1.3. Hoa Đàm – cơ quan ngôn luận của Ni giới Phật giáo Việt Nam
Năm 1973, Tập san Hoa Đàm chính thức được xuất bản, là cơ quan ngôn luận của Ni bộ Bắc Tông (trú xứ đặt tại Tổ đình Từ Nghiêm, đường Bà Hạt, quận 10, Sài Gòn). Hoa Đàm ra đời đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với nữ giới Phật giáo Việt Nam; Từ nay, Nữ giới Phật giáo chính thức có một tờ báo đại diện, diễn đàn ngôn luận bình đẳng, hoạt động song song với các tạp chí khác bấy giờ. Đó là thành quả của một quá trình ấp ủ, nuôi dưỡng mong nguyện của Sư trưởng Như Thanh và Người cũng giữ vai trò chủ bút, Sư cô Như Thường là thư ký cùng sự cộng tác của chư Ni và Phật tử. Hòa chung vào sứ mệnh của Phật giáo, Hoa Đàm hoạt động với tôn chỉ và mục đích là phổ biến giáo lý; phát triển tinh thần đoàn kết Ni giới; hướng dẫn nữ Phật tử tinh tiến trên đường “Phước huệ song tu”; mở đường hướng giáo dục thế hệ trẻ. Ngay từ những số đầu tiên xuất bản, các bài viết đăng trên Hoa Đàm đều đề cao hai nét đẹp của nữ giới như cố Sư trưởng Như Thanh đã nói, đó là nét đẹp thanh nhã cao quý của thể sắc và nét đẹp ưu tú linh mẫn của tinh thần1.
Theo dòng biến động của lịch sử, đến năm 1975, Hoa Đàm đình bản. Cho đến khi Phân ban Ni giới Trung ương được thành lập, với tâm nguyện cống hiến của chư Ni thế hệ hậu học, được sự quan tâm và cho phép của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Thông tin Truyền thông đã cho xuất bản một ấn phẩm báo chí là tiếng nói đại diện và duy nhất của nữ giới Phật giáo Việt Nam, ấn phẩm này được chính thức mang tên Đặc san Hoa Đàm, như một sự kế thừa và phát triển di sản của Sư trưởng Như Thanh cùng chư vị thế hệ tiền bối đã một thời ấp ủ, gắng công xây dựng.
Sau một hành trình lịch sử lâu dài, Đặc san Hoa Đàm ngày nay đã có một vị trí tương đối vững chắc, trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu, là sổ tay tu học của nữ giới Phật giáo như lời SC. Thích Nữ Như Uyên (Ủy viên Ban Trị sự, Chánh Thư ký Phân ban Ni giới tỉnh Bến Tre): “Đặc san Hoa Đàm là ấn phẩm đại diện cho nữ giới Phật giáo, là người bạn hữu ích cho chư Ni vùng quê. Đây là kênh cập nhật và tiếp cận thông tin một cách chính thống. Đặc san Hoa Đàm đã đăng tải kịp thời các thông bạch, hướng dẫn của Phân ban Ni giới Trung ương nói riêng cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung. Nhờ đó, công tác Phật sự tại địa phương diễn ra trôi chảy, đáp ứng được sự mong đợi của chư Ni và Phật tử2.” Đồng thời là nơi truyền cảm hứng cho các hoạt động thiện nguyện, lợi ích cộng đồng, góp phần chuyển hóa tâm thức của nhiều người.
Nhìn lại sự thành công của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, ở cả ba miền đất nước đều có sự xuất hiện của các tổ chức hội đoàn Phật giáo dưới sự lãnh đạo của tầng lớp Tăng sĩ, cư sĩ trí thức. Cơ quan ngôn luận của Phật giáo từng miền trong giai đoạn này chính là các tạp chí Phật giáo. Thành phần trí thức trong xã hội đã phát huy sức mạnh tinh thần của hội đoàn và sử dụng báo chí, ấn phẩm để truyền tải thông tin hoạt động, tư tưởng và giáo lý đến với mọi tầng lớp nhân dân cả trong và ngoài nước. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để Phật giáo đứng vững và duy trì được nhịp độ phát triển trong những biến động và phát triển nhanh chóng của thời đại.
