Lúc vừa đản sanh, Bồ tát đi bước thứ tư nhìn về phương Bắc để cho chúng sanh biết rằng Ngài sẽ đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề trong đời này (Thị Bắc phương giả, vị chúng sanh ngã đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề).
Từng bước đi, chúng ta nên thẩm sâu lại Đấng Giáo chủ tối thượng của nhân thiên, Ngài vì nguyện lực thị hiện làm người rồi tu hành thành Phật hóa độ chúng sanh, hơn thế nữa, các công đức vô lượng của Ngài trong quá trình tu nhân “Tam kỳ quả mãn bách kiếp nhơn viên” đáng là hào quang soi sáng đức tin cho chúng trời người đồng quy y Tam bảo.
Trong kinh Nikaya, Đức Phật dạy: “Người nào tin Ta mà không hiểu Ta, tức phỉ báng Ta”. Thật thế, thân tứ đại của chúng ta không thoát ra ngoài quy luật vô thường, cho dù kẻ trí thức, học giả mà dày đặc vô minh, muốn làm thầy thiên hạ quả là múa rìu qua mắt thợ, hay lấy vỏ ngao đong lường nước biển là việc làm quá thiển cận và si mê.
Qua Kinh Đại Bảo Tích, chư vị Bồ tát được tô đậm với những sắc thái trí tuệ, những công đức mầu nhiệm, những thần lực bất khả tư nghì và lòng bi mẫn bao la như đại dương thấm nhuần vạn loại… đã cho những người có duyên lành được làm đệ tử Phật, càng tự hào và ngẩng cao khúc hát Cồ Đàm cùng năm châu bốn bể.
Tìm về phương Bắc là chúng ta muốn học hỏi những kinh nghiệm, sự phấn đấu nỗ lực để đạt đích. Xưa kia, việc nàng Sujata dâng cúng bát sữa cho Phật đã khiến cho nhóm năm anh em Kiều Trần Như khởi phiền não, bất mãn từ giã Ngài ra đi vì cho rằng Cồ Đàm đã trở lại đời sống xa hoa, quay về với lợi dưỡng dục lạc thế nhân. Đây là sự nhận định sai lầm bởi họ không biết được sau này nhiều bậc Thức giả đã tôn vinh Đức Phật qua nhiều khía cạnh từ hiện tại và theo dòng lịch sử mãi đến ngàn sau.
a/ Hạnh viễn Ly
Đức Phật là bậc Thầy vĩ đại, vừa cao sang lại vừa giản dị, một con người siêu phàm đã hoàn thiện vô lượng công hạnh Bồ tát đạo. Ngay từ lúc thị hiện đản sanh, Ngài không ở cung vàng điện ngọc phồn hoa đô hội mà ở nơi Lâm Tỳ Ni thanh vắng. Khi thành đạo, Ngài không ở nơi trung tâm văn hóa, vương xá thủ phủ của quốc gia hùng mạnh Ma Kiệt Đà mà ở vùng nhỏ bé thành Già Da. Khi sơ chuyển pháp luân, Ngài không ở nơi thành Xá Vệ thủ đô nước Kiều Tát Đa mà ở vùng biên địa tiên nhân Lộc Dã thành Ba La Nại nước Câu Thi. Khi nhập Niết Bàn, Ngài không ở xứ trù phú nơi giao thông thuận tiện như nước Bạt Kỳ mà ở vùng đất hoang vu chật hẹp, dân cư thưa thớt nơi rừng Câu Thi nước Ma La…, Như vậy đã đủ chứng minh hạnh viễn ly của Ngài.
b/ Hạn chế duyên đời
Trong kinh Phật dạy: “Sanh tử căn bản dục vi đệ nhất”, xưa nay có biết bao anh hùng cái thế như Tần Thủy Hoàng, vì đắm say nhan sắc cung nữ A Phòng đã biến cơ đồ vững chãi gồm thâu Lục quốc trong mấy mươi năm của họ Tần, phút chốc sụp đổ thành mây khói dưới bàn tay anh hùng Trần Thiệp. Đường Minh Hoàng nếu không say đắm nhan sắc chim sa cá lặn của Dương Ngọc Hoàn (Dương Quý Phi) thì đâu đến nỗi bôn đào chạy loạn giặc An Lộc Sơn khiến nước mất nhà tan vô cùng nhục nhã? Nỗi buồn sâu lắng hơn, khi một số vị xuất gia không thoát khỏi lưới ái tình chi phối đã đánh mất đời mình trong bóng tối tử sanh. Từ đó, vết nứt khổ đau đầy kinh nghiệm cho chư Ni hậu bối luôn cẩn trọng lời dạy của chư vị Tổ sư:
Trăm sông học bể đến được bể,
Gò đống học núi, không đến được núi.
