Một hôm sau giờ tụng kinh tối, Sư cô Trụ trì mời tất cả đạo hữu ở lại và thông báo một tin vô cùng quan trọng: “Sáng nay, cô đi ra vườn khoảng chừng 15 phút thôi, vậy mà số tiền 200 triệu đồng của người Phật tử từ Mỹ gởi về, nhờ cô đi cứu trợ cho những gia đình đang bị thiên tai bão lụt ở miền Trung, đã nôn nóng cất cánh bay đi mất.”
Sau khi nghe tin sét đánh ấy, cả đạo tràng miệng há hốc, mắt trợn to, tay chân rã rời, lòng bàng hoàng lo lắng. Người nhìn qua, kẻ nhìn lại rồi tiếng xầm xì rộ lên mỗi lúc mỗi to và dày đặc. Cả chánh điện bỗng nhiên không khác gì một đàn ong bị vỡ tổ, xua tan không khí trang nghiêm thanh tịnh vốn có nơi chốn thiền môn.
Một âm thanh the thé của người phụ nữ ở phía sau đạo tràng cất giọng hỏi to:
– Thưa Sư phụ! Vậy Ngài họp đạo tràng lại là muốn chúng con làm gì ạ?
Một bác đạo hữu nam nhanh nhẹn hỏi tiếp:
– Có phải Sư phụ muốn dạy chúng con tối mai đi đầy đủ để trì chú Hộ Pháp không?
Cả đạo tràng đồng nhao lên:
– Đúng rồi đó Sư phụ! Chúng con nghĩ, nhờ sự thành tâm tha thiết trì chú của đại chúng, thế nào chư Hộ pháp cũng khiến tên trộm kia ăn không ngon miệng, ngủ không yên giấc, lòng cảm thấy nóng bức bất an, cuối cùng cũng phải đem trả lại thôi Sư phụ ạ.
Bác Trưởng ban hộ trì Tam bảo đứng dậy chắp tay nói lớn vẻ như ra lệnh với đại chúng:
– Kể từ tối mai, đạo hữu chúng ta nên đi thật đông đủ và đúng giờ để trì chú Hộ Pháp liên tục một tuần nhé!
Nãy giờ Sư cô ngồi im lặng quan sát mọi người, bây giờ mới với tay cầm dùi thỉnh một tiếng chuông ra hiệu cho đạo tràng im lặng. Tiếng chuông gia trì trong chùa là một khí cụ rất có hiệu lực để đánh thức, thu nhiếp thân, tâm con người trở về với thực tại chính mình. Do đó, khi tiếng chuông vừa vang lên, tất cả mọi nhốn nháo bỗng chốc im bặt như mặt nước phẳng lì không một gợn sóng lao xao. Lúc này, Sư cô mới chậm rãi đưa ra ý kiến của mình:
– Kính thưa đại chúng! Sự việc mất tiền sáng hôm nay có hai điều đáng buồn:
Thứ nhất, chính bản thân cô chắc chắn từ kiếp trước đã từng gieo mầm tham lam, trộm cắp, lừa gạt, dối trá hoặc bóc lột sức lao động để lấy tiền vật của người khác, nên nay mới thọ nhận quả báo bị người ta trộm cắp như thế.
Thứ hai là buồn cho tên trộm. Quý vị cũng từng nghe lời Phật dạy trong các kinh điển rồi đấy: Tài vật con người làm ra cực khổ, đổ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, hao mòn biết bao sức lực, tâm trí mới có được, nên khi mất tài sản mình đau khổ thế nào thì người ta mất cũng đau khổ không kém. Vì vậy, chúng ta không nên sung sướng, hạnh phúc khi người khác đang quằn quại đau khổ như thế. Đặc biệt, hôm nay số tiền cô bị mất cắp đang mang một sứ mệnh thiêng liêng, là hướng về cứu giúp cho những đồng bào đang bị đói rét, gồng mình chống chọi với thiên tai bão lụt tại miền Trung. Những người dân Việt ở Mỹ đã thấu hiểu được sự bi ai tột cùng của người gặp nạn, nên đã bớt ăn, nhịn mặc, giảm chi tiêu mới tích góp được số tiền trên, mong kịp thời đem chia sẻ tinh thần cũng như vật chất đến với bà con ngặt nghèo khốn khổ. Ngược lại, với tình yêu đồng loại rộng lớn của người ta, tên trộm lại nhẫn tâm lấy cắp tiêu riêng cho mình thì tai họa cũng sâu rộng khôn lường. E rằng đời đời, kiếp kiếp người ấy phải mang thân hạ tiện, bần cùng, gồng mình trả nợ cho người ta mà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, còn bị mọi người ghét bỏ, khinh bỉ, mắng nhiếc hành hạ không dứt. Trong xã hội xưa nay, nhan nhãn trước mắt chúng ta với những mảnh đời bất hạnh như: Không nhà cửa, không người thân, áo quần không lành lặn, thân thể đen gầy lở loét… khiến chúng ta nhìn vào không cầm được nước mắt và quặn thắt cả ruột gan, âu đó cũng là trả nợ gian tham của kiếp trước. Những chúng sanh si mê không hiểu được nhân quả như vậy, đối với người con Phật chúng ta, họ đáng thương hơn đáng trách.
