tìm đến học tập với tâm nguyện đóng góp tài năng trí tuệ của mình cho sự phát triển chung của Giáo hội và Ni giới. Trong buổi lễ ra mắt Phân ban Ni giới thành phố, chúng ta thấy rất nhiều Ni trẻ trong thành phần nhân sự. Nhiều nhân sự trẻ trong nhiệm kỳ mới sẽ tạo nên một làn sinh khí mới lạ vừa thể hiện sự dung hòa tinh tế vừa tạo thêm động lực để người trẻ luôn biết nỗ lực vươn lên bằng tài năng và tâm đức của mình, xứng đáng với niềm tin cùng sự kỳ vọng của chư Tôn đức nhị bộ Tăng già.
Chư Ni trẻ thành phố phần nhiều được đào tạo bài bản từ các ngôi trường Phật học nên trình độ kiến thức Phật học rất uyên thâm vững vàng. Có vị tu nghiệp nước ngoài trở về đã tham gia vào đội ngũ giáo thọ tại Học viện Phật giáo và các trường Cao đẳng Trung cấp Phật học. Có vị làm giảng sư, có vị chuyên về nghiên cứu, viết báo viết sách, hoặc phát huy sở trường năng khiếu với công việc mang tính đặc thù như hướng dẫn chương trình (MC) trang trí tổ chức các sự kiện, trần thiết, nghi lễ v.v… Nhiều năm qua, chư Ni thành phố rất tích cực trong các hoạt động từ thiện xã hội. Mỗi dịp lễ Tết, quý vị đứng ra kêu gọi hỗ trợ hiện kim hiện vật cho bà con nghèo, người khuyết tật trong các khu phố. Mỗi lần nghe tin thiên tai bão lụt dịch bệnh xảy ra là chư vị cũng nhanh chóng quyên góp tìm đến cứu trợ rất kịp thời. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố và nhiều tỉnh thành Nam bộ, một số Ni trẻ thành phố đã tình nguyện xông pha lên tuyến đầu cùng hỗ trợ các đoàn y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến…
Thế hệ trước gieo trồng vun đắp, thế hệ sau duy trì phát triển. Từ Ni bộ Bắc Tông đến Phân ban Ni giới Trung ương và các tỉnh thành, chư Ni cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng luôn có những bậc anh tài đứng ra đảm nhận mọi trọng trách Phật sự vì sự nghiệp phát triển của Giáo hội và đem lại nhiều lợi lạc cho cộng đồng nhân sinh xã hội. Khi Phân ban Ni giới kêu gọi những người trẻ có trình độ, có tài năng lãnh đạo, có nội tâm kiên định… cùng dự vào thành phần ủy viên nhiệm kỳ mới, thế là những người con gái của Đức Thánh Tổ Kiều Đàm đã rất nhiệt tình tham gia góp mặt.
Với những gì chư Ni trẻ thời đại 4.0 đang tiếp bước và dấn thân đã cho chúng ta một niềm tin tưởng lạc quan về Ni giới nước nhà nói chung và Ni giới thành phố nói riêng. Đại lễ tưởng niệm Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo tổ chức thành tựu viên mãn là tâm sức chuẩn bị điều hành của quý Ni trưởng, Ni sư trong ban lãnh đạo; là công sức hỗ trợ của các vị mạnh thường quân, chư thiện tín xa gần. Nhưng dấu ấn tạo nên sự thành công mỹ mãn này không thể thiếu sự năng nỗ nhiệt tình, cùng đôi tay tài hoa, trí tuệ sáng tạo của các ban chuyên trách mà chư Ni trẻ thành phố đảm nhận.
Muôn sắc Đàm hoa cùng nở rộ trong khu vườn Thánh Tổ chắc chắn sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng quý quan khách, quý đại biểu trở về tham dự. Và hình ảnh Ni giới Việt Nam & Ni giới thành phố rồi đây cũng sẽ tạo nên tiếng vang rộng rãi đến với cộng đồng nữ lưu Phật giáo Quốc Tế.
Lam Khê
Diễn đọc: SC Quảng Hiếu