Bỏ qua những bất công và ngược đãi được nhìn thấy từ xã hội Ấn Độ, nữ giới được chấp nhận vào giáo đoàn Đức Phật là một cuộc cách mạng lớn được nhìn thấy trên phương diện bình đẳng giới tính và bình đẳng trên quả vị tu học. Tuy nhiên, 25 thế kỷ trôi qua đã có không ít nghiên cứu xét nét về khả tính giác ngộ của hàng Thích Nữ. Trong đó, sự tiếp cận về nữ giới được phân tích, mổ xẻ bởi nhiều luồng thông tin kèm theo các nhận định chủ quan, khách quan, thậm chí độc đoán, thêm bớt máy móc, tùy tiện.
Lần qua một vài dữ liệu xuyên tạc và phê phán khắt khe về nữ giới xuất gia, hẳn nhiên người con Phật không khỏi xót lòng khi những quy chụp đó để lại khá nhiều hệ lụy về giá trị nhận thức và hành trì đạo đức, tâm linh. Không chừng, với những tư duy bóp méo sự thật của một vài luận thuyết, Ni đoàn trở nên mờ nhạt và mất dần tính cách Nguyên thủy của mình.
Với ý nghĩa làm sống lại giá trị đời sống của các nữ khất sĩ, người viết xin được trình bày “Suy ngẫm về một vài ngộ nhận trong Ni đoàn Phật giáo”. Trong đó, tập trung hướng đến 3 vấn đề đang được thắc mắc nhất hiện nay, bao gồm: Ni đoàn thời Đức Phật độc cư hay định cư? Chánh pháp có thật sự tổn giảm khi cho Nữ giới xuất gia? Giới luật – phải chăng nửa tháng tụng một lần? Ngoài việc sử dụng các phương pháp so sánh, đối chiếu, phân tích… và chọn văn bản Hán tạng làm tư liệu chủ đạo, người viết còn tra cứu thêm những thông tin thuộc văn hệ Pali để bài nghiên cứu có tính thuyết phục và tiện bề nắm bắt được mạch dẫn được xây dựng trong các luận điểm. Hy vọng chút suy tư, trăn trở này có thể đóng góp phần nào trong việc trả lại giá trị cho Ni đoàn Phật giáo đúng tư cách và ý nghĩa vốn có từ lịch sử.
1. Ni đoàn thời Đức Phật độc cư hay định cư?
Khá nhiều lí do chấp nhận Ni đoàn thời Đức Phật là một đại bộ phận dõi bước theo truyền thống sinh hoạt của chư Tăng mà đời sống độc cư cũng không ngoại lệ. Liệu rằng, nhận định này có thật sự chuẩn xác khi người nữ có nhiều biệt tánh so với người nam và môi trường viễn ly rừng núi đủ đảm bảo sự thanh tịnh cho hai giới xuất gia khi họ còn ‘người trần mắt thịt’? Từ suy ngẫm này mà đâu đó chúng ta có thể thấy được phần nào nỗi lòng của Đức Phật khi tiếp độ nữ giới xuất gia. Trong đó, câu chuyện cầu thọ giới pháp của Di mẫu Pajapati Gotami1 là một điển hình.
Giữa bao nhiêu công bố về bình đẳng giới tính, quả vị và vô phân biệt,… nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được sự dè dặt của bậc Đạo Sư khi Ngài không cho phép nữ nhân “ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo2”. Dầu vậy, sự dè dặt này không mang tính thiên vị mà nó đang đặt ra những giải pháp tốt nhất cho nữ giới. Rất có thể, vấn đề nan giải xuất phát từ đời sống vô gia cư. Bởi lẽ nó không chỉ trở ngại cho người nữ cả về phương diện giữ gìn sức khỏe trước mưa gió thất thường, thậm chí còn khó bảo toàn bởi những thảm nạn đụng chạm thể xác.