Hôm nay, muốn thể hiện tấm lòng từ bi vô biên của những người con Phật, nên cô muốn mọi người bắt đầu từ tối hôm mai sẽ khai đàn sám hối một tuần, thầy trò hợp lòng nhất tâm sám hối trước mười phương Chư Phật, chư vị Bồ tát, chư hiền Thánh tăng nguyện cầu cho tên trộm giảm bớt nghiệp chướng và sớm gặp được bậc Minh Sư hướng dẫn quay về Quy y Tam bảo, hộ trì Chánh pháp, tinh tấn tu hành, thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử khổ đau.
Lời Sư cô vừa kết thúc, cả không gian đạo tràng gần như tĩnh mịch, đến nỗi tiếng chắt lưỡi của chú thằn lằn trên la-phông nóc chùa cũng nghe rõ mồn một, nhưng trong tâm hồn của mỗi người đang chấn động mỗi cách khác nhau. Phần nhiều, mọi người xúc động trước tấm lòng từ bi cao thượng của Sư phụ mà khóe mắt cay cay, cổ họng nghẹn ngào. Cũng có vài người tỏ vẻ bất bình, sao Sư phụ quá từ bi như thế? Lo rồi mai đây lấy tiền đâu mà đi cứu trợ cho người ta? Nhưng cũng không ai dám nói gì.
Không gian sâu lắng khoảng chừng năm phút trôi qua, bỗng ở phía sau có chú Phật tử khoảng chừng 50 tuổi đứng dậy, lách mình qua khỏi đám đông chạy lên và vội vàng quỳ mọp trước mặt Sư cô với nước mắt ràn rụa thưa:
– Thưa Sư phụ và đại chúng, số tiền hôm qua chính con đã lấy cắp. Hôm trước đang quét vườn, con thấy người ta đem tiền tới giao cho Sư phụ, gặp lúc con trai của con từ Thành phố gọi về xin tiền để đóng học phí mà con chưa chạy đâu ra được. Sáng hôm nay, thấy Sư phụ ra vườn; bất chợt tâm tà tham lam trong con nổi dậy, thế là con đã lẻn vào lấy. Sau khi về nhà mở ra, con mới thấy số tiền lớn khủng khiếp như vậy, nhưng đã lỡ lấy rồi con không dám trả lại. Từ hôm qua đến giờ, lòng con ray rứt ra vào bất an, ăn không ngon, ngủ không yên. Giờ đây, đứng trước tấm lòng từ bi cao quý vô hạn của Sư phụ, con cảm thấy tâm mình nhỏ bé và tội lỗi tột cùng. Con suy nghĩ trong lòng, nếu không trả lại số tiền này cho Sư phụ, chắc suốt đời này con sẽ bị rơi vào địa ngục trần gian, chứ không cần đợi đến sau khi chết, hay phải trả nợ ở kiếp sau, vì con không thể tiếp tục sống chuỗi đời thanh bần mà an lạc như xưa kia được nữa. Con xin Sư phụ và đại chúng hoan hỷ bỏ qua cho con lần này, con xin hứa ngày mai sẽ đem hoàn đủ số tiền trên và sau này không bao giờ phạm giới trộm cắp nữa, dù là bất cứ của ai, dù chỉ là vật nhỏ như cây kim, ngọn cỏ.
Sư cô đưa vạt áo lên lau vội hai dòng nước mắt rồi đứng dậy, đưa bàn tay dịu dàng đặt lên vai của chú đệ tử mà nói rằng:
– Đức Phật dạy trong xã hội, có hai hạng người mạnh nhất đáng được tán dương, nể trọng: Hạng thứ nhất: Không bao giờ phạm tội, đó là những bậc Hiền, bậc Thánh trong thế gian; hạng thứ hai, lỡ phạm tội mà biết ăn năn thú tội, sám hối.
