KHAI SƠN CHÙA BẢO AN – TP. CẦN THƠ
I. Thân thế
Ni trưởng thế danh là Trần Quý Tích, sinh năm 1908 (Mậu Thân) tại Cầu Kè tỉnh Vĩnh Bình (nay là tỉnh Trà Vinh), Ni trưởng là người con thứ bảy trong gia đình, tất cả đều quy y với cụ Tổ Chí Thiền (Như Hiển) chùa Phi Lai, núi Voi, Châu Đốc.
Ni trưởng được Tổ ban Pháp danh là Hồng Tích, tự Diệu Kim (còn gọi là Bửu Kim); Hòa thượng Thiện Hoa (Hồng Nở) là em trai của Ni trưởng.
II. Thời kỳ xuất gia tu học
Do sự giáo dưỡng và khuôn phép của gia đình Phật tử, năm 17 tuổi (1924) Ni trưởng được song thân cho xuất gia với cụ Tổ tại chùa Phi Lai và Tổ ban cho Pháp danh là Hồng Tích thuộc dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40 (người em kế của Ni trưởng là Hòa thượng Thích Thiện Hoa – Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN cũng xuất gia với cụ Tổ). Cùng xuất gia và tu học với Ni trưởng bấy giờ có quý Ni trưởng như : Ni trưởng Hữu Chí (chùa Long Hòa – Châu Đốc), Bửu Trí, Bửu Thanh (chùa Thiên Quang – Cần Thơ)…
Năm 1927, Ni trưởng được Tổ gởi xuống trường Phật học Gia giáo Giác Hoa để tu học.
Năm 1933 cụ Tổ viên tịch, Ni trưởng đến cầu pháp với cụ Tổ Thanh Kế (Huệ Đăng) chùa Thiên Thai – Bà Rịa thuộc dòng Thiền Thiên Thai Giáo Quán tông. Ni trưởng đã có một thời gian tham học Phật pháp với Hòa thượng Ngộ Thông – Chơn Truyền (chùa Kim Huê – Sa Đéc và Hòa thượng Khánh Hòa (chùa Tuyên Linh – Bến Tre).
III. Thời kỳ hành đạo
Năm 1932, cột mốc ghi nhận bước đường tuyên dương diệu pháp của Ni trưởng là lúc người đi thuyết giảng Phật pháp tại lễ trai tăng ở nhà Phật tử Trương Hoàng Lâu – Cầu Kè, Trà Vinh. Trong lễ trai tăng có khoảng một trăm Tăng, Ni tham dự, mỗi ngày do một vị Pháp sư giảng pháp, riêng Ni trưởng là nữ Pháp sư nhưng được quý kỳ túc Trưởng lão phân công thuyết giảng đến bảy ngày. Ni trưởng còn phụ trách tại các trường Phật học.
Báo Lục Tỉnh Tân Văn, xuất bản năm 1935 tán thán: “Sư cô Bảo Kim là một nhân tài Phật giáo, từng làm việc xã hội, đội mão hiệp chưởng thuyết pháp”.
Ni trưởng từng trụ trì chùa An Hòa – Ô Môn, Cần Thơ và chùa Quan Âm – Sa Đéc, sau giao lại cho đệ tử trông coi.
Năm Canh Thìn (1940), Ni trưởng làm Thiền chủ kiêm Pháp sư trường Hạ chùa Giác Hoàng – Bà Điểm, Sài Gòn.
Năm Tân Tỵ (1941), Ni trưởng cầu pháp với cụ Tổ Khánh Anh (Thượng Thủ Giáo hội Tăng già Nam Việt) tại chùa Long An – Đồng Đế, Trà Ôn và được ban Pháp hiệu Hoàn Phước. Theo học với cụ Tổ Khánh Anh một thời gian, Ni trưởng về Cần Thơ nhận chùa Bảo An và mở lớp dạy Ni chúng tại đây.
Khi chùa Thiện Phước – Tân Hương (Mỹ Tho) mở trường Hạ đã thỉnh Ni trưởng về làm Pháp sư phụ trách giảng dạy Kinh Luật trong ba tháng, thính chúng xa gần đến nghe giảng rất đông và đều cảm phục.
Năm Bính Thân (1956), Ni trưởng đảm nhiệm cương vị Cố vấn tối cao Ni bộ Phật giáo Nam Việt.
Trong quá trình vừa trụ trì vừa tiếp độ Ni chúng, Ni trưởng đã giáo dưỡng thành tài một số đệ tử phục vụ cho Ni bộ Phật giáo miền Nam và đảm nhiệm những trọng trách tại các Ni trường Từ Nghiêm, Dược Sư…
IV. Thời kỳ viên tịch
Năm 1976 (Bính Thìn), sau ba năm Hòa thượng Thích Thiện Hoa (bào đệ của Ni trưởng) viên tịch, Ni trưởng cũng thuận thế vô thường trở về cõi vô sanh, hưởng thọ 68 tuổi, đạo thọ 51 năm, trải qua 48 mùa An cư Kiết hạ.
Để ghi niệm công đức đạo hạnh, hàng đệ tử đã xây thắp phụng thờ Ni trưởng tại chùa Bảo An – Cần Thơ. Quả là:
Người đi, dấu vết chưa mờ,
Bát y truyền lại tôn thờ sớm hôm,
Đời ngài tỏa ngát hương thơm,
Rạng danh Thích tử, tông môn lưu truyền.