Trở về từ Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Đại Ái Đạo và chư Tôn đức Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam năm 2024, trong lòng chúng con có thật nhiều xúc cảm. Sự chu đáo chỉn chu của Ban Tổ chức, những trang nghiêm huyền diệu của không khí Đại lễ, niềm hoan hỷ hội ngộ từ những người con gái Đức Phật trên mọi miền đất nước… Sâu sắc nhất, có lẽ là tinh thần tiếp nối được thể hiện bàng bạc, xuyên suốt qua mỗi sự kiện được tổ chức trong Đại lễ.
Đại lễ mở đầu bằng Lễ Cung rước di ảnh cố Ni trưởng thượng Diệu hạ Kim (1908-1976) từ chùa Bảo An về chùa Phước Khánh – là nơi tổ chức dâng hương tưởng niệm trong Đại lễ. Cố Ni trưởng được xem là biểu tượng cao vời về tinh thần tu học và hành đạo của chư Ni Phật giáo Cần Thơ. Ngài giỏi về khoa nghi pháp sự, cả đăng đàn thuyết pháp cũng được Hòa thượng Khánh Anh khen là “nhứt xứ này”. Không chỉ khai mở trường Hạ cho Ni chúng tu học, Ni trưởng còn chăm lo cho trường Hạ bên Tăng, rồi âm thầm trợ duyên cho bào đệ của mình là cố Hòa thượng thượng Thiện hạ Hoa thành lập và duy trì Phật học đường Phật Quang Trà Ôn. Ngày nay, sự tiếp nối đó được thể hiện bằng việc quý Thầy trong Thường trực Ban Trị sự Phật giáo thành phố hết lòng yểm trợ cho Phân ban Ni giới (PBNG) tổ chức Đại lễ Tưởng niệm chư Tổ sư Ni.
Nói về ý nghĩa của việc cung rước di ảnh cố Ni trưởng, Ni sư Trưởng PBNG Phật giáo Cần Thơ cho biết: “Để các đoàn Đại biểu thuận tiện trong việc dâng hương tưởng niệm, đồng thời thể hiện tinh thần tiếp nối của Ni giới Phật giáo Cần Thơ, Ban Tổ chức quyết định chọn chùa Phước Khánh – là ngôi chùa thuộc hàng hậu bối đời thứ ba của Ni trưởng làm địa điểm dâng hương tưởng niệm chung trong Đại lễ. Và lễ cung rước di ảnh từ Đạo tràng Bảo An – là nơi hành đạo của cố Ni trưởng lúc sinh thời, đến đạo tràng hậu bối của Ngài, cũng chính là thể hiện tinh thần tiếp nối đó. Thông qua buổi lễ, chúng tôi muốn gửi gắm tâm niệm của chư Ni Phật giáo Cần Thơ, luôn nỗ lực tinh tấn tu tập và phụng sự, để tiếp nối sự nghiệp vĩ đại của chư vị tiền bối đã dày công tạo lập và trao truyền cho thế hệ thế thừa.”
Sau khi cung thỉnh di ảnh Ni trưởng đạo hiệu Diệu Kim về Đài Tưởng niệm, sự kiện Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật, chủ đề: “Vạn dặm yêu thương” được chính thức khai mạc vào sáng hôm sau (ngày 13/4). Chủ đề của cuộc triển lãm xuất phát từ tình thương, lòng từ bi mà Tôn giả A Nan đã ba lần xin Phật cho nữ giới được xuất gia, từ đó Ni đoàn được thành lập. Từ ngài Đại Ái Đạo, tinh thần “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo” được các thế hệ Ni lưu tiếp nối và trao truyền, được thể hiện trong thời hiện đại, chính là những hoạt động tu tập và phụng sự của chư Ni Phật giáo Cần Thơ. Những nội dung này đều được trưng bày, nhắc nhớ trong buổi triển lãm. Điểm nhấn trong nội dung triển lãm còn có chiếc bản đồ Việt Nam được ghép thành từ những chậu lúa tự trồng, xung quanh được gắn bảng tên những ngôi chùa Ni trên đất Việt, thể hiện sự kết nối của tình pháp lữ Đại thừa của những người nữ đệ tử Phật trên dải đất hình chữ S thân thương.
