Tóm tắt
Đức Phật đã từng nói, bệnh là một trong tám nỗi khổ triền miên của con người. Bệnh khổ là một thực tế ở đời và Tăng đoàn cũng cần có y sĩ bên cạnh để trị bệnh. Ngay từ thời Đức Phật, Ngài đã luôn có một vị y sĩ nổi tiếng ở bên cạnh để chữa trị cho Tăng đoàn, dù đời sống của họ rất lành mạnh. Điều đó cho thấy, mặc dù luôn chú trọng vấn đề chữa trị “tâm bệnh” nhưng không vì thế, mà Đức Phật bỏ qua “thân bệnh”.
Vì vậy, những đóng góp thầm lặng của Ni sư Từ Tâm – Trụ trì Chùa Phước An, thành phố Cần Thơ trong gần 25 năm qua với công tác chữa trị “thân bệnh1” miễn phí cho người nghèo là việc làm có ý nghĩa cao đẹp, góp phần xây dựng cộng đồng, xã hội khỏe mạnh, nhân ái, văn minh. Có thể nói, “Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền” chùa Phước An là mô hình mẫu của một cơ sở khám bệnh theo đúng tinh thần “Lương y như từ mẫu”. Bài viết này góp phần làm toả sáng những đóng góp thầm lặng mà cao quý đó. Thông qua hành động cụ thể của Ni sư Từ Tâm trong công tác khám chữa bệnh hoàn toàn miễn phí cho người dân, chúng ta có thể thấy rõ hơn xu hướng nhập thế2 của Ni giới tỉnh Cần Thơ nói riêng, Ni giới Phật giáo Việt Nam nói chung hiện nay.
Nội dung
“Mình không dám phát nguyện lớn như những vị Bồ Tát đâu, nhưng “ai trong tầm mắt mình thấy, ai trong tầm tai mình nghe”mình có thể giúp được cái gì thì mình giúp cái đấy.3”
Đó là chia sẻ của Ni sư Từ Tâm trong một buổi gặp gỡ tại chùa Phước An mà tác giả bài viết may mắn được tham dự. Ni sư đúng là một bậc “Bồ Tát” giữa đời thường, người đã tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo từ năm 1995 đến nay. Câu chuyện Ni sư Từ Tâm phát tâm khám chữa bệnh hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người có thể được ví như một ngọn lửa hồng rực cháy không chỉ làm xua tan bóng tối mà còn giúp sưởi ấm bao tâm hồn lạnh giá trong xã hội hiện đại còn nhiều sự ‘vô tâm’ và ‘vô cảm’ của con người.
Giới thiệu về chùa Phước An
Chùa Phước An, trước đây có tên chữ là “Phước An cổ tự” được thành lập năm 1788 thuộc hệ phái Bắc Tông (khi xưa người dân gọi là chùa Cây Trôm do bên cạnh chùa có một cây trôm rất to lớn và linh thiêng). Từ năm 1884 đến nay, chùa đã được trùng tu mở rộng nâng cấp nhiều lần và trải qua rất nhiều người trụ trì. Nơi đây vào. năm 1945, cơ quan chính quyền cách mạng và dân quân du kích chọn làm điểm trú chân khá lâu. Đặc biệt trong năm này, ông Nguyễn Văn Thừa, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến xã vận động chùa dùng toàn bộ số cột chùa làm rào cản ngăn không cho tàu địch tiến vào sông Trà Nóc, tiến hành xây dựng khán đài lưu động để tổ chức các cuộc biểu tình cổ vũ khí thế cách mạng đang lên. Sau đó, giặc điên cuồng bắn phá dữ dội chùa. Đến khi miền Nam giải phóng, chùa đã được các Phật tử góp xây dựng lại khang trang.
