- Nguyên Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định
- Nguyên Phó Hiệu Trưởng Trường TCPH Bình Định
- Nguyên Trưởng Phân ban Ni Giới Bình Định
- Chứng minh Phân ban Ni giới / Ban Tăng Sự GHPGVN tỉnh Bình Định
- Viện chủ chùa Lộc Uyển, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
I. Thân thế và thiếu thời
Ni trưởng thế danh Vũ Thụy Minh Thùy (Võ Thị Mười), sinh năm Ất Hợi (1935) tại làng Vĩnh Lộc, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Người xuất thân trong một gia tộc danh giá, có uy tín lớn trong làng, người cũng là con út trong gia đình gồm 05 anh chị em. Thân Phụ là cụ ông Võ Xuân Phong (Võ Quang), vốn là Nho gia thông thái, về sau đã quy kính Tam Bảo, với Pháp danh Như Phổ. Thân Mẫu là cụ bà Võ Thị Bảy, một người mẹ hiền thục, đảm đang và mẫu mực, Bà cũng là một Phật tử thuần thành, hộ Pháp đắc lực, với Pháp danh Như Ngộ.
Ni trưởng có người anh Cả, huý là Võ Xán, đã hy sinh vì đất nước. Sau này được nhà nước tôn vinh và lập đền thờ Võ Xán tại thôn Vĩnh Lộc, Tây Sơn, Bình Định.
Lúc nhỏ, Ni Trưởng đã là một người con hiếu hạnh, thông minh và ham học, tính tình rất điềm đạm, luôn hòa nhã với mọi người.
II. Xuất gia, tu học và thọ giới
Vốn có túc duyên nhiều đời với Phật Pháp, khi mới 5 tuổi, Ni Trưởng được Thân Mẫu thường đưa đến chùa làng lễ Phật. Cũng thời điểm này, HT. Giác Tánh (là người cậu ruột) thường về thăm thân quyến, đã khơi hạt giống Bồ-đề cho Ni trưởng, và thỉnh thoảng dẫn Ni Trưởng về chùa Hưng Long để tu tập gieo duyên.
Năm lên 10 tuổi (1944), nhân duyên đã đến, Ni trưởng theo Hòa thượng đến chùa Sanh Liên – huyện An Nhơn, Bình Định. Ni Trưởng được diện kiến cố Ni Trưởng thượng Tâm hạ Hoa, một bậc Ni trượng phu, tài đức. Cảm nhận được tài năng, đức hạnh của cố Ni Trưởng, với chí nguyện xuất trần đã sẵn, Ni Trưởng xin phép Song Thân xuất gia; được cố Ni Trưởng tiếp nhận làm đệ tử. Vào ngày 15/7/1944, Ni Trưởng được Bổn Sư làm lễ thế phát, đặt cho Pháp danh là Nguyên Trang.
Sau khi xuất gia, gặp phải thời kỳ chiến tranh, Ni trưởng đã theo Bổn Sư di tản đây kia. Sau đó trở về lại chùa xưa; chùa chỉ còn mái tranh vách đất, không hàng rào, không giếng nước. Thầy trò sống đạm bạc, bữa cháo bữa rau, cảnh sống kham khổ kéo dài suốt bốn năm (từ lúc Ni Trưởng 10 tuổi – 14 tuổi) (1944 – 1948).
Bấy giờ Thân Phụ của Ni Trưởng nghe tin con tu hành quá cực nhọc, liền cấp tốc đưa con trở về nhà và cật lực phản đối không cho xuất gia. Tuy nhiên, với chí xuất trần dũng mãnh, Ni trưởng lại được Thân Mẫu và HT. Giác Tánh tạo điều kiện trốn Cha, đến chùa Hưng Long ẩn mình học đạo. Trong thời gian này, Ni trưởng được học giáo lý với HT. Thích Huyền Quang và HT. Thích Trí Nghiêm trong 3 năm (từ 15 tuổi – 17 tuổi) (1949- 1951). Đợi nghiêm Phụ nguôi ngoai cơn giận, Ni trưởng trở về lại chùa Sanh Liên, tiếp tục hầu Thầy và tu tập.
