II. Làm phụ nữ như thế nào (怎樣做女人)
Làm một người phụ nữ như thế nào, Kinh Ngọc Da Nữ của Phật giáo đã từng đề cập đến. Người phụ nữ nên có năm điều thiện và đoạn trừ năm điều ác. Năm đức tính tốt đẹp mà một người phụ nữ cần phải có là gì?
1. Đảm đang việc nhà (負責家務): Xử lý việc nhà gọn gàng ngăn nắp, khiến cho chồng không lo lắng để yên tâm phát triển sự nghiệp, các con khi về nhà sẽ có hơi ấm gia đình, nhận được sự che chở trọn vẹn. Ngày nay, nhiều phụ nữ ra ngoài tìm việc, tất nhiên phụ nữ chuyên ngành cũng có thể làm tăng dân số lao động và nguồn nhân lực của xã hội. Nếu cả hai vợ chồng phối hợp không thỏa đáng sẽ nảy sinh nhiều rắc rối về việc thiếu niên có vấn đề, nhi đồng chìa khóa không thể không xem trọng. Có một số phụ nữ đã không đi làm để chia sẻ một phần ngân sách gia đình, mà suốt ngày chỉ quan tâm đến thế giới bên ngoài, cho nên, nhiều cặp vợ chồng đã nảy sinh sự tranh chấp vô duyên vô cớ, càng không thể không thận trọng!
2. Oan ức chịu đựng (忍耐委屈): Mỗi hộ mỗi nhà đều có những câu kinh khó tụng, trong đời sống vật chất của một gia đình, vừa mở cửa thì bảy việc thiếu một không được, đó là củi, gạo, dầu, muối, tương, giấm và trà; trong đời sống tinh thần, những vấn đề như hòa thuận với chị em dâu và hầu hạ cha mẹ chồng… cũng không được sơ suất; dù là gia đình nhỏ, việc giáo dục con cái cũng là một vấn đề đau đầu. Đây là những điều đòi hỏi người phụ nữ phải thể hiện sức chịu đựng vô song, oan ức để được an toàn, làm cam thảo trong dược liệu, thêm gia vị cho cuộc đời cay đắng, biến những xung đột và xích mích thành hòa bình tốt đẹp.
3. Giữ gìn trinh tiết (守貞重節): Trong năm giới căn bản của Phật giáo, có một giới cấm “Không tà dâm”, nghĩa là ngoài quan hệ vợ chồng đúng mực, không được có những hành vi vượt qua lễ giáo. Người phụ nữ nên nghiêm túc tuân thủ giới này, một gái không thờ hai chồng, không làm những việc bại hoại đức hạnh của người phụ nữ, trung trinh tiết hạnh, gắn bó đến cùng. Nam giới cũng nên cẩn thận giữ gìn giới này, thì xã hội mới không xảy ra những bi kịch hôn nhân đáng tiếc.
4. Cung kính thờ chồng (敬事丈夫): Người vợ đối với chồng nên kính nhau như khách, tôn trọng nhân cách của chồng, làm cho chồng rất thể diện, rất phong độ trước mặt mọi người, được mọi người yêu mến và kính trọng, vô hình trung người vợ cũng tăng thêm vẻ vang không ít. Đôi khi thấy một số phụ nữ quá mạnh mẽ, trước mặt mọi người không hề để lại một chút thể diện cho chồng, lúc nào nói chuyện với chồng, cãi nhau với chồng cũng gầm lên như một con “sư tử Hà Đông”, chồng không những mất mặt mà chính mình còn bị người khác mỉa mai chê cười.
5. Hòa mục thân hữu (和睦親友): Người phụ nữ không những nên kính trọng, yêu thương chồng, hiếu thảo với bố mẹ chồng mà còn phải gần gũi với họ hàng, làng xóm, kết giao với bạn bè thân thích, tạo mối quan hệ giữa người với người, trải mối nhân duyên tốt đẹp để chồng và gia đình thành công trong xây dựng sự nghiệp. Suy cho cùng, hôn nhân không chỉ là chuyện của hai người, mà cần được nhiều người giúp đỡ, người phụ nữ là trợ thủ đắc lực trong sự nghiệp của người đàn ông.