Trong lễ Dâng hương Tưởng niệm, hình ảnh Đức Di mẫu Đại Ái Đạo dẫn đoàn nữ nhi hoàng tộc chân son đã lấm bụi đường, thân thể rệu rã do lần đầu đi bộ suốt chặng đường dài, nhưng tinh thần thì vô cùng cương quyết, nguyện xả bỏ tất cả để tầm cầu đạo mầu giác ngộ giải thoát, một lần nữa được nhắc lại. Sau khi dâng hương Đức Thánh Tổ, cung tiến và đảnh lễ thù ân chư Tôn đức Ni tiền bối hữu công, là lời phát nguyện học tập theo gương hạnh đạo đức người xưa, xây dựng đời sống phạm hạnh, tuân thủ tinh thần Bát Kỉnh Pháp và Giới luật mà Đức Phật đã chế định cho Ni giới. Nguyện trau giồi Giới đức, Tâm đức, Tuệ đức, cùng sách tấn nhắc nhở nhau giữ vững ý chí, nghị lực, tiếp bước tiền nhân, phụng sự Đạo pháp, phục vụ chúng sanh, cúng dường chư Phật.
Trong chương trình tọa đàm khoa học, chủ đề: “Ni giới Phật giáo thành phố Cần Thơ ‘Ni lưu Giới Đức, Tâm Đức, Tuệ Đức’”, tinh thần tiếp nối lại được thể hiện qua hai phiên làm việc: Tại phiên thảo luận đầu tiên, chư Tôn đức và quý học giả đã khái quát hành trạng, đạo nghiệp, tinh thần phụng sự, kể cả những bài học kinh nghiệm quý báu của chư Ni tiền bối. Đồng thời, quan tâm đến tinh thần tiếp nối, kế thừa của chư Ni đương đại. Tất cả đều là những tấm gương giới đức, tâm đức, tuệ đức sáng ngời để Ni chúng hậu học noi theo. Tại phiên Thảo luận thứ hai, các tham luận tiếp tục ghi nhận đóng góp của Ni giới Việt Nam nói chung và Ni giới Cần Thơ nói riêng, trên các phương diện giáo dục, hoằng pháp và từ thiện xã hội.
Buổi tối cùng ngày là đêm thắp nến tri ân, truyền đăng tục diệm và chương trình văn nghệ do trung tâm “Bước chân hai thế hệ” biểu diễn. Ngay cả tên gọi của tổ chức nghệ thuật, Ban Tổ chức cũng có sự cân nhắc rất rõ ràng, để thể hiện trọn vẹn tinh thần tiếp nối của Đại lễ. Ngoài ra, chủ đề “Ni lưu Giới Đức, Tâm Đức, Tuệ Đức” còn được phổ nhạc để trình bày trong đêm ca nhạc và Đại lễ Tưởng niệm chính thức.
Trong buổi lễ tưởng niệm chính thức, Hòa thượng Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN thượng Thiện hạ Nhơn cũng nhắc lại lịch sử Ni đoàn từ những ngày mới thành lập, bắt nguồn từ tinh thần xả thân cầu đạo, tinh cần tu tập cho đến ngày chứng đắc thánh quả của Đức Thánh Tổ Ni và chư vị Thánh đệ tử. Từ đó đến nay, qua các thời kỳ các vùng miền đều có chư Tôn đức Ni kế tục truyền thừa. Trong thời hiện đại có quý Ni trưởng, Ni sư Đàm Thu, Đàm Thái, Đàm Lan (miền Bắc); Diệu Uyên, Diệu Hương, Diệu Không miền Trung; miền Nam có Ni trưởng/ Ni sư Diệu Kim, Diệu Thọ, Huỳnh Liên, Diệu Đan, … Gần đây nhất, từ khi thành lập Phân ban Ni giới (PBNG) trực thuộc Ban Tăng sự năm 2009, trải qua 13 năm hoạt động, PBNG đã đóng góp nhiều công đức cho sự phát triển chung của GHPGVN. Ngài cổ vũ chư Ni tiếp tục cố gắng, an trú và tu tập theo chánh pháp, để thành tựu giới định tuệ, thành tựu giải thoát và cống hiến thành quả đó cho sự phát triển chung của Phật giáo, của xã hội.
Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Đại Ái Đạo và chư Tôn đức Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam năm 2024 chủ đề: “Ni giới Phật giáo thành phố Cần Thơ: “Ni lưu Giới đức, Tâm đức, Tuệ đức”” đã khép lại, nhưng tinh thần tiếp nối vẫn còn vang vọng. Tinh thần đó sẽ được thể hiện qua đường lối tu tập, phong cách sống và hoạt động của mỗi “người con gái Đức Phật như vầng trăng trong”:
“Ni lưu hạnh đức trao truyền,
Thiên thu tỏa ánh trăng huyền sáng soi,
Giới Đức tròn vẹn cao vời,
Tâm Đức muôn thuở rạng ngời chân tâm,
Tuệ Đức nguyện lớn thâm trầm,
Bước chân hậu thế rèn tâm hạnh lành… ”
(Trích lời bài hát chủ đề của Đại lễ).
TN. Hạnh Đức(ĐSHĐ-128)