I. Dẫn nhập
Trong vườn hoa Đạo pháp có nhiều kỳ hoa dị thảo, còn trong Ni giới nhiều bậc anh thư kỳ tài, trác tuyệt, đã cùng chư Tôn đức Tăng lãnh đạo, lèo lái thuyền từ đưa Giáo hội vượt qua chướng duyên thử thách đến bến bình yên. Một trong những bậc lãnh đạo xuất sắc của Ni giới miền Nam nói chung và Ni trường Dược Sư nói riêng, đó là Ni trưởng thượng Như hạ Hòa, Viện chủ kiêm Giám thị Ni trường Dược Sư (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh).
Suốt cuộc đời của Ni trưởng Như Hòa cống hiến cho sự nghiệp đào tạo Ni tài. Với đức nghiêm từ, lòng kiên nhẫn, khiêm cung đức hạnh. Có thể nói Ni trưởng là một vì sao sáng trên bầu trời Ni giới Việt Nam.
Nhân Tọa đàm: “Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh: Tiềm năng – Hội nhập – Phát triển”, để tri ân, báo ân đến Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và tôn vinh đóng góp quý báu của chư Ni tại vùng đất Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh, xin gửi đến bài viết với chủ đề Ni trưởng Như Hòa – một vì sao sáng. Bài viết nhấn mạnh đến vai trò của Ni trưởng là bậc thạch trụ Ni giới Phật giáo và những đóng góp của Ni trưởng đối với Ni giới Việt Nam.
II. Quá trình tu học
Ni trưởng thượng Như hạ Hòa, nhũ danh là Lê Thị Hải Tường, tên khai sanh là Lê Trí Hòa. Ni trưởng sinh năm 1923 tại xã An Nhơn, quận Sa Đéc (nay là huyện Châu Thành), tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là cụ ông Lê Văn Đô, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Quý. Gia đình có bảy anh chị em (ba trai, bốn gái), Ni trưởng là người con thứ tư trong gia đình.
Năm mười hai tuổi, Ni trưởng thường xuyên lui tới Chùa Vạn An lạy Phật, tụng kinh, công quả hôm sớm. Hạt giống Bồ đề từ nhiều đời dần hiển lộ, nên tuy còn nhỏ tuổi, Ni trưởng đã chọn hướng về Không môn. Năm mười bốn tuổi (1937), Ni trưởng đã xuất gia với Hòa thượng Bổn sư Ni thượng Diệu hạ Kim tại Chùa Quan Âm (Sa Đéc) – Cố vấn Ni bộ Bắc tông, được ban pháp húy Nhật Tường, hiệu Trí Hòa, đời thứ 41, dòng Lâm Tế Gia Phổ, thuộc tông phong Phi Lai miền Tây Nam bộ. Năm mười bảy tuổi (1940), người thọ Sa di Ni giới. Đến năm hai mươi tuổi (1943) tiếp tục đăng đàn thọ Đại giới tại chùa Kim Huê. Từ đây, Ni trưởng vinh dự bước vào hàng chúng trung tôn, huân tập hạt giống Bồ đề, trở thành bậc tòng lâm mô phạm, phước điền đại chúng, gương sáng hậu lai.
Những đóng góp của Ni trưởng Như Hòa:
Ni trưởng Như Hòa tuổi ấu thơ bước vào đạo, thuận duyên tu học, được gặp bậc minh sư dìu dắt. Trải qua các lớp học gia giáo chùa Vạn An, chùa Kim Huê, Phật học đường Phật Quang (Trà Ôn), được nhị vị Hòa thượng thượng Thiện hạ Hòa và Hòa thượng thượng Thiện hạ Hoa giới thiệu vào Ni trường Dược Sư tham học, rồi làm Giám thị, làm Giáo thọ Ni trường Dược Sư. Từ đó, cây Bồ đề lớn mạnh, tỏa bóng mát, che chở cho hàng học Ni tại Ni trường. Bao lớp Ni tài từ đây được thành tựu, phụng sự Đạo pháp dân tộc, góp phần làm rạng danh con gái Đức Như Lai.