Năm 2009, do dự án cần mở rộng sân bay quốc tế Cần Thơ nên chùa Phước An phải di dời toàn bộ từ Thới Bình đến Quốc lộ 91B, phường Thới An Đông, quận Bình Thuỷ. Chùa được xây mới trên diện tích 6.000 m2 với nhiều hạng mục như: Chánh điện, tượng Phật bà Quan Âm cao 20m, tượng Phật Di Lặc, các bửu tháp cùng các công trình phụ khác. Tuy nhiên, nổi bật nhất trong các hạng mục xây dựng của chùa là Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền (Phòng Khám Đông y) trên một khu đất riêng có diện tích trên 4.000 m2 bao gồm phòng khám, phòng chờ cho bệnh nhân, các phòng bốc thuốc, khu bào chế, sân phơi thuốc rộng chừng 2.000 m2 được tráng xi măng sạch sẽ, kho chứa dược liệu rộng 1500 m2 thoáng mát, sạch sẽ.
Hiện nay, chùa Phước An được coi là một trong những nơi gìn giữ giá trị văn hóa tâm linh của tỉnh Cần Thơ – một trung tâm văn hóa – kinh tế của Đồng bằng Sông Cửu Long, nổi tiếng với miệt vườn xanh tươi, văn hóa chợ nổi đặc sắc, cuộc sống bình dị, chân chất của người Nam Bộ. Ni sư Từ Tâm – trụ trì chùa Phước An, được coi là người lưu giữ những giá trị văn hóa tâm linh ấy.
Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Chùa Phước An
Quốc lộ 91B là tuyến đường còn khá thưa thớt nhà cửa nhưng ngôi chùa Phước An tọa lạc ở vị trí này thì luôn nhộn nhịp, đông đúc bởi nơi đây không những là điểm đến tâm linh mà còn là nơi khám chữa bệnh cho người nghèo của Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền (từ đây xin được gọi là Phòng Khám Đông y). Bệnh nhân đến đây chủ yếu là người Cần Thơ4 nhưng bên cạnh đó còn có người dân từ khắp nơi như: thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Mỹ Tho, Cà Mau, Châu Đốc, Nha Trang, Huế… Họ tìm đến Ni sư Từ Tâm với mong ước được chữa lành bệnh tật.
Trên cả nước đã có nhiều mô hình khám chữa bệnh từ thiện cấp thuốc miễn phí tại các cơ sở y tế công lập, hội chữ thập đỏ, các Tuệ Tĩnh Đường… nhưng khi đến thăm phòng khám đông y của chùa Phước An do chính Ni sư Trụ trì Thích nữ Từ Tâm đảm nhận, được mục sở thị chúng ta mới thấy nhiều việc làm thật sự mới lạ và kỳ diệu.
Bắt đầu hoạt động từ năm 1995, được Sở Y tế thành phố Cần Thơ cấp Giấy phép hành nghề từ tháng 11 năm 2014 khám chữa bệnh đa khoa về y học cổ truyền, tổ chức khám bệnh từ thiện cấp thuốc miễn phí. Đến nay cơ sở vật chất của phòng khám ngày càng khang trang, hoàn thiện hơn. Phòng Chẩn trị có đầy đủ cơ sở vật chất và các thiết bị kỹ thuật cơ bản để phục vụ cho việc khám điều trị bệnh như: phòng chờ thoáng mát, rộng rãi, có chỗ cho bà con nghỉ ngơi, có bàn khám bệnh tổng quát, bàn khám chuyên khoa xương khớp, gan, có máy đo huyết áp, máy test đường huyết cho bệnh nhân khi cần… Tại phòng khám có khán thờ Hải Thượng Lãn Ông5. Ni sư cho biết, Ni sư đọc nhiều sách của Hải Thượng Lãn Ông. Ni sư dùng phương thang của Hải Thượng Lãn Ông và chỉ gia giảm cho phù hợp theo từng trường hợp. Các bệnh đặc trị thì sử dụng bài thuốc của Hải thượng Lãn Ông.
Phòng khám có 162 nhân lực, do Lương y – Ni sư Từ Tâm làm Chủ nhiệm, y sĩ y học cổ truyền Trần Thị Hiền làm Phó Chủ nhiệm và 42 nhân viên phục vụ. Các nhân viên đều được học tập chuyên môn theo đúng vị trí nhiệm vụ được phân công, có 04 đội thiện nguyên phụ trách việc trồng vài mẫu dược liệu cũng như sưu tầm, thu mua dược liệu6. Nguồn dược liệu của Phòng khám chùa Phước An sử dụng 100% thuốc Nam, nguồn dược liệu được khai thác tại địa phương và thu mua tại các tỉnh lân cận. Ni sư Từ Tâm chia sẻ: “Người Việt chúng ta chết trên đống thuốc mà không biết. Có rất nhiều cây thuốc quý xung quanh ta mà ta không biết, rất đáng tiếc7.” “Chữa bệnh bằng Đông y đã được ông cha ta sử dụng từ hàng mấy ngàn năm nay. Nhưng không phải ai muốn cũng làm được8.”
