Sở dĩ tôi chọn nhan đề “Quan điểm Nữ giới của Phật giáo”, là vì quan hệ của phụ nữ đối với mỗi người chúng ta rất mật thiết. Nữ giới – ngoài bản thân gắn bó chặt chẽ với phụ nữ, mà quan hệ giữa nam và nữ cũng không thể tách rời nhau. Mỗi người nam hoặc có thê tử, hoặc có chị gái, em gái. Cho dù không có vợ hoặc các chị em gái, họ cũng đều là người lớn lên từ trong trứng nước của mẫu thân. Không có mẹ thì không có sự ra đời của sinh mệnh. Cho nên, thiên chức làm mẹ của người phụ nữ là nguồn gốc của mọi cơ hội sinh tồn.
Một trong bảy chúng đệ tử của Đức Phật cũng có Tỳ-kheo-ni, Sa-di-ni, Ưu-bà-di và nữ giới chiếm một vị trí rất quan trọng trong Phật giáo, mỗi người chúng ta nên ghi nhận sự đóng góp của nữ giới. Nhân đây, điều mà tôi đề cập trong bài viết này là “Quan điểm Nữ giới của Phật giáo.”
Khi nói đến nữ giới, quan điểm của Trung Quốc và phương Tây về phụ nữ có cách nhìn khác nhau. Trong cảm nhận của người Trung Quốc, phụ nữ hung ác như rắn độc, quyến rũ như hồ ly tinh, dữ dằn như cọp cái. Hoặc giả, nói cách khác phụ nữ là mầm tai họa suy vong của một quốc gia, là vận rủi của những điều tồi tệ. Tóm lại, đàn bà là điềm gỡ, là thứ ung nhọt hại nước hại dân, là kẻ khiến cho tan nhà mất mạng. Thậm chí, ngay cả Khổng Phu tử cũng từng nói: “Chỉ có phụ nữ và tiểu nhân là khó bồi dưỡng thôi”. Xếp phụ nữ và tiểu nhân vào cùng một loại, nhưng kẻ lên án phụ nữ, định tội phụ nữ, cho phụ nữ là đầu sỏ của tội ác, lại chính là những người đàn ông không thể sống thiếu phụ nữ, phán định như vậy có bất công với phụ nữ hay không?
Ngược lại, người phương Tây xem phụ nữ như thần linh thiêng liêng, như thượng đế cao quý. Phụ nữ cũng giống như thần Vệ nữ, là biểu trưng của sắc đẹp và đại biểu của tình yêu. Phụ nữ là thiên sứ, một thiên sứ của hòa bình. Cuối cùng thì phụ nữ là hồ ly tinh, là cọp cái, là rắn độc; hay là Thượng đế, là nữ thần sắc đẹp, là Thiên sứ? Quan điểm công bằng thiết diện vô tư của Phật giáo đối với phụ nữ là gì? Tôi sẽ nêu ra bốn điểm để giải thích:
I. Nam nhân và nữ nhân (女人與男人)
Tất cả hữu tình chúng sinh trong vũ trụ, tuy có các loại sai biệt về trí tuệ, ngu dốt, hiền từ, thấp kém, giàu sang, phú quý, nghèo hèn, bần tiện… nhưng giới tính của họ rốt cuộc chẳng qua là sự khác biệt giữa nam và nữ mà thôi. Mặc dù có nhiều điểm tương đồng giữa nam và nữ, nhưng nếu quan sát kỹ thì phụ nữ và đàn ông cũng có những đặc điểm riêng.