Giám thị – một công việc không mấy dễ dàng, vì phải nhìn lỗi của người để chỉ bày cho người thấy lỗi, sửa lỗi, không để cho sai phạm, nhất là oai nghi cử chỉ, thiền môn quy luật. Đời sống “Lục hòa cộng trụ” đôi khi cũng không vượt qua được các pháp hữu lậu. Vì vậy, chức năng của vị Giám thị Ni trường thật không phải dễ, phải đối mặt với các phiền não của học Ni, lứa tuổi hồn nhiên vô tư về mọi mặt. Làm Giám thị giống như một cục phèn chua, lắng xuống bao nhiêu cáu bẩn của nước đục khiến thành nước trong, thanh khiết, sử dụng tốt. Cũng vậy, lấy từ bi và trí tuệ của một vị Giám thị nhìn cho ra các lỗi lầm của chúng, không bị cuốn theo các pháp hữu lậu, hóa giải những điều tệ ác để cho đại chúng thanh tịnh. Công việc này rất dễ mất lòng đại chúng, nhất là gặp phải những thành phần ngoan cố, tâm không nhu nhuyến, khó sử dụng, khó dạy bảo, khuyên răn. Nếu không phải là bậc trí tuệ và tấm lòng từ bi vô lượng thì Ni trưởng Như Hòa khó hoàn thành nhiệm vụ Giám thị Ni trường. Ni trưởng, lúc nghiêm khắc như người cha dạy bảo khi con cái phạm lỗi lầm, lúc ôn hòa, từ bi, dịu dàng, hiền hậu, khiêm cung, nhã nhặn, bi mẫn… như mẹ hiền thương đàn con dại, chở che, dìu dắt đại chúng tu học, vượt qua những chướng duyên, nghiệp lực được an lạc giải thoát. Từ đời sống vật chất cho đến tinh thần, Ni trưởng hết lòng chăm lo cho đại chúng. Những năm pháp nạn 1963, hay năm Mậu Thân 1968, chiến tranh khói lửa tràn lan, đại chúng đều phải đi lánh nạn. Riêng Ni trưởng không sợ nguy hiểm, âm thầm, ẩn nhẫn ở lại giữ gìn, lo cho ngôi Tam bảo.
Bên cạnh đó, như người lái đò nhẫn nại đưa rước khách sang sông, Ni trưởng dốc toàn tâm ý giáo dưỡng bao lớp Ni chúng với kỳ vọng sẽ đào tạo cho Giáo hội nhiều Ni tài, góp phần hương khiêm tốn của mình vào vườn hoa Phật pháp. Ni trưởng thiết tha muốn nâng cao sinh hoạt giáo dục và đạo đức Ni lưu. Với đức tánh hiền hòa, khoan dung, từ ái, Ni trưởng đã chăm sóc dạy bảo, nhắc nhở từng oai nghi cử chỉ cho mỗi học Ni. Lời nói của Ni trưởng là đạo từ in đậm trong lòng Ni chúng. Mỗi cử chỉ đều nêu sáng tế hạnh oai nghi. Chính đạo phong đó là bài pháp không lời khiến cho Ni chúng ngày càng thấm nhuần giới hạnh.
Hiện tại, nhiều vị xuất thân từ Ni trường Dược Sư đã trở thành những vị Ni xuất sắc, ưu tú của Giáo hội như: Ni trưởng Huệ Từ, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Thường trực kiêm Chánh Thư ký Phân ban Ni giới Trung ương; Ni trưởng Như Đức, Phó Phân ban Ni giới Trung ương, trụ trì Thiền viện Viên Chiếu; Ni trưởng Từ Nhẫn, Phó Phân ban Ni giới Trung ương, Trưởng Phân ban Ni giới TP. HCM; Ni trưởng Trí Đạt, Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Hậu Giang; Ni trưởng Như Tịnh, Chứng minh Phân ban Ni giới tỉnh Lâm Đồng; Ni trưởng Như Phương, Chứng minh Phân ban Ni giới huyện Bình Chánh,…
Sống có trách nhiệm và bổn phận là điều khó, làm tròn trách nhiệm một bậc thầy lại khó hơn. Khi nhận một người vào xuất gia tu học, làm thế nào cho người đệ tử từ một cô gái bình thường trở thành một người phi thường. Sống trong giáo pháp bậc Thánh, từ bỏ hết bao thói hư, tật xấu, hưởng thụ, vui chơi, hý luận, trở về với nếp sống đạm bạc, thanh cao trong chiếc áo nâu sồng, giản đơn nhưng đầy minh triết, đó thật sự là điều không phải dễ. Sau ngày Ni trưởng Trí Phát – Trụ trì chùa Từ Hạnh (huyện Bình Chánh) viên tịch năm 1986, Ni trưởng kế thừa sự nghiệp, điều hành công tác Phật sự tại chùa – trước đây là Cô nhi viện Diệu Quang