Mùng 04 Tết, không khí Xuân còn rộn ràng lắm, chậu Mai chậu Đào bung vội chiếc nụ vươn sót trên cành khoe sắc. Cắt mấy khoanh bánh Tét ra dĩa sắp thêm ít củ kiệu, con khoan khoái tự thưởng thức hương vị Tết trước khi đi làm lại, bật máy tính lướt xem tin tức thế giới, Việt Nam tất nhiên không thể thiếu tin tức về Phật giáo, giảng pháp trên youtube. Tựa “Hương Sen mùa Xuân, NT. Thích Nữ Minh Hiền; Thích Nữ Huệ Đức – Hương Pháp giữa đại ngàn” hai chữ “đại ngàn” gợi đến vùng rừng núi Tây Nguyên, bản làng dân tộc thu hút con. Bởi những chuyến từ thiện đưa sách vở về vùng dân tộc trước đó đã cho con biết thế nào gọi là “Dân tộc ít người”, trăm cái khó.
Xem xong tâm con dâng lên niềm kính ngưỡng, xúc động sâu xa dành cho nhị vị Ni trưởng, người đưa ánh sáng Phật pháp về vùng dân tộc K’Ho. Với kiến thức Phật pháp, câu từ còn hạn hẹp nhưng sự kính ngưỡng ấy thôi thúc con đặt bút xuống viết về nhị vị Ni trưởng đáng kính.
Chùa Pháp Hoa nằm bình yên tại vùng núi hoang sơ thuộc địa bàn khu phố 1, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng dưới sự lãnh đạo của Ni trưởng Thích Nữ Huệ Đức, Ni trưởng Thích Nữ Minh Hiền – Phó ban Trị sự GHPGVN thị trấn Di Linh.
Chinh phục buôn làng K’Ho
Năm 1970, học hạnh nguyện Thường Bất Khinh Bồ tát (Kinh Pháp Hoa) tuổi đời chưa đến 30, hai Sư cô trẻ dấn thân về vùng rừng đồi hẻo lánh – nơi dân tộc K’Ho sinh sống, chọn rẻo đất nhỏ men bờ suối Đa Ri An trong lành lập thảo am ẩn tu. Năm 1972 có duyên lành Phật tử K’Ho xin quy y nhưng lúc này nhị vị Sư cô còn chưa dám, quay về thỉnh ý HT. Linh Sơn, HT. Pháp Chiếu, HT. Toàn Đức dạy: “Nếu tụi con có nhân duyên với tụi nó thì phải quy y,” nương lời dạy năm 1985 chính thức quy y Phật tử K’Ho. Dưới sự hỗ trợ của già làng K’Briu – pháp danh Thiện Chiếu người Phật tử đầu tiên, số lượng người K’Ho quy hướng về Phật pháp đông dần. Đến nay với 300 hộ tương đương hơn 1.000 Phật tử K’Ho quy y tại Pháp Hoa Tự.
Đưa Phật giáo vào nếp sống người dân K’Ho
Sau lễ quy y nhị vị Ni trưởng bắt tay vào việc đưa giáo lý, nghi lễ Phật pháp đến buôn làng K’Ho như: chú Đại Bi, Bát Nhã, tựa Lăng Nghiêm, Thập chú, Ngũ giới, xây dựng đạo tràng Bát Quan Trai, đạo tràng mầm non nhi đồng, lễ hằng thuận…
Ni trưởng Minh Hiền nhận định dân tộc K’Ho: “Khó vô nhưng mà dễ độ. Khi họ vô rồi, họ đi nguyên gia đình.”
Cách giảng giáo lý theo Ni trưởng Minh Hiền không dùng văn hoa bóng bẩy, phải nói theo kiểu chữ đâu nghĩa đó, ví dụ giới thứ nhất: “Người ta giết con, con chịu không? Không thì đừng giết người ta”; giới thứ hai: “Con trồng cà phê mà người ta hái lén con có chịu không? Không thì đừng hái của người ta”; giới thứ ba: “Một bà thôi không được nhiều bà”; giới thứ tư: “Con có muốn người ta nói dối con không? Không thì đừng nói dối người ta”; giới thứ năm: “Đi xa uống rượu tính mạng không bảo đảm.” Cách diễn đạt đơn giản ấy vậy mà hiệu quả vô cùng, Phật tử K’Ho quy y học Ngũ giới về bán sạch trâu, bởi lẽ đơn giản “Con làm trâu cày bừa rồi bị đem đi ăn thịt, con có chịu không?”
“Đạo tràng mầm non nhi đồng”. Cha mẹ đến chùa thường địu theo con nhỏ, cho họ yên tâm tu học Ni trưởng Huệ Đức tập hợp các cháu nhỏ chỉ dạy riêng dần đã hình thành “Đạo tràng mầm non nhi đồng”, đến nay được 199 em. Đi học ở trường có giấy khen hay không cũng trình qua Ni trưởng Huệ Đức, từ đó khuyến tấn việc học.
Ni trưởng Minh Hiền nói thêm để lãnh đạo được hai đạo tràng phải nêm chút tình thương, thêm hai chữ bình đẳng vô đó. Cổ đức có câu: “Nhập gia tùy tục” mỗi địa phương mỗi khác, người dân tộc cũng thế ít đi đây đó, ăn nói vụng về nhưng họ chịu bình đẳng; ví như người ta cho 100 phần quà, dân làng xin chia đều. Do đó, dù được cho 100 phần cũng phải chia đều thành 300 phần.
Lời nhắn gửi chư Ni trẻ
Thay lời Ni trưởng Huệ Đức, Trụ trì chùa Pháp Hoa, Ni trưởng Minh Hiền – Phó ban Trị sự GHPGVN thị trấn Di Linh nói: “Giờ Sư thấy chư Ni trẻ cũng tốt đó, đầy đủ thiện duyên nhưng thiện chí còn hơi yếu, khó là rên. Ở đây Sư có cái ý tu sĩ phải thuộc lịch sử Đức Phật Bổn Sư. Các vị phải học văn hóa Việt Nam, vì văn hóa Việt Nam cũng rất hay”. Chính nhờ văn hóa Việt Nam mà nhị vị Ni trưởng vượt qua khó khăn, vì lúc đó 2 bàn tay đang cầm viết chuyển qua cầm cuốc 17 năm “còn trời còn nước còn non, có lẽ ta đây nghèo hoài” cuốc tiếp dù khó khăn cứ cuốc tiếp.
Đặc biệt, trước khi dấn thân cần thời gian tịnh tu và không thể thiếu hành trang Từ – Bi – hỷ – Xả.
Bồ tát đi vào đời
Sen nở khắp muôn nơi
Trang nghiêm cho cuộc sống
Ôi! Thật đẹp tuyệt vời.
(HT. Thích Trí Quảng)
Đưa đạo vào đời thành công, nhị vị Ni trưởng cho thấy điểm then chốt chính ở sự vận dụng linh hoạt pháp hành nương theo yếu tố thực tiễn xã hội. Nếu giảng đường chỉ có bài học từ giáo thọ trên bảng đen phấn trắng thì Ni trưởng Huệ Đức, Ni trưởng Minh Hiền bài học sống động cho chư Ni trẻ dấn bước.
Cám ơn Đặc san Hoa Đàm, Sen Vàng thực hiện chương trình ý nghĩa cho hàng Phật tử chúng con thấy Phật pháp mầu nhiệm “chắc giờ này chùa Pháp Hoa đang tất bật chuẩn bị lễ kỷ niệm 30 năm Phật tử dân tộc K’Ho quy y.”
Giác Thanh (ĐSHĐ-102)