Trong quan niệm chung, cái mà nam giới biểu hiện chính là vẻ đẹp của kiên nghị và mạnh mẽ, tuy trong số họ cũng không thiếu sự lịch lãm tao nhã, phong lưu phóng khoáng; nhưng cái mà nữ giới có được là nhan sắc xinh đẹp, dung mạo đoan chính tự nhiên mà nam nhân không thể sánh kịp. Từ ngàn xưa, biết bao văn nhân, mặc khách đã để lại cho đời rất nhiều kiệt tác xuất sắc, họ miêu tả phong thái yêu kiều thướt tha của người phụ nữ bằng ngòi bút tài hoa. Lấy kịch bản sân khấu để nói, vai tiểu sinh trong các bộ phim cổ trang, đáng lẽ nên là nam giới mới thích hợp, nhưng nếu để phụ nữ thế vai tiểu sinh, thì khi hóa trang càng anh tuấn hơn, mọi động thái hành vi giơ tay, nhấc chân càng tiêu sái hơn, tự nhiên hơn và được khán giả yêu thích hơn. Do đó, Ca Tử Hô (Hí1) Hoàng Mai Điệu (điều2) Bình kịch3 trong Hí Kịch dân gian, thậm chí cả các bộ phim lịch sử cổ trang trên Truyền hình, vai tiểu sinh thường do phụ nữ đóng, chủ yếu là bởi nữ giới xinh đẹp hơn nam giới.
Khi nam giới gặp phải tình huống khó khăn rắc rối, họ có thể nỗ lực vượt qua, dũng cảm tiến về phía trước, biểu hiện bản lĩnh của một người đàn ông mạnh mẽ. Nhưng sự kiên nhẫn và khiêm tốn của nữ giới, họ có thể biến chiến tranh thành hòa bình, đôi khi nam nhân không thể bì kịp. Đàn ông giàu tính sáng tạo và thích phiêu lưu mạo hiểm, còn phụ nữ thì dung hòa, tùy thuận, điều này đôi khi có thể bù đắp cho sự khinh suất lỗ mãng của nam giới, và họ bổ sung hỗ trợ cho nhau. Đàn ông tương đối thô kệch, trực tính, phóng khoáng, còn phụ nữ lại tế nhị, chu đáo, đó là lý do họ có thể trợ duyên cho trượng phu thành công trong sự nghiệp. Nam nhân sở trường về lý trí, phụ nữ xem trọng tình cảm; nam nhân thiên về kiên cường, phụ nữ dịu dàng hòa nhã. Nam nhân và nữ nhân không chỉ khác biệt về mặt sinh lý, mà sự phát triển tính cách cũng chênh lệch bất đồng.
Bởi thể chất nữ nhân tương đối mảnh mai yếu đuối, nhiều trở ngại về sinh lý, địa vị xã hội lại thấp kém, do đó họ dễ tín ngưỡng vào Đạo, lực hướng tâm đối với tôn giáo mãnh liệt hơn nam giới. Phụ nữ dễ dàng già cỗi hơn nam giới, bởi vì họ phải đảm đương trách nhiệm nuôi dạy con cái, chăm sóc chồng con và gia đình, cho nên, họ nhận ra sự vô thường của thế gian. Trong kinh sách đã từng ghi lại một người phụ nữ vì cái chết của đứa con trai yêu duy nhất mà thương tâm quá độ, đau lòng tuyệt vọng đến mất cả lý trí, trên đường gặp ai bà cũng hỏi một cách cuồng si:
– Con tôi đang ở đâu? Làm sao mới có thể khiến cho con tôi sống lại?
Sau đó, bà gặp được Đức Phật, Đức Phật bảo rằng nếu bà có thể tìm được cỏ cát tường trồng trong nhà nào mà không có người chết, thì có thể cứu sống được con bà. Người phụ nữ giống như phát cuồng lần lượt chạy đến từng nhà, từng nhà để hỏi, tìm kiếm một tia hy vọng cứu sống con mình. Cuối cùng, tinh thần, thể xác mệt mỏi cực độ, bà trở về trước Đức Phật với sự chán nản, tuyệt vọng. Đức Phật từ bi khai thị:
– Trên thế gian này đâu có ai mà không chết, cũng vậy, cỏ cát tường là thứ không thể tồn tại.
