Viện chủ Tổ đình Sắc Tứ Linh Thứu
(1923 – 1986)
I. Thân thế
Ni trưởng, thế danh Đỗ Thị Bạch Tuyết, Pháp húy Đồng Chánh tự Thông Huệ, hiệu Tịnh Như; Sinh ngày 19 tháng 2 năm Quý Hợi (1923) tại làng Tam Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ni trưởng là đệ tử quy y thế độ với Sư tổ Chánh Quả (chùa Kim Huê – Sa Đéc) thuộc dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40. Sau này Ni trưởng cầu chánh pháp nhãn tạng với Hòa thượng Thích Hành Trụ (chùa Đông Hưng – Thủ Thiêm) thuộc dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 43.
Thân phụ là cụ ông Đỗ Phủ, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị, trong gia đình Ni trưởng là con cả (nhà có năm chị em – hai trai, ba gái) thuộc giới quyền quý, sang trọng có tiếng tăm ở Long Hồ, Vĩnh Long thời bấy giờ. Thân phụ là Thông Biện Ký Lục (Pháp thuộc), còn thân mẫu là người hiền thục, tam tòng tứ đức vẹn toàn. Gia đình sống có nề nếp, hết lòng kính tin Tam Bảo.
Ni trưởng thiên tư đỉnh ngộ, thông minh, lời lẽ hòa nhã đẹp lòng trên dưới nên ai cũng mến thương. Khi đến tuổi cài trâm bới tóc, Ni trưởng chọn cho mình con đường tu học Phật pháp và từ giã trần duyên.
II. Thời kỳ xuất gia tu học
Năm 19 tuổi (1942), Ni trưởng tìm đến Tổ Chánh Quả (chùa Kim Huê – Sa Đéc), là chùa có tiếng về thiền gia quy củ không thua Tổ đình Vạn An. Chùa Kim Huê đang khai trường Hương, mở lớp Gia giáo để tiếp độ Tăng Ni, được sự hướng dẫn của quý Ni trưởng chùa Giác Thiên – Vĩnh Long, Ni trưởng đến đây quy y và thế phát xuất gia.
Năm 21 tuổi (1944), Ni trưởng thọ giới Sa-di-ni tại Giới đàn chùa Kim Huê và học Kinh, Luật nơi đây. Sau này Tổ Chánh Quả cất chùa Phước Huệ làm trú xứ cho Ni chúng, Ni trưởng cũng về đây tu học.
Khoảng thập niên 40, 50 thế kỷ XX, Hòa thượng Hành Trụ cùng các pháp lữ nhận chùa Long An ở gần đấy, Ni trưởng đến cầu pháp, nghe kinh, tham học với Hòa thượng và là đệ tử Ni đầu tiên của Hòa thượng thượng Hành hạ Trụ. Thời gian học đạo tại đây, Ni trưởng kiến tạo chùa Từ Nguyên thị xã Sa Đéc.
Năm 22 tuổi (1945), Hòa thượng Kiểu Lợi (Thiện Chơn) mở Phật đường Bảo An ở Quới Sơn với số Tăng Ni cầu học hơn hai trăm vị. Trên tinh thần tinh cần, tinh tấn, nghiên tầm giáo điển, tinh sưu nghĩa lý, Ni trưởng đã theo học cùng quý Ni trưởng Như Chơn, Như Nghĩa
Năm 24 tuổi (1947), Ni trưởng cùng quý Ni trưởng Như Nghĩa, Như Chơn đến đảnh lễ Hòa thượng Thành Đạo (là Bổn sư của Ni trưởng Như Nghĩa) để tham vấn thêm yếu nghĩa Đại thừa.
III. Thời kỳ hành đạo
Ngày 20 tháng 05 năm 1947, Ni trưởng chính thức tham gia công tác Phật sự cùng hai pháp hữu và Ni trưởng được Hòa thượng Thành Đạo giao trụ trì chùa Sắc Tứ Linh Thứu, còn Hòa thượng lên Sài Gòn khai sơn chùa Phật Ấn. Trong trách nhiệm trụ trì, Ni trưởng cùng hai pháp lữ tôn tạo, tu bổ trang nghiêm lại cảnh chùa Sắc Tứ Linh Thứu.
Năm 33 tuổi (1956), tại Đại hội Ni bộ Nam Việt tổ chức tại chùa Huê Lâm, Ni trưởng đảm nhiệm chức vụ Nghi lễ trong ban Quản trị – Ni bộ Trung ương
Năm 34 tuổi (1957), Ni trưởng tham dự khóa học Như Lai sứ giả tại chùa Dược Sư.
Từ 1956 đến 1958, Ni trưởng mở lớp Sơ đẳng Gia giáo Phật học tại chùa Sắc Tứ Linh Thứu. Suốt khóa học bốn năm, Ni trưởng làm Giám đốc kiêm Giáo thọ sư, chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo lớp Ni kế thừa ở miền Tây Nam bộ, đồng thời từng bước trùng tu Tam Bảo Sắc Tứ Linh Thứu.
Từ 1960 đến 1962 chiến tranh ác liệt, người dân ly loạn di tản ra Mỹ Tho, ở đây có Phật tử hiến cúng đất và Ni trưởng khai sáng Linh Thứu Ni Viện.
Từ 1970 đến 1972, Ni trưởng trùng tu Đại hùng Bảo điện, kiến tạo hoa viên Cực Lạc và xây dựng cổng tam quan Linh Thứu Ni viện.
Từ 1975 đến 1985, Ni trưởng thường tham gia các khóa học của Ni chúng trên cương vị Giáo thọ sư. Mặc dù thời gian này sức khoẻ kém mòn, thân lại mang bệnh nhưng vì tương lai Ni chúng, vì sự nghiệp phò trì mạng mạch đạo pháp nên Ni trưởng vẫn chuyên tâm lo Phật sự không một phút nghỉ ngơi.
IV. Thời kỳ viên tịch
Năm 1986 sau một cơn bệnh, Ni trưởng đã thâu thần viên tịch vào giờ Ngọ ngày mùng 2 tháng 9 năm Mậu Dần dưới sự hộ niệm của tứ chúng. Trụ thế 62 năm, 40 năm hạ lạp. Môn nhân đệ tử xây pháp phụng thờ tại Tổ đình Sắc Tứ Linh Thứu.
“ Nắng vàng soi bóng người đi,
Tịch Quang Bửu Tháp lưu danh rạng ngời.”
Ni trưởng đồng chơn nhập đạo, tài đức vẹn toàn, đạo phong khả kính, tinh thông Phật pháp, đa văn bác học ngoại văn, tánh tình nghiêm nghị, vượt qua bao gian khổ, gánh vác Phật sự ở chốn Tổ đình. Trong sự nghiệp giáo dưỡng Ni chúng đã có không ít vị đệ tử thành tài đạt đức.
Đời đạo lưỡng toàn, Ni trưởng xứng đáng là hàng Thích tử Thiền gia. Ôi !
“ Lục tỉnh hôm nay trải nắng vàng,
Long Tuyền buồn bã đượm màu tang,
Thầy đi không hẹn ngày trở lại,
Đệ tử môn đồ lệ chứa chan,
Than ôi! chốn Song lâm mây ẩn bóng Ưu-đàm,
Dép cỏ lối về còn hiển hiện,
Miền Thiếu Thất trăng lòng gương Bát-nhã,
Mênh mông bể học thuyền từ che chở mất đi rồi.”