c/ Rời bỏ tâm chấp ngã
Nếu dùng tiền bạc ứng xử, mọi vấn đề sẽ không được giải quyết trọn vẹn. Thật ra, càng ham muốn bao nhiêu, chúng ta càng không bao giờ đạt hạnh phúc thỏa mãn bấy nhiêu. “Đừng nên nói cái đó là của bạn, là của tôi, chỉ nên nói cái đó đến với bạn và đến với tôi, được như vậy, chúng ta mới không hối tiếc cái bóng mờ”. Của cải chỉ có thể trang hoàng và làm đẹp cho căn nhà nhưng không làm đẹp cho cá nhân ta, chỉ có đức hạnh mới là cao quý, quần áo chỉ tô điểm thân thể bên ngoài, cái đẹp chỉ là giả tạm, chỉ có phẩm hạnh tự thân mới tỏa ngát hương bay.
Đức Phật dạy: “Không có thù nào bằng tư tưởng tham dục, chấp ngã, đố kỵ, ganh ghét”. Hãy khiêm tốn với tất cả mọi người, mọi vấn đề giao lưu trong cuộc sống đời thường, phải cố gắng từng phút giây tiêu diệt tâm chấp ngã, sân hận, si mê còn tiềm ẩn trong tâm bằng các phương tiện để giữ giá trị cao quý cho con người biết giữ giới và có trí tuệ đa năng.
d/ Trải rộng tâm từ
Phật giáo nhìn vào hiện tại, từ hiện tại là căn bản tìm về quá khứ, hoạch định hướng đi cho tương lai. Ở mức độ rộng lớn, chúng ta có nhiều hành động máy móc nuôi dưỡng tâm ác độc bất công… Sau cơn mê trời lại sáng, con người có quyền lựa chọn giữa cái phải và trái, tốt và xấu đều tùy thuộc vào tâm mình:
Trải bụng mà sống ở đời
Miễn rằng tốt bụng tốt lời mà chi
Khi mô tâm hết sân si
Thì ta thoải mái có chi mô nà.
Con người và cuộc sống ngày nay quá nhiêu khê, tật bệnh, nghèo đói, thiên tai… nên tâm từ là cốt lõi sẻ chia, lòng từ bi vô lượng, từ ái vô biên, sẽ giúp xã hội loài người thật đáng giá, khi có niềm vui được sống trên đời.
e/ Bất động trước mọi hoàn cảnh
Ngàn xưa và mãi ngàn sau pháp vi âm diệu của Phật luôn đồng vọng trong mỗi Phật tử chúng ta, suốt cuộc đời hành đạo cho đến lúc đạt chí nguyện Niết Bàn, Ngài đã an nhiên với biết bao thử thách để chinh phục và cảm hóa hàng triệu triệu người Ấn Độ trở về quy ngưỡng chánh pháp.
Ai trong chúng ta, khi mới xuất gia học đạo cũng đều có chí nguyện thanh cao, hoài bão rộng lớn, nhưng khi đi vào tháng năm thực tại, có đôi lúc chuốc đầy thất vọng và những nghiệp nhân quá khứ xấu xa, hay bị đối phương mạ lị một chút cũng buồn, khen chê tị hiềm… đã biến mất lòng tin Phật pháp; các bậc Cổ đức đã hiểu và thấy rõ tâm chao đảo của chúng sanh răn nhắc: “Tu hành nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật tại Tây phương, tam niên kiến Phật yết tiền”, quả là thấp hèn “một con sâu làm sầu nồi canh” cho những ai phóng túng tà mạn, không biết tôn trọng mạch sống Tăng đoàn cao quý.
Với chí nguyện “trưởng đại giáo võng, cần sanh tử hải, lộc thiên nhân long, chí Niết Bàn ngạn”, Đức Phật của chúng ta là một con người siêu phàm, đã toàn bích vô lượng công đức Bồ tát hạnh để hậu bối mượn lời ý thơ, nêu gương chí cả:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời Phật lý rọi qua tim
Hồn tôi là kho tàng giáo điển
Ngát hương mầu lộng gió giới hương.
Tóm lại, tu hành có năm bảy hạng người khác nhau, kẻ phàm người thánh, “Bồ tát sợ nhân – chúng sanh sợ quả” được gạn lọc trong vô minh, từ vô thỉ nhiều nghiệp chướng, nay dẫu tu hành cần lao sám hối, nghiệp có lúc trồi lên nghịch duyên quấy nhiễu cần phải kiên định, giữ tâm thanh tịnh và không chao động mặc nhiên trước mọi thị phi như lời Vĩnh Gia Thiền sư đã nói:
Mặc ai biếm, mặc ai gièm
Châm lửa đốt trời nhọc xác thêm
Ta nghe như uống Cam lồ vậy,
Tan hết vào trong chẳng nghĩ bàn.
Có như thế mới xứng danh Thích tử theo gót Từ Tôn và không thẹn với ý niệm “Một bình bát cơm ngàn nhà”.
TKN. Như Như (ĐSHĐ-058)