Người phụ nữ vừa nghe xong, cuối cùng bà nhận ra chân lý vô thường của thế gian, buông bỏ tình ái si mê, trở thành một tín đồ Phật giáo.
Đàn ông lập nghiệp bên ngoài, còn phụ nữ quán xuyến việc trong gia đình. Hiểu được khó khăn về tiền tài vật chất, nữ giới tương đối có tâm bố thí hơn đàn ông, biết gieo trồng phước báo ở kiếp sau. Chẳng hạn thời Đức Phật còn tại thế, có một phụ nữ Tì Xá Khư thấy người xuất gia không thể ra ngoài ôm bát khất thực vào những ngày mưa, do đó phát tâm đem thuốc thang, cơm cháo, y phục v.v… đến cúng dường cho chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni để họ có thể yên tâm tu học, không lo thiếu thốn.
Trước đây, xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, đàn ông tôn quý, phụ nữ thấp kém, sinh con trai và con gái cũng có sự khác biệt rất lớn. Sanh trai gọi là lộng chương4, quý báu như ngọc thạch, không chỉ cả gia đình vui vẻ, mà người mẹ cũng vì thế, mà được hiển quý; sanh gái gọi là lộng ngõa5 thấp hèn như rác rưởi, cảnh tượng cả nhà đều u sầu ảm đạm, người mẹ còn có thể phải chịu số phận thất xuất7, loại quan điểm này thật sự sai lầm rất lớn.
Kỳ thật, thời cổ đại có rất nhiều nữ giới, bất kể về phương diện năng lực, trí tuệ v.v… chẳng những họ không chịu nhường đấng tu mi nam tử, mà còn có không hiếm phụ nữ cân quắc anh hùng vượt qua nam nhân, chẳng hạn hiền thục như Triệu thái hậu (趙太后) thời Chiến quốc; thống trị thiên hạ của Võ Tắc Thiên (武則天 624-705) triều đại nhà Đường; Sử học gia nữ nổi tiếng thời Đông Hán như Ban Chiêu (班昭49-120), bà kế thừa ý chí của cha anh, hoàn thành bộ Sử thư còn dang dở; Lương Hồng Ngọc (梁紅玉1102-1135) nữ anh hùng cùng chồng là danh tướng Hàn Thế Trung kháng Kim vào thời Nam Tống… Tất cả đều là tài nữ xuất chúng một thời.
Chẳng hạn như Nữ hoàng Elizabeth (21/4/1926 – 08/9/1022) của Vương quốc Anh; bà Baroness Thatche (1925-2013), Tể tướng Anh; bà Golda Meir (1898-1978), Thủ tướng Israel; bà Gandhi (1917-1984) Thủ tướng Ấn Độ… cũng đều là những nhà lãnh đạo xuất chúng nổi tiếng quốc tế. Hàng ngày họ bận rộn công tác hành chánh sự vụ, nào là ngoại giao chính trị, nào là liên kết lực lượng vận dụng giải quyết mọi việc, tính quyết đoán, nhanh nhạy trong xử lý mọi việc không thua gì nam giới. Chúng ta không thể vì nữ giới nắm quyền mà xem họ như một dân tộc thứ hai, tước đi mọi vinh quang và sự tôn nghiêm đáng có của họ. Huống nữa, xét từ tư tưởng của Phật giáo: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh”, thì nữ giới cũng là một chúng sinh được coi là “duy ngã độc tôn” đáng xem trọng.
Còn tiếp
Đại Sư Tinh Vân (星雲大師)
Thanh Như (dịch) -ĐSHĐ-117
- Ca Tử Hô (歌仔戲): Một loại hí khúc truyền thống tại địa phương Đài Loan, lưu hành ở Đài Loan và phía Nam tỉnh Phúc Kiến, Đài Loan gọi là Ca Tử Hô, Phúc Kiến gọi là Hương Kịch (薌劇).
