Báo chí Phật giáo Việt Nam xuất hiện trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, bên cạnh nhiệm vụ làm lan tỏa tư tưởng chấn hưng Phật giáo, là một trong những nhiệm vụ cấp thiết bấy giờ, nó còn đóng vai trò như một phương tiện hoằng pháp rất hiệu quả. Ngày nay, hoạt động báo chí Phật giáo đã phát triển mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức nhưng ở một góc độ nào đó vẫn còn hạn chế, chưa thu hút thế hệ trẻ, đặc biệt là Ni chúng và Nữ giới Phật giáo tham gia đóng góp bài viết và quan tâm đến kênh ngôn luận này. Trong khi Nữ giới Phật giáo đương đại nói chung và Ni giới nói riêng được xem là tầng lớp trí thức, có đầy đủ khả năng kế thừa và phát triển sức sống của thế hệ trẻ, là nguồn năng lượng tích cực cho sự lan tỏa giá trị thực tiễn của giáo lý Phật Đà. Làm thế nào để thu hút các cây bút trẻ đóng góp tri thức, trí tuệ và lòng nhiệt tâm của mình vào dòng vận hành phát triển của báo chí Phật giáo.
1. Khái quát về sự ra đời và phát triển của báo chí Phật giáo Việt Nam
Xã hội Việt Nam trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX đã xảy ra nhiều biến động lớn. Triều đình nhà Nguyễn lâm vào tình trạng khủng hoảng và suy thoái, thực dân Pháp đã bắt đầu nổ súng xâm lược và đặt ách thống trị đất nước ta. Sự cai trị tàn bạo và chính sách khai thác thuộc địa triệt để của chúng đã kiềm hãm sự phát triển của nền kinh tế và gia tăng sự bất ổn trong xã hội, tác động không nhỏ đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có cả tu sĩ Phật giáo. Trong một bài viết đăng trên Tạp chí Đuốc Tuệ, tác giả Thanh An đã viết:
“Một người xuất gia vì hoàn cảnh trói buộc, ngày tháng chỉ lo việc sinh kế, nào có được mấy thì giờ rảnh để nghiên cứu giáo lý. Mỗi năm được vài tháng đi học Hạ, đi học phải vận lương đi ăn, nếu gặp cảnh chùa nghèo túng thì dù có muốn đi học cũng không lấy lương đâu mà đi học. Vị nào chưa ở chùa thì đi học không có lương, đã có chùa thì hoàn cảnh bắt buộc như trên, các Tăng Ni phần nhiều không ra phạm vi ấy cả… Ngoài việc sinh nhai, còn phải hết sức lấy lòng dân, lo sửa sang vào chùa cho tố, lo theo lệ làng cho đầy đủ, được dăm ba mẫu ruộng để làm đèn hương cúng Phật hàng năm, tiền thuế ruộng, tiền sương túc chưa chắc đã thừa. Thế mà đến kỳ thượng nguyên hay giỗ tổ phải làm cỗ chay, cỗ mặn thiết đãi làng, không thì phải sọ lợn hay xôi gà theo tục nếu không thì khăn gói gió đưa, sư phải tìm phương xa lánh1”. Trong tình hình đó, nhiều Tăng, Ni, Phật tử đã bị biến chất, tha hóa, sa vào các tệ nạn rượu chè, cờ bạc, danh sắc, chư Tăng phần nhiều nghĩ đến danh lợi, chức tước… còn các việc khác thì chỉ biết cúng kiếng, bùa chú, làm tay sai cho các vị địa chủ, quan lại bấy giờ.
Cư sĩ Khánh Vân, trong bài đăng trên Tạp chí Duy Tân số 18, ra ngày 01/3/1937, tựa đề Phật giáo nước ta vì đâu phải chịu cái hiện trạng suy đồi đã chỉ ra thực trạng: “Có kẻ mượn Phật làm danh, cũng ngày đêm hai buổi công phu, thọ trì sóc vọng cũng sám hối như ai, bấy nhiêu đó làm sự nghiệp đạo đức chưa đủ lại thủ dị cầu kỳ, học thêm bùa ngải, luyện voi thần, làm bạn với thiên linh cái, khi ông lên, lúc bà xuống, ngáp ngắn ngáp dài, thư phù niệm chú, gọi là cứu nhân độ thế nhưng lại trục lợi lòng mê muội của chư thiện tín mở rộng túi tham, quơ quét cho sạch sành sanh để tư dưỡng lợi kỉ2…”
Theo Hội Lưỡng Xuyên Phật học: “Đạo Phật ở nước ta ngày nay không có người chủ quyền và không có thế lực gì cả… Phật pháp suy đồi, đồ Tăng trụy lạc, chốn Tòng Lâm ngày nay không có cổ phong trật tự, thống nhất không đặng. Đã không người chủ trương lại thêm thất học, vì vậy mà thành ra ai cũng muốn chiếm độc quyền, mạnh ai nấy làm, thầy nào trò nấy, ai đặng nấy nhờ, ai thất nấy chịu, không ai giúp đỡ ai3…”
Hơn nữa, thực dân Pháp đã âm mưu đồng hóa văn hóa Việt bằng cách cho du nhập nền văn hóa Tây phương và hỗ trợ Thiên Chúa giáo tích cực truyền đạo. Chúng đặt ra nhiều chính sách hạn chế sự hoạt động của các tôn giáo bản địa, do đó chỉ trong một thời gian ngắn, Công giáo đã bành trướng khắp nơi. Bên cạnh đó, lúc bấy giờ tại nước ta xuất hiện nhiều tôn giáo nội sinh như: Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo… điều này đặt ra những thách thức mới cho sự tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam.