Với ý nghĩa thực tiễn được nhìn thấy từ góc khuất đó, TT. Hạnh Bình đã gợi mở một lí do xác đáng về sự chần chừ của Đức Phật khi cho nữ nhân xuất gia. Thông điệp: “Nên chẳng cho nữ giới xuất gia với điều kiện cuộc sống định cư3…” đã bắt gặp được tính thuyết phục khi một bản kinh khác, Đức Thế Tôn cũng từng thừa nhận: “Sống trong rừng ở trong hang, thật là khổ thay! Sống riêng, đi đứng một mình dụng tâm thật khó4… Thật khó thưởng thức đời sống độc cư! Ta nghĩ rằng rừng núi làm rối loạn tâm trí vị Tỷ-kheo chưa chứng Thiền định5. Lời dạy này thêm một lần nữa khẳng định: khi con đường độc cư, viễn ly đã khó kham nhẫn đối với chư Tăng, tất nhiên nó cũng đồng nghĩa với việc chư Ni sẽ đối mặt với một thách thức rất lớn.
Theo chiều suy tư này, việc ‘nhiều lần cầu thỉnh bất thành’ có lẽ không chỉ để đo lường sự dõng mãnh của Ni giới mà cũng có thể là khoảng thời gian Thế Tôn chờ đợi câu trả lời được đánh động về phía xã hội. Hơn thế, Ngài cũng tỏ ý chờ đợi, lắng nghe những xôn xao và thái độ từ trong Tăng chúng. Việc khơi dậy những động thái phản hồi từ hai nguồn lực này sẽ là một tiền đề tốt để họ không bỡ ngỡ khi Đức Phật thiết lập cuộc sống độc cư hay định cư cho người nữ. Tuy nhiên, những ý tưởng lo ngại về đời sống độc cư cho nữ giới không được Đức Phật tuyên bố ngay trong bản kinh, cho nên, những thảo luận này vẫn chỉ được xem như một giả thuyết hợp lệ.
Tiến đến thẩm xét từ gốc độ kinh điển, việc Đức Phật chấp nhận cho nữ giới xuất gia về mặt hiện tượng đã đồng nghĩa với việc Đức Phật chấp nhận cho người nữ sống đời độc cư. Xét về sự, điều này không có gì vô lý. Ghi nhận từ kinh điển, có khá nhiều biểu hiện về đời sống độc cư của chư Ni. Như trong Kinh Tương Ưng, phần Tương Ưng Tỷ kheo ni xuất hiện rất nhiều mẩu chuyện kể về các Tỷ-kheo-ni: Àlavikà, Somà, Kisà Gotamì, Vijavà, Uppalavannà, Càlà, Upacàlà, Sisupacàlà, Selà, Vajirà… Tất cả đều cùng có một động thái: “Vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Sàvatthi để khất thực. Khất thực ở Sàvatthi xong, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về,… đi đến rừng Andha để nghỉ ban ngày; sau khi đi sâu vào rừng Andha, đến ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày6.
Ngoài ra, kinh Tiểu bộ số 281. Chuyện Trái Xoài Chính Trung (Tiền Thân Abkhantara) cho biết: Sau khi gia nhập Tăng đoàn, La Hầu La thường đến thăm Di Mẫu. Có lần, bà bị chứng sình bụng nên không thể tiếp khi La-hầu-la đến thăm, nhưng có người đến báo cho Tôn giả biết bệnh duyên của mẹ mình. Ngặt nỗi, Di mẫu cho hay “cơn đau này thường được chữa bằng nước xoài có pha với nước đường; nhưng giờ đây, chúng ta đang sống bằng khất thực thì kiếm đâu ra thứ đó7?” Điều này được xem như một minh chứng về đời sống độc cư. Tuy nhiên, lật lại những thông tin trước đó được bản kinh văn đề cập lại khiến người viết hồ nghi đoạn văn được thêm thắt bởi các nhà biên tập về sau. Chẳng hạn như: “… Bà đến một Ni xá gia nhập Giáo hội rồi đến sống trong một Tịnh thất ở Xá-vệ cùng với các vị Sư trưởng và Giáo thọ; Bà thường chiêm ngưỡng bậc Ðạo Sư và con trai yêu dấu của Bà8”. Thực tế, Tăng Ni không được ở chung và nếu bà sống chung với các vị Sư trưởng và Giáo thọ thì vấn đề đáng băn khoăn họ là ai trong khi Bà được xem là vị Trưởng lão của Ni đoàn? Do vậy, mẩu chuyện này cũng chỉ có tính chống chế tạm thời, chưa xác định tuyệt đối như văn bản Tương Ưng.