– Năm 1952 (18 tuổi), Ni trưởng được Bổn Sư cho thọ giới Sa Di Ni phương trượng tại chùa Sanh Liên.
– Năm 1954 (20 tuổi), Ni trưởng được thọ giới Thức Xoa Ma Na phương trượng, cũng tại Bổn tự Sanh Liên.
Năm 1957 (23 tuổi), phước duyên đã đủ đầy, Ni Trưởng được Bổn Sư cho phép thọ giới Cụ Túc tại Đại giới đàn Hộ Quốc – Trung phần Nha Trang do HT. Giám viện tổ chức, HT. Giác Nhiên (Đệ nhị Tăng thống) làm đường đầu, HT. Tịnh Khiết làm Yết Ma, HT. Đôn Hậu làm giáo thọ, Sư cụ Trừng Ninh làm HT. Đường Đầu Ni, Ni trưởng Diệu Ấn làm Yết Ma. Giới thể châu viên, Ni Trưởng đắc pháp với cố Ni Trưởng Bổn Sư, được pháp tự: Hạnh Nghiêm, hiệu: Pháp Trì, nối dòng Lâm Tế đời thứ bốn mươi bốn.
– Từ năm 1954 – 1958 (20tuổi – 24tuổi), để nâng cao kiến thức Phật học, Ni Trưởng được Bổn Sư cho vào Ni viện Diệu Quang – Nha Trang theo học ở Phật học Đường Trung phần tại Phật học viện Hải Đức cùng với quý HT. Từ Hạnh, HT. Đổng Quán, thầy Nguyên Hồng… do HT. Huyền Quang, HT. Trí Thủ, HT. Trí Nghiêm trực tiếp giảng dạy. Ở đây Ni trưởng học hai chương trình: Giáo lý Phật học và Bồ Đề Phổ thông.
– Năm 1958, Ni trưởng đỗ tú tài toàn phần.
– Năm 1960 (26tuổi), nghe tin Thân Phụ lâm bệnh, Ni Trưởng trở về cùng Thân Mẫu lo chạy chữa thuốc thang. Vừa sớm hôm chăm sóc Cha, vừa lên xuống Quy Nhơn cùng Ni trưởng Bổn Sư hành đạo. Cuối năm, vào ngày mùng 06 tháng chạp, Thân Phụ qua đời, Ni trưởng gát lại mọi Phật sự, về thọ tang Thân Phụ.
– Năm 1961 (27tuổi), Ni trưởng trở vào Nha Trang theo học khóa Bồi dưỡng Giảng sư tại Phật học viện Hải Đức, và đã hoàn thành việc học.
III. Phật sự hoằng hóa và tiếp độ Ni chúng
Với hạnh nguyện “Tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức”, Ni trưởng đã không ngại gian lao, không từ khó nhọc, luôn tích cực tham gia các công tác Phật sự trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là công việc Giáo dục.
– Năm 1962 (28Tuổi), tại buổi lễ đặt đá Ni viện Diệu Quang, Nha Trang, Ni Trưởng đã được cử vào Ban Thư Ký. Người cũng đã chung tay vận động kinh phí để xây dựng Ni viện.
– Năm 1964 (30tuổi), Ni trưởng được lệnh của Bổn Sư trở về tỉnh nhà, cùng lo thủ tục mở trường Tiểu học Diệu Hạnh tại chùa Tâm Ấn – Quy Nhơn. Trong thời gian này, Ni trưởng cũng được mời tham dự Đại hội ngành Nữ và dạy giáo lý khóa A Dục cho Huynh Trưởng Phật tử.