Mặt khác, cũng không thể phủ nhận Phật giáo, tôn giáo rất gần gũi và đã đồng hành cùng dân tộc qua những chuyển biến thăng trầm của lịch sử đất nước, từ lâu đã ăn sâu vào nếp sống của người dân Việt. Chùa đối với văn hóa Việt là một điểm tựa tâm linh vững chãi, một nơi an toàn để họ trở về nương tựa, để được chở che, bảo vệ trong mọi hoàn cảnh. Chính nhân duyên tốt đẹp này bên cạnh các thách thức mới đã trở thành động lực mạnh mẽ cho việc thực hiện chấn hưng, cải cách Phật giáo Việt Nam. Một trong bốn điểm của chương trình cải cách Phật giáo mà Hòa thượng Khánh Hòa đưa ra đó là xuất bản các tạp chí Phật giáo4.
1.1. Sự ra đời của những tờ báo Phật giáo đầu tiên
Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nếu như tờ báo Thanh niên (ngày 21/6/1925) là tờ báo đi đầu trên mặt trận ngôn luận cho phong trào cánh mạng Việt Nam thì tập san Phật học Pháp Âm (31/8/19295) là tờ báo Phật giáo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên dành nội dung truyền bá về các vấn đề Phật học, tín ngưỡng, phê bình, bày tỏ thái độ về các vấn đề Phật giáo trước công luận, nêu lên các phương án điều chỉnh nhận thức và phương hướng hành động để xây dựng Phật giáo phù hợp với nhân sinh, thời đại. Pháp Âm tuy bị đình bản chỉ sau một số phát hành nhưng đóng vai trò tiên phong cho phong trào chấn hưng Phật giáo do Hòa thượng Khánh Hòa (1877 – 1947) làm chủ nhiệm. Ngay sau đó, sư Thiện Chiếu đã vận động xuất bản tập san Phật Hóa Tân Thanh Niên (tòa soạn đặt tại chùa Chúc Thọ, xóm Thuốc, Gò Vấp), nội dung chủ yếu hướng đến tầng lớp trí thức, Tăng Ni trẻ và cũng chỉ xuất bản được một số duy nhất thì bị đình bản.
Tuy mỗi tờ báo chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian rất ngắn nhưng ngoài việc truyền bá giáo lý, nó còn là lời cảnh báo đối với các thế lực đen tối đang âm mưu đồng hóa văn hóa Việt, trong đó có việc thay thế Phật giáo – tôn giáo đã tồn tại trong lòng dân tộc từ rất lâu đời. Đây cũng là cột mốc đánh dấu sự khởi xướng của phong trào Chấn hưng Phật giáo. Tiếp nối theo đó, các tạp chí, nguyệt san và bán nguyệt san Phật giáo lần lượt ra đời. Các tạp chí, tờ báo này là những cơ quan ngôn luận của các tổ chức, hội Phật giáo trên khắp ba miền với sự tham gia của nhiều cây bút nghị luận tên tuổi và các học giả nghiên cứu có tiếng thời bấy giờ. Một vài tờ báo tiêu biểu lúc đó như bán nguyệt san Phương Tiện, nguyệt san Bồ Đề, tạp chí Giác Ngộ, tạp chí Viên Âm, bán nguyệt san Từ Bi Âm, tạp chí Từ Quang… Năm 1956, Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã cho ra đời cơ quan ngôn luận chính thức là nguyệt san Phật giáo Việt Nam. Ngày rằm tháng Tám năm Bính Thân (19/9/1956), nguyệt san Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Huệ Quang làm chủ nhiệm và Thượng tọa Thích Nhất Hạnh là chủ bút đã phát hành số đầu tiên. Sau pháp nạn năm 1963, ra đời sớm nhất là tuần báo Đuốc Tuệ, tuần báo Hải Triều Âm. Ngoài ra, còn có nhiều tạp chí khác cũng ra đời trong giai đoạn này như tuần báo Thiện Mỹ, nhật báo Chánh Đạo, nguyệt san Vạn Hạnh, tạp chí Tư Tưởng…