Xét từ Luật tạng, sự độc cư vẫn được thể hiện bằng hình thức khất thực – một nếp sống trong sinh hoạt của Tăng đoàn Nguyên thủy. Đơn cử như câu chuyện vị Tỳ kheo ni thường đến nhà một nữ thí chủ khất thực, không may người đàn bà nọ nhân khi chồng cô đi vắng, làm cho sẩy bào thai với người tình, rồi được Tỳ-kheo-ni đồng ý“ bỏ cái bào thai ấy vào trong bình bát, che kín bằng y hai lớp, rồi ra đi9”. Ở đây, người viết không bàn thảo đến nội dung cấm chế mà muốn nhấn mạnh rằng, đời sống khất thực có tồn tại trong Ni đoàn. Ở đó, hình thức này góp phần khẳng định: Nhu cầu ăn uống của Tỳ-kheo cũng như Tỳ-kheo-ni không thể tự chế biến bởi củi lửa. Vì sự nấu nướng được xem như một điều cấm kỵ được Thế Tôn răn dạy sau sai phạm của Tôn giả Anan, dầu nó được nằm trong trường hợp đặc biệt: “Một lần Thế Tôn bệnh, A-nan nấu cháo nhưng phạm phải một điều luật do đó bị Phật khiển trách10.” Xem đó thì khất thực không tách rời đời sống độc cư nhưng cũng không hoàn toàn quyết định sự có mặt của lối sống độc cư. Bởi lẽ, ngày nay Tăng chúng các nước Phật giáo Nguyên thủy dầu có đời sống định cư nhưng vẫn giữ gìn truyền thống khất thực. Điều này ám chỉ, hiện tượng khất thực chỉ chiếm được phân nửa ý nghĩa trong lối sống độc cư.
Riêng nói về Ni đoàn Nguyên thủy với đời sống định cư, theo TT. Thích Hạnh Bình sở dĩ không được công khai vì nó sẽ dẫn đến những rối loạn, đòi hỏi chư Tăng cũng định cư. Khi đời sống định cư được khẳng định thì sớm sanh các lậu hoặc, sở hữu, chất chứa tài sản không khác gì đời sống tại gia. Song, vẫn có một vài ý kiến trái chiều với lập luận này. Bởi lẽ, chấp nhận nữ giới xuất gia đã là một cách mạng lớn không chỉ của thời đại, xã hội, mà ít nhiều nó cũng có tác động râm ran ngay cả trong nội bộ chư Tăng Ấn Độ. Nếu Đức Phật vội trao cho Ni chúng một ân huệ định cư thì chắc chắn không tránh khỏi làn sóng ngờ vực thiên vị đối với nam giới. Như thế, nữ giới cũng sẽ mang bản án gây xáo trộn Tăng đoàn, tạo nội kết, làm rời rạc đời sống xuất gia nói chung và hệ thống giáo lý nói riêng.
