Quan điểm của người xưa khi đã cùng sống với nhau thì nên “dĩ hòa vi quý”. Việc nhỏ không hòa được tất sẽ dẫn đến điều bất mãn lớn lao. Nước không hòa thì nước mất, nhà không hòa thì nhà tan. Sự mâu thuẫn giữa cuộc sống đời thường dẫn đến việc chia rẽ, gây nên điều tác hại không chỉ với cá nhân mà còn tác động đến cả nhân quần xã hội.
Trải qua biết bao nhiêu cuộc thăng trầm biến đổi, quan điểm của người xưa vẫn không bị mai một, dù với cuộc sống mà gần như ai cũng đều tranh hơn tránh thiệt, ai cũng muốn phần thắng về mình bất chấp điều phải lẽ trái. Không mai một, vì đây là một triết thuyết sống êm đẹp không dành riêng cho bất cứ thành phần nào trong xã hội, ai cũng có thể áp dụng để trở thành thân thiện với nhau.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam đã có lịch sử hàng ngàn năm, từng trải qua các triều đại Lý – Trần và trở thành quốc giáo nên tư tưởng Đạo Phật đã hòa nhập vào với cuộc sống quần chúng là lẽ đương nhiên. Quan điểm “Dĩ hòa vi quý” có tự ngàn xưa phải chăng đã có sự liên quan mật thiết đến nguồn cội từ tư tưởng “Lục hòa” trong triết thuyết nhà Phật?
Thời Phật còn tại thế, trong một lần đi khất thực về phương Nam cùng với Tăng Lữ, giữa giờ Thọ trai Ngài nhận thấy có sự bất hòa trong Tăng đoàn nên đã nói pháp Lục hòa để giải tỏa mâu thuẫn trong Tăng chúng. Sáu pháp hòa hợp mà Đức Phật đã dạy đó là:
1) Thân hòa đồng trụ
2) Khẩu hòa vô tránh
3) Ý hòa đồng duyệt
4) Giới hòa đồng tu
5) Kiến hòa đồng giải
6) Lợi hòa đồng quân
Nghe Pháp, Tăng chúng sanh tâm tàm quý, tự thân xả bỏ mọi bất đồng và đã trở thành một Pháp môn không thể thiếu, lợi lạc chẳng những cho giới xuất gia mà còn cho cả những người tu tại gia, cho cả đến quảng đại quần chúng.
Chúng tôi không dám lạm bàn, kiến giải vì Kinh Luật đã nói rõ, vì các bậc Thiền Tăng tôn đức đã giãi bày, vì các vị trí giả đã dày công nghiên cứu nên đã là Phật tử tại gia hay xuất gia ai cũng đều hiểu rõ. Chúng tôi chỉ muốn nói đến việc ứng dụng Pháp môn Lục Hòa trong các khóa tu mà Hòa thượng Thích Thanh Hùng – Trụ trì Tổ đình Phổ Quang (Q. Phú Nhuận) – đã tổ chức liên tục từ 7 năm nay (2009 – 2015) và chắc chắn sẽ còn tiếp tục tồn tại mỗi năm trong mùa An cư kiết hạ, dành riêng cho những cư sĩ Phật tử có tâm hướng xuất gia nhưng vẫn còn gia duyên bận buộc.
Mỗi khóa tu Lục Hòa có thời gian quy định 90 ngày (tương ứng với thời gian của mùa An cư kiết hạ) quy tụ đông đảo các Phật tử thuần thành đủ mọi lứa tuổi, mọi giới tính, mọi thành phần trong xã hội đã phát tâm theo hạnh xuất gia nhưng chưa được cơ duyên thuận lợi. Họ cùng về chung dưới mái chùa ấm cúng để cùng học cùng tu, cùng sinh hoạt trong tinh thần bình đẳng hòa hợp, xả bỏ những vướng víu đua chen giữa cuộc đời thường.
Những chiếc Man Y màu nâu đất được trang nghiêm khoác lên mình những người con Phật trong suốt thời gian khóa tu học và theo quy định khi mãn khóa tu phải xả mạn y mới được về nhà. Những tâm hồn thanh tịnh đồng quy ngưỡng về Pháp môn để lắng nghe những lời thuyết giảng lợi lạc của các bậc tôn túc, dị khẩu đồng âm trong những thời Kinh tụng, hòa hợp trong những giờ thực trai, chỉ tịnh, kiến giải những nhận thức trong hương vị đạo… Họ đang cùng sống, cùng sinh hoạt, cùng nghiêm hành thực hiện giới pháp như là những người đã xuất gia, đó là hình ảnh của các cư sĩ Phật tử rất nên trân trọng trong các khóa tu.
Giữa cuộc sống đời thường, quan điểm “Dĩ hòa vi quý” nhiều khi chỉ có thể ứng dụng thành tựu khi có sự tác động của tha nhân. Tự thân dù biết được, hiểu được nhưng khi lợi ích riêng tư bị xâm hại (cho dù là tinh thần hay vật chất) thì trí trở nên mờ, tâm trở nên loạn… nên người ta dễ dàng bỏ quên, không nghĩ tới. Khi có sự dàn xếp, hòa giải của người ngoài cuộc, họ mới có thể bình tĩnh lại để nhận thức vấn đề. Nhưng cũng do từ dựa vào tác nhân ngoại thuộc nên không phải lúc nào thành quả cũng được như ý muốn. Trong khi đó, Lục Hòa là tự thân tự ý thức không phải vay mượn của ai nên đã thấm sâu vào tư duy của mỗi người do từ sự hiểu biết rốt ráo của Pháp môn nên không thể nảy sinh tư tưởng tị hiềm, câu chấp. Mâu thuẫn không bao giờ có chỗ dừng chân trong Pháp môn này. Người ứng dụng Pháp môn Lục Hòa là người đã hướng về lợi ích tha nhân. Khi tha nhân có được lợi ích thì tự thân cũng đã thừa hưởng được sự lợi ích ấy.
Trà Kim Long (ĐSHĐ-057)