I.Thiếu thời
Sư trưởng(1) thế danh là Phạm Thị Thọ, sinh năm 1910 (Canh Tuất) tại Gò Công, giòng dõi Phạm Đăng. Năm 15 tuổi, Sư trưởng đến chùa Tân Lâm ở Tân Sơn Nhất cầu pháp với Tổ Chí Thiền (Như Hiển), được Tổ đặt Pháp danh là Hồng Thọ, hiệu Diệu Tịnh. Sau thời gian theo học tại trường hạ Giác Hoa, Sư trưởng về lại Gia Định theo học với Hòa thượng Như Quý (Tổ đình Phước Tường – Thủ Đức).
Năm 19 tuổi được cử về làm trụ trì chùa Hội Sơn. Năm 1930, Sư trưởng thọ giới Tỳ-kheo-Ni tại trường Kỳ núi Điện Bà, do Tổ Như Nhãn (Từ Phong) làm Đàn đầu Hòa thượng và sau đó theo học với Tổ Từ Phong cho đến lúc Tổ viên tịch.
II. Thời kỳ hành đạo
Sư trưởng tự dịch Kinh Vu Lan, Phổ Môn, Pháp Bảo Đàn rồi cho in Kinh ấn tống nhằm khích lệ tinh thần tu học của Ni giới (lúc này Ni giới chưa phát triển). Năm 1933, Sư trưởng viết bài đăng tạp chí Từ Bi Âm và tất cả các bài đăng về sau đều có mục đích kêu gọi chấn hưng Ni giới. Cùng năm này, trường Hương chùa Giác Hoàng (Bà Điểm) tổ chức cho hai giới Tăng Ni, Sư trưởng được mời làm Chánh na, lãnh đạo Ni chúng và sau đó được công nhận là Giáo thọ Ni đầu tiên của tỉnh Gia Định, lúc Sư trưởng vừa tròn 24 tuổi.
Năm 1934, Sư trưởng trụ trì chùa Thiên Bửu, mở lớp Quốc ngữ đầu tiên và dạy chữ Nho cho trẻ em, sau đó mở lớp gia giáo ba tháng, mời thầy Khánh Nguyên dạy, Sư trưởng cũng cùng dạy Ni chúng được vài mươi vị.
Cuối năm 1934, Sư trưởng mời Sư trưởng Diệu Tấn – chùa Kim Sơn, Sư trưởng Diệu Tánh – chùa Huê Lâm, Sư phó Diệu Thuận cùng xây dựng chùa Từ Hóa tại làng Tân Sơn Nhì – tỉnh Gia Định. Năm 1935, chùa được dời sang làng Tân Sơn Nhất, đổi hiệu là Hải Ấn Ni Tự – đây là chùa Ni đầu tiên tại vùng đất Gia Định.
Năm 1937, Sư trưởng nhận chùa Bình Quang (Phan Thiết), đề cử hai đệ tử Huyền Tông, Huyền Học về trông nom.
Năm 1938, chùa Phước Long (Mỹ Tho) khai hạ, mời Sư trưởng làm Pháp sư giảng dạy trong ba tháng, cuối tháng 7 năm này, Sư trưởng ra Bắc tham cứu Luật tạng. Trên đường chu du, Sư trưởng ghé Bình Định thuyết pháp tại chùa Liên Tôn và chùa Thiên Hưng, qua Đà Nẵng viếng hội Phật học Đà Thành, đến Huế gặp cụ Lê Đình Thám và Ni trưởng Diệu Không (lúc chưa xuất gia). Đến Hà Nội, chi nhánh hội Phật học Bắc Việt mời Sư trưởng thuyết pháp tại chùa Phó Hưng Yên. Ở kinh Bắc, Sư trưởng học Luật tại chùa Quán Sứ. Học xong, về lại miền Nam, trên đường đi ghé Huế giảng dạy Kinh Phạm Võng lược sớ cho bà Từ Cung trong hai tháng.
Năm 1939, triều đình Huế ban biển vàng cho Hải Ấn Ni Tự và ban Sắc tứ cho Bình Quang Ni Tự, Phật tử Hưng Yên – Bắc Việt tặng chùa Hải Ấn đôi Liễn và bức Hoành.
Năm 1940, Sư trưởng làm Giáo thọ cho Ni giới tại trường Cô Ba Xàng – Sa Đéc (tức chùa Giác Linh, sau này đổi tên thành chùa Tân Hòa). Được ba tháng, chủ chùa giải tán lớp học, Sư trưởng vận động đưa học sinh sang chùa Vạn An và được Hòa thượng Vạn An cùng chư bổn đạo ủng hộ Sư trưởng dạy tiếp trọn năm học. Trong thời gian này, hội Phật học Cao Miên mời Sư trưởng thuyết pháp tại Nam Vang (Campuchia).
III. Thời kỳ thọ bệnh và viên tịch
Năm 1941, bà Bang Biện mời Sư trưởng khai trường Ni tại chùa Linh Phước (Oai Khoa-Sa Đéc). Với sự nhiệt tâm của Sư trưởng trong buổi đầu, sức nữ giới một mình đảm đương nhiều Phật sự : ngày thì lo giảng dạy, đêm thì tiếp bổn đạo, mặt khác lo vận động tài chánh cho trường lớp, khuya thì xem Kinh sách để trau giồi kiến thức, lúc nào cũng canh cánh việc hoằng truyền Chánh pháp, tiếp độ Ni lưu.
Với công sức như thế, trong vòng hai năm phải lo cho ba trường Ni, lao tâm khổ tứ, tốn hao nhiều sức lực nên Sư trưởng đã thọ bệnh phổi, phải về chùa Hải Ấn tịnh dưỡng.
