Phật giáo Việt Nam có truyền thống lịch sử gắn bó với đất nước và dân tộc. Trải qua nhiều thế kỷ. Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Các vị chân tu yêu nước qua các thời đại là những tấm gương sáng cho thế hệ hiện tại và tương lai. Sư trưởng thượng Như hạ Thanh không những là tấm gương sáng về sự hiếu học mà còn là vị Sư trưởng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục Phật giáo nước nhà.
Nhân dịp này, cho phép chúng tôi được tán thán công đức và bày tỏ lòng tri ân đến Ban Tổ Chức Hội thảo “Di sản Sư trưởng Như Thanh: kế thừa- Phát triển Ni giới Việt Nam” đã cho chúng con cơ hội quý báu chia sẻ tham luận với chủ đề “Tinh thần hiếu học của Sư trưởng Như Thanh và những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục Phật giáo Việt Nam”. Đây quả là một niềm vinh dự lớn, bởi mặc dù chưa đủ phước duyên để được nhìn thấy tôn dung của Người nhưng bằng việc nhớ, tìm hiểu và viết về Người. chúng con cảm nhận rỏ sự hiện diện của Người qua di sản đồ sộ mà Người để lại. Tham luận của chúng con hôm nay chỉ xin nhấn mạnh về hai khía cạnh trong nhân cách vĩ đại của Người: đó là tinh thần hiếu học và những đóng góp của Người đối với sự nghiệp Phật giáo
Tinh thần hiếu học của Sư trưởng Như Thanh
Tinh thần hiếu học của Sư trưởng Như Thanh xuất phát sâu xa từ truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, nhưng trước hết truyền thống ấy được truyền cảm hứng từ gia đình. Thân phụ Sư trưởng là Tri huyện Nguyễn Minh Giác, “một nhà Nho- Y nổi tiếng đương thời, cũng là nhà nghiên cứu Phật học uyên thâm1. Ngay từ khi còn nhỏ, Sư trưởng đã được học Hán văn và giáo lý đạo Phật từ chính người cha của mình. Cô bé Nguyễn Thị Thao (thế danh của Sư trưởng) đã rất chuyên cần học chữ Hán và học đạo với phụ thân ở “trường học của gia đình”. Ngày nay, nhiều gia đình đua nhau tìm “trường tốt, trường diểm” xin học cho con dẫn đến nhiều biểu hiện tiêu cực trong ngành giáo dục và nhiều bậc phụ huynh quên rằng trường học tốt nhất trước hết phải là trường học của gia đình. Cho nên, có thể nói, chính nền giáo dục gia đình ấy đã tạo nên duyên lành cho Sư trưởng gần gũi Phật pháp và cũng là cơ sở hình thành nên đức tính hiếu học của Sư trưởng.
Tinh thần hiếu học được gieo mầm từ “trường học gia đình” đã nảy nở và đơm hoa kết trái trong suốt quá trình tu học và dấn thân phụng sự của Sư trưởng sau này, bởi với Người, sự học là sự nghiệp suốt đời, đúng như tinh thần “học, học nữa, học mãi” của C. Mác, nhà triết học, nhà tư tưởng lớn người Đúc ở thế kỷ XIX.
Sư trưởng đã học bằng cách nào? Có lẽ thấm nhuần truyến thống “tôn sư trọng đạo”, “không thầy đố mày làm nên” của dân tộc, Người đã giành nhiều năm để “tầm sư học đạo”. Có lẽ, cũng hiểu rằng “đi một ngày đàng học một sàng khôn” nên từ khi xuất gia vào năm 22 tuổi (1932) đến năm 31 tuổi (1941), Sư trưởng đã quyết tâm “thân nữ dặm trường”, đi nhiều nơi từ Nam ra Bắc và cầu học với nhiều bậc thầy danh tiếng, bao gồm Hòa thượng Pháp Ấn (chùa Phước Tường, Thủ Đức), sư tổ Khánh Thuyên (chùa Thiên Bửu), Hòa thượng Mật Hiển (Huế), Cụ tổ chùa Trấn Quốc, chùa Bằng Sở (Hà Nội)…
Không chỉ học từ Thầy, Ngưởi cỏn học từ sách vở, tử những cuốn kinh từ người được tiếp cận. Với cuốn kinh sách được trao truyền. Người say sưa đọc và lĩnh hội rất nhanh. Người đã được Hòa thượng Mật Hiển (ở Huế) khen ngợi là người thông minh xuất chúng2.
