Kinh Đại Bát Niết Bàn Đức Phật dạy: “Giới là thềm thang của tất cả pháp lành như đại địa là cội gốc của thảo mộc phát sinh, Giới là vị Đạo sư, là vị thương chủ dẫn dắt đoàn thương nhân, Giới là tư lương trên con đường hiểm sanh tử, Giới là chiếc áo giáp, là cây gậy thần diệt trừ rắn độc phiền não, Giới là cây cầu để qua khỏi hành nghiệp tội ác”.
Qua đoạn Kinh ngắn trên, người giữ Giới sẽ xây dựng lãnh địa an vui, giải thoát, nếu tinh tấn tu hành sẽ diệt trừ sinh tử khổ đau. Giới nguyên tiếng Phạn là Sila, thường được hiểu như là tập quán đạo đức… Theo nghĩa rộng, mọi Giới dù Thiện hay Ác đều gọi là Giới, Giới điều nào vừa hại người, hại mình thì gọi là “Ác Giới”, ngược lại, Giới điều nào có tính cách lợi mình, lợi người trong hiện tại hoặc tương lai đều gọi là “Thiện giới”.
Theo đạo Phật, Giới là những điều do Phật chế định cho người xuất gia và tại gia y giáo phụng hành. Đức Thế Tôn, lúc vừa giáng sanh, Ngài đi về đóa sen phương Đông với chủ đích “Thị phương Đông giả, vị sư chúng sanh tác đạo sư cố”, nghĩa là Ngài sẵn sàng làm người dẫn đường chỉ lối đi thuận theo đạo đức, cách sống và ứng xử bốn chủ đích của xã hội loài người.
1. Giới là chế ngự
Ngài dạy, “Tỉnh giác – Kiên trì – Kham nhẫn – Tinh tấn” là bốn yếu tố giúp con người vượt qua tội lỗi, trong sự sinh hoạt đời thường, nhằm đối trị lại những rối ren, ích kỉ, những tập tục cổ hủ, phiền toái của ngoại đạo, thế nhân.
Phật có sự an tĩnh của nội tâm để diệt trừ nỗi khổ đau của chính mình. Giới là tôn vinh hình bóng Phật đẹp nhất thế gian mà mỗi chúng ta phải luôn phấn đấu, chiêm ngưỡng, ước mong noi theo hạnh nguyện của Ngài để kiện toàn đức tính hy sinh và cứu độ chúng sanh.
Người con Phật cần nương vào Giới pháp để thanh lọc những ô trược như nước lũ tràn bờ, có như thế mới đi vào đời bằng niềm tin và trí tuệ, lòng từ ái và bao dung, nhẫn nhục rất cần thiết cho giao tế trên mọi lĩnh vực. Nhiều rạn nứt tâm linh có thể là dấu mòn xóa dần những đức tính tốt của cha ông, từ hạnh phúc gia đình không bền vững trong đạo lý vợ chồng, con cháu không hiếu thuận… tất cả đều bắt nguồn từ ý thức không tôn trọng chánh Giới. Niềm an vui cho thực tại phải là biết chế ngự những dục lạc, sự tham đắm sắc tài. Phải tôn trọng đạo lý để hạnh phúc cá nhân và gia đình gắn kết trong yêu thương và nếp sống luân lý xưa, hài hòa nhân nghĩa.
2. Giới là kết hợp
Con người sở dĩ trôi lăn trong ba nẻo sáu đường là do vô minh thân – khẩu – ý, buông lung tạo nghiệp, do vậy, người biết giữ giới sẽ tự xét lại những lời nói hung ác, nhục mạ, chia cắt và thêm bớt cho người bởi:
Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo
Miệng không vành nó méo tứ tung.
Chính ái dục là nguyên nhân của tái sinh, những bến bờ tội lỗi, những áng mây đen vây phủ và muôn hình vạn trạng sắc màu của nghiệp lực khai nguồn dẫn lối. Thế nên, người tu hành cần giữ Giới nghiêm ngặt như phao nổi vượt qua bể khổ. Tận diệt được ái dục, mạnh dạn rời bỏ và khước từ mọi tham ái do tâm dẫn đầu, chừng ấy thôi cũng đủ cho chúng ta con đường đi đến Bát Chánh Đạo, Tứ Đế là những pháp môn do Đức Phật tìm ra và sáng tạo dẫn dắt chúng sanh đồng về bảo sở.
3. Giới là nền tảng
Quốc gia có Pháp luật kiên định, nhân dân mới an cư lạc nghiệp, đạo Phật với giáo lý Vô ngã đậm sắc thái Bi từ và Trí tuệ, chưa một lần dẫm nát thương đau bằng làn tên mũi đạn, không nương tựa vào bất cứ một thế lực chính trị nào trong việc truyền bá chánh pháp. Đó là con đường, là bối cảnh vinh quang nhất mà lịch sử muôn đời soi sáng cho thế nhân.