Ngoài những mỹ đức nêu trên, người phụ nữ còn phải từ bỏ 5 điều xấu sau:
1. Vui chơi lười nhác (懶惰遊戲): Có một số phụ nữ ham ăn biếng làm, suốt ngày say sưa chiến đấu mạt chược, hoặc cùng với hai ba người bạn sa đà vào các kiểu nhảy nhót, ăn chơi trác táng. Bỏ bê không đoái hoài đến nếp sống thường nhật của chồng con, làm tổn hại đến bổn phận và trách nhiệm của một người nội trợ trong gia đình.
2. Châm biếm nói xấu (惡口譏諷): Có người nói ba người phụ nữ mà ở cùng nhau thì không thể yên ổn, chúng ta thường thấy tình huống như vậy. Các chị em hễ tụ tập lại là kể chuyện ưu điểm nhà họ Trương, khuyết điểm nhà họ Lý, ngồi lê đôi mách đâm bị thóc, thọc bị gạo, chia rẽ, ly gián, bàn luận chuyện riêng tư của người khác, thốt ra những lời thị phi vô duyên vô cớ. Người đàn bà chanh chua đanh đá hễ mở miệng là chửi chó mắng mèo, gây rối khiến gà chó không yên, xóm giềng náo loạn. Thay vì sử dụng thời gian quý báu để nói về ưu, khuyết của người khác, tại sao không hàm dưỡng đạo đức, tăng trưởng nhân cách của chính mình?
3. Suy nghĩ thiên lệch (異心邪念): Là vợ, hãy luôn luôn nhắc nhở mình rằng kính yêu chồng chưa đủ, quan tâm đối với gia đình chưa đủ, mà còn phải hết lòng hết sức, toàn tâm toàn lực trân trọng bảo vệ tổ ấm của mình, không được giữ những ý nghĩ tính toán khác nhau trong lòng. Phải xua tan tham luyến tình ái, phải cho đi tất cả để xây dựng một gia đình hạnh phúc mỹ mãn.
4. Ưa chuộng hư vinh (愛慕虛榮): Tâm hư vinh là kẻ thù chung của nhân loại, có người tham luyến vật chất, có người ham muốn quyền thế, có người theo đuổi ái tình, có người buông bỏ danh, lợi, tình, tiền, nhưng không phá bỏ được ngưỡng cửa của sự cung kính tôn trọng. Có một số chị em thấy dung nhan người khác đẹp hơn mình, bắt chước Đông Thi (9) nhíu mày nhăn mặt, chạy đến thẩm mỹ viện để nâng mũi cho cao, nhấn sâu mí mắt, kết quả là biến khéo thành vụng, tăng thêm nỗi đau da thịt thật vô ích; có một số chị em thấy gia đình người khác giàu có hơn mình, nên đã xúi giục chồng mạo hiểm, làm điều phi pháp, phạm tội và tạo ra bi kịch.
5. Đố kỵ người thân (妒恨親人): Con người có một bệnh chung là không nhìn thấy cái giỏi cái hay của người khác, ví dụ thân thích bạn bè rất tốt, mà vẫn chỉ trích phê bình dăm ba câu để bày tỏ sự không hài lòng của mình. Càng nghiêm trọng hơn là, một đại gia đình vốn dĩ hòa thuận vui vẻ, vì tâm đố kỵ, vì không hòa hợp giữa chị em dâu mà gây rối tác quái, cuối cùng không thể không ra riêng, làm lại từ đầu.