Hơn nữa, khi xuất hiện với sự tách biệt khá lớn như vậy thì có còn hợp lý chăng nếu kinh điển Nguyên thủy giai đoạn đầu hết mực ca ngợi ‘xuất gia là người từ bỏ đời sống gia đình, sống không gia đình… ‘? Đó là chưa nói đến tâm lý ỷ lại của người nữ, khi cho rằng Đức Phật tạo chỗ nương náu cho họ, hay nói khác đó là cách Đức Phật bù đắp lại những thương tổn cho nữ giới sau bao chà đạp, khinh miệt của xã hội. Liệu sự suôn sẻ của một đời sống định cư có thể mang lại nhiều kết quả chứng đạt trong tu tập thời kỳ đầu của các Trưởng lão Ni được ghi nhận trong kinh điển không? Điều đáng nói hơn hết, nếu Ni giới có đời sống định cư thì hình ảnh Tỳ kheo ni ôm bình bát bên mình như vật tùy thân lại trở thành hiện tượng ảo, không hợp với thực tế. Không chừng, những lời dạy như: “Pháp phục, bình bát, thường mang theo mình, như chim bay mang theo mình hai cánh11”, cho đến sự xả bỏ tối thiểu ngoài ba y, bình bát lại trở thành tiểu tiết đồ họa cho đời sống xuất gia của các vị Ni. Kéo theo đó, danh tự Tỳ-kheo-ni (Bhikkuni), Bí-sô-ni (Bhiksuni) hay Khất sĩ nữ (những người nữ sống bằng sự khất thực12) sẽ không đủ nghĩa khi nói đến 3 nghĩa: khất thực, bố ma, phá ác. Trong khi điều đó cũng được gợi nhắc trong Luật bổn Nguyên thủy: “Người nữ đi khất thực’ là Tỳ kheo ni. ‘Người nữ chấp nhận việc đi khất thực’ là Tỳ kheo ni. ‘Người nữ mặc y đã được cắt rời’ là Tỳ kheo ni… đáng được duy trì với cả hai hội chúng có sự hợp nhất, vị Ni này là ‘vị Tỳ kheo ni’ được đề cập trong ý nghĩa này13”. Nối tiếp bàn luận này thì đời sống định cư cũng đã hiện diện trong kinh điển và giới luật mà trước tiên đó là sự an cư trong 3 tháng mùa mưa hàng năm. Ngoài ra, ở một số Luật bổn Đại thừa đều xuất hiện ý nghĩa này. Đơn cử như: “Khi nghe vị giáo thọ đến, Tỳ-kheo-ni phải ra nửa do-tuần để đón, cung cấp những thứ cần dùng, có đủ đồ để rửa; nấu cháo, các thức ăn uống14… ” hay những cuộc đối thoại: “Đại đức có mỏi mệt, đến trú xứ của chúng con nghỉ một chút rồi sau đó khất thực.”… Nghỉ xong muốn khất thực cho kịp, Tỳ-kheo-ni lại thưa: “Nơi đây có rau tương, nếu được thức ăn rồi mời trở lại đây dùng15”.
