Trong tiến trình phát triển cùng với Phật giáo Việt Nam, Nữ giới Phật giáo đã có những bước thay đổi, chuyển mình trong diện mạo mới cùng sự phát triển của xã hội.
Hình ảnh quen thuộc trước đây khi nói đến Ni giới là hình ảnh các Sư cô, bà vãi làm những công việc của chùa. Không gian gắn với Ni sư đó là không gian của chùa. Tôi rất bất ngờ, khi năm 2016 lên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Sóc Sơn Hà Nội giảng dạy, ngày đó có các Ni sinh (các Ni đi học gọi là Ni sinh) khi tiếp xúc với các môn “thế học” không phải là môn Nội điển đã rất e ngại. Sự “e ngại”, rụt rè ở đây không phải chỉ đối với Giảng sư bên ngoài như chúng tôi mà cả những kiến thức, những vấn đề được mang ra bàn luận trong các môn thế học. Các Ni đã rất bất ngờ, có những Ni lần đầu tiên “nghe đến” một tôn giáo khác ngoài Phật giáo, những vấn đề “nhạy cảm” của xã hội thế tục được bàn luận – nhưng quả thực, tôi mang đến giảng được cũng chỉ có tính chất “gợi mở” vấn đề mà không có cơ hội đi sâu. Khi đi vào tìm hiểu, tôi ngỡ ngàng phát hiện, có những Ni – dĩ nhiên số đó không quá nhiều, thường được Sư phụ “quản” rất chặt, rất ít khi có điều kiện để giao lưu với những vấn đề của xã hội “thế tục”. Đây vừa là ưu điểm nhưng cũng đồng thời bộc lộ phần nào đó hạn chế của một số Ni sinh trong thời đại mới.
Sẽ là một vài “suy nghĩ hạn chế” về Ni giới nếu không có những hành trạng sau này khi trong các hoạt động nghiên cứu chuyên môn của mình tôi được tiếp xúc với một mặt khác, một sự vươn lên rất mạnh mẽ của Ni giới Việt Nam trong những năm gần đây.
Sự dấn thân của Nữ giới Phật giáo Việt Nam hiện nay không chỉ dừng lại ở những hoạt động bảo trợ, an sinh xã hội, những vấn đề liên quan đến môi trường sinh thái, vấn đề việc làm, giáo dục mà đã vươn đến một trong những lĩnh vực – địa hạt khó nhất, đòi hỏi trí tuệ và sự hy sinh lớn đó là làm khoa học, trở thành các nhà khoa học, đóng góp cho nền học vấn, khoa học của Phật giáo nói riêng và khoa học của nước nhà nói chung. Nữ giới Phật giáo Việt Nam cũng đang nỗ lực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, nhằm nâng cao học thuật cho Giáo hội nói chung, từng bước nâng cao chất lượng, năng lực trình độ cho Nữ giới Phật giáo nói riêng. Chúng ta có thể nhìn thấy những hoạt động khoa học trên quy mô xã hội, trên các diễn đàn khoa học lớn như: sự phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học – Xã hội Việt Nam và Hệ phái Khất sĩ tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề: “Ni trưởng Huỳnh Liên: Những đóng góp cho Đạo pháp – Dân tộc và các giá trị kế thừa”. Trung tâm Nữ giới Phật giáo đã tham gia hội thảo Sakyadhita lần thứ 16 với chủ đề: “Những chân trời mới của Phật giáo được tổ chức tại Úc”; Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo kết hợp với Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Nữ giới Phật giáo với lĩnh vực báo chí”, tại Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á. Tham dự Hội thảo: “Phật giáo và Văn hóa Bình Định: Thành tựu và giá trị” do Trường Trung cấp Phật học và Trường ĐHKH XH&NV tổ chức tại Bình Định; Hội thảo “Phật giáo và Tín ngưỡng Đạo Mẫu ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Tôn giáo học và học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức. Trong những năm gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo đã kết hợp với Ban Ni giới các địa phương (luân phiên tổ chức) tổ chức các Hội thảo thường niên nhân dịp Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo. Các hội thảo, các chương trình giáo dục đã hướng đến việc nâng cao tri thức, trình độ cho các nữ tu sĩ Phật giáo.
Khoa học của Nữ giới Phật giáo bên cạnh những hoạt động có quy mô lớn như vậy còn có sự nỗ lực, cố gắng vươn lên để trở thành các nhà Khoa học, các học giả của các Ni sư thông qua các nghiên cứu, dịch thuật, xuất bản các ấn phẩm.
Đây cũng là biểu hiện mới trong nhập thế của Phật giáo nói chung và của Nữ giới Phật giáo nói riêng. Sự vươn lên mạnh mẽ này đã cho thấy sự phát triển cuả Ni giới không chỉ về mặt số lượng mà còn về mặt chất lượng. Qua đó, Phật giáo và Nữ giới Phật giáo luôn đồng hành cùng những vấn đề của thời đại và giải quyết những vấn đề của thực tiễn đặt ra, đưa Phật giáo nói chung, đặc biệt Ni giới Phật giáo nói riêng bước sang một giai đoạn phát triển mới.
TS. Bùi Thị Thủy – Học viện Ngoại Giao (ĐSHĐ-126)
Ni sinh. Diệu Lâm diễn đọc