– Ngày 10/02/1966 (32tuổi), Thân mẫu Ni Trưởng qua đời, Ni trưởng lại một lần nữa ngậm vành khăn tang trong nỗi buồn thương mất mát lớn. Cũng trong thời gian này, Ni Trưởng nhận chức Thư ký tại Cô nhi viện Quy Nhơn, GHPG do Ni trưởng Hạnh Thông làm giám đốc.
– Từ năm 1964 – 1968 (30tuổi – 34tuổi), Ni Trưởng phụ trách Giáo lý và Việt văn tại hai trường Bồ Đề Quy Nhơn và Bồ Đề Diêu Trì.
– Từ sau năm 1975 (41tuổi), Ni trưởng trở về quê hương, củng cố xây dựng lại ngôi nhà thờ Tổ Tiên tại thôn Vĩnh Lộc (nay là đền thờ Võ Xán). Giai đoạn này đất nước vừa giải phóng, kinh tế còn nhiều khó khăn, Ni Trưởng đã tham gia lao động, buông bút để cầm cuốc, vào rừng khai hoang, trồng trỉa. Ni trưởng cũng chuyển ngôi nhà thờ thành Thiền thất, làm nơi tu tập và hóa độ một số Ni chúng xuất gia tu học. Dân chúng trong làng rất khâm phục thương quý, thường đến phụ tay và học đạo với Ni Trưởng.
– Năm 1985 (51tuổi), HT. Giác Tánh gợi ý Ni Trưởng về Quy Nhơn hành đạo. Lúc này Ni Trưởng đã chọn chùa Lộc Uyển.
– Năm 1986 (52tuổi), Ni trưởng được HT. Giác Tánh cùng chư Thiện nam Tín nữ Phật tử thành phố Quy Nhơn thỉnh mời Ni trưởng về chùa Lộc Uyển đảm nhiệm chăm lo Phật sự và được Giáo Hội Phật giáo tỉnh Bình Định suy cử trụ trì. Từ đó, Ni Trưởng vừa tiếp độ Ni chúng, vừa tu bổ chùa chiền, vừa tham gia nhiều Phật sự trong Giáo hội tỉnh nhà.
Trong thời gian đầu, mới tiếp nhận chùa Lộc Uyển, bấy giờ kinh tế còn sơ khai, dân chúng khó khăn, Ni trưởng đã trải bao gian truân để xây dựng nơi ăn chốn ở để chúng đệ tử an trú tu học. Thời gian khó khổ như vậy kéo dài đến 05 năm.
– Năm 1991 (57tuổi), sau khi ổn định được cơ sở, Ni trưởng tiếp tục thâu nhận đệ tử. Người thường dạy đệ tử bằng những ái ngữ và thân giáo, ban trải tình thương, tạo niềm tin cho đàn hậu lai vững bước trên lộ trình tu học.
Trong quá trình tiếp Ni độ chúng, Ni Trưởng cũng gặp nhiều chướng ngại bất như ý. Tuy nhiên, bằng tấm lòng bi mẫn vô hạn, Ni Trưởng vẫn độ tất cả những ai khởi tâm Bồ đề, chí nguyện xuất gia học Phật, tầm cầu giải thoát. Ni trưởng thường bảo: “Chúng sanh mặc dù căn cơ cao thấp có khác, nhưng cái chung là đều có tánh Phật, nên thầy độ là để tạo cơ hội cho chúng đủ duyên học Phật và làm Phật, còn lại thì tự mỗi người ý thức tự giác”.
-Từ năm 1992 – 2009 (58tuổi – 75tuổi), Ni trưởng được cử làm Phó hiệu trưởng kiêm Giám luật Ni, dạy Luật cho Ni sinh các khoá tại trường Trung cấp Phật học Nguyên Thiều, Bình Định. Cũng trong thời điểm này, Ni trưởng cũng được cung thỉnh dạy luật cho Ni chúng tại trường Hạ chùa Tâm Ấn.
– Năm 1999 (65tuổi), Ni Trưởng được suy cử làm ủy viên GHPGVN tỉnh Bình Định.