Phương Đông là nơi mặt trời mọc, mỗi buổi sáng khi ánh dương tỏa sức nóng xuống ngàn cây, ngọn cỏ qua một đêm dài tịch mịch, ẩm ướt và hoang sơ. Cũng thế, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay trôi lăn nơi ba nẻo sáu đường, thì xuất hiện của Đức Phật với giáo lý Vô ngã của Ngài là ánh sáng trí tuệ xóa tan bóng tối vô minh, đem đến sức sống mãnh liệt tràn đầy niềm an lạc cho mọi loài. Ví như từ đất sanh ra thảo mộc và vạn loài lúa mì hoa trái cũng thế, Giới là nền tảng phát sinh trí tuệ và sáng suốt quét sách mạng lưới bợn nhơ từ bao đời, Giới sẽ là sức nóng thái dương từ phương Đông, những tia nắng làm khô ráo giọt sương đọng trên cành cây kẽ lá, giúp mọi hành giả kiên trì giồi trau Giới – Định – Tuệ để vĩnh biệt hóa thành.
4. Giới là thanh lương
Bất cứ ai muốn đạt thành quả như Phật, phải nương vào Giới để thân tâm luôn an ổn, như bờ đê ngăn chặn nước lũ tràn bờ. Giới được gọi là thanh lương vì dòng nước trong mát cho từng cá nhân tự thanh lọc những ô trược, từ đó sẽ vắng bóng sự xấu hổ và kinh sợ tội lỗi. Mọi người giữ Giới tốt hơn, tiết chế mọi tham dục do tâm dẫn đầu, khởi nguồn của Giới luật tiến tới mục đích hoàn hảo cho hành giả thâu ngắn đường về, tìm lại cho chính mình “bản lai diện mục”. Không có Giới, năng suất của cá nhân sẽ có khuynh hướng bị loại bỏ và tự tiêu diệt, Giới luật càng tuân thủ, từng gia đình chồng vợ thủy chung, cháu con ngoan hiền, hiển nhiên góp phần xây dựng xã hội giàu mạnh, đạo đức an vui. Thế nên, Giới là gió mùa đại dương làm mát rượi lòng người.
Trong Kinh Pháp Hoa, Phẩm Dược Thảo Dụ thứ Năm, Đức Phật dạy: “Ta xuất hiện ở đời như đám mưa lớn có thể thấm nhuần tất cả cỏ cây hoa lá, nghĩa là muốn khiến tất cả chúng sanh khao khát lìa đau khổ được hạnh phước Niết bàn”.
Kết lời cho phương Đông là hết lời tán dương Đức Phật, Ngài đã tìm được pháp môn Tứ Diệu Đế, một bài toán cuộc đời đã đáp ứng trọn vẹn mọi khao khát, mong cầu của chúng trời người từ vạn năm bế tắc trên lộ trình tìm cầu giải thoát.
Qua kinh Jakata, Đức Phật minh họa một câu chuyện: Khi một đàn trâu bò di chuyển, nếu con đầu đàn đi lạc cả đám trâu bò cũng lạc theo. Thế nên, đối với người lãnh đạo thực hành không đúng pháp luật, hay không ứng xử chính đáng, quần chúng cũng thực hành như vậy, cả quốc gia đều khổ. Bằng ngược lại, nếu con trâu đầu đàn đi đúng hướng, cả đàn trâu bò cũng đến đích theo lối đi, sự quan trọng ở đây là người lãnh đạo đi đúng Pháp, dân chúng an lạc, cả quốc gia sẽ thái bình. Từ ý nghĩa trên người lãnh đạo cần nương vào Giới luật, quy điều, lương tâm đạo đức, những thành bại của cha ông đi trước làm kinh nghiệm cho người đi sau có cuộc sống ngày càng thoải mái hơn. Tính hy sinh của người lãnh đạo tạo thành một kết quả tốt đẹp to lớn cho quần chúng nương soi, vì họ sẽ noi theo gương của người ấy trong mọi sinh hoạt của đời thường.
Phật là ánh sáng phương Đông
Là trăng là biển mênh mông sắc màu
Đời người nào khác con tàu
Lênh đênh sông nước ai nào biết chăng?
Gập ghềnh đèo núi gia tăng
Hung hăng ngã mạn lục trần cuốn phăng
Giờ đây thoáng chút băn khoăn
Vội đi tìm lại ánh trăng muôn đời.
TKN. Như Như
Diễn đọc: Sc Nhuận Anh