“Một mùa xuân nho nhỏ,
Lặng lẽ dâng cho đời,
Dù là tuổi hai mươi,
Dù là khi tóc bạc.”
Thật vậy, người có tâm phụng sự cho cuộc đời, cho nhân quần xã hội thì đứng ở bất cứ vị trí nào họ cũng xả thân để làm những việc đem đến lợi ích an vui cho mọi người chung quanh. Nói đến vấn đề này, người viết muốn chia sẻ chút thông tin về chùa Bửu Trì, TP. Cần Thơ. Nơi được xem là mái ấm của hơn 60 mảnh đời bất hạnh, đang từng ngày, từng giờ trưởng thành trong sự cưu mang, bảo bọc, chở che của Ni sư trụ trì. Chùa Bửu Trì tọa lạc tại số 67 đường Mậu Thân, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Chùa được lập vào năm 1966, do bà Khương Thị Khanh là chủ đất xây dựng nên, sau đó thỉnh thầy Thích Bửu Thinh về trụ trì từ năm 1966 đến năm 1973. Từ năm 1974 đến năm 1988 thầy Thích Nghĩa Thành trụ trì và từ năm 1989 đến nay 2014 Ni sư Thích Nữ Tâm Niệm làm trụ trì. Năm 1990 Bửu Trì tự được trùng tu lần thứ nhất, tháng giêng năm Tân Mão (2011) đại trùng tu.
Là một tu sĩ Phật giáo, đã tốt nghiệp trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam khóa I, nay là Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, biết may quần áo, am tường cây cỏ vị thuốc, cũng là con dân đất Cần Thơ. Sư trụ trì ngoài việc phụng sự đạo pháp còn hết sức tích cực trong mọi công tác xã hội tại địa phương. Đặc biệt, trên lĩnh vực nuôi dạy trẻ. Từ khi làm trụ trì, những năm chùa còn chật hẹp ẩm thấp, nhưng với hạnh nguyện lợi tha, Sư đã cưu mang các sinh viên nghèo ở các tỉnh về Cần Thơ ôn thi đại học. Và còn trợ giúp đóng học phí cho ăn ở tại chùa trong thời gian học đại học. Tiếp nhận những học sinh nghèo hoặc hoàn cảnh khó khăn ở những xã vùng sâu của Cần Thơ (trước đây là Hậu Giang) nuôi ăn, cho ở tại chùa để đi học. Hiện nay, các em này đã có việc làm, có cuộc sống gia đình riêng.
Không những bảo trợ cho sinh viên và học sinh nghèo, sư trụ trì còn cưu mang 10 cụ già neo đơn tại chùa. Người viết tận mắt thấy Sư bưng cơm, rót nước, sắc thuốc cho các cụ, thậm chí cả đổ vật đại, tiểu tiện khi các cụ đau ốm. Hầu như đồng bào nghèo ở các tỉnh sinh sống tại Cần Thơ hay người dân địa phương sống trong phường hoặc quận Ninh Kiều có thể nói đều nhận được sự quan tâm chia sẻ gạo, tiền và giúp đỡ khi thắt ngặt từ nơi Sư. Chính tôi chứng kiến thời Cần Thơ chưa lên Thành phố trực thuộc Trung ương. Lúc đó còn phà và còn phương tiện đi lại bằng xe đạp ôm. Mỗi khi có người già đến xin gạo, sư cho gạo còn gọi xe đạp ôm tới trả tiền và nhờ chở người cùng gạo về tận nhà. Về sau biết nhà cứ tới tháng Sư kêu xe đạp ôm tới đưa gạo về tận nhà, vì các cụ sống một mình đã lớn tuổi lại đau ốm nên di chuyển rất khó và nguy hiểm. Lòng từ của Sư dành cho mọi người đặc biệt là người già, người đau yếu bệnh tật và trẻ em bị bỏ rơi. Từ năm 1998 đến nay, chùa thường nhặt được trẻ sơ sinh bị bỏ trước cửa vào khoảng 4 – 5 giờ sáng. Có khi chỉ cách 5 – 7 ngày mà người ta bỏ đến 3 cháu. Mỗi khi phát hiện có cháu bé bị bỏ rơi trước cửa chùa, Sư trụ trì đều trình báo với chính quyền địa phương đến lập biên bản và sau nhiều ngày địa phương thông tin tìm người thân các cháu không được, bảo là duyên chùa thì chùa nuôi đi. Tất cả các cháu bị bỏ vào chùa đều có khai sinh hợp pháp do Sư trụ trì đứng làm mẹ.
