Tháng 3/2022 Bến Tre là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức Đại giới đàn sau 2 năm tình hình dịch covid hoành hành rất phức tạp. Đại giới đàn lần này đã có 32 Ni sinh đang theo học nội trú tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Và có 2 Ni sinh là thủ khoa của giới đàn, Ni sinh Năng Tuệ, thủ khoa đàn Tỳ-kheo-ni, Ni sinh Diệu Thành, thủ khoa đàn Thức Xoa Ma Na.
Từ giới đàn trở về các tân giới tử đã có nhiều cảm xúc và kỷ niệm đáng nhớ. Sau đây, chúng ta sẽ cùng trò chuyện với hai giới tử thủ khoa ở đàn giới Niệm Nghĩa.
Ni Sinh Diệu Thành – thủ khoa đàn Thức Xoa Ma na: Em đã chuẩn bị gì cho việc thọ giới của mình?
Chúng ta là người xuất gia với sự mong cầu giải thoát, để đạt được mục đích cao đẹp ấy thì hành giả cần phải lãnh thọ và hành trì giới luật. Nay hội đủ duyên lành chúng con được Thầy Bổn Sư cho đi lãnh thọ giới pháp Thức Xoa Ma Na, tại Giới đàn Niệm Nghĩa, tỉnh Bến Tre.
Trước khi đi thọ giới tâm trạng chúng con rất vui sướng và hạnh phúc vì được sự chỉ dạy của quý Sư và Chư Tôn đức trong Ban Quản viện, ấn tượng nhất đối với bản thân con là khi chuẩn bị rời học viện để qua Giới đàn Niệm Nghĩa ở tỉnh Bến Tre, Ni sư Như Nguyệt (tại học viện Phật giáo Việt Nam) đã đưa chúng con ra tận xe. Ni sư luôn nhắc nhở chúng con phải trang nghiêm thân, khẩu và ý để tâm chúng ta không bị lăng xăng. Ngoài ra, Ni sư còn khuyên chúng con: “Hãy buông bỏ những phiền não, hướng tâm dõng mãnh cầu giới pháp và hãy phát nguyện trọn đời nương theo giáo pháp Phật mà tu tập”. Lời nói của Ni sư như một lời pháp nhũ sách tấn chúng con trên bước đường tiến tu nhân học Phật. Bên cạnh đó, chúng con không thể nào quên lời giáo huấn của Thầy tổ luôn khuyên chúng con “Hãy thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức” để làm tròn bổn phận của người xuất gia.
Những lời khuyên dạy của Thầy tổ và các Bậc Tôn Túc đã khắc sâu vào trong tâm trí của chúng con, khiến cho người sơ cơ học Phật phải tinh tấn và nỗ lực hơn nữa. Đồng thời, chúng con nguyện noi gương quý Ngài mà tu học, để trở thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo.
Thật vậy, người đệ tử Phật phải thọ giới để giữ gìn giới pháp. Nhờ thọ giới mà chúng ta giữ giới, nhờ giữ giới chúng ta biết phân biệt nào bất thiện và thiện. Từ đó, chúng ta không làm ác mà phát huy việc thiện. Vì “Giới” là hàng rào ngăn cấm chúng ta không làm ác, là kim chỉ nam dẫn đường cho chúng ta từ bờ mê sang bến giác.
Nếu chúng ta muốn trở thành người xuất gia chân chính là luôn sống đúng với giáo lý của Đức Phật, đồng thời phải thọ giới và hành trì giới. Vì giới luật là mạng mạch của Phật pháp, là nền tảng của sự tu hàng giải thoát.
Đức Phật dạy: “Sau khi Ta diệt độ, các ông phải lấy Giới luật là bậc Thầy, cũng như Ta còn tại thế không khác”. Thế nên, chúng ta là người đã thọ giới và thực hành theo giới, phải đem Giới luật ấy ban bố lại cho những người hậu lai để có sự kế thừa liên tục. Được như vậy thì giới pháp của Đức Phật mới có thể tồn tại, giới pháp tồn tại thì Phật pháp mới trường tồn và phát triển.
Từ lâu, chúng con luôn khát ngưỡng giới pháp như cơn mưa, để tưới tẩm tâm chúng con được mát mẻ và lòng từ luôn trải rộng giống như tâm Phật. Hay nói cách khác, nhờ thọ lãnh được giới pháp thanh tịnh mà tâm được an định, trí huệ mới phát sanh, tư duy chính xác để có thể biết được việc gì nên làm, việc gì không nên làm, giúp chúng con từ từ hoàn thiện được phẩm hạnh của người xuất gia.