Không chỉ học từ thầy, từ sách vở, Người còn học từ thực tiễn cuộc sống. Mặc dù điều này không được ghi chép lại đầy đủ, nhưng đặt trong bối cảnh đất nước còn nghèo khó nửa đầu thế kỷ XIX, dưới sự cai trị của thực dân Pháp, việc đi lại không những khó khăn mà còn nguy hiểm, nhưng người đã dám đi để học, đi để trưởng thành. Với tinh thần hiếu học, Sư trưởng đã tận dụng mọi cơ hội để học. Thậm chí, trên đường chu du cầu học trở về Nam, Người đã dừng lại ở chùa Thập Tháp (Bình Định) cầu học Kinh Lăng Già Tâm Ấn với Quốc sư Phước Huệ- là vị cao Tăng nổi tiếng, thông tuệ Kinh Luận bậc nhất thời bấy giờ.
Như vậy, có thể thấy, Sư trưởng Như Thanh là người có tinh thần hiếu học. Sự hiếu học ấy bắt nguồn từ truyền thống gia đình, truyền thống dân tộc và căn tính được tích lũy qua nhiều đời của Người. Người học từ gia đình, từ cha mẹ, từ thầy, từ sách vở và từ thực tiễn cuộc sống. Cho nên, Sư trưởng chính là hiện thân sự kết tinh của trí tuệ uyên bác của Kinh điển và thực tiễn sinh động.
Sư trưởng Như Thanh đối với sự nghiệp giáo dục Phật giáo
Tinh thần hiếu học của Sư trưởng còn xuất phát từ chí nguyện phụng sự của Người. Học không chỉ để thỏa mãn khát khao tìm kiếm tri thức, mà học còn để phụng sự, để dấn thân. Với Người, tu phải gắn với học, và học phải gắn với hành. Cho nên việc tu, việc học và việc hành luôn gắn bó mật thiết và tương hỗ cho nhau. Thấy được giá trị của việc học đối với sự trưởng thành của mỗi người trên bước đường tu tập, Sư trưởng đã rất coi trọng vấn đề giáo dục Phật giáo.
Sau khi đất nước Việt Nam được độc lập và bắt đầu đi lên theo con đường xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh từng nói: “Vì sự nghiệp mười năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm trồng người” để nói đến vai trò quan trọng hàng đầu của giáo dục. Nhưng trước đó rất lâu, Sư trưởng Như Thanh đã thực hiện đúng tinh thần trong câu nói của Bác Hồ sau này, đó là việc quan tâm đến sự nghiệp trồng người. Sư trưởng khẳng định: “Dù đời hay đạo, công việc giáo dục vẫn là sự nghiệp căn bản và thiết yếu trong vấn đề đào tạo con người, là mầm móng vững chắc xây dựng xã hội, Đạo pháp tốt đẹp mai sau3”. Trong Phật giáo, việc trồng người thể hiện ở việc Đào tạo các thế hệ Tăng, Ni kế cận. Để có được các vị Ni tài hết lòng phụng sự cho đạo pháp, Sư trưởng đã mở nhiều trường Phật học dành cho Ni chúng.