Cô thấy chú đã được liệt vào hạng người mạnh mẽ thứ hai rồi đấy. Mặc dầu, trước đó chú thấy con mình thiếu thốn nên bất giác khởi lòng tham, nhưng đã kịp thời nhận ra tội lỗi của mình mà ăn năn hổ thẹn. Đặc biệt, chú đã có nội lực dũng cảm, trí tuệ sắc bén lắm mới dám đứng trước đại chúng thú nhận lỗi lầm của mình và thành tâm ăn năn sám hối như thế này. Đúng như lời Phật từng dạy: “Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình, người chiến thắng được mình mới là chiến công oanh liệt nhất”. Hành động này, không phải người con Phật chơn chánh, không thể làm được. Cô không lầm khi đã làm lễ truyền Tam quy, Ngũ giới thâu nhận chú làm đệ tử Phật.
Và Sư cô đứng thẳng người hướng về đại chúng nói lời dõng dạc:
– Kính thưa quý đạo hữu, chú Khôi do quẫn trí vì hoàn cảnh khó khăn nên chỉ một phút lơi cảnh giác, thiếu chánh niệm mà phạm vào tội trộm cắp. Nhưng sau đó đã kịp tỉnh thức nhận ra nghiệp ác của mình và dũng cảm đứng trước đại chúng phơi bày tội lỗi thành tâm sám hối. Đức Phật nói: “Không sợ tâm tham khởi, chỉ sợ giác ngộ chậm”. Con người này đáng tôn trọng hơn là đáng trách, vậy bây giờ chúng ta hãy đồng chắp tay niệm danh hiệu Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ba lần, cầu xin Đức Phật chứng minh xóa tội cho chú ấy. Nhơn đây, cô cũng muốn khuyên nhắc quý vị rằng, sự việc của chú Khôi hôm nay, xin quý vị hãy để lại tại đạo tràng này, không được ai đem ra khỏi cổng chùa này và không nhắc lại thêm một lần nào nữa. Vậy xin quý vị hãy đồng quỳ lên niệm Phật và đọc phát nguyện theo cô:
“Đệ tử chúng con pháp danh là… xin hứa với Tam bảo: Sự việc xảy ra tối nay, chúng con không để trong tâm, không truyền lại đến người thứ hai dù người đó là thân thuộc của mình, nếu chúng con không làm đúng như lời phát nguyện, mọi hậu quả chúng con xin gánh lấy.”
Sau khi cả đạo tràng đồng thanh niệm Phật ba lần và phát nguyện xong, nhẹ nhàng đứng dậy chắp tay búp sen đảnh lễ Tam bảo ba lạy và hồi hướng ra về.
Thời gian buông rũ, đêm xuống rất nhanh, nhưng trên không trung thênh thang vẫn lấp lánh muôn ngàn vì sao tỏa sáng. Chị Hằng cố vươn mình ra khỏi đám mây đen dày đặc, nở nụ cười thật tươi soi sáng trên lối nhỏ đưa mọi người đi về. Sư cô không vội trở vào liêu phòng như mọi hôm. Người bước ra sân đi thẳng đến dưới tàng cây Bồ đề, đưa mắt nhìn những chiếc lá đang lắc mình uốn theo làn gió nhẹ rồi mỉm cười thật tươi. Vì Sư cô thầm hiểu: Ngày xưa, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã ngồi dưới gốc cây Bồ đề này mà chứng đạo. Cũng từ đó, giáo pháp của Ngài như một dòng suối ngọt ngào chảy dài vô tận, xuyên suốt từ quốc độ này đến quốc độ khác, không bị khô cạn bởi thời gian và không gian, để ngày nay chính bản thân mình cũng được thấm nhuần giáo pháp nhiệm mầu đó và giải quyết vấn đề khó khăn bằng đức trí tuệ và từ bi. Nhờ đó mà bản thân đã chuyển hóa được nhiều nghịch duyên thăng trầm dậy sóng để trở về sống với tâm hồn tươi sáng thảnh thơi. Bỗng nhiên lòng Sư cô dâng trào một niềm hạnh phúc vô biên, tràn đầy khinh an và hỷ lạc. Theo bản năng, Sư cô liền chắp tay búp sen, nhắm mắt thầm niệm danh hiệu Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ba lần.
Boong… boong… boong…, tiếng chuông chỉ tịnh vang lên, kéo tâm Sư cô trở về thực tại, Người trân trọng ngắm lại cây Bồ đề thêm lần nữa, mới nhẹ nhàng rời khỏi vị trí đi vào liêu phòng. Tiếng côn trùng bên ao hồ bỗng đồng thanh vang lên rập ràng, như bản đồng ca, kính mừng Sư cô đã rưới nước từ bi rửa sạch tội lỗi, đem niềm hạnh phúc an lạc đến mọi chúng sanh.
TKN. Huệ Ngạn (ĐSHĐ-057)