Ngày 04/01/2024, lần đầu tiên tôi có nhân duyên được tham gia hai hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ Phật học tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện này đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp về sự nghiêm túc, chuẩn mực và bài bản của một cơ sở giáo dục Phật học hàng đầu của Việt Nam.
Hội đồng thứ nhất diễn ra từ 9 giờ đến 11 giờ 30 phút tại Khoa Lịch sử Phật giáo do Thượng toạ Thích Chơn Minh làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng này đánh giá luận văn Thạc sĩ của Học viên Thích Nữ Như Hạnh (Nguyễn Thị Thùy Trang) do Ni sư Thích Nữ Như Nguyệt hướng dẫn chính và tôi tham gia với tư cách người đồng hướng dẫn khoa học. Tại Hội đồng, học viên đã trình bày tóm tắt nội dung luận văn thạc sĩ về chủ đề “Đóng góp của Ni giới Việt Nam qua lĩnh vực báo chí Phật giáo (1933-1975)”, trong đó nêu bật sự cần thiết của đề tài, mục đích, đối tượng, phạm vi, phương pháp nghiên cứu cũng như những điểm chính của 03 chương nội dung của luận văn. Qua phần trình bày, học viên đã cho thấy, nghiên cứu đóng góp của Ni giới Việt Nam qua lĩnh vực báo chí Phật giáo giai đoạn 1933-1975 rất cần thiết trong bối cảnh những đóng góp của Ni giới Phật giáo Việt Nam giai đoạn này còn ít được biết đến, nguồn tư liệu còn tản mát và chưa được lưu trữ đầy đủ. Luận văn đã góp phần làm sáng tỏ những đóng góp quý báu của Ni giới với báo chí trong giai đoạn lịch sử đặc biệt khi Việt Nam lần lượt phải trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Sau phần trình bày khái quát nội dung của Luận văn, học viên đã lần lượt nhận được sự đánh giá từ các thành viên Hội đồng khoa học: TT. Thích Đồng Thành, TS. Dương Thanh Mừng, TS. Ninh Thị Sinh, Ni sư Huệ Khánh (Thư ký Hội đồng). Các thành viên Hội đồng đã đặt nhiều câu hỏi cho học viên. Nhìn chung, thành viên Hội đồng đánh giá cao quá trình nỗ lực và làm việc nghiêm túc của học viên, đồng thời cũng đưa ra những góp ý gợi mở để học viên hoàn thiện hơn nữa luận văn của mình. Đối với những câu hỏi của Hội đồng, học viên đã có sự tiếp thu lĩnh hội ý kiến và phản hồi lưu loát, qua đó cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nắm vững kiến thức của học viên đối với chủ đề nghiên cứu. Ghi nhận kết quả sự nỗ lực của học viên, Hội đồng đã có đánh giá cuối cùng cho luận văn ở mức điểm giỏi.
Với tư cách là người đồng hướng dẫn khoa học, tôi đã bày tỏ sự tri ân đối với Khoa Lịch sử Phật giáo, Học viện Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, Thượng tọa Thích Chơn Minh và Ni sư Thích Như Nguyệt, đã tạo điều kiện cho tôi được tham gia hướng dẫn luận văn thạc sĩ tại khoa và Học viện. Tôi cũng bày tỏ sự tri ân đến Hội đồng khoa học đã có những đánh giá sâu sắc về đề tài luận văn của học viên. Tôi rất vui mừng và vinh dự khi lần đầu tiên tham gia hướng dẫn khoa học tại Học viện Phật giáo đã được thành tựu. Quả thật, người hướng dẫn khoa học cũng thật may mắn khi được hướng dẫn một học viên giỏi. Chủ đề về đóng góp của Ni giới Phật giáo với báo chí là một chủ đề khó vì chưa có nhiều nghiên cứu và tư liệu rất tản mát. Thời kỳ chiến tranh việc lưu giữ tư liệu không được quan tâm chú ý. Thế nhưng, bằng tinh thần nỗ lực học hỏi và vượt khó, học viên Thích Nữ Như Hạnh đã tìm kiếm được nguồn tư liệu rất phong phú, với hơn 225 đầu tài liệu tham khảo, tương đương với tư liệu của một luận án tiến sĩ (như có thành viên Hội đồng nhận xét). Trên cơ sở đó, học viên đã bóc tách, tra cứu và viết được một bản luận văn có hệ thống, phong phú về nội dung và chỉn chu về hình thức.