Tuy ra đời và hoạt động trong bối cảnh chính trị rối ren, không thuận lợi nhưng các tạp chí Phật giáo trong giai đoạn trước năm 1975 đã có những đóng góp không nhỏ vào nền văn học báo chí nước nhà. Nhất là giai đoạn 1951 – 1975, báo chí Phật giáo đã thu hút nhiều cây bút là những học giả, nhà nghiên cứu, giáo sư, văn nghệ sĩ… Đánh giá về hoạt động báo chí giai đoạn này, Hòa thượng Giác Toàn nhận định: “Xét về quan điểm chính trị hay lập trường xã hội của các vị cộng tác viên của các báo, người ta có thể ghi nhận nhiều người không cùng quan điểm lập trường với những tờ báo mà mình cộng tác. Nhưng chính phong cách làm báo điềm tĩnh của những tờ báo có chiều sâu đã đủ sức thu hút ngay cả những người khác chính kiến. Một điều đáng ghi nhận là ngay trong những bài luận thuyết về những vấn đề gai góc nhất, lời lẽ của các tác giả có tầm cỡ vẫn giữ được sự ôn hòa.”
Tuy đã có những bước tiến vững chắc và có được vị trí trên diễn đàn ngôn luận nhưng chúng ta nhận thấy Ni giới vẫn còn khá trầm lặng và chưa có nhiều đóng góp cho báo chí Phật giáo nước nhà.
1.2. Ni sư Diệu Tịnh – vị Ni đầu tiên có đóng góp cho báo chí
Lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam ghi nhận tạp chí Từ Bi Âm chính là diễn đàn ngôn luận của Ni giới Việt Nam đầu tiên. Nổi bật nhất là cây bút Ni sư Diệu Tịnh (1910 – 1942, người Gò Công, Tiền Giang). Nội dung chính xuyên suốt các bài viết của Ni sư trên Từ Bi Âm đều tập trung vào nỗ lực chấn hưng Ni giới, nêu cao tinh thần bình đẳng và kêu gọi tinh thần tự lực, tự cường, mạnh mẽ của Nữ giới Phật giáo trong công cuộc chấn hưng đất nước nói chung và Phật giáo nói riêng.
Năm 1933, bài viết đầu tiên của Sư đăng trên tạp chí Từ Bi Âm, số 27, có tựa đề “Lời than phiền của một cô vãi”, bằng ngôn ngữ ngắn gọn, dõng dạc và chứa đầy khí chất của bậc xuất trần, Sư đã nêu lên tâm tư, nguyện vọng của một cô Ni nhỏ đang ở chùa và ước mong được phụng sự cho Đạo pháp và dân tộc. Đến số báo 73/1935, bài viết “Cái án ngụy truyền Chánh Pháp” đã để lại dấu ấn mạnh mẽ về tên tuổi Diệu Tịnh. Những bài viết khác được tuần tự đăng trong Từ Bi Âm cũng thể hiện rõ quan điểm dứt khoát và lòng hướng nguyện, mong mỏi của Ni sư đối với sự bình đẳng, phát triển Ni giới. Những bài viết đó như là tiếng chuông thức tỉnh, hồi kẻng báo hiệu kêu gọi sự quy tụ, chú tâm của Ni giới nói riêng và Nữ giới Phật giáo nói chung vượt qua tính thụ động, tự ti trong tư tưởng để tự tin, năng động, nhiệt tâm dấn thân vào các hoạt động củng cố, hoằng dương Phật pháp trong giai đoạn lịch sử nhiều biến động và thách thức đối với Phật giáo nước nhà.
Văn phong, khí chất và sự bộc trực, tấm lòng kiên định, vững chãi của bậc Ni lưu đã thu hút và thu phục sự quan tâm của nhiều học giả, trí thức, cũng như đánh khẽ vào tâm hồn của những người con Phật. Cư sĩ Minh Ký đã có lần viết về sư Diệu Tịnh bằng một sự cảm kích lớn: “Như trong tỉnh Gia Định, về làng Tân Sơn Nhì có cô vải Diệu Tịnh, trụ trì chùa Hải Ấn, xuất gia từ nhỏ, nay tuổi gần ba mươi, tánh tình thanh tịnh, giới hạnh nghiêm minh. Hớn tự quốc văn cả hai đều am hiểu, thường thấy đắp y lên diễn đàn mà thuyết pháp, làm trong phái tòng lâm có nhiều người thấy vậy mà bắt hổ thầm6”.
