Kính dâng Giác linh Cố Ni trưởng thượng Như hạ Ngộ
Viện chủ chùa Vạn Hạnh Q.10, nhân ngày Tiểu tường
Kết đệ huynh, muôn đời trong Chánh pháp
Nghĩa thâm tình, sâu thẳm từ kiếp xưa
Gặp lại nhau, trong tình nghĩa Đại thừa
Đưa nhau đến, bên chân trời Giác ngộ.”
Thật vậy, lúc nhập học tại Ni viện Từ Nghiêm, nơi trụ sở Ni bộ Bắc tông (nay là trụ sở Phân ban Ni giới Trung ương). Chúng em như những đàn chim bay về tổ ấm. Hàng ngày đượm nhuần ơn pháp vũ của Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH và quý Sư bà, Ban Giám viện Ni trường Từ Nghiêm, quý Ngài Giáo thọ Sư, được quý Sư bà mời đến để truyền trao kiến thức cho đàn hậu học. Bên cạnh đó, Sư chị là viên gạch nối giữa Sư bà và Đại chúng. Với chức Tri sự, nhưng Sư chị gánh vác rất nhiều công việc cho đại chúng, nhất là lớp Trung đẳng, Sư chị đã hy sinh bửa củi thay cho chúng nhỏ có thì giờ để học bài. Sư thường nói: “Mấy chú lo học cho giỏi, để sau này Ni giới còn nhờ, còn củi để đó Ngộ bửa cho, chứ mấy chú không biết bửa, chẻ vào chân thì khổ lắm!” Ôi! Sao mà có người Sư chị chân chất, thiệt thà đến thế! Rồi đến năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, giang sơn nối liền một dải, trường học tạm thời đóng cửa. Lúc tranh tối tranh sáng, đường lối Cách mạng chưa ai rõ lắm, nên quý Sư bà cũng sợ không đủ kinh tế nuôi chúng, nên đã đưa chúng đi canh tác.
– Một nhóm đi canh tác ở Đại Tòng Lâm, khoảng 10 Vị.
– Một nhóm đi canh tác ở Mộc Hóa, khoảng trên 10 Vị.
– Một nhóm đi canh tác ở Bình Tuy, chùa Phổ Đà, khoảng trên dưới 10 Vị.
Sư chị hướng dẫn nhóm canh tác ở Bình Tuy, có cả Ni trưởng thượng NHƯ hạ THÔNG, hiện nay (2023) là Quản Sự chùa Từ Nghiêm và chị Diệu Ninh, ba vị đứng tuổi, còn tụi em (Sư Phước Giác, Sư Chơn Minh, Sư Minh Thường, Sư Giới Châu, Sư Hạnh Thanh…), khoảng tuổi từ 20 mươi đến 30 mươi trở lại. Là tuổi Ni sinh mới rời ghế nhà trường, giờ thì ra cầm cuốc đào gốc măng le, để tỉa đậu, trồng lúa. Tuy mệt nhọc nhưng tụi em rất vui, sáng mỗi đứa một cây cuốc, mặc bộ đồ lao động hăm hở đi trông rất oai vệ, trưa về ăn cơm, trong tay mỗi đứa hái một nắm rau rừng, về bỏ ra là được một rổ, để người trực nhật khỏi phải lo rau luộc buổi chiều. Một giờ rưỡi thức chúng, nhưng vì lao động chưa quen, nên tay chân mỏi nhừ, không sao dậy nổi. Thế là Sư chị bỏ vào tay mỗi đứa hai viên kẹo, mới chịu dậy, uống nước rồi đi làm, Sư chị khéo dụ như thế chứ không hề rầy la. Chiều lại đi làm về, xuống suối tắm như bầy tiên, cuộc sống sao mà quá thú vị, tắm xong đồ không giặt, để hôm sau người nào trực nhật phát tâm giặt đồ, chiều khô lấy vào xếp, của ai theo của nấy. Chúng em thường nói với nhau rằng: “Nếu lúc này mà mình chết, ắt được vãng sanh”, vì tâm hồn chưa biết phân biệt, chưa chấp nhứt, lo lắng, buồn, vui gì cả. Hai mươi mấy tuổi đầu nhưng thật ngây thơ, chỉ biết tu học, hành trì giới luật. Mặc dù đi canh tác, nhưng trưa ăn cơm vẫn cúng Quá đường, tối vẫn thỉnh chuông, tụng kinh không bỏ thời nào, chị em rất là đoàn kết, thương yêu nhau như tình ruột thịt, không gian tĩnh lặng. Tụng kinh xong, nhắc ghế ra sân ngồi ngắm trăng, ăn bắp nấu hoặc đậu phộng nấu. Có một buổi chiều nọ, Sư chị về Từ Nghiêm xin gạo ra ăn, tụi em vào mé rừng chơi, lượm củi khô chất thành đống, nhổ khoai mì bỏ vào lửa nướng, mỗi đứa ôm một quyển sách, nằm trên thảm cỏ xanh mướt, nhìn bầu trời từng đám mây trắng lững lờ trôi, đợi khoai mì chín để ăn.
