NGƯỜI SÁNG LẬP NGÔI CHÙA GIÁC HOA – BẠC LIÊU
TRƯỜNG PHẬT HỌC NI ĐẦU TIÊN Ở MIỀN TÂY NAM BỘ
I. Thân thế
Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nga, thế danh là Huỳnh Thị Ngó, sinh năm Ất Dậu (1885) tại làng Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi tỉnh Bạc Liêu. Gia đình gốc người Hoa là tầng lớp phú nông. Thân phụ là cụ ông Huỳnh Giang Hiệp, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Kiểu.
Ni trưởng sinh ra trong một gia đình theo đạo Phật. Thuở thiếu thời được sống trong gia đình giàu có, Ni trưởng luôn có tâm thích làm việc thiện, thường xuyên xuất tiền của cứu tế đồng bào nghèo. Tuy sống vui với những việc đã làm nhưng tâm tư lúc nào cũng hướng về Tam Bảo muốn xả tục cầu chơn. Để làm tròn chữ hiếu với cha mẹ, vâng lời giòng tộc, Ni trưởng đã lập gia đình.
II. Thời kỳ xuất gia tu học
Năm 25 tuổi gia đình xảy ra biến cố lớn, đó là người bạn đời và đứa con trai duy nhất của Ni trưởng lâm bạo bệnh qua đời. Từ đó Ni trưởng không còn thiết tha với sự nghiệp điền sản mà dành nhiều thời gian đi chùa lễ Phật, nghiên cứu Kinh điển và cứu tế xã hội. Chí hun đúc xuất trần tăng trưởng, Ni trưởng vượt dòng sông Hậu đến núi Tượng – Tịnh Biên, Châu Đốc cầu thọ giới pháp xuất gia với Tổ Chí Thiền – Như Hiển tại chùa Phi Lai, được ban Pháp danh là Hồng Từ, hiệu Diệu Nga thuộc dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40 vào năm 1919. Cũng trong năm này, Ni trưởng phát đại nguyện xây dựng mười ngôi chùa trong tỉnh Bạc Liêu trong đó có chùa Giác Hoa đã được Hòa thượng Bổn sư chứng minh khởi công xây dựng.
Năm Ất Sửu (1925) lúc 40 tuổi, Ni trưởng được Bổn sư cho đăng đàn thọ giới Cụ túc tại chùa Phi Lai do Tổ Chí Thiền làm Hòa thượng Đàn đầu.
III. Thời kỳ hành đạo
Chính việc khởi xướng xây dựng chùa tại Bạc Liêu vào năm 1919 đã tạo nên phong trào xây dựng chùa chiền của các phú hộ, điền chủ tại Bạc Liêu một vùng đất được ví là “tiền rừng biển bạc” của khu vực miền Tây Nam bộ lúc bấy giờ.
Năm Quý Hợi (1923), để góp phần chấn hưng Phật giáo Nam bộ và được sự chỉ dạy của Bổn sư, Ni trưởng bắt tay khởi công xây dựng chùa Châu Viên (Châu Đốc).
Từ năm 1927 – 1931, Ni trưởng thành lập Trường Phật học Ni tại chùa Giác Hoa, khai mở trường Hạ quy tụ hàng trăm Ni chúng theo học, với số lượng Ni chúng đông đảo như thế, nên Ni trưởng đã cung thỉnh chư Tôn đức Cao tăng như Tổ Chí Thiền, Khánh Anh, Hòa thượng Huệ Viên đến thuyết pháp, giảng Kinh.
Trong năm Canh Ngọ (1930), Ni trưởng khởi công xây dựng chùa Châu Long (Châu Đốc), sau đó vì công cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân miền Nam nên việc xây dựng chùa không được thực hiện.
Với truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam, Ni trưởng đã sử dụng chùa Giác Hoa vừa là nơi truyền bá Phật pháp vừa là nơi nuôi giấu các chí sĩ yêu nước. Lịch sử đã ghi nhận chùa Giác Hoa là cơ sở Phật giáo đầu tiên ở Bạc Liêu có công với nước trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và sau này. Ni trưởng cũng sử dụng chùa Giác Hoa làm cơ sở từ thiện xã hội của Phật giáo giúp cứu đói và cứu sống hàng vạn đồng bào vì chiến cuộc chống giặc ngoại xâm. Nơi đây nổi tiếng vào thời kỳ 1945 đến 1947.
IV. Thời kỳ viên tịch
Năm 1951, sau thời gian dài cực lực trong công việc Phật sự và giúp đời nên thân tứ đại đã đến hồi hư hoại, Ni trưởng đã xả báo thân nhẹ nhàng về cõi Phật. Trụ thế 66 tuổi đời, 34 năm trong đạo và trải qua 26 mùa An cư Kiết hạ.
Tuy Ni trưởng đã vĩnh viễn ra đi nhưng sự nghiệp đạo phong của Ni trưởng thượng Diệu hạ Nga đã được Lịch Sử Phật Giáo Bạc Liêu ghi nhận vào thời kỳ chấn hưng Phật giáo Việt Nam ở những thập niên đầu thế kỷ 20. Công đức và đạo hạnh ấy đã ghi đậm trong trang sử Phật giáo Bạc Liêu và mãi mãi còn in đậm trong tâm tư của Tăng Ni và Phật tử tỉnh nhà.
“Công ai đổ xuống đất này,
Cho hoa đạo pháp ngày ngày đẹp tươi.”
Quả thật
“Người nằm xuống cho ngàn sau vang bóng,
Mãnh hình hài lồng lộng giữa hư không.”
(Theo tư liệu của Hội Khoa học lịch sử – Chi Hội Phật giáo Bạc Liêu)