- Hoàng Mai Điệu (黄梅调): Trước đây gọi là Hoàng Mai Hí, Thái Trà Hí… Cùng với Kinh kịch, Việt kịch, Bình kịch, Dự kịch gọi là “Ngũ Đại Hí Khúc kịch chủng Trung Quốc”, là một trong những hí khúc Hán tộc.
- Bình kịch (平劇): còn gọi Kinh kịch, một trong quốc túy Trung Quốc, là Hí khúc truyền thống Trung Quốc, phân bố khắp nơi, lấy Bắc Kinh làm trung tâm.
- Lộng chương (弄璋): Cách gọi bé trai mới sinh theo dân gian Trung Quốc cổ đại, lần đầu tiên được nhìn thấy trong thi ca nhà Chu. Đề cập đến việc sinh con trai, đưa ngọc chương (hòn ngọc xẻ đôi) cho bé cầm chơi, chương chỉ cho một loại ngọc.
- Lộng ngõa (弄瓦): Cách gọi bé gái mới sinh theo dân gian Trung Quốc cổ đại, được sử dụng trong triều đại nhà Chu. “Ngõa”: Con quay, con suốt mà phụ nữ thời cổ đại dùng để quay tơ dệt vải. Khi sinh gái đưa con quay cho bé cầm chơi.
- Thất xuất (七出): Còn gọi Thất Khử (七去). Bảy điều khoản chồng bỏ vợ trong xã hội cổ đại. Đây là cái cớ cho sự bức hại phụ nữ dã man của chế độ phụ quyền phong kiến.
– Không con nối dõi
– Ngoại tình
– Không phụng dưỡng cha mẹ chồng
– Miệng lưỡi tranh cãi
– Trộm cắp
– Tật đố
– Bệnh tật
Trong “Đại Đới Lễ Ký – Bản Mệnh” (大戴礼记•本命): Bảy lý do bỏ vợ của xã hội phong kiến Trung Quốc:
– Không hiếu thuận cha mẹ. “Nghịch đức” (逆德), ngược với đạo đức. Theo truyền thống Trung Quốc, phụ nữ sau khi kết hôn, cha mẹ chồng quan trọng hơn cha mẹ ruột của mình, cho nên, vi phạm đạo đức hiếu thảo được coi là một vấn đề rất quan trọng.
– Không sanh được con. “Tuyệt thế” (绝世), tuyệt hậu. Việc nối dõi tông đường được coi là mục đích quan trọng nhất của hôn nhân, nên việc người vợ không có khả năng sinh con khiến cuộc hôn nhân trở nên vô nghĩa.
– Ngoại tình. “Loạn tộc” (乱族), loạn cả họ hàng. Quan hệ bất chính sẽ khiến nguồn gốc hoặc thế hệ của những đứa trẻ do người vợ sinh ra không biệt rõ ràng, gây ra sự hỗn loạn trong huyết thống của gia tộc.
– Ghen tuông. “Loạn gia” (乱家), gia đình hỗn loạn. Sự hung hãn đố kỵ của người vợ sẽ gây ra mối bất hòa trong gia đình. Theo nhiều quan điểm, người ta càng cho rằng đố kỵ với vợ lẽ của chồng có hại cho việc nối dõi tông đường.
– Bệnh hiểm nghèo. “Bất khả cộng tư thạnh” (不可共粢盛), không thể cùng tế lễ. Tham gia cúng tế Tổ tiên là nghĩa vụ quan trọng của mỗi thành viên trong gia tộc, do đó, người vợ mắc bệnh hiểm nghèo không tiện nấu nướng bưng bê, và tế lễ cúng kiếng…
– Nói quá nhiều “ly hôn”. Ly thân (离亲) nói nhiều hoặc ngồi lê đôi mách chuyện người khác làm ảnh hưởng đến hòa khí gia đình, cũng không nên bày tỏ ý kiến của mình quá nhiều.
– Trộm cắp vặt. “Phản nghĩa” (反义). Làm xáo trộn gia đình. Không phù hợp với khuôn phép lễ nghi cần phải tuân theo.