2. Chư Ni trẻ, nguồn nhân lực dồi dào trong công cuộc hoằng pháp bằng báo chí
2.1. Tình hình và yêu cầu đặt ra cho Báo chí Phật giáo
Trước tiên, cùng nhìn chung về tình hình báo chí Phật giáo Việt Nam đương đại, có thể nói, ngày nay, báo chí Phật giáo Việt Nam đã có những bước tiến dài và chỗ đứng vững chắc trên diễn đàn ngôn luận trong và ngoài nước với nhiều hình thức phong phú (báo giấy, báo điện tử…), các tin tức liên tục được cập nhật nhanh chóng trong cả nước. Đa số các bài viết là tác phẩm của các cây bút gạo cội, không nhiều bài viết của những tên tuổi mới, có chăng phần lớn là của các cư sĩ, học giả tại gia. Điển hình trong đề tài của mình, người viết xin đề cập cụ thể đến Đặc san Hoa Đàm. Đọc qua từng số báo, chúng ta dễ nhận thấy các tên tuổi cộng tác viên quen thuộc như Ni sư Phước Giác, Hải Thuần Bảo Hải, Như Hạnh, Vân Phàm, Diệu Nga… Văn phong của từng người đã quen dần với độc giả, tư tưởng của mỗi người thể hiện qua nhiều bài viết đã trở nên thân thuộc.
Câu hỏi đặt ra là, liệu điều đó có gây nhàm chán cho cảm xúc của người đọc báo hay không? Tâm lý người đọc có trông chờ, đón đọc số mới phát hành như cách người ta trông đợi theo dõi tập tiếp theo của một bộ phim hay hoặc một tin tức được chú ý nào đó trên mạng xã hội? Hơn thế nữa, chúng ta cần nhìn nhận, thực tế là nữ giới Phật giáo, bao gồm cả chư Ni và nữ Phật tử, có học thức và trình độ rất nhiều nhưng chỉ có ngần ấy tên tuổi tham gia vào công tác báo chí, góp phần lan tỏa tư tưởng, thông điệp của Phật giáo, phải chăng đó là một số lượng quá ít ỏi?
Theo ý kiến chủ quan của người viết, hoạt động của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế, thời đại bùng nổ thông tin đang phát triển không ngừng. Báo giấy tuy có sự đầu tư và chất lượng hơn rất nhiều so với các trang báo điện tử phần lớn chỉ đưa tin tức sự kiện nhưng để khẳng định được điều đó, đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực trẻ có đầy đủ kiến thức về nội điển, ngoại điển. Ngoài ra, còn cần có sự năng động, tích cực, mới mẻ từ trong văn phong và tấm lòng nhiệt huyết, có thể truyền lửa vào từng con chữ, mỗi chuyên mục qua từng bài viết để báo chí không còn đơn thuần là một kênh thông tin khô cứng, không chỉ thu hút bởi màu sắc, trình bày hấp dẫn, chất liệu giấy đẹp hay phong phú về các chuyên mục mà khiến cho độc giả cảm nhận được sự lợi ích, thiết thực và giá trị của những thông tin, bài viết, giáo lý được chia sẻ trên các trang báo. Độc giả tự mình cảm nhận và xoay chuyển tâm ý, chỉn chu đời sống từ trong suy nghĩ để có được một cuộc sống hạnh phúc, an lành và gặt hái được nhiều lợi lạc như tôn chỉ và mục đích hoạt động của báo chí nói chung và tiếng nói của Ni giới nói riêng. Từ đó, độc giả sẽ có tâm lý mong đợi và hoan hỷ đón nhận từng số báo ra đời. Nguồn lực này ở đâu?
2.2. Chư Ni trẻ, nguồn nhân lực dồi dào
Khác với ngày xưa, chư Ni ngày nay đa số đều được đào tạo trong các trường lớp Phật học chính quy, có kiến thức nội điển vững chắc, tiếp biến khá nhanh với tư tưởng thời đại mới, năng động, khả năng ngoại ngữ, vi tính cũng rất tốt… Đây chính là nguồn nhân lực cho công tác phát triển hoằng pháp qua báo chí, nhưng nguồn lực này vẫn chưa được khai phá. Theo người viết, trong vị trí của một Ni sinh hậu học, thì có thể đưa ra các lý do như sau:
Thứ nhất, việc viết lách ngoài năng khiếu của mỗi người, nó còn thuộc về kỹ năng. Năng khiếu là thứ có sẵn nhưng kỹ năng thì phải được đào tạo, huấn luyện. Thực tế, ở Học viện, người viết đã được các bạn học Ni chia sẻ rất nhiều ý tưởng hay, mới, những suy nghĩ đẹp, nhưng khi viết ra để gửi báo, lan tỏa cho mọi người biết thì các bạn lại có cùng một khuyết điểm là không biết diễn đạt bằng lời thế nào, cách viết báo ra sao. Tuy hiện nay chúng ta thấy đã có những đợt tập huấn về truyền thông báo chí nhưng không phải tất cả mọi người đều được tham gia. Mặt khác, khóa huấn luyện chỉ là củng cố kỹ năng trong khi những người tham gia phần lớn chỉ ở chùa, làm các công việc chùa, báo chí truyền thông gần như chưa từng được học, thực hành nên sau vài ngày bồi dưỡng nghiệp vụ cũng không thể nào đào tạo nên cây bút mới, người có thể tham gia vào công việc báo chí.