Ngày xưa, có một người phụ nữ gia đình nghèo khó, lâm vào cảnh ăn xin. Một hôm cô hành khất đến một ngôi tự viện, đúng lúc trong chùa đang tổ chức đại Pháp hội, người phụ này vội vàng vét sạch túi tiền, tìm ra một đồng mà cô đã cực khổ ăn mày được, bố thí cúng dường kết duyên, gieo trồng ruộng phước cho tương lai. Hòa thượng Trụ trì biết được, nhanh chóng đích thân tiếp đãi và cầu phước chú nguyện cho cô. Sau khi Pháp hội kết thúc, người phụ nữ tiếp tục đi khất thực ở những nơi khác. Một ngày, cô đi lang thang trên con đường quanh co khúc khuỷu đến một khu rừng rồi bất giác nằm xuống gốc cây và ngủ thiếp đi.
Việc xảy ra một cách ngẫu nhiên là lúc đó, Quốc vương vừa mất đi một Hoàng hậu hiền thục đức hạnh, trong lòng vô cùng đau đớn không muốn sống tiếp, các quan đại thần khuyên vua nên đi săn ở nơi hoang dã để khuây khỏa. Khi vua đến khu rừng này, bỗng nhiên thấy một luồng ánh sáng rực rỡ, vua tiến nhanh về phía trước để xem, là một thiếu nữ áo quần lam lũ, nhưng thiên kiều bá mỵ đoan chính tự nhiên, nằm ngủ trên thảm lá rơi. Nhà vua vừa gặp đã say mê, nên lập tức đón người phụ nữ ăn mày vừa cúng tăng cầu phước này về Hoàng cung và sắc phong Hoàng hậu.
Cô bé Lọ Lem trở thành hoàng hậu, cảm niệm ân đức phù hộ của chư Phật, Bồ tát, gọi người sắp xếp mười cỗ xe báu vật trân quý, rầm rộ kéo đến ngôi tự viện đó để hoàn nguyện tạ ơn. Trên đường cô gái suy nghĩ: “Nhớ lúc ban đầu, ta chỉ cúng dường một đồng xu, đại Hòa thượng Trụ trì đã đích thân ra tiếp đãi ta. Hôm nay ta đã chuẩn bị một lễ phẩm đáng giá như thế này, không biết các nhà sư toàn tự viện phải nên cảm kích và xem trọng chúng ra sao?”
Khi đến tự viện, Pháp hội cầu phước đang tiến hành theo nghi thức, nhưng thỉ chung vẫn không thấy bóng dáng của vị Phương trượng Trụ trì, cuối cùng, hoàng hậu chịu không được hạch hỏi Sư phụ Quản sự, Sư phụ Quản sự khai thị:
– Hoàng hậu! Lúc đầu, tuy người cúng dường chỉ một đồng, nhưng đó là tất cả những gì người có, và người đã cúng dường Tam Bảo với tấm lòng thành khẩn cung kính, vật phẩm tuy ít ỏi nhưng công đức vô lượng, vì vậy, đại Hòa thượng muốn tự mình cầu nguyện chúc phúc cho người; nhưng hôm nay người mang theo rất nhiều bảo vật trân quý để cúng dường, những thứ này chỉ là một phần nhỏ (hạt cát trong sa mạc), so với những gì người có. Huống nữa, sự cúng dường của người từ tâm chấp trước, tâm kiêu mạn, tâm chuộng hư vinh, thì công đức đương nhiên là không nhiều, nhân đây, đại Hòa thượng cho rằng chỉ cần cử sư phụ Tri khách đến để giải trừ tai họa cho người là đủ.
Yêu chuộng hư vinh là một điều xấu đủ để đánh cắp công đức của chúng ta, huống nữa năm điều ác ngang bằng tính mệnh, có thể tưởng tượng và hình dung mà biết, nó sẽ gây nguy hại cho tuệ mạng của chúng ta như thế nào. Loại trừ năm điều ác trên e rằng không kịp, hành năm điều thiện sợ rằng không nhanh, như vậy chắc chắn có thể tránh xa được vực sâu tội ác, ngày càng hướng về con đường thiện.