Việc mở trường học cho Ni chúng là một bước tiến vượt bậc so với Phật giáo nước nhà trước đó. Sau khi du phương học đạo trở về, từ năm 1942 (32 tuổi), Sư trưởng đã mở nhiều lớp, trường dạy Luật, dạy giáo lý cho quý Sư. Một số lớp, trường do Sư trưởng khai mở thời kỳ đầu bao gổm: trường dạy Luật tại tổ đình Hội Sơn (Thủ Đức) năm 1942, 1944; trường Phật học tại chùa Huê Lâm năm 1947; trường đào tạo Ni tài tại chùa Linh Sơn, quận 8, chùa Giác Thiên (Vĩnh Long) năm 1948… Những trường, lớp này đã thu hút đông đảo người học từ nhiều nơi như Mỹ Tho, Nha Trang, Sài Gòn…
Sau khi Ni bộ Nam Việt thành lập (năm 1956), Sư trưởng đã vận động chư tôn đức Ni xây dựng nhiều Ni viện làm cơ sở tu học cho Ni giới. Những Ni viện với quy mô lớn hơn được thành lập ở giai đoạn sau bao gồm: Ni viện Huê Lâm, Ni viện Dược Sư, Ni viện Từ Nghiêm, Ni viện Diệu Quang, Ni viện Diệu Đức, Ni viện Hoa Quang, Ni viện Từ Thuyền, Ni viện Ưu Đàm. Sư trưởng cũng đích thân tham gia giảng dạy nhiều môn trong chương trình học tại các Ni viện.
Những Ni viện Phật học kể trên đã đào tạo được hàng ngàn Ni sinh cho Phật giáo. Rất nhiều chư Ni lãnh đạo Phân Ban Ni giới Trung ương cũng như nhiều tỉnh thành nước ta ngày nay được đào từ các Ni trường Phật học này. Trong kỷ yếu Đại hội Ni bộ Bắc Tông, Sư trưởng và quý vị lãnh đạo tổ chức đã ấn định tuổi tác và các cấp học của Ni sinh gồm cấp sơ đẳng, cấp trung đẳng, cấp trung đẳng chuyên khoa, cấp cao đẳng, cấp Đại học và cấp Cao học. Sau khi tốt nghiệp, dựa vào trình độ, Ni bộ sẽ bố trí nhiệm vụ công tác. Các Ni sinh khóa Phổ thông, sau khi tốt nghiệp, lãnh trách nhiệm Giám đốc và Giáo sư các Trường tiểu học Bồ Đề thuộc Ni bộ Bắc Tông đảm trách, hoặc bổ nhiệm vào cơ quan văn hóa giáo dục. Mặt khác, các Ni sinh tốt nghiệp Cao đẳng chuyên khoa sẽ làm Giám đốc, Giáo sư, Giảng sư các Phật học Ni viện thuộc Ni Bộ Bắc tông hoặc bổ nhiệm vào cơ quan giáo dục hoằng pháp.
Ngoài việc dạy đạo, sách tấn cho chư Ni tu học theo Giới luật, thanh quy thiền gia, Người còn khuyến hóa đại chúng tham khảo, học hỏi thêm về nhiều lĩnh vực trong xã hội như: sư phạm; Cao đẳng mầm non; Đông và Tây Y học… Nhờ vậy, sau này Ni giới có cơ hội đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng một Giáo hội trang nghiêm và theo kịp sự tiến bộ của thời đại.
Bên cạnh việc đào tạo Ni tài, Sư trưởng còn quan tâm đến việc mở trường, lớp dạy chữ Quốc ngữ, xóa nạn mù chữ và dạy đạo cho dân nghèo trong vùng. Phát huy truyền thống tương thân tương ái , lá lành đùm lá rách của dân tộc, Sư trưởng đã mở nhiều trường dạy văn hóa miễn phí cho trẻ em nghèo như: Trường Tiểu học Kiều Đàm (sau này mở rộng thành trường Trung tiểu học Kiều Đàm) tại chùa Huê Lâm (năm 1952), trường mẫu giáo Kiều Đàm tại Gò Vấp (năm 1967).