– Năm 2002 (68tuổi), được GHPGVN tỉnh Bình Định tấn phong lên hàng giáo phẩm Ni Trưởng.
– Năm 2003 (69tuổi), Ni Trưởng khởi công trùng tu tổng thể chùa Lộc Uyển, tạo dựng ngôi Già lam huy hoàng cho đồ chúng an cư tu học.
– Năm 2005 (71tuổi), Ni Trưởng tiếp nhận chùa Nhân Quả, tại Ghềnh Ráng, Tp. Quy Nhơn.
– Năm 2009 (75tuổi), Ni Trưởng được suy cử làm Trưởng phân Ban Ni giới tỉnh Bình Định.
– Từ năm 2008 – 2010 (74tuổi -76tuổi), Ni Trưởng đã tái thiết và xây dựng Đền thờ Liệt sĩ Võ Xán tại quê nhà (thôn Vĩnh Lộc, huyện Tây Sơn).
– Năm 2012 (78tuổi), Ni trưởng được cử làm phó Ban trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định.
– Năm 2015 (81tuổi), Ni Trưởng khởi công trùng tu tổng thể chùa Nhân Quả.
– Cuối năm 2018 trong vai trò kế thừa, chăm lo hương hoả và bảo tồn khu nhà tưởng niệm Liệt sỹ Võ Xán do tộc họ giao phó, với tâm nguyện muốn chuyển khu tưởng niệm này thành nơi tín ngưỡng tâm linh, nhận thấy Đại đức Thích Quảng Dũng (là Đệ tử tại gia Ngũ giới của Ni trưởng) thường trú tại Tổ đình Long Khánh có đầy đủ nhân duyên và nguyện lực để thực hiện Phật sự này, Ni Trưởng đã lập di chúc giao lại khu tưởng niệm này cho Đại đức Thích Quảng Dũng để kiến thiết Phật cảnh. Qua hơn một năm xây dựng với nhiều vất vả, gian truân, với chí nguyện kiến thiết ngôi Già Lam, hoằng dương chánh pháp, Đại đức Thích Quảng Dũng đã kiến tạo hoàn thiện nơi này thành một ngôi chùa mới với danh xưng Chùa Chánh Nhơn và làm Lễ an vị Phật vào ngày 19 tháng 07 năm Canh Tý (2020).
Ngoài những Phật sự trên, Ni trưởng còn rất chú trọng đến việc tiếp nối mạng mạch Phật pháp, xương minh Tỳ Ni Thánh Tạng.
– Năm 1989 (55tuổi), làm Giáo Thọ Sư Ni – Đại giới đàn Nguyên Thiều, Bình Định.
– Năm 1994 (60tuổi), làm Giáo Thọ Sư Ni – Đại giới đàn Phước Huệ, Bình Định.
– Năm 2000 (66tuổi), làm Giáo Thọ Sư Ni – Đại giới đàn Chánh Nhơn, Bình Định.
– Năm 2004 (70tuổi), làm Giáo Thọ Sư Ni – Đại giới đàn Huệ Chiếu, Bình Định.
– Năm 2009 (75tuổi), làm A Xà Lê Ni – Đại giới đàn Giác Tánh, Bình Định.
– Năm 2010 (76tuổi), làm A Xà Lê Ni – Đại giới đàn Cam Lộ, Gia Lai.
– Năm 2013 (79tuổi), Ni trưởng được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng Ni – Đại giới đàn Kế Châu, Bình Định.
– Năm 2017 (83tuổi), làm Đường đầu hòa thượng Ni – Đại giới đàn Tâm Hoàn, Bình Định.
IV. Đức hạnh châu toàn
Sinh trưởng trong một gia đình danh giá được nuông chiều, đến khi xuất gia lại sống khổ nhọc, nhưng Ni Trưởng vẫn không sờn lòng nản chí. Với một lòng tin Tam Bảo tuyệt đối, chí nguyện xuất trần mạnh mẽ, Ni trưởng đã vượt qua mọi thử thách gian nan trở thành bậc Hiền Ni tài đức, dấn thân vào đời, hoằng pháp lợi sanh.
