Mấy hôm sau, tình hình nhà trẻ trở nên dịu hơn vì Dustin đã quen với bạn bè và các sinh hoạt chung. Nhưng nó vẫn ăn nhiều. Hôm nào nhà bếp không dư thức ăn để thềm phần cho nó, cả buổi chiều đó nó gây gổ, càu nhàu mãi. Vì vậy Phượng phải thủ sẵn một hộp bánh để phòng khi nó đói.
Dustin vui vẻ được ăn thêm nhưng đến ngày thứ ba thì nó không muốn ăn nữa. Dustin lừ đừ như bệnh. Phần ăn trưa nó cũng không dùng hết. Chiều, Phượng đút bánh vào miệng Dustin, nó đẩy ra. Nàng cho bà chủ hay.
Vốn giàu kinh nghiệm, bà hỏi ngay:
– Mấy hôm nay thằng bé có đi ngoài không mà chẳng thấy em gọi tôi giúp?
Phượng trả lời với một chút xấu hổ:
– Không thấy nó đi!
Bà Karen gật gù tỏ vẻ hiểu biết:
– Tôi sẽ liên lạc với bà ngoại nó và trả lời cô sau.
Người Hoa Kỳ có thói quen tốt. Chuyện gì chưa biết chắc chắn họ không bao giờ đoán chừng rồi nói đại. Họ luôn luôn tìm hiểu rõ ràng rồi mới kết luận.
Hôm kế tiếp, thằng Dustin cũng đến nhà trẻ với dáng điệu lừ đừ, mệt mỏi. Bà chủ cho biết: “Vì bà ngoại Dustin cho nó uống thuốc tiêu chảy nên bây giờ nó bị bón.” Rồi bà dặn Phượng: “Hôm nay phải ép nó ăn cam và uống nhiều nước vào.”
Nhưng cả buổi sáng nó không chịu ăn gì cả. Đút cam tận miệng nó cũng nhả ra. Phượng dỗ dành mãi Dustin mới chịu uống chút nước táo.
Nó lại không thích chơi chung với ai. Đứa bé nào tới gần, nó gầm gừ như con chó. Cô bé Jackie dễ thương của Phượng vừa đưa tay sờ vào chiếc xe hơi Dustin đang cầm, nó há miệng định cắn, may mà nàng xô nó ra kịp.
Bữa ăn trưa hôm nay, nó ngồi bốc thức ăn mà chơi. Phượng kiên nhẫn dụ mãi, nó uống được nữa ly sữa.
Bà Karen lắc đầu:
– Con nít không nên cho uống thuốc bừa bãi. Tai hại như vậy đó!
Trưa hôm ấy, Phượng di làm đem theo mấy trái chuối. Trúng tủ rồi! Dustin chịu ăn. Phượng cho nó mỗi lần một trái và nó ăn hai lần như vậy. Nó ăn rồi, nàng chờ hoài cũng không nghe rục rịch gì hết. Có lúc nghe mùi, Phượng mừng rơn, tưởng là nó nhưng xét lại là của đứa khác.
Mãi đến xế chiều, đang lúc cả lớp tập tô màu, nàng thấy mặt Dustin đỏ rần và nó bắt đầu vận dụng sức để tống ra. Một lần, hai lần rồi ba lần. “Chắc xong rồi!” Phượng mừng húm, dẫn nó vào phòng vệ sinh.
Phượng hơi thất vọng vì thấy chỉ có ba cục bi tròn, chặt cứng. Rồi nàng lại nhớ lần đầu tiên… Phải bây giờ nó xổ ra như lần đó chắc Phượng vui hơn là gớm. Bởi vì nàng thấy rõ trong phẩn hôi có tiếng cười, có sự thoải mái của đứa trẻ và hạnh phúc tầm thường của nó ảnh hưởng đến Phượng, đến mọi người chung quanh.
Khi bộ tiêu hóa của chú Dustin hoạt động bình thường trở lại, mỗi ngày Phượng phải thay cho bé một cái tã dơ, mà nàng không gớm nữa, không cần gọi bà Karen giúp… Bởi vì bây giờ nó dễ thương quá!