Với tinh thần tận tâm chăm sóc người bệnh, với kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của Ni sư Từ Tâm và các thầy thuốc ở đây, chùa Phước An đã trở thành nơi đặt niềm tin của rất nhiều người bệnh. Hàng năm, chùa cử các thầy thuốc đi học tập, tập huấn bổ sung kiến thức do Hội Đông y Cần Thơ và Sở Y tế Cần Thơ tổ chức. Mỗi ngày có khoảng 300 – 350 bệnh nhân đến lấy thuốc và điều trị. Trước đây, mỗi ngày có tới 400 – 500 người đến khám nhưng lượng thuốc không đủ phân phối nên phòng khám phải giới hạn số lượng, mỗi ngày chỉ nhận tối đa 350 bệnh nhân. Qua thống kê kết quả điều trị các loại bệnh hàng năm, tỉ lệ khỏi và ổn định chiếm 70%; tỉ lệ đỡ khoảng 20%; tỉ lệ không đỡ khoảng 8%; tỉ lệ không theo dõi được khoảng 2%. Riêng các chứng bệnh về gan, mật (viêm gan A, B, C; gan nhiễm mỡ, men gan cao; xơ gan; xơ gan cổ chướng…), tỉ lệ chiếm khoảng 25 đến 30% tổng số bệnh nhân, kết quả điều trị rất khả quan9. Thống kê trong năm 2017 cho biết, phòng khám đã khám cho hơn 70.000 lượt bệnh nhân, cấp miễn phí hơn 800.000 thang thuốc, trị giá gần 4 tỷ đồng. Điều đáng nói đây là mô hình khám chữa bệnh miễn phí 100% trong suốt quá trình điều trị, với tất cả các loại bệnh. Ni sư Từ Tâm cho biết, nếu tính từ lúc làm Phòng Khám cho đến nay thì đã có hàng trăm ngàn bệnh nhân hết bệnh. Có những bệnh hiểm nghèo như ung thư vòm hầu, bệnh nhân đến đây chữa trị và đã bình phục, đi xét nghiệm kết quả không còn tế bào ung thư nữa. Thời gian điều trị khoảng 6 tháng.
Để đảm bảo nguồn thuốc phân phát cho một lượng bệnh nhân lớn mỗi ngày, Phòng Khám phải nhờ đến 4 đội tình nguyện viên khoảng 120 anh em chuyên sưu tầm thuốc từ các nơi, có khi đi tận Phú Quốc để lấy cây cao đằng, cây chân chim… Chùa có 2 xe tải chở thuốc đường bộ và 1 ghe 25 tấn chở thuốc bằng đường sông. Chi phí để duy trì Phòng Khám cũng rất lớn nhưng “nhờ có tấm lòng mà duy trì được10”. Tấm lòng ở đây là tấm lòng của những Phật tử, mạnh thường quân, bà con khắp nơi hỗ trợ, cơ quan chính quyền các cấp ủng hộ, và nhất là tấm lòng Bồ Tát của Ni sư trụ trì – Ni sư Từ Tâm.
Ni sư Từ Tâm – Người giữ lửa cho Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Chùa Phước An
Để duy trì Phòng Khám ở chùa Phước An suốt gần 25 năm qua, bên cạnh đóng góp của các mạnh thường quân và Phật tử, Ni sư Thích nữ Từ Tâm – Trụ trì chùa Phước An chính là người giữ lửa cho hoạt động nơi đây.