Từ những bàn luận được nhìn từ kinh điển và đời sống thực tế của Tăng già, người viết nghĩ rằng, để dàn xếp cho người nữ có thể an ổn tu học trong giáo pháp của Phật, trước hết họ phải có những bước dạo đầu cùng chư Tăng sống đời yểm ly, biết được những khó khăn của đời sống vô gia cư để tự thân có thể chấp nhận với lòng hoan hỷ. Mặt khác, bằng những thực tế nguy hiểm được sự chứng nhận của Tăng già, đời sống định cư của người nữ dễ dàng chấp nhận hơn mà không mang lại tâm lý trách móc thiên vị của chư Tăng. Như thế, nó sẽ tạo ra sự lôgic vì tính ‘tùy phạm nhi chế’ trong giới luật nhà Phật. Bởi lẽ, sự an ổn của Tăng già được cho biết tồn tại trong 12 năm đầu. Với sự an ổn đó, Ni đoàn ít nhiều có nếm trải cuộc sống độc cư. Nếu không độc cư, Đức Phật đã không chế định: “Từ nay về sau, Ta không cho phép Tỳ-kheo-ni sống tại A-luyện-nhã.” [Hán dịch: Phật Đà Bạt Đà La – Sa môn Pháp Hiển, việt dịch: Thích Phước Sơn, “Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Tập 4”, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2011, tr. 454.] Tuy nhiên, vì chư Ni gia nhập Tăng đoàn sau nên thời gian độc cư không trọn vẹn 12 năm như chư Tăng. Sau 12 năm, khi hữu lậu phát sanh, những giới luật cho Tăng, Ni dần hình thành và có thể khoảng thời gian này về sau đời sống định cư biểu hiện rõ ràng hơn. Đó là dẫn khởi để mô tả một đời sống sinh hoạt Tăng già bắt nguồn từ lang thang, ngày khất thực, hóa đạo; đêm ngủ gốc cây, tảng đá, hang động cho đến những gợi mở định cư với lều, cốc, tinh xá, tu viện…
(Còn tiếp)
Nhật Nhã (ĐSHĐ-102)
- Hán dịch: Tam Tạng Tăng-Già-Đề-Bà, Việt dịch: Tuệ Sỹ, “Kinh Trung A-Hàm Tập 1, 116. Kinh Cù-Đàm-Di”, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2008, tr. 853.
- Hán dịch: Tam Tạng Tăng-Già-Đề-Bà, Việt dịch: Tuệ Sỹ, “Kinh Trung A-Hàm Tập 1, 116. Kinh Cù-Đàm-Di”, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2008, tr.854.
- Thích Hạnh Bình, “Nghiên cứu về 5 việc của Đại Thiên”, NXB. Phương Đông, 2006, tr.85.
- Sa môn Thích Tịnh Hạnh, “Đại Tập 8 – Bộ A-Hàm VIII – Kinh Tạp A-Hàm Số 125 (Q1->30), Kinh Tăng Nhất A-Hàm”, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, tr.582.
- Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ 1, 4. Kinh Sợ Hãi Và Khiếp Đảm”, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr.37.
- Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng 1 Thiên Có Kệ, Chương V Tương Ưng Tỷ-Kheo-Ni”, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr.283-297.
- Hòa thượng Thích Minh Châu, “Kinh Tiểu Bộ 2015 – Tập IV, Phẩm Kosya”, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2015, tr.200.
- Kinh Tiểu Bộ 2015 – Tập IV, Phẩm Kosya, Thích Minh Châu, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2015, tr. 200.
- “Tiểu Phẩm Tập 2, Tụng Phẩm Thứ Nhì”, Tỳ khưu Indacanda, NXB. Tôn giáo – Hà Nội, 2014, tr. 367.
- Thập Tụng 26, tr.187a. Hán dịch: Tam Tạng Tăng-Già-Đề-Bà, Việt dịch: Tuệ Sỹ, “Kinh Trung A-Hàm Tập 1, 33. Kinh Thị Giả”, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2008, tr.266.
- Hán dịch: Phật Đà Da Xá Trúc Phật Niệm, Việt dịch: Tuệ Sỹ, “Kinh Trường A-Hàm Tập 1, 20 Kinh A – Ma – Trú”, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2007, tr. 409.
- Thích Phước Sơn, “Một Số Vấn Đề Giới Luật”, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 36.
- “Phân Tích Giới Tỳ Kheo Ni”, Tỳ Kheo Indacanda, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2014, tr. 6.
- Hán dịch: Tam Tạng Phật-Đà Da-Xá Và Trúc-Phật-Niệm, Việt dịch: Tỳ-Kheo Thích Đỗng Minh, “Luật Tứ Phần (Tập 1~4), Chương V: Ba-Dật-Đề”, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2013, tr. 434.
- Tỳ-Kheo Thích Đỗng Minh, “Luật Ngũ Phần 1”, NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2011, tr. 370.