Khi thọ giới chúng con cầu mong được đắc giới, giới thể và giới tâm. Để đạt được mục đích ấy, chúng con đã chuẩn bị cho bản thân mình về kiến thức Phật giáo và luôn ghi nhớ những lời dạy của các Bậc Tôn Túc. Trước hết, chúng ta nên thuộc lòng “oai nghi” vì oai nghi là những phép tắc căn bản ở trong Thiền môn, bắt buộc người xuất gia phải hiểu và thực hành hàng ngày trong đời sống sinh hoạt. Có như vậy, chúng ta mới xây dựng nền tảng vững chắc trên con đường tu tập.
Chẳng hạn khi chúng ta muốn xây nhà lầu, trước hết chúng ta phải xây nền móng cho vững chắc, muốn xây bao nhiêu tầng lầu cũng không sợ bị ngã. Ngược lại, nếu chúng ta lo chạy theo sự học có bằng cấp này, có bằng cấp kia mà quy củ Thiền môn chúng ta không nắm vững, đến lúc chúng ta gặp khó khăn sẽ khó mà vượt qua.
Bên cạnh đó, chúng ta phải thường xuyên công phu, công quả, sám hối, siêng năng tu tập chánh pháp. “Sám hối” chính là sám hối bản thân mình không làm hại người, không nói xấu người, không vì danh lợi… mà làm mất đi phẩm hạnh của người xuất gia. Chứ không phải cố tình làm sai điều gì đó rồi lạy sám hối là xong.
Sám hối ở đây là từ bỏ việc ác luôn làm việc thiện, làm lợi ích cho mình và người. Đức Phật dạy có hai hạng người biết sám hối là: “Một là không tạo tội, hai là biết ăn năn tội đã gây ra mà không tái phạm nữa”. Khi hiểu rõ về phép sám hối thì chúng ta nên mạnh dạng hối cãi những tội lỗi chúng ta đã gây ra và nguyện không tái phạm nữa. Nhờ vậy, mà chúng ta thọ lãnh giới pháp tâm chúng ta vắng lặng tịch tĩnh tiếp nhận giới pháp trong sạch để trang nghiêm giới thể.
Chúng ta nên học tập và thực hành những lời Đức Phật thông qua “Kinh – Luật – Luận”, để hiểu rõ lời dạy Đức Phật mà hành trì cho đúng chánh pháp. Khi thọ giới xong chúng con xin nguyện thúc liễm thân tâm tinh tấn tu học, trao giồi “Giới – Định – Huệ” để mang ánh sáng Phật pháp ra phục vụ dân tộc làm tốt đời đẹp đạo, đồng thời đền đáp “Tứ ân” trong muôn một.
Khi được hỏi bạn có nghĩ mình sẽ được thủ khoa không và cảm xúc như thế nào khi được thủ khoa của đàn Tỳ-kheo-ni?
Dạ, khi đi thọ giới con chỉ mong mình đắc được giới thể chứ không nghĩ đến việc sẽ đạt được giải thưởng hay danh hiệu gì. Nên con cố gắng giữ tâm thanh tịnh để cầu giới pháp để tu tập.
Đối với bản thân con khi đạt kết quả thủ khoa, con rất bất ngờ và hạnh phúc, con nghĩ rằng đó là nhờ vào ân đức của Thầy tổ, cha mẹ và những bậc giáo thọ sư đã bảo hộ cho con. Con nghĩ rằng mình phải cố gắng nỗ lực tu học tinh tấn hơn nữa, để trở thành người xuất gia chân chính, đệ tử giỏi của Đức Phật.
Cảm nhận về Giới đàn, cảm xúc sau khi lãnh thọ giới mới?
Trong không khí trang nghiêm thanh tịnh của Đại Giới đàn, hàng giới tử chúng con được tận hưởng những dòng pháp nhũ của chư Tôn đức như dòng sữa mẹ đã nuôi dưỡng chúng con từ bé. Với những lời sách tấn của chư Tôn đức, chúng con cảm nhận như mình được trở về nương tựa nơi bến đỗ tâm linh, được sống trong tình thương và sự che chở của Tăng đoàn. Giới đức, hạnh đức và tâm đức của quý Ngài sẽ mãi là ánh từ quang soi sáng cho chúng con vững tâm vượt qua những khó khăn trên bước đường tu nhân học Phật.
Từ đây, chúng con sẽ được an trú trong giới luật, chúng con nguyện sẽ cố gắng trì giữ nghiêm mật, để từng bước thể nghiệm và tận hưởng pháp lạc từ việc hành trì Tỳ-ni và các oai nghi trong đời sống tu tập hàng ngày để tô bồi hạnh đức cho được trong sạch.
