“Tôi đi vui cảnh lạ, đường xa,
Đem chí bình sinh dãi nắng mưa
Thân đã hiến cho đời gió bụi
Còn đâu lưu luyến chút duyên tơ…”
(Thế Lữ)
Đó là cuộc ra đi thông thường trong trăm ngàn cuộc ra đi với nhiều lý tưởng khác nhau. Tuy nhiên, sự ra đi ấy đạo Phật không chú trọng đến mà đặc biệt lưu tâm đến sự trở về. Vì vậy, danh từ được nhà Phật dùng để chỉ sự trở về là: “Nam mô, quy y, hồi hướng…” như một điệp khúc: “Hãy trở về các bạn ơi! Trở về với bản tâm của mình….vì đã tự mình, do mình thì tạo nghiệp cũng mình và giải thoát cũng mình mà thôi”. Điều đó đã được minh chứng qua bài Kinh Mahapajapati Gotami (Tăng Chi Bộ). Có thể xác định rằng chính ngài Mahapajapati Gotami, dì mẫu của Đức Phật, người đại diện để đức Phật đồng ý cho thành lập Ni đoàn với tư tưởng Tám Pháp cung kính. Có gì vĩ đại hơn khi Mahapajapati nhận thấy cuộc đời này không gì sánh bằng Pháp mà đức Phật đã chứng ngộ. Vì vậy, sau khi vua Tịnh Phạn băng hà, vương tử Nanda và vương tôn Rahula đã xuất gia, hạnh phúc gia đình của đời bà đã vào buổi xế chiều và sẽ không bao giờ trở lại.
Giữa cái nhỏ nhoi của đời sống thế tục và sự thanh cao của đời sống xuất thế, bà quyết chọn con đường xuất gia và xin đức Phật cho bà được gia nhập Tăng đoàn. Tuy nhiên, qua ba lần xin phép bà đều bị khước từ. Lần sau, cương quyết hơn, bà cạo tóc, đắp áo cà sa cùng với các thể nữ vượt đường dài đến Vesàli. Sau cuộc đối thoại giữa tôn giả Ànanda và đức Phật, điều quan trọng nhất đã được xác chứng, đó là nữ giới có thể chứng được các Thánh quả như nam giới. Cuối cùng, đức Phật cho phép bà Gotami được xuất gia thọ giới với điều kiện phải vâng giữ Tám Pháp cung kính. Bà Mahapajapati nghiêm túc chấp hành các điều giao ước và trở thành vị Tỷ-kheo-ni đầu tiên trong Tăng đoàn.
Đối với người xuất gia có động cơ chân chánh, sơ phát tâm xuất gia bao giờ cũng là khoảng thời gian đẹp nhất. Những cuộc đối thoại giữa đức Phật với tôn giả Ananda và Mahapajapati Gotami không thể được xem là vô nghĩa trên phương diện tâm lý. Bởi chính nó là ngõ vào tráng lệ cho đời sống xuất gia của Ni giới. Đức Phật nhấn mạnh: Một người vì nghĩ đến tương lai xây dựng bờ đê cho một hồ nước lớn để nước không thể chảy qua, cũng vậy, vì nghĩ đến tương lai, đức Phật mới ban hành Tám Pháp cung kính này cho các Tỷ-kheo-ni và họ cần vâng giữ cho đến trọn đời, không thể vượt qua. Một vấn đề thực tiễn hơn cần đề cập ở đây, đó là hành động, mà hành động ở đây là hành trì Tám Pháp cung kính. Vậy việc hành trì Tám Pháp này như thế nào cho đúng?