Không chỉ mở trường, mở lớp và trực tiếp tham gia giảng dạy, Sư trưởng còn quan tâm đến việc chuẩn bị tài liệu học tập cho Ni chúng. Việc Người ngày đêm cần mẫn phiên dịch kinh điển, viết sách cũng là để bổ sung nguồn tài liệu học tập cho Ni chúng. Việc Người ngày đêm cần mẫn phiên dịch kinh điển, viết sách cũng là để bổ sung nguồn tài liệu học tập khan hiếm cho các Ni trường lúc bấy giờ. Những công trình trước tác soạn thuật, dịch phẩm và thi phẩm của Sư trưởng để lại vô cùng đồ sộ, hiện nay được lưu giữ tại Tổ đình Huê Lâm, quận 11 Tp. Hồ Chí Minh, là nguồn tư liệu quý giá cho Phật giáo nói riêng, cho nền văn hóa dân tộc nói chung.
Có thể nói, Sư trưởng Như Thanh là một người hiếu học và đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục Phật giáo nước nhà. Tinh thần hiếu học của Sư trưởng bắt nguồn từ truyền thống hiếu học của gia đình, của dân tộc, từ chí nguyện phụng sự Đạo Pháp và xã hội. Có thể nói, Sư trưởng là ngôi sao Bắc Đẩu của Ni giới Việt Nam4. Một đời quên mình vì Đạo, 66 năm hoằng pháp độ sanh, người đã nâng đỡ, dìu dắt nhiều thế hệ chư Ni theo kịp trào lưu tiến bộ của xã hội về mọi phương diện qua các thời đại. Những lời ca tụng tán thán của Hòa thượng Thích Thiện Hòa giành cho Sư trưởng thật hoàn toàn xứng đáng, chúng con xin được trích dẫn thay cho lời kết: “Người ta thường tưởng rằng Ni lưu chỉ có khả năng tự tu, chứ không có khả năng đảm đang những Phật sự lớn lao làm vẻ vang cho Phật pháp. Nhưng trái lại, ngày nay người ta đã thấy Ni lưu với ý chí mạnh mẽ cương quyết, đứng ra lãnh lấy nhiệm vụ cùng với chư Tăng chia sót gánh nặng lo đào tạo Ni tài để duy trì gia phong của Từ Phụ. Thật là một điểm son đáng ghi nhận trong lịch sử Phật giáo Việt Nam5”
Ths.Võ Thị Khánh Vân
Diễn đọc: SC Quảng Hiếu
Tài liệu tham khảo
- Tổ đình Huê Lâm (1999), sư trưởng Như Thanh: cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh
- Thích Nữ Như Nguyệt: Tỳ kheo ni Như Thanh- Ngôi sao bắc đẩu của Ni giới Việt Nam, http://giacngo.vn/lichsu/2010/01/01/5FC403/truy cập ngày 30/12/2018
- Tiểu sử Sư trưởng Như Thanh (1911 -1999)
- http://giacngo.vn/lichsu/2009/01/15/7FC650/, truy cập ngày 30/12/2018
- Karma Lekshe Tsomo, Người nữ tu sĩ Phật giáo trong thế giới ngày nay
http://thuvienhoasen.org/p80a24859/nguoi-nu-tu-si-phat-giao-trong-the-gioi-ngay-nay, truy cập ngày 09/3/2016
- Tổ đình Huê Lâm (1999), Sư trưởng Như Thanh: cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh tr.9
- Tiểu sử Sư trưởng Như Thanh, http://giacngo.vn/lichsu/2009/01/15/7FC650/, truy cập ngày 01/01/2019
- Tư liệu lưu trữ tại Tổ đình Huê Lâm
- Thích Nữ Như Nguyệt, Tỳ kheo ni Như Thanh- Ngôi sao Bắc đẩu của Ni giới Việt Nam. http://giacngo.vn/lichsu/2010/01/5FC403 truy cập ngày 30/12/2018
- Tiểu sử Sư trưởng Thanh, http://giacngo.vn/lichsu/2009/01/15/7FC650/truy cập ngày 30/12/2018