“Mây bay góp nhặt hương Chơn giới
Liễu nghĩa Đại thừa vời vợi cao.”
Về đến chùa Phổ Đà, thấy vắng ngắt, Sư chị hỏi Ni sư Như Thông: “Mấy em đâu hết rồi?” Sư Như Thông trả lời: “Mấy cô nói nay ngày Chủ nhật nghỉ, khỏi ăn cơm, vô rừng chơi”. Thế là Sư chị đi kiếm, “Các em về ăn quà, quý Sư bà gởi cho, thưởng các em đấy, ăn xong phụ khiêng tole vào để lợp, chứ mưa đến là không có chỗ nằm đó nghe”. Từ một cuộc sống đang ở Ni trường, đầy đủ tiện nghi, mỗi người một đơn thùng1, đồ vật cá nhân bỏ vào trong ấy khóa lại. Còn đi canh tác, bỏ mấy tấm ván kê lên khỏi mặt đất hai tấc để làm giường, cơm thì độn khoai mì, rau là lá rau rừng luộc chung với ngọn mì, vỏ khoai mì (màu đỏ) luộc cho ra chất độc (ăn khỏi say) rồi kho làm món mặn ăn với cơm, lâu lâu về Từ Nghiêm, quý Sư bà gởi đồ ra, thì được ăn sang ít bữa, tuổi đang lớn nên ăn gì cũng ngon, cũng tiêu hết ráo, không đau ốm gì cả.
“Tuổi thanh xuân quyết chí tu hành
Nhìn trời trong sáng một màu xanh
Tâm luôn thao thức tìm giải thoát
Chơn tánh trong ngần sáng long lanh.”
Trồng tỉa một thời gian, khi có hoa màu thì thỏ rừng ra ăn hết, bỏ công sức rất nhiều mà thu hoạch chẳng bao nhiêu. Vì lẽ đó, Sư chị quyết định về Trà Vinh, chùa Phổ Minh, sống với thầy Bổn sư là Sư bà thượng Nhựt hạ Từ và Sư bà thượng Giác hạ Huệ, được hai năm xin phép về Quảng Ngãi thăm nhà, ghé chùa Vạn Hạnh ở nhờ để mua vé xe. Thế là nhân duyên đã đến, chư Phật bổ xứ hoằng hóa tại đây. Bước đầu giấy tờ cũng rất khó khăn. Lãnh ngôi Tam Bảo cấp 4, tứ bề dột nát, nhưng nhờ chư Phật gia hộ, nhị bộ Tăng già giúp đỡ, thiện tín phát tâm cúng dường, yểm trợ vật chất lẫn tinh thần. Sau mười lăm năm, mua thêm hai căn nhà bên cạnh, nên nay không gian cũng rộng thêm chút chút. Gần năm mươi hai năm, huynh đệ sống chung trong tinh thần “Lục hòa cộng trụ, hòa hợp như nước với sữa”, nhờ đó mà Phật tử đã phát khởi niềm tin vào ngôi Tam bảo, quay về nương tựa ngày thêm đông đảo. Đệ tử xuất gia thành đạt rất nhiều, nay được thuận duyên về các vùng miền, ươm mầm Bồ đề, gieo hạt trí huệ cho Phật tử khắp nơi.
Cuối năm Nhâm Dần, mãn duyên Ta bà, Sư chị đã thanh thản ra đi trong tiếng niệm Phật của nhị bộ Tăng già và hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia, vô cùng kính tiếc một bậc Ni lưu một đời hy sinh cho Đạo pháp và Dân tộc.
Thấm thoát mới đây mà đã 365 ngày, Sư chị vắng bóng nơi già lam Vạn Hạnh, nhưng công đức và hạnh nguyện của Sư chị vẫn còn đó, còn in mãi trong lòng người pháp lữ đồng hành, những người con trong đạo pháp suốt đời khắc ghi ân đức Tôn sư trong muôn một.
“Trăng tròn sáng, rồi vầng trăng lại khuyết
Một năm rồi, tình Huynh Đệ cách xa
Nghĩa kim bằng, trên mảnh áo Ca sa
Tình Đạo pháp, tình Linh Sơn còn đó
Khi tĩnh tâm, lúc niệm thầm bày tỏ
Ôi dạt dào! Tình Huynh Đệ thanh cao.”
TKN. Phước Giác
- Đơn thùng: là chiếc giường hộp, vừa để nằm, vừa để đồ cá nhân, nên trong phòng quý Sư trông rất gọn gàng, sạch sẽ.