Sư Diệu Tịnh và các bài viết liên tục được đăng trên tạp chí Từ Bi Âm đã như một ngọn lửa nhen nhúm và khơi dậy tinh thần phụng sự của Nữ giới Phật giáo. Sau đó không lâu, trên diễn đàn ngôn luận báo chí, người ta bắt đầu nhận thấy sự xuất hiện của nhiều cây bút mới từ Ni giới, nữ cư sĩ mà ít nhiều đã để lại những dấu ấn đáng kể, đóng góp tiếng nói của mình vào công cuộc hoằng pháp và chấn hưng Phật giáo. Cụ thể như trên Từ Bi Âm số 100 (ngày 15/01/1936) có đăng bài viết “Đối với nữ lưu hiện thời, chị em ta có nên ghé mắt không?” của Sư cô Diệu Ngôn; Từ Bi Âm số 116, 117, 118 (từ tháng 11 – 12/1936) có đăng loạt bài của Sư cô Diệu Minh với tựa đề “Vấn đề hoằng dương Phật pháp bên nữ giới”. Không chỉ viết về giáo lý, các bài viết của chư Ni và nữ cư sĩ cũng mạnh mẽ phê phán, lên án và đưa ra quan điểm của mình về các vấn đề Phật giáo bấy giờ, điển hình như Sư cô Diệu Quang đã nêu lên hiện trạng Phật giáo nước ta trong thời điểm ấy: “Trong thế gian thường có nhiều kẻ mượn danh Phật là nghề sinh nhai… chừng nào họ chết xuống âm phủ, Diêm vương hành tội thì họ mới biết, chớ bây giờ trên dương thế này, thì họ cứ làm nghề “mượn Phật làm danh” đó, sung sướng hơn các nghề khác, được ăn trên ngồi trước mà có rượu thịt ăn uống ê hề, tội lắm, tội lắm7!” Hoặc tiếng nói quyết liệt của nữ cư sĩ Tâm Đăng với bài viết “Cái tu sơn lâm với cái tu thành thị”: “Vậy thử hỏi hết thảy Phật giáo đồ trong ba kỳ ngày nay ai là người vào trong nhà đĩ, quá rượu mà thân tâm thanh tịnh như ở chỗ đạo thường được chưa? Ai là người thấy sắc không mê sắc, nghe tiếng mà không mê tiếng được chưa? Hay là nhãn bị sắc khiến quy ngạ quỷ, nhĩ tùy thinh khứ nhập A tì8?”
Qua một vài tên tuổi điển hình đó có thể nhận thấy ngọn lửa nhiệt huyết của sư Diệu Tịnh đã được lan rộng và có tác động tích cực đến Nữ giới Phật giáo, đặc biệt là Ni chúng đã bắt đầu nhận thức và vượt qua tư tưởng thụ động, mặc cảm, tự ti, dám nói lên ý kiến và sở học, sở tu của mình trên diễn đàn báo chí, thổi một luồng gió mới vào Từ Bi Âm nói riêng, báo chí Phật giáo nói chung và đóng góp công sức vào sự nghiệp chấn hưng Phật giáo bấy giờ.
(còn tiếp)
Thích Nữ Huệ Quang – HVPGVN tại TP.HCM (ĐSHĐ-102)
- Thanh An (1936), “Một vài ý kiến về việc chấn hưng Phật giáo”, Đuốc Tuệ, số 41, tr. 4 – 5.
- Khánh Vân (1937), “Phật giáo nước ta vì đâu phải chịu cái hiện trạng suy đồi”, Duy Tân Phật học, số 18, tr. 304.
- Thiện Quả (1936), “Luận về vấn đề chấn hưng Phật học ở nước ta”, Duy Tân Phật Học, số 5, tr. 285.
- Thích Phước Đạt (27/11/2012), Tổng quan về phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, http://www.chuagiaclam.com.
- Xem thêm: Nguyễn Đại Đồng (2011), Lược Khảo báo chí Phật giáo Việt Nam (1929 – 2008), NXB. Tôn giáo Hà Nội, tr. 13 – 14.
- “Cư sĩ Minh Ký, một cuộc điều tra về Ni giới”, Từ Bi Âm số 17, ngày 01/12/1936.
- Từ Bi Âm số 140, tr. 40
- Từ Bi Âm số 133 -1937, tr. 28.