Ni sư Từ Tâm, thế danh Đặng Thị Kim Hải, sinh năm 1957, là người con thứ 4 trong một gia đình 10 anh chị em tại tỉnh Cần Thơ. Từ nhỏ, Ni sư đã thích tham gia cùng chúng bạn đi chùa, nghe Pháp. Khoảng năm 30 tuổi, sau lần nghe Hòa thượng Thanh Từ giảng Pháp, Ni sư phát nguyện đi tu để chuyển nghiệp. Câu nói của Hòa thượng được Ni sư coi là kim chỉ nam cho con đường tu tập cho đến bây giờ đó là: “Con ở ngoài đời lao đao như vậy, đến lúc bị bệnh có nắm cục vàng to bằng người con cũng không đổi được bệnh của con.” Ni sư nghĩ, làm thầy thuốc có thể chuyển nghiệp, nên Ni sư phát nguyện đi học Đại học Y Dược để về làm thầy thuốc. Mặc dù gia đình phản đối gay gắt nhưng Ni sư vẫn quyết chí đi tu. Ni sư cho rằng: “nếu mình ở nhà thì cả đời mình chỉ phục vụ gia đình thôi, có hiếu lắm là lo được cho cha mẹ đến trăm tuổi. Nhưng đi tu mình mới có thể lo cho khắp chúng sinh được, cho nên, luôn tâm nguyện làm được cái gì đó cho khắp chúng sinh “trong tầm mắt mình thấy trong tầm tai mình nghe”. Mình không dám phát nguyện lớn như những vị Bồ Tát đâu, nhưng “ai trong tầm mắt mình thấy, ai trong tầm tai mình nghe” mình có thể giúp được cái gì thì mình giúp cái đấy11.”
TS. Lê Thị Hằng Nga
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (ĐSHĐ-127)
- Lê Thị Hằng Nga, “Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác khám chữa bệnh”. Trong sách Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh: Tiềm năng – Hội nhập phát triển. NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. 2020. Tr. 202.
- Khái niệm “nhập thế” trong Phật giáo được hiểu là Phật giáo đi vào cuộc đời, là nhân gian Phật giáo, Phật giáo hiện hữu trong cuộc sống thường nhật của con người, giúp đỡ, hỗ trợ giải quyết những vấn đề khó khăn mà con người gặp phải trong thực tế cuộc sống, trên tinh thần tốt đời đẹp đạo. Tinh thần nhập thế của Ni giới Phật giáo Việt hiện nay được tiếp nối và phát triển từ truyền thống nhập thế của Phật giáo trong lịch sử.
- Chia sẻ với tác giả bài viết của Ni sư Từ Tâm – Trụ trì chùa Phước An, Tp. Cần Thơ ngày 2/1/2024.
- Chùa Phước An Cần Thơ – nơi khám bệnh đông y miễn phía cho người nghèo. https://thamhiemmekong.com/thong-tin-du-lich-mien-tay/chua-phuoc-can-tho-noi-kham-benh-dong-y-mien-phi-cho-nguoi-ngheo.html
- Hải Thượng Lãn Ông – tên thật là Lê Hữu Trác không chỉ là danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc, được coi là ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam. Ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại. Ông sinh ngày 10/11/1724 tại trấn Hải Dương (nay thuộc Hải Hưng), mất ngày 18/3/1791 tại huyện Hương Sơn, trấn Nghệ An (nay thuộc Hà Tĩnh).
- Tấm gương sáng từ chùa Phước An. 28/08/2021. Bộ Y Tế. https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/gHbla8vOQDuS/content/tam-guong-sang-tu-chua-phuoc-an
- Tác giả phỏng vấn Ni sư Từ Tâm tại chùa Phước An ngày 2/1/2024.
- Tấm gương sáng từ chùa Phước An. 28/08/2021. Bộ Y Tế. https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/gHbla8vOQDuS/content/tam-guong-sang-tu-chua-phuoc-an
- Tấm gương sáng từ chùa Phước An. 28/08/2021. Bộ Y Tế. https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/gHbla8vOQDuS/content/tam-guong-sang-tu-chua-phuoc-an
- Chia sẻ của Ni sư Từ Tâm với tác giả tại Chùa Phước An ngày 2/1/2024.
- Phỏng vấn Ni sư Từ Tâm tại chùa Phước An ngày 2/1/2024.