Sáng sáng, khi ngoại nó vừa dẫn vào tới cửa, Dustin chạy loăng quăng vào lớp tìm Phượng. Nhìn dáng nó chạy, ai cũng buồn cười: Cái đít diêu diêu, cái đầu lúc lắc. Khi Dustin thấy Phượng, nó chạy lại, sà vào, ôm lấy chân nàng. Nó ôm như vậy mãi cho đến khi Phượng ngồi xuống ôm “con chó” ấy vào lòng rồi vỗ vỗ vào lưng bé mấy cái, Dustin mới chịu rời ra. Những lúc ấy, Phượng không thấy nó đen đúa xấu xí, nàng chỉ cảm nhận nỗi sung sướng cùng ánh mắt tin yêu của nó trao cho nàng. Điều đó làm nàng hạnh phúc.
Thằng bé thích hoạt động và nhớ dai. Một lần, Phượng mở nhạc lên dạy cho đám trẻ chơi trò đánh nhịp theo nhạc trưởng. Thế là mỗi lần nghe nhạc hay nghe nàng cất tiếng hát, hai tay tròn ủm của nó đưa lên đưa xuống rồi lúc lắc cái đầu, ngúng nguẩy cái mông, miệng cười toe toét. Phượng kêu bà Karen vào xem, bà cười thích chí và tiến đến ôm bé, nó ngã vào tay bà một cách trìu mến.
Trong các trò chơi hay những lúc chạy nhảy ngoài sân, rủi bị té, nó lồm cồm ngồi dậy, nhìn Phượng rồi nhoẻn miệng cười. Nó là đứa bé ngoan chứ không là em bé hay khóc nhè như Phượng dự đoán trước kia.
Có hôm nó giận Phượng. Số là trong lúc Phượng loay hoay chuẩn bị đất sét giả cho tụi trẻ nặn hình chơi thì có tiếng bé April khóc ré lên. Nàng ngẩng nhìn lên: Thằng Dustin đang cầm con búp bê mà thường khi cô bé April vẫn ôm ấp nựng nịu. Không kịp suy nghĩ, Phượng bước tới, giựt con búp bê trên tay thằng Dustin trao cho cô bé April mũm mĩm của nàng.
Từ đó đến chiều, Dustin buồn thỉu buồn thiu. Nàng đưa món đồ chơi khác cho nó, nó phủi ra; Phượng đưa bánh nó quay mặt. Dustin không khóc. Nó lặng lẽ ngồi ở góc phòng, không hưởng ứng trò chơi nào cho đến lúc ra về. Điều đó làm Phượng áy náy.
Bữa sau, Phượng đối xử với Dustin có phần đặc biệt hơn, như là để chuộc lỗi. Mỗi khi nàng ngồi xuống, nàng cho nó ngồi trong lòng. Từ đó, Dustin độc quyền nơi vị trí ấy, không đứa nào dám giành “ngôi vị” đó vì nó quá mạnh, không ai đẩy nó ra được.
Dustin rất thích được vuốt ve, âu yếm. Mỗi khi nàng xoa đầu nó, nó lim dim mắt và ngả ngớn trong đôi cánh tay nàng. Nhiều lúc không có chuyện gì làm, Phượng véo vào hai gò má nung núc thịt của nó, bé cũng ngồi yên cho Phượng nựng. Dustin thích dang hai tay xoay bồ bồ, quay vòng vòng cho đến khi té xuống, nó nằm im hồi lâu rồi nhổm dậy xoay tiếp. Đôi khi nó lộn mèo. Mấy đứa khác bắt chước làm Phượng đứng tim, cứ sợ tụi nó gãy cổ. Ngày nào, Dustin nghỉ, Phượng thấy nhớ vô cùng. Vắng nó, lớp học như không còn sinh động.
Bà Lan không nghe Phượng than phiền về thằng nhỏ người Mỹ đó nữa, tò mò hỏi:
– Thằng bé người Mỹ gì đó còn ở nhà trẻ không? Sao má không nghe con than thở gì nữa?
Phượng mỉm cười:
– Bây giờ nó ngoan lắm! Con lại thấy nó dễ thương mới lạ chớ!
Bà Lan không ngạc nhiên:
– Mình cực với đứa nào nhiều thì lại mến nó nhiều hơn mấy đứa khác. Hồi còn đi dạy, đứa học trò nào hay phá phách má lại nhớ nó lâu.