Trên phương diện tu tập, Tám Pháp cung kính phải được thấy qua định đề Vô ngã: “Một Tỷ-kheo-ni dù một trăm tuổi hạ cũng phải đảnh lễ, đứng dậy, chấp tay, xử sự đúng Pháp đối với Tỷ- kheo mới thọ đại giới một ngày”. Sự tuân phục vô điều kiện của Ni đối với Tăng ở đây như thế, nhằm dập tắt mọi cơ hội dù cho nhỏ nhất, để không hiện khởi một chút nào ý tưởng ngã mạn. Theo Trung A Hàm, tôn giả Ananda trình lên đức Phật lời thỉnh cầu của Mahapajapati Gotami rằng: “Các Tỷ-kheo-ni trưởng lão thượng tôn này là những vị danh tiếng trong hàng vương giả, tu hành phạm hạnh đã lâu…mong rằng các Tỷ- kheo đối với Tỷ-kheo- ni ấy nên tùy theo lớn nhỏ mà cúi đầu đảnh lễ, cung kính chấp tay thưa hỏi”, với ý kiến đó đức Phật đã khước từ. Đây là cuộc đối thoại về tư tưởng không phải về các hình thái tổ chức Tăng già, mọi khởi tưởng về “tôi” và “của tôi” đều bị dập tắt.
Có lẽ hầu hết trong chúng ta đều thừa nhận Tám Pháp cung kính giúp tạo ra một khoảng cách vừa phải giữa Tăng và Ni, trong đó quan trọng nhất là ngăn ngừa được sự phức tạp về quan hệ giới tính. Bên cạnh đó, sức mạnh của Tăng già, và cũng là sức mạnh của Phật giáo, sẽ bị khiếm khuyết nếu Tăng và Ni tách thành hai nhóm riêng biệt. Quả thật, mối liên hệ hay vai trò của Tăng đoàn đối với Ni đoàn đều được đức Phật chiếu cố đặc biệt, như các Tỷ- kheo trưởng lão phải luân phiên thuyết pháp cho chúng Tỷ-kheo-ni. Kinh Giáo giới Nandaka (Trung Bộ kinh) ghi lại câu chuyện rằng: một ngày nọ đến phiên tôn giả Nandaka đi giáo giới chúng Tỷ-kheo-ni, nhưng tôn giả không bằng lòng đi cho đến khi đức Phật nhắc nhở. Tuy nhiên, buổi thuyết pháp của tôn giả được chúng Tỷ-kheo-ni ưa thích vì tôn giả đã áp dụng phương pháp thảo luận thân mật và tự do hỏi đáp. Đức Phật biết được nên bảo tôn giả ngày mai thuyết pháp thêm một buổi nữa. Sau buổi thuyết pháp lần thứ hai, cả năm trăm Tỷ-kheo-ni nghe pháp đều chứng quả và Tỷ-kheo-ni cuối cùng chứng được Dự lưu, như lời đức Phật đã xác chứng cuối bài kinh “không còn bị đọa lạc, và chắc chắn đạt đến chánh giác”.
Chúng ta thấy đức Phật đã chăm sóc Ni chúng rất chu đáo. Tình thương của đức Phật là tình thương của một bậc Đại Giác. Món quà lớn nhất mà Ngài dùng nhiều phương tiện khác nhau để trao cho Ni giới là sự giác ngộ, là khổ diệt. Đây là tư tưởng chính của Tám Pháp cung kính cũng như mọi lời dạy của đức Phật. Phật giáo ngay từ buổi đầu đã được hình thành trên cơ sở con người. Ngài thấy họ có thể giác ngộ nếu Chánh Pháp được truyền đạt thích hợp với họ, giống như hồ sen có nhiều loại hoa khác nhau về sắc màu và kích cỡ nhưng cuối cùng tất cả đều có thể nở hoa thơm ngát. Còn gì đẹp hơn là buông bỏ hết những phiền não để làm một cuộc ra đi thật ly kỳ, hy hữu giữa ảo mộng tồn sinh? Tự do cất bước thong dong với chiếc áo nâu sồng mộc mạc, thoát khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
“Ni cô Thánh Mẫu nhu mì
Tỳ-kheo-ni hạnh thuận tùy đầu tiên”.
Thích Nữ Như Bửu (ĐSHĐ-008)