Có một câu nói trên Facebook thế này: “Xã hội này lạ lắm. Chỉ thấy anh em trong nhà tranh cãi nhau để chia tài sản. Chứ không thấy ai tranh giành nuôi cha mẹ lúc ốm đau”. Tôi cho là đúng, vì ít ra nó đang rơi vào hoàn cảnh của tôi.
Mẹ bệnh, nằm liệt giường, không thể tự sinh hoạt cá nhân, ăn uống. Một cuộc họp chóng vánh giữa sáu người con trong nhà. Ai cũng đưa ra lý do để từ chối nghĩa vụ phụng dưỡng mẹ chỉ vì: bận việc. Rằng bản thân không thể nghỉ phép hoặc không thể làm gián đoạn việc kinh doanh, sẽ để lại hậu quả ghê gớm. Người này đổ lỗi người kia ích kỷ, bất hiếu, nhỏ nhen, vô tâm… Rồi cuối cùng dẫn đến gây gổ, văng tục, suýt đánh nhau. Ông anh cả dàn xếp bằng ý kiến: “Thuê người nuôi mẹ bệnh là xong ngay.” Tôi lên tiếng phản đối: “Nhà đông con cháu, sao lại để mẹ cho người ngoài nuôi, trong khi mẹ rất yếu? Em cũng chỉ làm việc đồng áng, thôi để đấy em lo liệu.” Lúc đó họ mới chịu thôi chì chiết nhau, nở nụ cười mãn nguyện.
Những ngày mẹ nằm viện, chẳng ai đến thăm, ngoài việc gọi điện hỏi han qua loa về chi phí để họ chuyển tiền. Thỉnh thoảng những đứa cháu có mang hoa quả đến nhưng cũng chóng vánh rời đi vì: không chịu được mùi thuốc tây ở bệnh viện và ghê ghê khi lúc thay tã cho bà. Mẹ dù bệnh, rất yếu, nhưng may mắn còn nói chuyện được, cứ hỏi thăm anh chị suốt: “Mấy anh chị con đâu, cả tháng nay sao không đứa nào vô thăm mẹ vậy?”. Tôi viện ra lý do rằng họ đi công tác xa chưa về kịp, cho mẹ không lo, không buồn. Mẹ lặng im không nói, mặt buồn thiu, đưa bàn tay yếu ớt kéo chăn trùm kín mặt. Những lúc ấy tôi hiểu mẹ đang khóc. Biết mẹ buồn, nên cứ mỗi lần vợ tôi mang cơm vào, tôi đều kêu dẫn các con tới trò chuyện cho mẹ vui. Mẹ vì thế, cũng đỡ tủi thân, buồn chán, suy nghĩ tiêu cực.
Ngày mẹ xuất viện về nhà, hầu như có mặt đầy đủ anh chị. Ai cũng tươi như hoa, mua nhiều quà bánh tặng mẹ. Thực ra, mẹ có hẹn luật sư đến để tư vấn việc chia đất cho các con. Mẹ bảo mẹ sợ không còn sống được bao lâu nên không muốn các con tương tàn.
Nhưng tương tàn đã… đến quá sớm. Các anh chị tranh nhau thể hiện các quyền liên quan để mong được mẹ cho nhiều đất. Nào là: nhà này tao hùn xây, đất này tôi cải tạo, vườn phía sau có tôi hỗ trợ cây trồng… Mẹ nghẹn ngào: “Các con thôi đi nào, mẹ chưa chết kia mà. Các con ai cũng có sự nghiệp, tài sản dư dả thì cần gì mấy miếng đất bé nhỏ này? Đứa nào cũng mải mê làm giàu, bỏ mặc mẹ cho thằng Út phụng dưỡng, giờ về đây rót vào tai mẹ những câu ngọt ngào thì có nghĩa gì? Nhìn thằng Út đi, nó vì lo cho mẹ bao năm qua mà người gầy rạc, nghèo khó. Lẽ ra các con phải thương em mình chứ, sao lại tranh giành?”. Mẹ không nói thêm, đòi đi nằm nghỉ. Cuộc họp kết thúc dang dở. Mấy anh chị im lặng trơ người như đá, sau đó bỏ về.
Từ đó, không còn ai nhắc đến chuyện tranh đất. Mà lạ kỳ, họ lại thay đổi tính tình, quan tâm đến mẹ nhiều hơn xưa. Nhìn thấy cảnh họ đút cho mẹ từng muỗng cháo, tôi mừng như bắt được vàng ròng.
Đặng Trung Thành (ĐSHĐ-113)