… Còn hai tuần nữa thôi, Phượng phải từ giã đám trẻ để trở về với sách vở. Sẵn dịp vừa lãnh lương, Phượng xuống phố mua đồ cho bà Karen và định bụng tìm một vài bộ đồ cho Dustin. Tội nghiệp, quần áo của nó quá cũ. Nàng chọn được một bộ lính thủy và một bộ đồ có dấu hiệu Bulldog của trường với hai màu truyền thống: màu đỏ rượu chát đi với màu trắng. Phượng tưởng tượng lúc nó mặc bộ Bulldog vào thì cả người nó trở thành “con chó” bằng xương bằng thịt chớ không phải là hình vẽ trên áo thun.
Nghĩ cũng lạ, hồi mới đến học ở trường MSU, Phượng sợ không dám nhìn dấu hiệu Bulldog của trường vì mặt con chó dữ dằn dễ sợ! Thế mà sau mấy năm gắn bó với trường lớp và những sinh hoạt của trường, Phượng lại yêu mến dấu hiệu ấy và thích mua những vật dụng có in hình con chó.
Đối với thằng Dustin cũng vậy. Lúc mới gặp, Phượng cũng ngán bộ vó và mặt mày của chú nhưng bây giờ sắp sửa chia tay, nó là người nàng quyến luyến hơn hết. Có lẽ Phượng sẽ nhớ nó nhiều hơn những cô bé xinh đẹp như Jackie, April, hay mấy chú bé Mỹ trắng với mặt mày sáng sủa, ăn bận tươm tất đàng hoàng… Tại bé Dustin có duyên hay vì kỷ niệm buộc ràng?
Phượng cầm hai bộ đồ trên tay, đứng im lặng, đăm chiêu. Bỗng nàng đổi ý. Phải về xem kỹ lại coi nó đang mặc số mấy rồi mau trừ hao, như thế chú có thể mặc được lâu hơn. Vì nó ăn tợn và lớn như thổi nên bà ngoại nó sắm đồ không kịp.
… Buổi chiều, trẻ con trong lớp Phượng đã được cha mẹ đón về gần hết. Trong khi hai đứa bé kia say mê với chiếc xe cảnh sát vừa chạy vừa hú còi, thằng Dustin ngả ngớn đùa với Phượng. Nó vuốt tóc, bẹo má Phượng rồi vỗ vỗ lưng nàng như Phượng thường làm cho nó. Nàng cảm thấy sung sướng. Có lẽ khi nàng âu yếm nựng nịu các em bé, chúng cũng hạnh phúc y như vầy, trong tình thương của nàng.
Bà ngoại Dustin đến đón nó. Hôm nay bà tới sớm hơn thường ngày. Sau lưng bà là một cô gái trẻ, cao lớn. Cô mặc quần jean bó chẽn, áo thun trắng ngắn ngủn phơi bày một vòng bụng đen bóng. Tóc nhuộm vàng chóe, xịt đầy keo làm sợi nào sợi nấy cứ phải đứng yên một chỗ. Trên cái mặt phấn son đậm lét, hai khoen tai bằng đồng nặng và to sáng lấp lánh.
Bà già lên tiếng giới thiệu:
– Đây là mẹ của Dustin, còn đây là cô giáo. Tôi nói cho mẹ nó biết cô thương thằng Dustin lắm nên mẹ nó đến đây cám ơn cô.
Cô gái cười, hỏi:
– Nó ngoan không?
Phượng đáp:
– Nó ngoan, thông minh và dễ thương.
– Tôi cũng biết như vậy. Mẹ tôi hãnh diện vì nó. Nhưng nó sắp đi xa. Hôm nay là ngày cuối Dustin ở lại đây. Tôi cám ơn cô đã chăm sóc cháu rất chu đáo.
Phượng giựt mình, hỏi lại cho kỹ:
– Cô đem nó đi theo cô?
– Phải. Tôi đem nó về New York. Ở đó có người nhận Dustin làm con nuôi. Họ giàu, tương lai nó sẽ tốt đẹp hơn.
Như bị những mũi kim châm vào tim, Phượng đứng lặng người, buồn xo. Bà ngoại thằng Dustin trao cho nàng cái nhìn thông cảm rồi nhún vai, không nói gì.
Cô ta bước vào phòng ngồi xuống, giơ hai tay ôm thằng bé. Nó vùng vằng đẩy ra, chạy lại níu áo Phượng. Nàng ẵm Dustin lên, ôm chặt lấy nó, vỗ vỗ vào lưng cậu bé. Nước mắt nàng ứa ra tự lúc nào. Nàng giận mình sao hồi trưa không mua hai bộ đồ để bây giờ nó có thể mang theo… Mà ba má nuôi của nó giàu, sẽ mua cho nó nhiều quần, lắm áo. Nhưng liệu nó có sung sướng không?