Suốt cuộc đời hành đạo, Ni Trưởng đã độ trên 30 đệ tử xuất gia chính thức và trên 15 vị xuất gia y chỉ. Ni Trưởng đã cho Ni chúng theo học các trường Phổ thông và Phật học. Những vị đệ tử lớn nay đã nhận sứ mệnh trụ trì, tham gia nhiều công tác Phật sự trong và ngoài tỉnh; có một vài vị tu và hành Đạo ở nước ngoài; một số đệ tử vẫn bên cạnh Ni trưởng để tiếp tục tu học, hầu cận và phụ lo Phật sự.
Đức tính của Ni Trưởng đúng như danh hiệu của Người. Ni Trưởng rất giản dị, khiêm cung và từ hoà, người luôn đem năng lượng từ bi đến mọi người, luôn cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ. Đối với tự thân, Ni Trưởng luôn tinh nghiêm giới luật. Người cũng luôn sách tấn đệ tử, đồ chúng và chư Ni trong bản tỉnh luôn tinh tấn tu học, sống theo khuôn phép mà Đức Phật đã dạy. Người cũng khuyến khích chúng đệ tử và chư Ni trẻ tham gia các Phật sự của Ni giới, của Giáo Hội, nhất là cống hiến trong công việc Giáo dục Phật giáo tỉnh nhà.
Ni Trưởng là một Thạch trụ của Ni giới Bình Định. Cuộc đời của Người là những bài học Thân giáo, làm mô phạm, gương soi cho Ni lưu hậu học.
V. Những ngày cuối đời và viên tịch
Đến cõi đời này, Ni Trưởng đã làm tròn sứ mệnh “Sứ giả của Như Lai”. Người đã cống hiến rất nhiều cho Phật Pháp, lợi lạc quần sanh. Phật sự đối với Người mãi là cánh chim không mỏi. Tâm nguyện như vậy, nhưng sức người luôn có hạn. Khi tuổi xế chiều, Ni Trưởng thường vào ra bệnh viện. Những lúc nằm trên giường bệnh, chư Ni trẻ đến viếng thăm, Người vẫn luôn ân cần hỏi thăm, nhắc nhở những người đi trước phải cố gắng dắt dẫn đàn hậu lai…
Như cổ xe đã đến lúc mòn rã. Vào ngày 22/11/2021, thấy sức khoẻ của Ni Trưởng yếu đi, các đệ tử vội đưa Người vào bệnh viện, nhiều bác sĩ giỏi đã tận tâm chữa trị, nhưng biết sức khoẻ của Ni Trưởng không thể qua khỏi nên khuyên đưa Người về chùa an nghỉ. Về chùa được hai ngày, vào lúc 14 giờ, ngày 24/11/2021 (nhằm ngày 20/10/Tân Sửu) Người đã thuận thế vô thường, thâu thần thị tịch, trụ thế 87 năm, 64 hạ lạp.
Sự ra đi về cảnh giới Niết-bàn an nhiên tịch tĩnh của Ni Trưởng đã để lại bao buồn thương kính tiếc trong lòng chúng Đệ tử, Môn nhơn, Pháp quyến, chư tôn thiền đức Tăng Ni và Thiện nam tín nữ Phật tử xa gần.
Tuy Người đã ra đi, nhưng công hạnh và đạo hạnh của Người vẫn còn lưu lại ngàn sau.
“Mây Bát-nhã chín tầng không in dấu
Hoa Ưu Đàm tuy rụng vẫn còn hương”.
Nam mô Từ Lâm Tế Chánh Tông, Tứ Thập Tứ thế, Tường Vân Pháp Phái, Lộc Uyển Đường thượng. Húy thượng Nguyên hạ Trang, tự Hạnh Nghiêm, hiệu Pháp Trì giác linh cố Ni trưởng thuỳ từ chứng giám.