Đạo Phật với hơn hai ngàn năm lịch sử có mặt trên đất nước Việt Nam qua nhiều giai đoạn thịnh – suy khác nhau nhưng đều soi đường cho hậu thế. Từ đó, Đạo Phật bằng chính tinh thần nhập thế tích cực, luôn lấy ý muốn của dân tộc làm ý muốn của mình, đồng hành cùng dân tộc; giữ gìn, phát huy và kết hợp hài hòa giữa truyền thống đạo đức dân tộc, đạo đức Phật giáo trong sự nghiệp làm cho nước hưng đạo thịnh. Từ ý nghĩa đó, Đạo Phật được nhân dân Việt Nam đón nhận, xem Đạo Phật là một trong những chỉnh thể văn hóa của dân tộc qua ca dao, tục ngữ “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt.”
Sau khi có mặt tại Việt Nam, Đạo Phật luôn dung hóa các tín ngưỡng bản địa để tạo thành một Phật giáo của người Việt, luôn đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước. Đơn cử trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, nhiều chùa chiền trở thành những địa chỉ cách mạng, Tăng Ni, tín đồ Phật tử trở thành chiến sĩ yêu nước cho đến khi thống nhất Tổ quốc năm 1975. Hòa bình lặp lại, nhiều thế hệ Tăng Ni, tín đồ Phật tử dấn thân hành đạo, truyền bá và giữ gìn chánh pháp bằng nhiều hành động cụ thể để vừa làm cho Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp, vừa làm đạo pháp xương minh như ngày hôm nay.
Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra trong bối cảnh đất nước và Giáo hội phát triển trên tất cả lĩnh vực, dấn thân hành đạo và truyền trì chánh pháp bằng hình thức và nội dung như thế nào? Đây là một vấn đề lớn cần được Lãnh đạo Giáo hội và Lãnh đạo Phân ban Ni giới Trung ương đề ra quyết sách mang tính khế lý, khế cơ và khế thời.
Trong suốt dòng chảy lịch sử, Ni giới nói chung, trong đó có Ni giới Phật giáo tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước, tỉnh Bình Dương) nói riêng luôn đóng góp tích cực vào những Phật sự. Năm 1981 lịch sử, GHPGVN được thành lập. Vào năm 1984, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sông Bé được thành lập. Theo chỉ đạo của đại Tăng, các bậc Trưởng lão Ni như NT. Thích Nữ Như Huy, NT. Thích Nữ Như Thái, NT. Thích Nữ Nhã Liên, NT. Thích Nữ Chơn Định, NT. Thích Nữ Diệu Nghĩa, NS. Thích Nữ Tắc Vạn đã tích cực chăm lo đời sống tu học, hành đạo, sinh hoạt của Ni giới tỉnh Sông Bé theo tinh thần kính ngưỡng, phụng hành Giáo pháp, Giới luật Phật chế, Hiến chương GHPGVN và pháp luật Nhà nước. Nhìn chung, lúc này đời sống tu học, đạo đức của Ni giới tỉnh Sông Bé đã nề nếp thì càng được nề nếp hơn, cùng với đại Tăng chung lo Phật sự. Do đó, các công tác Phật sự của tỉnh Sông Bé đều được hanh thông và thành tựu viên mãn.
Về mặt dấn thân hành đạo, truyền trì chánh pháp, đưa Đạo Phật đến vùng sâu vùng xa theo chủ trương chung của GHPGVN. Ban Trị sự tỉnh Sông Bé và các Trưởng lão Ni đã khuyến khích chư Ni trẻ tỉnh Sông Bé dấn thân hành đạo đến những vùng rất khó khăn, rất ít chùa chiền của vùng chiến sự trước năm 1975. Đơn cử như NT. Thích Nữ Nhật Khương, NS. Thích Nữ Cẩn Liên… là một trong những Ni giới trẻ bấy giờ tiên phong đến tỉnh Bình Phước hiện nay để hành đạo, truyền bá chánh pháp.
Ni giới tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước) đã cùng đồng bào các giới xem lợi ích dân tộc là trên hết, luôn đẩy mạnh sự hòa hợp, thúc đẩy hoạt động vì lợi ích của GHPGVN, vì lợi của dân tộc Việt Nam thông qua công tác từ thiện xã hội, an sinh xã hội, cũng như đóng góp vào sự phát triển của nữ Phật tử trên các lĩnh vực. Về mặt truyền bá và giữ gìn chánh pháp, Ni giới tỉnh Sông Bé luôn lấy lời Phật dạy làm kim chỉ nam trong tu học, sinh hoạt và hành đạo:
Ngày 01/01/1997 tái lập tỉnh Bình Phước và Ban Trị sự tỉnh được thành lập cùng năm. Phân ban Ni giới tỉnh Bình Phước được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Ban Trị sự, sự lãnh đạo, động viên, khích lệ của NT. Thích Nữ Nhật Khương, rất nhiều chư Ni trẻ đã đến tỉnh Bình Phước tu học, hành đạo và số lượng Tự viện, chư Ni tăng theo từng nhiệm kỳ. Đối với Ni giới tỉnh Bình Dương được thành lập năm 1999, dưới sự lãnh đạo của NT. Thích Nữ Như Huy, Ni giới tỉnh Bình Dương không ngừng phát triển trên tất cả lĩnh vực, có chiều rộng lẫn chiều sâu. Ni giới tỉnh Bình Phước, Ni giới tỉnh Bình Dương đã góp phần công đức nhỏ của mình vào trang sử vẻ vang của GHPGVN.
