Tôi chưa chú ý nhiều đến giáo dục mầm non Phật giáo, cho tới khi nhận lời mời viết bài và tham gia tọa đàm Ni giới với giáo dục mầm non: Hiện trạng và giải pháp do Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới (Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam) tổ chức. Thậm chí, ngay cả khi đã nghiên cứu tư liệu, tìm hiểu thông tin về giáo dục mầm non Phật giáo, trong tôi vẫn có không ít hoài nghi. Không thể phủ nhận, Phật giáo, với định hướng vun bồi lòng từ bi và trí tuệ cho chúng sinh, thật sự có nhiều ưu thế khi phát triển giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non. Nhưng những khó khăn phải đối diện và giải quyết lại quá nhiều. Liệu rằng những người con gái Phật có đủ khả năng, trí lực và sự kiên trì để thành tựu ước nguyện “trồng người”, gieo những hạt giống thiện lành giữa nhân sinh?
Thế rồi, khi đến tham dự tọa đàm, tôi đã lần lượt đi từ ngỡ ngàng này sang sự ngạc nhiên khác. Chỉ mang tính chất là một diễn đàn để những người cùng mối quan tâm chia sẻ, trao đổi ý kiến và kinh nghiệm thực tiễn, vậy mà quy mô và mức độ hoành tráng ở đây lại không khác gì một hội thảo tầm cỡ. Không gian sang trọng, lịch thiệp, sự bài trí trang nhã, mực thước… cho thấy mức độ quan tâm, đầu tư của Ban Tổ chức. Nhưng hơn tất cả, điều làm tôi bất ngờ nhất chính là không khí trao đổi sôi nổi, cởi mở, đầy thiện chí của các diễn giả và các đại biểu, khách mời. Không còn sự phân biệt giữa “đạo” và “đời”, không còn khoảng cách về giáo phẩm, thứ bậc, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo dục…, tất cả đều chung một bầu nhiệt huyết, đó là, làm thế nào để thúc đẩy giáo dục mầm non Phật giáo phát triển!
Tọa đàm đã kết thúc, nhưng tôi tin rằng hành trình của Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới còn tiếp tục tiến về phía trước. Tin rằng, nhị vị Ni sư Như Nguyệt sẽ tiếp tục nỗ lực không mệt mỏi cho mục tiêu phát triển giáo dục mầm non Phật giáo, góp phần xiển dương đạo pháp trong thực tiễn. Tôi càng tin hơn rằng, với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với sự trợ duyên của chư Tôn đức Tăng, sự đồng lòng của những người mến mộ và tin vào giáo lý tốt đẹp do Đức Phật chế định, giáo dục Phật giáo sẽ có những khởi sắc và phát triển hơn trong tương lai, những cố gắng của quý Ni sẽ gặt hái được nhiều quả ngọt.
PGS. TS. Lê Hải Đăng
Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội,
Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội
(Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) {ĐSHĐ-136}