Phượng trao đứa bé cho mẹ nó. Dustin vùng vẫy như bị bắt cóc thật. Người đàn bà lạ mặt đó sẽ mang Dustin ra khỏi tổ ấm của nó từ bấy lâu nay. Tổ ấm dệt bằng những cọng rơm nghèo nàn nhưng nó luôn luôn cảm thấy ấm áp, hạnh phúc trong tình thương của bà ngoại, thêm vào sự săn sóc ân cần của cô giáo.
Dustin khóc thét lên. Tiếng khóc của nó xé lòng nàng. Cô gái ẵm Dustin đi thẳng ra xe. Phượng tự an ủi: “Người ta nhận nó làm con chắc họ phải thương nó. Bây giờ đâu còn chế độ nô lệ như xưa, đâu có nạn mua bán người.”
Bà ngoại Dustin còn đứng nán lại, khều Phượng nói nhỏ:
– Mẹ nó ham 30.000, đem con cho người ta. Tôi ước gì có số tiền đó để giữ thằng bé lại.
Phượng cũng tiếc rẻ:
– Nếu mẹ Dustin cực khổ với nó từ nhỏ chắc bây giờ một bước cũng không muốn rời nói gì giao con cho người khác!
Bà ngoại Dustin vừa xoay lưng đi vừa nói:
– Tôi mới là mẹ của Dustin phải không cô?
Phượng biết bà đau khổ lắm khi nói ra câu ấy. Có lẽ bà muốn nguyền rủa con gái bà cho hả giận nhưng trái tim người mẹ không nỡ làm như vậy. Mai đây, nhớ thằng cháu ngoại bà không thể tìm thăm nó, sẽ không còn có dịp ôm nó vào lòng để nựng nịu, hôn hít thỏa thuê. Rồi Dustin lớn lên, đành rằng nó không biết tới người mẹ ruột vô tình của nó, vì huyết thống dù là nhân tố thiêng liêng nhưng nếu không được nuôi dưỡng bằng tình thương và trách nhiệm, sẽ loãng dần thành nước lã, nhưng Dustin cũng sẽ không nhớ gì hết về bà ngoại, người đã nuôi dưỡng nó từ lúc sơ sinh với tâm tình mẫu tử. Bà sẽ mất nó vĩnh viễn.
Chiếc xe đã rồ máy vọt đi. Phượng đưa tay gạt nước mắt. Bà Karen cũng bước vào với cặp mắt đỏ hoe…
Vườn Lâm Tì Ni được hoàn tất xong thì trời đã hoàng hôn. Mọi người vào chùa lo rửa tay để làm cơm chiều, Phượng còn đứng tần ngần dưới gốc Anh Đào. Vào cuối mùa Xuân, cây chỉ toàn lá xanh nhưng Phượng đã gắn vào đấy những chùm bông trắng làm bằng giấy để giả làm hoa Vô Ưu, đứng xa nhìn lại trông cũng đẹp mắt. Cuốn phim về thằng Dustin vừa diễn ra trong ký ức làm nàng nghĩ ngợi miên man. Nàng tự hỏi: “Chẳng biết cuộc sống của Dustin bây giờ ra sao? Ba má nuôi của nó có vì hình tướng xấu xí của đứa bé mà ghét bỏ nó không?”
Đầu óc Phượng bỗng lóe lên một tia sáng: “Ờ, hồi mới gặp nó mình cũng thấy ghê làm sao, vậy mà khi tình thương phát sinh, nó trở nên duyên dáng, ngộ nghĩnh lạ lùng. Phải chăng với đôi cánh của tình thương, con người có thể vượt qua được bức tường ngăn cách phân biệt của ý thức? Phải chăng các Đức Phật, các Bồ tát chỉ cần sống trọn vẹn với lòng từ bi với sự hỷ xả thì hoa vô ưu nở mãi trong tâm hồn?
Phượng vịn tay kéo một cành hoa. Nàng hiểu ra rằng đâu phải chỉ một mình hoàng hậu Ma Gia mới có thể làm đản sanh một Đức Phật. Buông bỏ hết mọi sự chấp trước phân biệt thì một vị Phật ra đời. “Lìa tất cả tướng tức Như Lai” là vậy.
Bích Thu (ĐSHĐ-056)