Như thế nào để làm một người phụ nữ? Cũng trong Kinh Ngọc Da Nữ, đã từng đề cập đến năm hạng:
1. Mẫu phụ (母婦): Vợ đối xử với chồng phải giống như một người mẹ hiền yêu thương chăm sóc con cái, cho anh ấy sự ấm áp và an ủi, cho anh ấy tình yêu và sự động viên, để khi chồng gặp khó khăn, tủi nhục, bất bình bên ngoài, về đến nhà sẽ có đối tượng để thổ lộ tâm can; chồng bị đánh đập bức hại bên ngoài, có nơi chốn để chữa lành vết thương. Tình yêu của mẫu thân dành cho con là quan tâm hết mực, là tỉ mỉ, là chu đáo, là vị tha, là vô tư không cầu báo đáp. Vợ đối với chồng cũng cần phải có trái tim như vậy, chỉ cầu thành tựu cho đối phương, không cầu bất cứ điều gì được đền đáp.
2. Thần phụ (臣婦): Vợ nên đối xử với chồng như một cận thần phục vụ nhà vua, dốc hết sức mình phò tá chồng, góp sự thông minh để giúp đỡ chồng, làm cho sự nghiệp của chồng ngày càng phát triển. Nếu chồng chẳng may có sai lầm thì nên dùng lời thẳng thắn khuyên ngăn, can gián chống giống như bậc trung thần vì nước, không thể để chồng bị bao che bởi những lời tâng bốc xu nịnh.
3. Muội phụ (妹婦): Vợ phải tôn kính chồng như huynh trưởng, cả hai thân thiết gần gũi nhau, đùm bọc nhau, dìu dắt nhau, thương nhau như tay chân, thân thiết như người một nhà.
4. Tì phụ (婢婦): Có khi các bà vợ phàn nàn với chồng: Tôi giống như người giúp việc của gia đình anh, việc nhà vô số làm mãi không hết, lại lĩnh mức lương rẻ nhất thế giới. Các bà, các cô ơi đừng oán trách! Đây là việc mà bổn phận mình nên làm, hãy trực tiếp gánh vác chăm sóc chồng với tư cách là người giúp việc, là một quản gia, để anh ấy được phục vụ ngoài xã hội một cách tốt nhất trên toàn thiên hạ.
5. “Phu phụ” (夫婦): Vợ chồng vốn là sống chết có nhau, như chim có đôi cánh, quan hệ thân mật nhất, cả hai nên giúp đỡ lẫn nhau, động viên lẫn nhau, đồng cam cộng khổ với nhau, chia sẻ vui buồn, vĩnh viễn không thay lòng đổi dạ.
(Còn tiếp)
Đại Sư Tinh Vân (星雲大師)
Thanh Như (dịch) (ĐSHĐ-119)
Chú thích:
* Chìa khoá nhi đồng, thiếu niên có vấn đề (鑰匙兒童、問題少年): Những đứa trẻ thường xuyên mang chìa khóa quanh cổ. Một kiểu hình thái cô đơn hoàn toàn mới xuất hiện trong thuật ngữ “nhi đồng chìa khóa” – ngày càng nhiều trẻ em sau giờ học, cái đối diện chính là ngôi nhà trống không lạnh lẽo. Hầu hết các bậc cha mẹ đều đi làm cả ngày ở bên ngoài, nhiều nhất là về nấu cơm và làm việc nhà, khiến họ mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Vấn đề không phải là liệu cha mẹ có quan tâm chú ý đến con cái hay không, mà là vấn đề thời gian, sự tiêu hao cá nhân và tình cảm. Do đó, công năng khơi thông và giao tiếp với các con ngày càng được giao cho cái Ti vi, trường học, nhà trẻ; phó thác cho bảo mẫu, người chăm sóc tạm thời,… nhưng bản thân họ không tham gia vào việc đó, mà những người được ủy thác khả năng thay thế cha mẹ quá kém.