Thứ hai, tâm lý thụ động, tự ti của nữ giới khi muốn nói lên một suy nghĩ, trình bày một vấn đề nào đó thì sợ, sợ sai, sợ người khác biết suy nghĩ của mình sẽ cười… Có rất nhiều lý do để sợ và chỉ giữ tất cả trong suy nghĩ. Chính điều này là rào cản lớn nhất cho việc phụng sự của Ni giới trong sự nghiệp hoằng pháp nói chung và phát triển lĩnh vực báo chí nói riêng.
Thứ ba, một bộ phận chư Ni trẻ rất có tâm nhiệt huyết phụng sự và cống hiến cho sự nghiệp hoằng pháp, tuy nhiên, thế hệ học Ni chưa nhận được sự định hướng về lĩnh vực báo chí. Công tác báo chí dường như là một khái niệm mơ hồ và nằm ngoài khả năng của mỗi người. Các học Ni sau khi tốt nghiệp tại các chương trình Phật học lại tiếp tục trở về chùa, hướng dẫn đạo tràng tu tập, làm đồ chay, đi đám, tham gia công tác từ thiện xã hội, trong khi báo chí luôn cần những người trẻ đóng góp vào công cuộc hoằng dương.
Mặt khác, trong nhận thức chung của mọi người đều xem khái niệm “hoằng pháp” là người ngồi trên pháp tòa, thuyết giảng hoặc trở thành một vị giáo thọ nơi giảng đường. Rất ít Ni sinh nhận ra báo chí cũng là một kênh truyền tải tư tưởng giáo lý hiệu quả, đưa tư tưởng Phật giáo đến với mọi người. Do đó, nếu được hỏi về mơ ước làm gì để phụng sự, câu trả lời luôn là đi giảng, đi dạy, làm từ thiện, rất ít và gần như không có từ “báo chí” trong suy nghĩ và định hướng của Ni trẻ. Nên ngay ở Học viện Phật giáo Việt Nam, có 13 chuyên ngành đào tạo về nhiều lĩnh vực: triết học, sử học… nhưng hầu như ở các khóa, phân khoa hoằng pháp luôn đứng đầu về số lượng sinh viên.
2.3. Giải pháp thu hút nguồn nhân lực trẻ vào công cuộc hoằng pháp bằng báo chí
Hoằng pháp là bổn phận và trách nhiệm chung của những người con Phật, là cách để duy trì mạng mạch của Phật pháp. Nhận thức được sứ mệnh của mình trong việc truyền bá Phật pháp, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể để khắc phục và hoàn thiện những vấn đề hiện tại, nhằm thu hút sự quan tâm của thế hệ trẻ, đặc biệt là Ni giới, những người mang trên mình trọng trách “sứ giả Như Lai.”
Từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan đã được nêu ra ở trên, chúng ta cần xem xét, định hướng báo chí như một chuyên ngành hoằng pháp hữu hiệu và có tư vấn, tạo điều kiện cho chư Ni trẻ được tham gia học tập, rèn luyện kỹ năng và môi trường cống hiến, phụng sự một cách chuyên tâm. Mở các khóa học, cấp chứng chỉ về chuyên ngành báo chí, mở các hội thi viết báo theo chủ đề, mở các cuộc giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa các cây bút gạo cội với thế hệ trẻ, để qua đó có thể truyền cảm hứng và tâm huyết của người đi trước đến hàng hậu bối. Đồng thời, qua đó sẽ tạo động lực và khuyến khích thế hệ trẻ đem tri thức, năng lượng của mình thổi một luồng sinh khí mới cho tiếng nói của Nữ giới Phật giáo nói riêng và báo chí Phật giáo nói chung.
Với tinh thần chung tay phát triển kênh Truyền thông Báo chí Phật giáo, hy vọng từ những đóng góp tâm huyết của quý Ni sư, quý học giả trên mọi miền đất nước qua chủ đề chính của Hội thảo lần này, báo chí Phật giáo Việt Nam sẽ có những thay đổi khả quan, củng cố vững chắc về chất và lượng, đáp ứng được yêu cầu của báo chí về mọi phương diện để hoàn thành tốt sứ mệnh hoằng pháp của mình.
THíCH Nữ HUệ QUANG – HVPGVN tại TP.HCM (ĐSHĐ-103)
- NS.TS. Thích Nữ Như Nguyệt (chùa Huê Lâm) chủ biên (2019), Di sản Sư trưởng Như Thanh kế thừa và phát triển Ni giới Việt Nam, tr. 210.
- Đặc san Hoa Đàm số 45, tháng 7/2017, tr. 9.