Vào thời điểm này, nền y học nước nhà chưa đủ khả năng chữa dứt căn bệnh này, nên Sư trưởng đã trút bỏ báo thân, quy về cảnh Phật tại chùa Hải Ấn vào mùng 1 tháng 7 âm lịch (năm 1942). Trụ thế 33 năm, hạ lạp 12 năm.
Với 19 năm trong đạo, hy sinh cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục Ni lưu. Để tưởng Niệm công đức và đạo hạnh của Ngài, môn đồ đệ tử đã tôn tạo Bửu tháp phụng thờ Sư trưởng tại chùa Hải Ấn tỉnh Gia Định (nay là Bà Quẹo – quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh).
Phụ lục :
Sư trưởng Hồng Thọ – Diệu Tịnh : Các bài đăng trên tạp chí Từ Bi Âm (TBÂ).
· Lời than phiền của một cô Vãi (TBÂ. số 27-năm 1933)
· Cái án ngụy truyền Chánh pháp (TBÂ. số 73-năm 1935)
· Nên tổ chức trường Phật học để giáo dục phụ nữ không?
(TBÂ. số 148-năm 1938)
Bài diễn văn của Sư trưởng Diệu Tịnh nhân ngày Đại hội của hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (bàn về vấn đề “Chị em nữ lưu đối với Phật giáo ngày nay ” (TBÂ. số 79 – năm 1935)
· Cái khổ đau đớn,
· Ý kiến có quan hệ,
· Tu hành cần phải trạch pháp .Luận về pháp Ngũ hối,
· Bài của Sư trưởng Diệu Tịnh giảng tại chùa Linh Sơn, nhân ngày nhóm Đại hội của hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (bàn về vấn đề “Thế nào là người trong đạo Phật ” – Kêu gọi Ni giới chấn hưng Phật giáo nước nhà.)
· Bài diễn văn của Sư trưởng đọc ngày Rằm tháng Bảy âm lịch tại chùa Hải Ấn (nhằm 30 tháng 8 năm 1936). Nội dung giải thích lý do xây dựng chùa Ni , vì thời Phật đã có Tinh xá riêng cho Ni tu học. Giải thích ý nghĩa tên chùa Hải Ấn “Hải Ấn tức là chơn tâm như bản giác.”
Mừng Từ Bi Âm
Trống pháp rền nghe đã khắp xa,
Kêu người sớm tỉnh giấc Nam Kha,
Lý mầu vẹn tỏ màn vân nguyệt,
Lời đẹp thêu nên vẻ gấm hoa,
Đuốc tuệ soi ra miền Tịnh độ,
Thuyền từ đưa khỏi biển Ta-bà,
Mai sau hạnh phước người chung hưởng,
Muôn thuở còn nêu đức lợi tha.
Lời tự thuật
Cũng chẳng mơ giàu chẳng ước sang ,
Tương dưa đạm bạc bữa thanh nhàn,
Nghiên Kinh cứu Luận lòng thêm tỏ,
Vào định ra thiền tánh đặng an.
Biển thức lóng trong bàn kiếp trược,
Trời chơn hiện rõ bóng viên quang,
Rung chuông thức tỉnh làng Ni chúng,
Mở mắt nhìn xem cảnh Lạc bang.
Thích Nữ Diệu Tịnh (TBÂ. 73-1935)
Ngoài ra còn tập bút ký “Tiểu sử đời tu Thích nữ Diệu Tịnh” thể thơ song thất lục bát do chính tác giả soạn.
Thơ tặng Sư bà Hồng Thọ – Diệu Tịnh của Từ Bi Âm
Hành vi ngôn luận hẳn siêu quần,
Vì cớ sao mà hiện nữ thân,
Trăm kiếp rèn nên gươm trí tuệ,
Một tay tháo sổ cũi phong trần.
Dắt thêm đạo lữ năm ba lớp,
Đánh vỡ tà sư sáu bảy phần,
Nào kẻ mê lưu xin ngó thử,
Tu mi e cũng ớn hồng trần.
Từ Bi Âm (TBÂ. số 73)
Mừng lễ Khánh thành chùa Hải Ấn của Sư cô Diệu Tịnh
I. Trai trường vừa mở lúc thu giao,
Cũng đáng mừng cho gái nữ nào,
Cửa phạm xây nên trang vĩ đại,
Lầu hồng treo để giá thanh cao.
Ao sen rày thấy lằn thu nguyệt,
Vườn lộc yêm đưa tiến hải trào,
Hải Ấn danh nêu trên Phật sử,
Ngàn năm rạng vẻ biết dường nào.
II. Biết bao nhiêu khách chốn trang đài,
Lăn lóc rừng thiền được mấy ai,
Nâng lấy tinh thần cho những gái,
Giữ tròn nghi luật kém gì trai.
Quyết ra tay đỡ giềng chơn lý,
Từng để chân lên lối biện tài,
Ni giới kìa ai trông lấy đó,
Gương lòng chớ để bọn trần ai.
Ni sinh Diệu Lâm diễn đọc
Chú thích:
(1) Ngài Thích Nữ Diệu Tịnh tuy trụ thế và giới lạp ít nhưng đây là một bậc Ni tiền bối có công đức và đạo nghiệp ảnh hưởng lớn đối với Phật giáo miền Nam Việt Nam trong giai đoạn đầu chấn hưng Phật giáo. Do đó Ban biên tập mạn phép tôn xưng ngài là Sư trưởng.