Khi được hỏi về những cảm xúc tại Đại giới đàn Niệm Nghĩa, giới tử Năng Tuệ, Thủ khoa đàn Tỳ kheo chia sẻ:
“Trước ngày Giới đàn tổ chức thật sự con rất áp lực và lo lắng, vì trước tình hình dịch bệnh con sợ con không đủ phước duyên để về được tới Giới đàn. Thêm vào đó, con xuất gia đến nay chưa tròn 5 năm mà đã được thọ giới Cụ Túc, so với các chị đồng học số năm tu học của con ít nhất các chị đã có công lao đóng góp cho Tam bảo thời gian dài, trong khi con rời xa Thầy tổ quá sớm, không được học nhiều về quy củ thiền môn, cũng chưa có công phu tu tập hành trì, hay công quả phụng sự gì nhiều cho Đạo pháp. Thêm phần áp lực vì mình là Ni sinh học viện được khép mình trong quy củ thiền môn, được đào tào kiến thức và có hành trì tu tập. Ngoài ra, mình còn được trường ưu ái gởi đi học ở HVPG, lần này trở về tỉnh nhà thọ giới trong số 50 vị Tăng Ni sinh ở học viện thọ giới tại Bến Tre chỉ có 3 Ni sinh của trường.
Lần đầu tiên Bến Tre tổ chức Đại Giới đàn có số lượng giới tử đông như vậy từ 22 tỉnh thành về tham dự, con thấy mình nhỏ nhoi và bất lực quá, con muốn đóng góp chút gì đó cho quê hương cho những tình yêu thương của Thầy tổ và biết bao người đã gởi theo con. Con biết trong Giới đàn kỳ này năng lực của con không đủ để có thể đứng sánh vai với các trường TC tỉnh bạn như Bình Định, TP. HCM, Đại Tòng Lâm,…
Việc con có thể làm để chuẩn bị cho mình trước khi được lãnh thọ Đại giới là Sám hối, đó như là cách con xúc rửa cho sạch cái bình của tâm mình để khi chư Phật ban rải cho những giọt nước cam lồ của Pháp con có thể chứa đựng bằng một cái bình trắng sạch tinh khôi. Vì dù nước có sạch trong đến mấy mà “bình chứa” của con cáo bẩn thì nước cũng sẽ thành ô nhiễm, không giúp được cho ai hết khát. Trì tụng bốn bộ trường hàng Luật là việc làm không thể bỏ qua từ khi con xuất gia đến nay, con vẫn xem nó như là việc con phải ăn cơm mỗi ngày để sống, lời Thầy tổ dạy: “Bốn bộ trường hàng luật là sách gối đầu giường của người sơ cơ xuất gia”.
Đây là lần thứ hai con giành được thứ hạng cao nhất của Đàn truyền giới. Lần đầu tiên khi thọ Thức Xoa Ma Na con hạnh phúc lắm, nhưng lần này không chỉ có niềm vui mà còn có trách nhiệm và chút gì đó lớn lao hơn với trường với tỉnh nhà, vì giải thưởng không phải chỉ có con, trong đó là phần thưởng của Thầy Bổn Sư con, của Trường Phật học Bến Tre của quý Ni sư chùa Bạch Vân đã rất khổ nhọc chăm lo cho trước và trong suốt những ngày Đại Giới đàn diễn ra.
Con biết rằng đây chỉ là bước chân đầu tiên con được chính thức bước vào ngôi nhà Phật pháp, hàng đệ tử Đức Như Lai, ý thức trách nhiệm và tinh thần cần cầu giới pháp phải được nuôi dưỡng và tiếp tục phát huy nhiều hơn nữa. Việc trước mắt là con phải học tốt và hoàn thành chương trình Cử nhân Hoằng Pháp để sau khi tốt nghiệp trở về con có thể đóng góp tí xíu gì cho Phật pháp tỉnh Bến Tre, đền ơn công lao Thầy tổ, Ban giám hiệu trường Trung cấp và quý Tăng Ni ở tỉnh nhà.
Đại Giới đàn Niệm Nghĩa đã khép lại nhưng những dấu ấn của Giới đàn vẫn còn đọng lại nguyên vẹn trong lòng các giới tử và sẽ là hành trang theo suốt chặng đường tu học của mình.
Con xin nguyện làm viên gạch nhỏ
Đắp xây nền đạo pháp thế gian
Cố phát huy truyền thống đạo vàng
Tô điểm trần gian này thêm đẹp…
Huệ Quang (ĐSHĐ-104)