Hôm nay, nhân Đại lễ tưởng niệm Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, với tư cách cá nhân, chúng con xin dùng ngũ phần hương dâng lên cúng dường Thánh Tổ Ni, chư vị tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam. Nhân dịp Đại lễ, chúng con xin chia sẻ tham luận với chủ đề “Tấm lòng thiện nguyện khi dấn thân và truyền trì chánh pháp.” Thông qua chủ đề đã nêu lên cái nhìn chung về tinh thần Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, lòng yêu nước thương dân của những người đệ tử Phật dù xuất gia hay tại gia tiếp tục được phát huy, giữ gìn lửa nhiệt huyết trong mọi lúc mọi nơi. Như Cổ đức dạy: “Đạo là cứu độ từ bi, giúp dân giúp nước cũng là việc tu.” Điển hình như trong đợt đại dịch Covid-19 vừa qua, Ban Trị sự tỉnh Bình Phước, tỉnh Bình Dương chỉ đạo Ni giới chung sức, chung lòng với sự Lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đồng hành cùng nhân dân để vượt qua mọi khó khăn trong việc phòng, chống dịch bằng chính tâm hồn, trái tim người dân Việt, bằng chính lòng từ bi của Đạo Phật và truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam.
Mỗi người đứng trên quan điểm khác nhau để thừa đương Phật sự. Theo chúng con có mấy vấn đề đặt ra:
Thứ nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam gần nửa thế kỷ hình thành và phát triển. Đây là một quá trình tương đối ngắn so với chiều dài hơn 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nhưng đó là quá trình tương đối dài so với một đời người, nhưng vì trách nhiệm với cộng đồng, Phân ban Ni giới từ Trung ương đến địa phương đã cùng đại Tăng viết nên trang sử vàng của Phật giáo nước nhà trong thời hiện đại, góp phần tích cực vào thành tựu chung của Giáo hội.
Thứ hai, hoạt động của các cấp Giáo hội, của Phân ban Ni giới từ Trung ương đến địa phương đã tiếp bước tiền nhân, tạo nên sự phát triển vượt bậc, thành tựu được rất nhiều Phật sự trọng đại. Nguyên nhân của sự thành tựu này chính là tất cả thành viên Giáo hội, trong đó có Ni giới đều hòa hợp đoàn kết để cùng chung lo Phật sự, làm cho Đạo pháp xán lạn huy hoàng. Tuy nhiên, theo quy luật chung, đã có Phật sự thành tựu thì cũng có Phật sự chưa thành tựu. Với một vài Phật sự chưa thành tựu, chúng con tin rằng Giáo hội sẽ nghiên cứu và sẽ có quyết sách mang tính đột phá trong thời gian sắp tới.
Thứ ba, lịch sử luôn tiến về phía trước và để lại những bài học quý báu, nhưng thế giới mở như hiện nay luôn đan xen một số yếu tố tiêu cực lẫn tích cực, tấm lòng thiện nguyện khi thực hiện cũng có những ưu khuyết điểm, dấn thân hành đạo và truyền trì chánh pháp cũng xuất hiện quan điểm: một bên là muốn giữ nguyên vẹn truyền thống của một Tỳ kheo Ni như pháp, một bên là cải cách, đổi mới để phù hợp thời đại. Theo nhận định chủ quan cá nhân, chư Ni trẻ hiện nay muốn chu toàn tấm lòng thiện nguyện, truyền trì chánh pháp, theo chúng con có mấy việc cần quan tâm. Đó là:
1. Chư Ni trẻ đa số đều rất tốt, nhưng vẫn còn đó một bộ phận Ni giới trẻ chưa y cứ đầy đủ lời Phật dạy “Ngã sở thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp”, tức là mỗi chư Ni trẻ cần tinh sưu nghĩa lý, nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tránh chi đức; có khát vọng vươn lên như lúc sơ tâm vào đạo và nỗ lực tinh cần tinh tấn trong tu học; chuyển dục tham thành dục giải thoát; không có tâm tự mãn và thường xuyên kiểm điểm những lỗi lầm của 3 nghiệp; trưởng dưỡng đạo tâm, tăng cường đạo lực. Nếu được như thế, mỗi chư Ni trẻ mới không bị chi phối bởi ngũ dục và bát phong, tự tại thực hiện thiện nguyện và truyền trì chánh pháp.