Nhìn lại quá trình nuôi dạy các cháu gần 20 năm của Sư trụ trì khiến tôi không thể không rơi nước mắt. Đặc biệt là giai đoạn chùa bị giải tỏa cũng như các giai đoạn phục hồi trùng tu. Biết bao nhọc nhằn vất vả đè lên đôi vai của một nữ tu vóc dáng ốm gầy. Những năm đó, sư đảm nhiệm Chánh Thư ký Văn phòng Ban Trị Sự Phật Giáo Cần Thơ, Giáo thọ sư Trường Cơ Bản Phật Học Cần Thơ, Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Chữ Thập Đỏ Cần Thơ, Đại Biểu Hội Đồng Nhân Dân các khóa…vừa lo việc của Giáo hội, việc chùa và xã hội lại còn phải lo chăm sóc nuôi dạy các cháu nhỏ từ việc học đến cái ăn, mặc, bệnh đau… thật đáng khâm phục.
Những năm trước, chưa được nhiều người biết và giúp đỡ phụ với Sư để chăm lo cho các cháu. Tôi thấy Sư liên tục nhận tụng kinh đám không ngại ngày đêm, Sư vẫn đội nắng dầm mưa đi tụng kinh để có tiền mua sữa cho các cháu cũng như lo việc học hành. Gần 60 cháu nhỏ vì lý do gì đó đã bị người thân dứt bỏ, được Ni sư cưu mang, nuôi dưỡng và cho đi học đến nơi đến chốn. Người đã dùng lòng từ bi và tình yêu thương vô bờ bến để bao bọc, che chở và bù đắp, tạo điều kiện tốt nhất để các cháu có được cuộc sống như bạn bè, để không cảm thấy thiệt thòi, mất niềm tin về bản thân mình. Ni sư là người cha, người mẹ thứ hai của các cháu và ngôi chùa Bửu Trì chính là mái nhà chung thân thương nhất trong tâm trí của các cháu. Không ruột thịt, máu mủ nhưng tấm lòng và sự hy sinh của Ni sư dành cho các cháu còn hơn cả tình thân.
Hiện nay, có 18 cháu học mầm non, 30 cháu học tiểu học, 5 cháu học THCS và 1 cháu học lớp 11, cùng 2 cháu khuyết tật không đi học được và 4 cháu từ 6 đến 10 tháng tuổi còn bú. Điều đáng trân quý và khâm phục là tâm phụng sự đạo pháp và nhân quần xã hội của Ni Sư. Đứng ở vị trí một người xuất gia đệ tử Phật, Sư làm tròn trách nhiệm là giữ gìn, trùng tu để có được ngôi chùa trang nghiêm như hiện nay, là nơi để đồng bào Phật tử quy ngưỡng trau giồi đức hạnh, nuôi dưỡng ý chí hướng thượng đạo đức. Học rộng, nghiên cứu sâu giáo lý Phật – đà, làm bậc thầy tâm linh cao thượng cho hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia noi theo tu học.
Trên cương vị một công dân, Ni sư đã góp biết bao công sức cùng với các cấp chánh quyền trong công tác xóa đói giảm nghèo, chăm lo giáo dưỡng những mầm non của đất nước. Không phải đợi lễ này dịp nọ mới làm để được nhiều người biết mà Ni sư làm trong âm thầm, mong đem tình yêu thương, sự cảm thông đến với mọi người những lúc khó khổ mà thôi. Cầu chúc Ni sư dồi dào sức khỏe, tuổi thọ dài lâu để tận mắt chứng kiến sự trưởng thành và thành đạt của những đứa con thân yêu mà Ni sư đã dưỡng nuôi từ những ngày còn đỏ hỏn. Chúc các cháu luôn được sống vui bên mẹ cùng anh chị em dưới mái ấm Bửu Trì.
Huyền Không (ĐSHĐ-014)