do Hòa thượng Thích Thiện Hòa sáng lập. Ni trưởng đã tận tâm chăm lo, tổ chức sinh hoạt Ni chúng. Ni trưởng là bậc thầy thứ hai của Ni chúng chùa Từ Hạnh. Người đã dạy chúng Từ Hạnh tu học, đến nay trở thành nhiều vị Ni tài giỏi, giữ nhiều chức vụ trong Giáo hội, cống hiến tài năng và sức lực cho Đạo pháp như: Ni sư Như Diệu, Ủy viên Ban Từ thiện xã hội Trung ưong; Ni sư Như Liễu, Ủy viên Phân ban Ni giới Trung ương; Ni sư Như Minh, Ủy viên Ban Trị sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, kiêm Ủy viên TT Phân ban Ni giới tỉnh; Ni sư Huệ Mỹ, Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Phước, Ủy viên Phân ban Ni giới tỉnh Bình Phước…
Ngoài ra, Ni trưởng đã tổ chức các khóa An cư kiết hạ tập trung cho chư Ni tu học. Ni trưởng được cung thỉnh làm Thiền chủ, Hóa chủ các trường hạ Ni trong quận Bình Thạnh. Cho nên, với hàng Ni chúng và Phật tử: “Hơn bốn mươi năm với vai trò Ni trưởng mô phạm chốn tòng lâm Ni giới, Ni trưởng đã đăng đàn thuyết pháp, thí giới khai tâm, phát huy huệ mạng. Từng đàn giới tử, Phật tử xa gần, chan hòa giới đức, giới thể châu viên, tín tâm kiên cố, đạo niệm tinh chuyên trở thành pháp khí Đại thừa, hoằng truyền đạo cả, thắp sáng ngọn đèn trí huệ của Như Lai, pháp âm diễn xướng khắp nơi, Bồ đề vĩnh kết lợi lạc quần sanh, đượm nhuần ân pháp vũ, vững bước tiến tu trên đường giải thoát.”
Vì thế hệ mai sau, Ni trưởng đã nỗ lực vận động tài chánh xây dựng chùa Dược Sư, chùa Từ Hạnh trang nghiêm tú lệ, xứng đáng là cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhất là đối với Ni giới trong thời đại phát triển của đất nước.
Bậc thạch trụ Ni giới Phật giáo:
Với hương từ đức hạnh đó, Ni trưởng đã được Giáo hội suy cử nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam:
– Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ IV (1997-2002).
– Ủy viên Ban Tăng sự Trung ương phụ trách Ni giới Bắc tông.
– Ủy viên Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh.
– Thủ quỹ Tổ In ấn phát hành kinh sách Phật giáo thuộc Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh.
– Ủy viên Tài chánh Ban Giám hiệu Trường Cơ bản Phật học Thành phố Hồ Chí Minh.
– Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ VII (1998-2003).
Suốt cuộc đời gắn liền với Ni trường Dược Sư, trong vai trò Giám thị, Giáo Thọ sư, Giảng sư, Giới sư, Thiền chủ, Hóa chủ, Viện chủ, lãnh đạo Giáo hội từ Trung ương đến cấp thành phố, Ni trưởng là điểm tựa tinh thần, dìu dắt, hướng dẫn Ni chúng, là vị thầy dẫn đường cho bao thế hệ Ni lưu tu học, kế thừa mạng mạch Phật pháp. Ni trưởng xứng danh là bậc Thạch trụ Ni giới Phật giáo.
III. Kết luận
Ni trưởng Như Hòa là bậc giới đức kiêm ưu, trí tuệ trác tuyệt, là một bậc Ni kỳ tài lỗi lạc, hiếm có. Ni trưởng nhiếp chúng tu học từ năm 1964-2000. Với cương vị Viện chủ, kiêm Giám thị Ni trường Dược Sư, nơi đào tạo Ni tài của miền Nam, Ni trưởng đã đóng góp nhiều cho Ni trường, để từ đây vun bồi tuệ giác cho bao thế hệ Ni lưu thành người hữu dụng, đi khắp mọi miền đất nước, đem ánh sáng từ bi-trí tuệ đến mọi người, mọi nhà. Ni trưởng là một bậc Đại Ni tiêu biểu cho Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh. Suốt một đời phụng sự cho Phật pháp, dẫu thời gian có trôi qua, không gian có biến dịch, công đức và đạo hạnh của Ni trưởng như ánh sao mai tỏa sáng trên bầu trời Phật giáo, mãi mãi khắc sâu trong tâm tư ký ức của người con Phật.
NS. Huệ Minh (ĐSHĐ-114)
Sc Trung Niệm diễn đọc