Nếu ai đã có dịp đến thăm Bửu Hoa Ni viện (ấp 3, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) – một ngôi chùa nho nhỏ, ẩn mình dưới ngút ngàn màu xanh của tán lá cây tràm, sẽ cảm thấy tâm hồn thật nhẹ nhàng, thư thái và an lạc bởi không khí trong lành của rừng cây nơi đây. Theo lời Ni sư Lan Nhã – Trụ trì chùa: “Khu rừng này do chính Sư phụ của Sư – Viện chủ Quan Âm Tu viện đã tự tay khai hoang, cuốc đất trồng cây. Ngoài 30 hecta rừng ở đây, Sư phụ còn trồng và quản lý mấy trăm hecta rừng sinh thái ở các nơi khác nữa. Sư phụ Sư yêu rừng, thương cây lắm!” Ni trưởng Viện chủ Quan Âm Tu viện (Biên Hòa, Đồng Nai) đó chính là một vị Tôn đức Ni đã ở vào tuổi 80, với phong thái chân phương, giản dị. Ở Người luôn lan tỏa ra tâm từ như một sự nâng đỡ cho bất cứ ai, đối tượng nào, dù là nhành cây hay ngọn cỏ. Vị Tôn đức Ni đó chính là Ni trưởng Huệ Giác.
Ni trưởng nguyên là Phó ban Trị sự GHPGVN Đồng Nai, hiện nay là Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương, Tông trưởng Tông phong Tịnh Độ Non Bồng, Viện chủ Quan Âm Tu viện; là người khai sơn và Chứng minh sư trên 150 ngôi chùa, tự viện thuộc Tông phong tại các tỉnh, thành trong toàn quốc với số đệ tử xuất gia đến nay khoảng hơn 500 vị.
Công tác hoằng pháp, giáo dục và công tác từ thiện xã hội luôn xuyên suốt cuộc đời của Ni trưởng trong mấy chục năm qua. Trong công tác từ thiện, Ni trưởng là một trong những lá cờ đầu của Đồng Nai về hoạt động này, con số tịnh tài thiện nguyện mỗi năm là vài tỷ đồng. Tuy nhiên, trồng rừng, bảo vệ rừng mới là những hoạt động trọng tâm trong các công tác hoằng pháp nhiều năm nay của Ni trưởng. Những cống hiến của Ni trưởng đối với việc trồng rừng, bảo vệ rừng luôn là một tấm gương sáng khiến cho chư Ni tâm đắc và cảm phục, bởi đây là những việc làm thực tế, cụ thể chứ không phải mô hình trên giấy.
Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy rằng: “Trồng cây cho ta bóng mát, ngoài việc thanh lọc không khí, nó còn bảo tồn trái đất, đó là điều lợi lạc cho tất cả mọi người và cho cả bản thân ta”. Nhận thức được lời Đức Phật dạy, Ni trưởng Huệ Giác đã tiến hành tổ chức trồng cây, gây rừng ngay từ những năm trước thập niên 80 (thế kỉ XX) tại núi Dinh – Tổ đình Linh Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu), tại Quan Âm Tu viện và các nương rẫy Ba Bà (nay là chùa Thiên Quang, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Trong những năm 1983-1984, thực hiện chủ trương chính sách của Nhà nước đối với ngành lâm nghiệp trong chiến lược bảo vệ và phát triển rừng, Ni trưởng đã hưởng ứng và tiến hành tổ chức, thực hiện trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc tại các địa phận được giao thuộc Tông phong quản lý. Ban đầu từ Bửu Hoa Ni viện, Ni trưởng cùng Ni chúng (mà người đứng đầu là Ni sư Lan Nhã) đã tự tay cuốc đất, giăng dây trồng cây. Dù là ngày nắng, đêm sương, gió mưa, Ni trưởng cũng không quản ngại, cuối cùng 20 hecta rừng trồng cây Tràm đã hoàn tất; bên cạnh đó còn canh tác 10 hecta đất nông nghiệp phục vụ cho việc trồng lúa và hoa màu, đảm bảo đời sống cho Ni chúng. Hơn nữa, trồng cây gây rừng trong điều kiện đất nước vừa được phục hồi kinh tế sau chiến tranh chính là một hành động có tinh thần sáng tạo, nhằm phát triển lâm nghiệp, phục vụ kinh tế quốc dân và kinh tế nhà chùa.
Cũng trong thời gian này, Ni trưởng về Tổ đình Linh Sơn núi Dinh tổ chức cho Tăng Ni trồng 30 hecta rừng với nhiều loại cây gỗ quý; tại chùa Long Phước Thọ ở Long Thành, Đồng Nai cũng trồng được trên 50 hecta cây Tràm. Không dừng bước, Ni trưởng tiếp tục dấn thân về những vùng sâu, vùng xa như Tà Thiết, Lộc Hưng, Lộc Khánh, tỉnh Bình Phước và nhiều huyện của tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, đã khai hoang và trồng thêm được hàng nghìn hecta rừng.
Với gần một ngàn hecta rừng trồng được, đây là một con số rất ấn tượng đã ghi đậm dấu ấn của cá nhân Ni trưởng cùng sự ủng hộ của đông đảo các nhà hảo tâm và Ni chúng. Trong những hoạt động đó, Ni trưởng là người hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành; mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng Ni trưởng vẫn không nghỉ ngơi, vẫn đi khắp các nương rẫy, các khu rừng để hướng dẫn và sách tấn Tăng Ni, Phật tử tu tập, lao động. Ai ai cũng đều hoan hỷ, chuyên cần. Từ Ni trưởng, chúng ta có thể nhận thấy sức sống tâm linh huyền diệu của bậc Ni lưu tu hành mật hạnh, có một sức ảnh hưởng lớn lao mang tầm vóc thời đại, vì Người đang làm những công việc mà cả nhân loại hướng tới.
Có thể nói, Ni trưởng Huệ Giác là một trong những nhân vật điển hình hiện nay của Ni giới Việt Nam, Người đã đi gieo những hạt giống đẹp cho thiên nhiên và cũng là những hạt giống tinh thần đẹp cho cuộc đời của chúng sinh, góp phần tạo lập một môi trường trong lành, thanh tịnh cho đất nước. Trên tinh thần “Xây dựng nếp sống Đạo chân chính, lành mạnh, lấy lao động sản xuất tự túc hợp pháp, đúng Chánh pháp làm nền tảng giải quyết các nhu cầu về vật chất trong đời sống thường nhật”, những hoạt động trồng rừng và bảo vệ rừng của Ni trưởng Huệ Giác đã góp phần vào công cuộc xây dựng văn hóa, đạo đức con người mới, nâng tầm nữ giới Phật giáo hội nhập cùng khu vực và thế giới. Một mùa xuân mới đang đến trong không khí nô nức của cả đất nước, khởi đầu một năm bằng việc trồng cây gây rừng nên là hoạt động được nhân rộng hơn nữa theo tinh thần Đạo pháp và Dân tộc.
Ts. Tống Thị Quỳnh Hương
Giảng viên Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐSHĐ-054)