2. Theo Luật Thiện Kiến1, muốn truyền trì chánh pháp thì mỗi chư Ni trẻ cần hiểu rõ, chánh pháp được trụ thế lâu dài phải cần hội đủ điều kiện: “Giới luật còn được Tỳ kheo/Tỳ kheo Ni trân trọng, giữ gìn; còn có luật sư ở đời; còn có 5 Tỳ kheo/Tỳ kheo Ni như pháp ở nơi biên địa; còn có 10 Tỳ kheo/Tỳ kheo Ni như pháp; còn có 20 Tỳ kheo/Tỳ kheo Ni như pháp.” Bác Hồ cũng dạy về nhân cách người cách mạng “Tâm dục tế, đảm dục đại, ý dục viên, hành dục phương2.” Qua đó khi thực hành đúng lời Đức Phật dạy, chúng ta sẽ thừa hành Phật sự, hợp tác với những người Phật tử như Đức Phật minh thị: “Phật tử thân cận bậc thiện sĩ (Tỳ kheo/ Tỳ kheo Ni đạo cao đức trọng), Phật tử nghe giảng dạy chánh pháp, Phật tử thực hành chánh pháp, Phật tử hiểu đúng chánh pháp.”
3. Chỉ có sự đoàn kết hòa hợp mới làm cho GHPGVN tiến về phía trước “Nhất nhật tam tỉnh ngộ thân”, hoặc “một ngôi nhà bị chia rẽ thì bản thân nó không thể đứng vững”, đó là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, khi thực hiện tấm lòng thiện nguyện và truyền trì chánh pháp, mỗi chư Ni trẻ phải có tư duy độc lập, vận dụng phương tiện thiện xảo nhưng không xa rời cứu cánh đó là làm cho Đạo pháp xương minh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trang nghiêm, phát triển bền vững trong lòng Dân tộc.
4. Như trình bày ở trên, trong một thế giới mở như hiện nay, việc tiếp tục nêu cao tấm gương đạo đức, lối sống, phẩm chất, đạo hạnh của các bậc Ni lưu tài đức kiêm ưu, trọn đời vì đạo pháp, hết dạ cho quê hương và đất nước trong những giai đoạn thăng trầm của lịch sử là những bài học vô giá để hàng hậu Ni giới trẻ học tập và noi gương là việc tối quan trọng. Khi non nước thanh bình, chúng ta lại bắt gặp hình ảnh thân thương của các Ni lưu trong màu áo lam, hay nâu sồng giản dị chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho trẻ mồ côi, cơ nhỡ; sự tận tụy dấn thân của chư Ni trong từng chuyến cứu trợ đồng bào bị thiên tai hay các công tác từ thiện xã hội khác đã đem đạo vào đời (truyền trì chánh pháp) bằng thân giáo. Quan trọng hơn, chính những việc làm tưởng chừng bình thường đó nhưng đã xiển dương Chánh pháp đến những vùng sâu vùng xa, làm tốt đạo đẹp đời… Đơn cử như Ni giới tỉnh Bình Phước, tỉnh Bình Dương và Ni giới các tỉnh, thành đã thực hiện tuyệt vời trong thời gian qua.
Với tinh thần dấn thân và truyền trì chánh pháp, Ni giới bằng tư duy kế thừa, vận dụng phương tiện thiện xảo để thực hiện lời Đức Phật dạy một cách linh hoạt bằng tấm lòng bao dung rộng mở, luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ khi có thể và mở rộng vòng tay đùm bọc, chia sẻ, yêu thương đến tất cả mọi người xung quanh để làm cho đạo thịnh nước hưng.
Trong tinh thần và ý nghĩa đó, Ni giới tỉnh Bình Phước, tỉnh Bình Dương đã và đang thực hiện nhiệm vụ của mình theo tinh thần “Đồng tâm vĩnh hảo”. Đó là tiếp tục tham gia các phong trào do Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chính quyền, Mặt trận các cấp phát động, như tuyên truyền, vận động, chung sức chung lòng và chia sẻ cùng xã hội trong việc cưu mang những mảnh đời bất hạnh, tham gia tích cực trong việc thành lập Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, lang thang, cơ nhỡ, không nơi nương tựa, nhất là công tác hoằng pháp thực hiện có kết quả tốt đẹp.
Chúng ta có thể thấy tinh thần “Đồng tâm vĩnh hảo” vừa thể hiện tấm lòng thiện nguyện, vừa truyền bá chánh pháp. Nếu hình ảnh của các bậc Tôn trưởng Ni ngày xưa khoác ca-satham gia bảo vệ Tổ quốc, thì hôm nay chư Ni trẻ kế thừa tinh thần ấy: “Mặc cả cà sa mặc cả blouse trắng, áo xanh, dấn thân vào các khu cách ly tập trung để cùng Y – Bác sĩ chăm sóc người bệnh và phòng chống dịch Covid-19.”
Ns. Thích Nữ Từ Thảo (ĐSHĐ-115)
- Đại chính tân tu, quyển 22 – 24.
- Hồ Chí Minh toàn tập.