Hy vọng, những thành tựu bước đầu trên con đường khoa học này sẽ khích lệ học viên Thích Nữ Như Hạnh tiếp tục nỗ lực tinh tấn và vững bước trên con đường khoa học nhiều vinh quang nhưng cũng không ít chông gai.
Hội đồng thứ hai diễn ra từ lúc 13 giờ đến 15 giờ cùng ngày tại Khoa Triết học Phật giáo do Thượng tọa Thích Tâm Đức làm Chủ tịch Hội đồng. Tại Hội đồng này, học viên Thích Nữ Thánh Diệu (Nguyễn Thị Thanh Huyền) trình bày luận văn về chủ đề “So sánh tư tưởng về hạnh phúc của Aristotle với tư tưởng về hạnh phúc trong Kinh Trung Bộ”, dưới sự hướng dẫn khoa học của TS. Lương Thị Thu Hường.
Nghiên cứu so sánh tư tưởng về hạnh phúc của Aristotle và tư tưởng về hạnh phúc trong Kinh Trung Bộ là một chủ đề rất thú vị, vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có giá trị thực tiễn. Đúng như luận văn đã chỉ ra, con người ở bất kỳ thời đại nào cũng đều có khát vọng được sống hạnh phúc. Nghiên cứu này không chỉ giúp hiểu rõ hơn con đường đưa đến hạnh phúc theo quan điểm của triết gia Aristotle và Đức Phật như được thể hiện trong Kinh Trung Bộ, mà còn giúp hiểu rõ hơn về tư tưởng triết học phương Tây (trong đó Aristotle là triết gia tiêu biểu) và triết học phương Đông (trong đó Đức Phật là triết gia tiêu biểu). Nghiên cứu so sánh là một xu hướng được khuyến khích trong nghiên cứu nhưng cũng là một việc khó, vì để so sánh thấu đáo cần nắm rõ cả hai đối tượng so sánh.
Sau phần trình bày khái lược nội dung của luận văn, học viên đã nhận được những ý kiến nhận xét của thành viên Hội đồng khoa học, bao gồm PGS. TS. Hoàng Thị Thơ, Thượng tọa Thích Đồng Thành, TS. Lê Thị Hằng Nga và Ni sư…. (Thư ký Hội đồng). Nhìn chung, thành viên Hội đồng ghi nhận sự nỗ lực của học viên trong hướng nghiên cứu so sánh, đồng thời đưa ra những góp ý chi tiết để học viên hoàn thiện hơn nữa đề tài của mình.
Trải nghiệm tham gia Hội đồng đánh giá luận văn Thạc sĩ Phật học với tư cách người hướng dẫn khoa học và ủy viên Hội đồng tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh thực sự là một trải nghiệm giá trị. Có thể nói, hoạt động giáo dục đào tạo là quá trình tương tác hai chiều, trong quá trình ấy, không chỉ người học mà người hướng dẫn và người nhận xét đánh giá cũng học hỏi được rất nhiều. Hy vọng rằng, trong tương lai, bản thân sẽ được tham gia nhiều hơn những Hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ Phật học, để không ngừng mở rộng tầm mắt trên con đường tri thức và đồng thời đóng góp phần nhỏ bé cho đại dương tri thức mênh mông vô tận ấy.
Lê Thị Hằng Nga (ĐSHĐ-125)